Bài viết của phóng viên báo Minh Huệ ở tỉnh Hà Bắc, Trung Quốc
[MINH HUỆ 26-06-2022] Sáu cư dân huyện Lễ, tỉnh Hà Bắc đã bị bắt trong khi cùng nhau đọc sách của Pháp Luân Công. Họ đều bị thẩm vấn và sau đó đã được bảo lãnh tại ngoại.
Pháp Luân Công, còn gọi là Pháp Luân Đại Pháp, là một pháp môn tu luyện cả tâm lẫn thân đã bị chính quyền cộng sản Trung Quốc bức hại từ năm 1999.
Khoảng 9 giờ tối ngày 15 tháng 5 năm 2022, khi bà Thôi Thụ Mỹ (72 tuổi), bà Vương Nguyệt Mẫn, ông Tề Lộ Hân, bà Tào Hồng Mai và bà Liêu Hiểu Yến đang đọc sách Chuyển Pháp Luân (cuốn sách chính của Pháp Luân Công) tại nhà bà Lý Hạ Hà thì cảnh sát đột nhập vào.
Đội trưởng Vương Huy của Đội An ninh Nội địa huyện Lễ cùng với Tề Lệ Cẩm của Đồn Công an Thành Quan đứng chặn tại cửa ra vào. Ở sân trước, các cảnh sát có vũ trang đứng thành hai hàng, mỗi người cách nhau khoảng hơn 1 mét, dọc theo con đường chính, nơi có vài chiếc ô tô đang đậu và còn có nhiều cảnh sát đang ngồi trong xe.
Khi Vương hỏi các học viên đang làm gì, bà Lý (ngoài 60 tuổi) trả lời: “Chúng tôi đang đọc sách”.
Khi Vương giơ thẻ cảnh sát ra, bà Lý hỏi: “Các anh xông vào nhà tôi làm gì?”
“Đang lúc dịch bệnh, các vị tụ tập như này là phạm pháp”. Sau đó Vương ra lệnh cho các học viên đi bộ đến chỗ xe cảnh sát đang đậu, còn các cảnh sát mặc thường phục khác khám xét và tịch thu nhiều tài sản cá nhân của bà Lý.
Dù không có lệnh bắt giữ, nhưng cảnh sát đã bắt cả sáu học viên và đưa họ tới phòng thẩm vấn nừm trong tầng hầm của Đội An ninh Nội địa huyện Lễ. Các học viên đều bị thẩm vấn trước khi được bảo lãnh tại ngoại.
Dưới đây là chi tiết về quá trình thẩm vấn mỗi học viên.
Bà Lý Hạ Hà
Ở trong tòa nhà văn phòng của Đội An ninh Nội địa, bà Lý bị đưa vào phòng vệ sinh để khám xét. Đầu tiên, hai cảnh sát họ Lý và họ Tần tra hỏi bà, họ ra lệnh cho bà ngồi lên một chiếc ghế kim loại. Bởi bà khẳng định mình không vi phạm bất kỳ luật nào và từ chối tuân thủ, nên họ đe dọa sẽ đánh bà.
Sau đó ba cảnh sát khác đến thẩm vấn bà Lý. Họ nói rằng đã tịch thu một lượng lớn tài liệu liên quan đến Pháp Luân Công từ nhà của bà, đủ để kết án bà 7-8 năm tù. Họ cũng nói chừng nào bà còn sống ở Trung Quốc dưới sự cai trị của Đảng Cộng sản, thì việc tu luyện Pháp Luân Công là bất hợp pháp. Một cảnh sát đã cố gắng lừa bà Lý cung cấp thông tin về các học viên khác bằng cách nói rằng những người khác đã đưa ra lời chứng chống lại bà.
Cảnh sát thẩm vấn bà Lý từ 1 giờ chiều đến 11 giờ đêm ngày 16 tháng 5 mà không cho bà nghỉ giải lao. Họ cũng ghi hình bà và ghi âm giọng nói của bà, trước khi thả bà ra.
