Bài viết của phóng viên báo Minh Huệ ở tỉnh Liêu Ninh, Trung Quốc
[MINH HUỆ 07-05-2021] Nhà tù Nữ Liêu Ninh là nhà tù nữ chính ở tỉnh Liêu Ninh. Nằm ở vùng ngoại ô phía tây bắc của thành phố Thẩm Dương, đây là một trong những nhà tù khét tiếng bậc nhất trên cả nước vì ngược đãi các học viên Pháp Luân Công bị cầm tù, thậm chí một số học viên còn bị tra tấn đến chết.
Pháp Luân Công, còn gọi là Pháp Luân Đại Pháp, là một pháp môn tu luyện cả tâm lẫn thân đã bị chính quyền Cộng sản Trung Quốc bức hại từ năm 1999.
Ngoài việc bị tra tấn và tẩy não, các học viên Pháp Luân Công cũng trở thành lao động cưỡng bức của nhà tù – sản xuất quần áo, hàng dệt may và hàng thủ công để xuất khẩu và tiêu thụ trong nước mà không được trả công.
Sau đây là hai trường hợp gần đây chứng minh cho sự tàn bạo vẫn đang tiếp diễn tại Nhà tù Nữ Liêu Ninh.
Bà Tạ Bảo Phương đã bị kết án 10 năm tù vào năm 2004 và 5 năm tù vào năm 2017. Trong án tù lần này, sự tra tấn đã khiến bà bị liệt và phải ngồi xe lăn. Mặc dù được chẩn đoán mắc bệnh ung thư, nhà tù vẫn không cho bà được nghỉ ngơi, họ vẫn cưỡng ép bà ngồi trên ghế đẩu nhỏ cả ngày dài.
Một học viên khác là bà Khương Vĩ bị kết án tám năm tù vào năm 2004 và bà đã bị bệnh ung thư dạ dày trong thời gian thụ án tù. Vụ bắt giữ mới đây của bà điễn ra vào năm 2015 và bà đã bị kết án 12 năm. Gần đây, ban quản lý nhà tù đã đưa bà vào bệnh viện tâm thần để làm cái gọi là “điều trị tâm thần”.
Bà Tạ bị bệnh ung thư tuyến tụy và đã bị liệt
Bà Tạ Bảo Phương
Bà Tạ, ngoài 60 tuổi, bị bắt giữ nhiều lần vì bà là học viên kiên định và từ chối từ bỏ đức tin của mình. Sau khi cuộc bức hại bắt đầu vào năm 1999, bà đã phải lãnh án lao động cưỡng bức hai năm, lãnh án tù 10 năm vào năm 2004 và lãnh án tù 5 năm vào năm 2017. Bà từng phải rời khỏi nhà để tránh sự sách nhiễu liên tục của cảnh sát.
Từ tháng 11 năm 2017 tới tháng 3 năm 2018, trong khi đang thụ án tại Nhà tù Nữ Liêu Ninh, bà Tạ thường xuyên bị đau bụng dữ dội nhưng ban quản lý nhà tù đã phớt lờ điều đó. Có một lần, các triệu chứng bệnh của bà trở nên rất nghiêm trọng khiến các lính canh phải vội vã đưa bà tới bệnh viện nhà tù. Bác sỹ ở bệnh viện nhà tù đã nhanh chóng đưa bà vào khu chăm sóc tích cực (ICU) của Bệnh viện Thẩm Dương. Bà được chẩn đoán bị bệnh ung thư tuyến tụy.
Bà rơi vào tình trạng hôn mê trong ba tuần ở khu ICU và bệnh viện đã công bố tình trạng nguy kịch và yêu cầu gia đình chi trả hơn 100 nghìn nhân dân tệ. Sau đó bà đã tỉnh lại khiến các bác sỹ rất kinh ngạc, họ tin rằng bà không còn cơ hội để phục hồi.
Trước khi bà xuất viện, Thang Yến, trưởng khu giam giữ đã nói với bà Tạ rằng bà có thể về thẳng nhà nếu bà ký tuyên bố từ bỏ Pháp Luân Công. Bà từ chối tuân thủ và sau đó bị đưa ngay trở lại nhà tù.
Khi đó bà Tạ đã không còn khả năng đi lại và phải ngồi xe lăn. Mặc dù vậy, bà vẫn bị cưỡng ép lao động nặng nhọc vào ban ngày và không được phép nghỉ ngơi vào ban đêm. Bà vẫn phải ngồi trên ghế đẩu nhỏ cho đến giờ đi ngủ. Vào Chủ nhật, bà không được phép ở trên giường và phải ngồi trên ghế đẩu nhỏ cả ngày khiến bà bị đau lưng, đau chân và rách thịt ở mông.
