Bài viết của một học viên Pháp Luân Đại Pháp tại Trung Quốc

MINH HUỆ 30-04-2022] Tôi thường nhận ra rằng nếu con hay chồng tôi mắc lỗi thì chắc chắn có chuyện xảy ra. Tuy nhiên, là người tu luyện chúng ta biết rằng mọi việc xảy ra đều có nguyên nhân. Do vậy, nếu tôi không hướng nội, tôi có thể bị mắc ở một tầng mà không đề cao lên được. Mỗi khổ nạn chính là một cơ hội tu luyện. Con gái tôi đã thi trượt đại học. Cháu đòi thi lại. Tôi tôn trọng mong muốn của cháu và động viên cháu tiếp tục học ôn. Cháu chuyển từ việc đến trường sang ở nhà và học trực tuyến. Không có thời khóa biểu của lớp thúc ép, cháu ngủ dậy lúc nào cháu muốn. Lúc đầu tôi đánh thức cháu dậy hàng ngày trước khi tôi đi làm, nhưng tôi không biết cháu làm gì trong suốt cả ngày. Do phong tỏa vì đại dịch, tôi phải ở nhà. Thấy cháu ngày một chểnh mảng, tôi băn khoăn có nên khích lệ cháu nhiều hơn không. Vì vậy tôi tiếp tục đánh thức cháu hàng ngày. Mặc dù cháu có đáp lại, nhưng cháu vẫn không dậy và sau vài lần tôi thôi không đánh thức cháu nữa. Cháu dậy tầm 9 hay 10 giờ sáng, ăn sáng, nhưng không làm gì cho đến tận trưa.

Tình trạng này sao có thế so với việc học với cường độ cao trong năm thứ ba ở trường trung học của cháu đây? Tôi đã nói chuyện với cháu nhưng cháu không nghe. Cuối cùng tôi bảo cháu, “Từ giờ mẹ sẽ không gọi con dậy nữa. Con tự lo đi.” Trong tâm tôi rất bực. Tôi không gọi cháu dậy nữa nhưng cháu vẫn cứ dậy vào thời gian như trước. Tôi tự hỏi mình nên làm gì với cháu đây.

Một hôm, khi tôi giao bài tập về nhà cho học sinh của mình, phụ huynh của một học sinh hỏi liệu con cô ấy có thể nộp bài tập về nhà muộn hơn không. Cô ấy giải thích rằng cô ấy dự định phạt con mình vào tối đó, và cô ấy sẽ đợi cho đến khi cháu làm xong bài tập về nhà. Tôi cười lớn mà nói, “Đừng đét đít cháu mạnh quá nhé!” Sau đó tôi nghĩ về việc làm thế nào để khép con gái tôi vào kỷ luật. Ngày hôm sau tôi nhẹ nhàng nói với cháu nhiều lý do vì sao cháu cần phải tự ước thúc bản thân. Cháu đã đồng ý rằng chểnh mảng như thế là không được.

Tuy nhiên, đến ngày thứ ba cháu lại hành xử y như trước. Không có gì thay đổi. Tôi nghĩ: Mình nhất định là sai rồi. Tôi cần phải phóng hạ chấp trước của mình vào con gái. Tôi không được chấp vào việc cháu phải vào được đại học, học hành chăm chỉ, và làm cái này hay làm cái kia. Số mệnh của cháu đã được an bài trước khi cháu được sinh ra. Vì cháu là một học viên nên Sư phụ đã an bài cho cháu. Tôi không cần lo lắng về tương lai của cháu. Trong tâm tôi không nên có khái niệm rằng “con gái mình phải như thế nào.” Chúng chẳng phải đều là các chấp trước của con người sao?

Tôi không còn nghĩ về việc con tôi nên dậy vào lúc nào, nên học khi nào, và giờ nào thì nên làm việc gì nữa. Tôi chỉ thỉnh thoảng chia sẻ với cháu về một số pháp lý mà tôi ngộ từ Pháp, và kể về việc tu luyện của chính mình.

Dần dần, con gái tôi đã thay đổi. Một hôm, cháu đột nhiên thức dậy lúc 7 giờ sáng, và cháu nói với tôi là cháu muốn luyện tĩnh công. Tôi ngạc nhiên nhưng không nói gì nhiều. Tôi coi như đó là bình thường, vì nó nên là như vậy. Ngày hôm sau, cháu lại dậy sớm và luyện tĩnh công. Vào ngày thứ ba, cháu thức dậy trước 7 giờ sáng và tự luyện công.

Tôi chợt nhận ra: “Ồ, con bé bắt đầu thay đổi sau khi mình phóng hạ chấp trước của mình vào nó.” Thực ra, cháu đang đi theo con đường mà Sư phụ an bài. Chính là chấp trước của tôi đã can nhiễu cháu và khiến trạng thái của cháu có vẻ không chính. Thay vì hướng nội, tôi đã nghĩ đó là lỗi của cháu. Tôi thậm chí còn nghĩ đến việc giáo dục cháu ra sao, làm thế nào để thay đổi cháu. Giờ thì tôi đã hoàn toàn minh bạch. Chính tôi mới là người cần phải loại bỏ các chấp trước của mình, thay cho việc cứ dùi vào việc con mình nên hành xử như thế nào.

Tôi từng luôn nghĩ về việc giáo dục con trẻ bằng quan niệm của con người. Là người tu luyện, chúng ta cần xem xét sự việc từ một tầng cao hơn. Chúng ta là học viên, do vậy chúng ta chỉ tập trung vào việc tu luyên tâm tính của mình. Mọi thứ đều vận động theo sự an bài của Sư phụ. Chúng ta không cần phải can thiệp vào, không cần thay đổi người khác, chỉ tập trung tu luyện chính bản thân mình.

Đúng như Sư phụ đã giảng:

“Kỳ thực bản thân tu luyện không hề khó, buông bỏ tâm người thường, buông bỏ chấp trước của con người mới là khó nhất.” (“Giảng Pháp tại Lễ thành lập Phật học hội Singapore”, Giảng Pháp tại các nơi I)

Chúng ta sống trong thế giới con người. Những hoàn cảnh phát sinh là để giúp chúng ta đề cao tâm tính. Khi chúng ta đề cao tâm tính của mình, chúng ta cũng là đang cứu người một cách từ bi. Do đó, khi gặp phải các vấn đề và các rắc rối, điều đầu tiên chúng ta nên nghĩ đến là làm thế nào để loại bỏ các chấp trước và truy cầu mà đề cao tâm tính của mình hơn là tìm cách thay đổi người khác.

Đây là thể ngộ cá nhân của tôi về việc tu luyện. Nếu có điều gì không ở trong Pháp, xin hãy chính lại giúp tôi.

Bài viết chỉ thể hiện quan điểm hoặc nhận thức của tác giả. Mọi nội dung đăng trên trang web này thuộc bản quyền của Minghui.org. Minh Huệ sẽ biên soạn các nội dung trên trang web và xuất bản theo định kỳ hoặc vào những dịp đặc biệt.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2022/4/30/441352.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2022/7/3/202069.html

Đăng ngày 26-08-2022; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share