Ba ngày sau khi được thả, bà Lý bị Lưu Lệ, phó trưởng Đội An ninh Nội địa triệu tập để cố gắng quét võng mạc, lấy dấu chân, mẫu giọng nói và mẫu máu của bà. Bởi bà kiên quyết không đồng ý nên cuối cùng cảnh sát cũng thỏa hiệp và để bà về nhà.
Bà Thôi Thụ Mỹ
Hai cảnh sát tra hỏi bà Thôi, yêu cầu bà nói ra danh tính và nơi ở của bà dù họ đã có thông tin. Khi bà từ chối trả lời, họ đe dọa sẽ kết án bà 7 năm tù và con dâu bà 3 năm tù nếu bà không hợp tác.
Cảnh sát yêu cầu bà Thôi ký tên vào tờ thông báo tạm giam, nhưng bà từ chối. Một lúc sau, cảnh sát để bà về nhà.
Bà Vương Nguyệt Mẫn
Trong khi thẩm vấn bà Vương, hai cảnh sát hỏi bà: “Bà có biết Pháp Luân Công là tà giáo không?”
Bà Vương đáp: “Pháp Luân Công không phải là tà giáo. Trong danh sách 14 tà giáo do Bộ Công an xác định không có Pháp Luân Công. Giang Trạch Dân (cựu lãnh đạo ĐCSTQ, thủ phạm phát động cuộc bức hại) gọi Pháp Luân Công là tà giáo, nhưng lời của ông ta không phải là luật“.
Họ hỏi: “Bà đến nhà đó để đọc sách Pháp Luân Công với những người khác vào lúc nào? Có bao nhiêu người ở đó? Chủ nhà tên là gì? Bà có biết sách Pháp Luân Công là bất hợp pháp không?” Bà Vương từ chối trả lời.
Sau đó bà Vương nói với họ: “Sách của Pháp Luân Công không vi phạm pháp luật. Tổng cục Quản lý Báo chí và Xuất bản Trung Quốc đã dỡ bỏ lệnh cấm các ấn phẩm của Pháp Luân Công vào năm 2011. Việc sở hữu và đọc cuốn sách đó là hoàn toàn hợp pháp. Liễu Bân Kiệt, Giám độc Tổng cục Xuất bản Trung Quốc, đã ban hành thông báo. Các anh có thể tự mình tra cứu”.
Sau đó cảnh sát hỏi: “Số điện thoại nhà của bà là gì? Bà có mấy người con?” Bà Vương vẫn từ chối trả lời.
Khi họ hỏi bà đã tu luyện Pháp Luân Công được bao lâu, bà nói: “Tôi bắt đầu học vào năm 1997. Tôi đã từng mắc rất nhiều bệnh, nhưng sau khi tu luyện Pháp Luân Công, ngay đến cảm mạo tôi cũng chưa từng bị”.
Ngày hôm sau, phó đội trưởng Lưu Lệ của Đội An ninh Nội địa đã lệnh cho cảnh sát thu thập mẫu máu của bà Vương. Bà không để họ đạt được mục đích.
Lưu nói với bà: “Ai ở đây cũng phải làm điều đó“.
“Tôi không làm gì sai cả. Nếu tôi hợp tác với các anh, để cho các anh bức hại tôi, thì là tôi đang hại các anh”.
Lưu ra lệnh cho hai thanh niên giữ chặt tay bà Vương, còn Lưu giữ chân bà. Mặc dù không thu thập được mẫu máu của bà, nhưng hai cảnh sát đó đã khiến cánh tay của bà Vương tím đen.
Tiếp đó, cảnh sát đưa cho bà Vương một tờ giấy, nói về việc giam giữ bà 7 ngày. Bà từ chối ký tên, sau đó cảnh sát đã nhanh chóng thả bà.
Ông Tề Lộ Tân
Khi ông Tề hỏi tên và chức danh của hai cảnh sát thẩm vấn mình, họ nói rằng họ không thể nói và chỉ tiết lộ cho ông biết số hiệu cảnh sát của họ. Sau đó ông Tề hỏi cảnh sát tại sao họ lại bắt ông.