Bà Khương lãnh án tổng cộng 23 năm trong trại lao động và nhà tù
Bà Khương Vĩ
Từng là chủ Khác sạn Lam Thuẫn sang trọng ở tỉnh Liêu Ninh, bà Khương đã có cuộc sống nhiều người mong ước cho đến khi chính quyền Cộng sản Trung Quốc phát động cuộc bức hại Pháp Luân Công vào năm 1999. Bà bắt đầu tu luyện Pháp Luân Công vào năm 1998 và kể từ đó nhiều bệnh của bà, gồm viêm gan, bệnh tim, chứng mất ngủ, đau nửa đầu và các bệnh phụ khoa đều nhanh chóng biến mất.
Tháng 10 năm 1999, khi bà tới Bắc Kinh để lên tiếng cho Pháp Luân Công, cảnh sát đã bắt giữ bà và kết án bà ba năm lao động cưỡng bức. Vào tháng 4 năm 2004, sau hai năm được trả tự do, bà lại bị bắt giữ một lần nữa và bị kết án tám năm tù. Vụ bắt giữ gần đây nhất của bà diễn ra vào năm 2015 và bà bị kết án 12 năm tù.
Nhiều năm cầm tù phi pháp đã gây tổn hại tới hôn nhân của bà và tổn thất hàng chục triệu nhân dân tệ từ việc kinh doanh và tài sản của bà. Sự tra tấn mà bà đã phải chịu đựng và những loại thuốc không rõ nguồn gốc mà bà bị tiêm trong bệnh viện tâm tần cuối cùng đã khiến bà trở nên tiều tụy và bà được chẩn đoán mắc bệnh ung thư dạ dày.
Bị tiêm thuốc không rõ nguồn gốc trong bệnh viện tâm thần và bị mất trí nhớ
Vào tháng 10 năm 1999, trong khi bị giam giữ tại Trại Lao động cưỡng bức Mã Tam Gia, lính canh đã sử dụng dùi cui điện để sốc điện vào những vùng nhạy cảm trên cơ thể bà. Bà phải lao động không công 17 giờ mỗi ngày và thường xuyên bị đánh đập đến khi bà bị ngất xỉu. Bà còn bị biệt giam, bức thực và bị kéo căng ra trong thư thế uốn người đến khi bà không còn khả năng vận động.
Vào tháng 11 năm 2001, khi cận kề cái chết, bà Khương được chuyển tới Bệnh viên Tâm thần Cốc Gia Tử ở thành phố Thẩm Dương và bị tiêm thuốc gây tổn hại hệ thần kinh trung ương và khiến bà mất trí nhớ.
Sau đó, bà còn được truyền tĩnh mạch sáu lọ thuốc không rõ nguồn gốc, cho uống ba liều thuốc không rõ nguồn gốc và tiêm các loại thuốc khác trong hai ngày cho đến khi bà bất động không có phản xạ.
Nhân viên bệnh viên trói bà lại và sốc điện cao áp lên đầu và chân tay của bà. Bà hét lên không ngừng cho đến khi một y tá dừng việc sốc điện khi thấy bà đang hấp hối. Bà đã phải chịu đựng 29 ngày trong bệnh viện tâm thần và điều đó gần như đã giết chết bà.
Không muốn bà chết trong nhà giam của họ, ban quản lý trại lao động đã tống tiền gia đình bà 10.000 nhân dân tệ và sau đó cho bà được bảo lãnh tại ngoại để điều trị y tế vào năm 2002.
Nôn mửa và ung thư dạ dày
Ngày 2 tháng 4 năm 2004, bà Khương bị bắt giữ một lần nữa và bị kết án 8 năm tù giam.
Bà bị bức thực bằng nước muối đậm đặc trong năm tháng ở trại tạm giam, sau đó bà bị chuyển tới Nhà tù Nữ Liêu Ninh vào tháng 9 năm 2004. Lính canh đã đánh đập bà, dẫm lên ngực bà và làm phổi của bà tổn thương.
Bà Khương bị nhốt trong một buồng giam nhỏ trong nửa năm. Cái lạnh và đói đã khiến bà bị nôn hàng ngày và cuối cùng bà đã bị ung thư dạ dày.
Ngày 27 tháng 6 năm 2012, bà được trả tự do, nhưng chỉ 3,5 năm sau bà lại bị bắt giữ vì đòi công lý cho tất cả những sự tra tấn mà bà phải chịu đựng trong cuộc bức hại.
Gầy yếu cùng với chứng phù nề nghiêm trọng và được đưa tới bệnh viện tâm thần vội vã một cách bất thường
Tháng 6 năm 2015, bà Khương đệ đơn kiện hình sự Giang Trạch Dân, cựu lãnh đạo Trung Quốc, kẻ đã phát động cuộc bức hại Pháp Luân Công và sau đó bà bị bắt giữ vào tháng 11 cùng năm.