“Đã quá muộn để hỏi câu này rồi. Bây giờ là chúng tôi đang thẩm vấn ông. Chúng tôi hỏi gì ông đáp nấy. Bây giờ ông là nghi phạm.”
Ông Tề nói: “Tôi không vi phạm bất kỳ luật nào”.
Cảnh sát nói: “Đảng Cộng sản Trung Quốc không cho phép người dân luyện Pháp Luân Công và đã xác định rằng Pháp Luân Công là một tà giáo. Ông luyện nó thì tức là đang vi phạm pháp luật”.
Ông Tề bác bỏ: “Tổng cục Quản lý Báo chí và Xuất bản Trung Quốc đã dỡ bỏ lệnh cấm đối với các sách Pháp Luân Công vào năm 2011. Chưa có luật nào coi Pháp Luân Công là phạm pháp hoặc gán nhãn pháp môn này là tà giáo. Các anh nói rằng tôi luyện Pháp Luân Công là vi phạm pháp luật, vậy cơ sở pháp lý của các anh là gì?”
Ngày 17 tháng 5, vài cảnh sát đã giữ ông Tề trên một chiếc ghế kim loại. Họ đá và chửi rủa ông. Ông phải ngồi trên chiếc ghế đó trong nửa giờ và sau đó được thả ra.
Bà Tào Hồng Mai
Một nữ cảnh sát khám người bà Cao ở trong phòng vệ sinh. Cảnh sát hỏi tên bà, gia đình bà có bao nhiêu thành viên, bà học Pháp Luân Công như thế nào, tại sao bà luyện Pháp Luân Công, và bà liên lạc với những học viên nào.
Bà Tào đáp: “Tôi tu luyện Pháp Luân Công và chiểu theo tiêu chuẩn Chân-Thiện- Nhẫn làm người tốt. Gặp chuyện thì tôi cố gắng nghĩ cho người khác và đo lường mọi thứ dựa trên tiêu chuẩn của pháp môn”.
Họ hỏi bà: “Các bà đang phản Đảng Cộng sản phải không?”
Bà Tào trả lời: “Các học viên chúng tôi không tham gia chính trị”.
Cảnh sát lại hỏi: “Các bà nói với mọi người Pháp Luân Công là tốt phải không?”
Bà Tào đáp: “Nhiều người được thụ ích nhờ niệm chín chữ chân ngôn ‘Pháp Luân Đại Pháp hảo, Chân Thiện Nhẫn hảo’, và tôi sẽ tiếp tục nói điều này với những người khác nữa”.
Cảnh sát đưa cho bà Tào một chiếc đồng hồ và yêu cầu bà đeo nó. Bà phát hiện chiếc đồng hồ này đang liên kết và gửi dữ liệu tới máy tính, cũng như đang quay video cho bà.
Đến ngày thứ ba, cảnh sát ra lệnh cho bà ký tên vào một mẫu biểu, nhưng bà từ chối. Sau đó cảnh sát để bà về nhà sau khi ghi hình bà.
Bà Liêu Hiểu Yến
Cảnh sát đã thu thập sinh trắc học của bà Liêu, bao gồm mẫu máu, dấu tay, dấu chân, giọng nói và quét mắt của bà.
Thông tin liên lạc của các thủ phạm tham gia bức hại:
Vương Huy (王辉), đội trưởng của Đội An ninh Nội địa huyện Lễ: +86-13932203392
Lưu Lệ (刘丽), phó đội trưởng của Đội An ninh Nội địa huyện Lễ: +86-15103127613, +86-13700320026
Mọi nội dung đăng trên trang web này thuộc bản quyền của Minghui.org. Minh Huệ sẽ biên soạn các nội dung trên trang web và xuất bản theo định kỳ hoặc vào những dịp đặc biệt.
Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2022/6/26/445437.html
Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2022/7/1/202046.html
Đăng ngày 26-08-2022; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.