Bà Khương viết trong đơn khiếu nại: “Bởi cuộc bức hại mà tôi đã mất tự do và gia đình của mình. Tôi không được phép làm một người con, một người vợ hay một người mẹ. Nỗi đau và sự buồn tủi khi phải chia cách gia đình là không thể tưởng tượng. Là một học viên Pháp Luân Công, tôi đã vượt lên rất nhiều nỗi thống khổ để chuyển lá đơn này tới tận tay mỗi thẩm phán và công tố viên. Tôi hy vọng các vị hãy sử dụng thẩm quyền được trao của mình để lấy lại chính nghĩa.”
Bà Khương vẫn bị giam giữ trong trại tạm giam sau vụ bắt giữ và bà đã tuyệt thực để phản đối bức hại. Lính canh còng tay bà vào một tấm phản và bức thực bà bốn lần một ngày.
Ngày 21 tháng 3 năm 2016, thẩm phán tại Tòa án quận Song Tháp đã kết án bà 12 năm tù. Ngày 23 tháng 10, bà bị đưa tới Nhà tù Nữ Liêu Ninh.
Lính canh thường xuyên phạt bà Khương và cưỡng ép bà đứng yên trong khoảng thời gian dài. Lính canh nhiều lần xúi giục các tù nhân khác nguyền rủa, đánh đập và ngược đãi bà. Khi bà yêu cầu được nói chuyện với một quản lý, trưởng khu giam tên là Tống Hồng Ngọc đã từ chối yêu cầu của bà. Tống hét vào mặt bà và yêu cầu chuyển bà tới phòng biệt giam vì bà có “thái độ không tốt”.
Vào tháng 7 năm 2018, bà Khương bị đưa vào phòng biệt giam. Khoảng trống trong phòng rất nhỏ khiến bà không thể đứng thẳng người. Bà buộc phải ăn, ngủ và đi vệ sinh trong khoảng trống nhỏ hẹp đó. Trời rất nóng và ngột ngạt, ruồi muỗi và côn trùng có ở khắp nơi. Sau đó bà bắt đầu bị nôn không kiểm soát và bị phù nề toàn thân. 15 ngày sau, họ vội vã đưa bà tới bệnh viện.
Ngày 30 tháng 7, các con gái tới thăm bà và ngay lập tức các cháu đã bật khóc khi trước mặt các cháu là người phụ nữ tiều tụy và bị phù nề nghiêm trọng. Da của bà đầy những vết côn trùng cắn. Một lính canh đe dọa sẽ đưa bà vào khu điều trị tâm thần với mong muốn các con bà thuyết phục bà từ bỏ Pháp Luân Công.
Tháng 4 năm 2019, bà Khương bị chuyển tới “khu huấn luyện tăng cường” chuyên để tra tấn các học viên Pháp Luân Công. Bà thường xuyên bị đánh đập và không được cung cấp đồ ăn.
Để buộc bà từ bỏ đức tin của mình, lính canh đã cho phép các tù nhân nắm chân bà, kéo bà xuống cầu thang và xịt nước ớt vào người bà. Sau đó, bà bị chuyển tới khu Số 12, các học viên ở đây không được phép tắm giặt, bị cấm sử dụng nhà về sinh và cấm nói chuyện với nhau. Các tù nhân vây quanh một học viên và thay phiên nhau phỉ báng Pháp Luân Công và Nhà sáng lập Pháp Luân Công. Các tù nhân còn đưa học viên tới nơi không có camera giám sát và đánh đập họ trong nhiều giờ.
Lính canh từ chối yêu cầu gọi điện thoại và gia đình thăm hỏi của bà Khương. Hai tù nhân giám sát bà cả ngày lẫn đêm. Bà không được phép tới nơi mà không có sự cho phép hay nói chuyện to tiếng.
Bài liên quan:
Một phụ nữ Liêu Ninh bị cầm tù đang trong tình trang nguy kịch và bị từ chối điều trị y tế
Sau 11 năm bị giam cầm, một phụ nữ tiếp tục bị kết án 12 năm vì đệ đơn kiện Giang Trạch Dân
Nhà tù Nữ Liêu Ninh: Nơi tra tấn và giết hại các học viên Pháp Luân Công
Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên Minghui.org đều thuộc bản quyền của trang Minh Huệ. Khi sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, vui lòng ghi lại tiêu đề gốc và đường link URL, cũng như dẫn nguồn Minghui.org
Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2021/5/7/424306.html
Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2021/5/23/193286.html
Đăng ngày 05-06-2021; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.