Bài viết của Anh Tử, phóng viên Minh Huệ
[MINH HUỆ 24-07-2022] Liên minh Nghị viện về Trung Quốc (IPAC) đang kêu gọi chính phủ các nước phương Tây “đứng lên và lên tiếng chấm dứt” cuộc đàn áp kéo dài 23 năm đối với Pháp Luân Công, đồng thời đề cao “nhân quyền và tự do tôn giáo của tất cả mọi người thuộc các dân tộc ở Trung Quốc.”
Trong một tuyên bố ngày 20 tháng 7, IPAC nêu rõ, “Hôm nay đánh dấu kỷ niệm ngày chính phủ Trung Quốc bắt đầu chiến dịch bức hại tàn bạo đối với các học viên Pháp Luân Công. 23 năm sau, chúng tôi nhớ đến tất cả những người ở Trung Quốc đã bị tước đoạt quyền tự do tín ngưỡng của họ”.
IPAC là một tổ chức nghị viện của các quốc gia dân chủ được thành lập vào tháng 6 năm 2020 để kiềm chế ảnh hưởng toàn trị của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) trên thế giới. Liên minh hiện có 21 nghị viện từ 20 quốc gia và nghị viện châu Âu trên khắp năm châu lục, và hơn 200 thành viên là các quan chức chính phủ cấp cao từ 20 quốc gia tham gia.
IPAC ghi nhận rằng trong hơn hai thập kỷ qua, có hàng trăm nghìn học viên Pháp Luân Công bị cầm tù đã phải chịu đựng “những hình thức tra tấn tàn khốc nhất và theo những báo cáo đáng tin cậy, nạn cưỡng bức thu hoạch nội tạng do nhà nước bảo trợ, vẫn đang diễn ra phổ biến.”
Liên minh khen ngợi “lòng dũng cảm của tất cả những người đã đứng lên chống lại cuộc bức hại của chính phủ Trung Quốc đối với các nhóm tôn giáo và dân tộc ở Trung Quốc, bao gồm các Phật tử Tây Tạng, Cơ đốc nhân và người Duy Ngô Nhĩ và các nhóm người Thổ Nhĩ Kỳ theo đạo Hồi khác”.
Liên minh cũng ghi nhận hai luật sư nhân quyền Cao Trí Thịnh và Thường Vệ Bình đã bị cầm tù vì bảo vệ các Cơ đốc nhân và học viên Pháp Luân Công, cũng như lãnh đạo nhà thờ tại gia, mục sư Vương Di, đã bị kết án 9 năm tù vào tháng 12 năm 2019.
Ngoài IPAC, nhiều quan chức đắc cử ở Canada, Hoa Kỳ và Vương quốc Anh cũng lên tiếng bảo vệ các học viên và lên án cuộc bức hại.
Nghị sỹ Canada: Quốc hội sẽ làm nhiều hơn nữa để bảo vệ các học viên Pháp Luân Công
Ngày 19 tháng 7 năm 2022, 40 Nghị sỹ Canada từ các đảng phái chính trị đã gửi một bức thu chung tới Thủ tướng Trudeau và Bộ trưởng Bộ Ngoại giao, thúc giục chính phủ liên bang “nêu rõ Pháp Luân Công trong Khung chính sách về Trung Quốc của Canada (trong khi các nhóm bị bức hại khác đã được đề cập), lên án việc ĐCSTQ vẫn tiếp tục tấn công nhóm người có đức tin hòa bình này, và kêu gọi chấm dứt cuộc bức hại ở Trung Quốc”.
Là một thành viên của IPAC, đồng thời là đồng chủ tịch của Hội Những người bạn Nghị viên của Pháp Luân Công, nghị sỹ Garnett Genuis cho biết ông rất vui khi thấy các quan chức hành động để bảo vệ nhân quyền và tự do tôn giáo ở Trung Quốc. Lên tiếng bảo vệ những quyền cơ bản này là điều cần thiết trong một xã hội dân chủ tự do như Canada.
Nghị sỹ Garnett Genuis phát biểu trong lễ kỷ niệm 30 năm hồng truyền Pháp Luân Công
Nghị sỹ Genuis cũng là người bảo trợ cho dự luật S-223 về việc cấm thu hoạch nội tạng sống từ các học viên Pháp Luân Công. Ông cho biết sau 15 năm nỗ lực, cuối cùng dự luật đã nhận được sự nhất trí ủng hộ trong quốc hội vừa qua, và “Đây là một dấu hiệu đáng khích lệ khác cho thấy quốc hội đã sẵn sàng làm nhiều hơn nữa để bảo vệ các học viên Pháp Luân Công. Chúng tôi thấy rằng ĐCSTQ đã không có bất kỳ động thái thiết thực nào để giải quyết các vi phạm nhân quyền. Các nghị sỹ ở khắp nơi nhất định phải củng cố quyết tâm của chúng ta và tiếp tục thúc đẩy chính phủ Canada làm điều đúng đắn.”
Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ: Việc ngược đãi, cầm tù và tra tấn các học viên phải chấm dứt
Ngày 20 tháng 7 năm 2022, Văn phòng Tự do Tôn giáo Quốc tế thuộc Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã tweet, “23 năm trước, Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa bắt đầu cuộc bức hại tàn bạo đối với môn tu luyện Pháp Luân Công, các học viên, và những người ủng hộ và bảo vệ nhân quyền. Việc ngược đãi, bỏ tù và tra tấn các học viên ôn hòa là không thể chấp nhận được và phải chấm dứt”.
Ông Rashad Hussain, Đại sứ Lưu động Hoa Kỳ về Tự do Tôn giáo Quốc tế, đã nhắc lại trong một tweet khác, “Tôi sát cánh với cộng đồng Pháp Luân Công. Ngày hôm qua ghi dấu năm thứ 23 của cuộc bức hại, dưới bàn tay của chính quyền CHND Trung Hoa, hàng ngàn người đã bị tra tấn, sách nhiễu, bỏ tù và buộc phải từ bỏ đức tin của họ. Chiến dịch bất công này phải kết thúc.”
Ngày 21 tháng 7, hơn 2.000 học viên Pháp Luân đã tập trung tại Công viên National Mall ở Washington, D.C. để tổ chức mít-tinh, sau đó là cuộc diễu hành để kêu gọi chấm dứt cuộc bức hại.
Trước sự kiện này, 15 Thượng nghị sỹ và Hạ nghị sỹ Hoa Kỳ đã gửi thư hoặc tin nhắn video đến Hiệp hội Pháp Luân Đại Pháp, để bày tỏ tình đoàn kết của họ với Pháp Luân Đại Pháp, đồng thời lên án cuộc bức hại và nạn thu hoạch nội tạng từ các học viên khi họ vẫn còn sống.
Hạ nghị sỹ Gus Bilirakis từ Florida, một trong những người đồng bảo trợ cho Đạo luật Bảo vệ Pháp Luân Công H.R.6319, cho biết trong một video, “Hàng triệu người tập Pháp Luân Công ở Trung Quốc đã bị cầm tù, tra tấn, hoặc giết hại. Nếu chúng ta vẫn im lặng trước những vi phạm này, chúng ta đã bỏ qua trách nhiệm đạo đức và làm như thế sẽ gây nguy hiểm cho xã hội dân sự.”
Nghị quyết H.R.6319 được đề xuất bởi Hạ nghị sỹ Scott Perry vào tháng 12 năm 2021. Nếu được thông qua, những thủ phạm “cố ý gây ra, đồng lõa, hoặc trực tiếp hay gián tiếp tham gia vào việc thu hoạch nội tạng không tự nguyện ở Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa” sẽ phải đối mặt với các biện pháp trừng phạt.
Hạ nghị sỹ Bilirakis cho biết, “Chúng ta phải tiếp tục buộc ĐCSTQ phải chịu trách nhiệm về những hành vi sai trái của mình, và giữ lập trường vững chắc để thể hiện rằng cộng đồng quốc tế sẽ không dung thứ cho hành vi sai trái của ĐCSTQ.”
Thêm nhiều quan chức lên tiếng ủng hộ các học viên Pháp Luân Công và lên án cuộc bức hại
Tại Vương quốc Anh, 14 thành viên trong lưỡng viện của Quốc hội cũng đã đưa ra các tuyên bố để bày tỏ sự ủng hộ đối với các học viên Pháp Luân Công và lên án mạnh mẽ cuộc bức hại kéo dài 23 năm của ĐCSTQ.
Nữ nam tước Cox tuyên bố trong thông điệp của bà, “Đảng Cộng sản giết những công dân ôn hòa, những người chỉ muốn sống theo nguyên tắc Chân-Thiện- Nhẫn. Đó là hành vi độc tài, tất cả những người tốt và chính phủ cần phải đứng lên bảo vệ phía Pháp Luân Công hôm nay và mỗi ngày cho đến khi nạn giết chóc này chấm dứt ở Trung Quốc”.
Bà Trần Tiêu Hoa, một nhà lập pháp ở Đài Loan, ca ngợi nỗ lực của các học viên trong việc chấm dứt cuộc bức hại và kêu gọi ĐCSTQ ngay lập tức chấm dứt hành vi cưỡng bức thu hoạch nội tạng tàn bạo.
Khi các học viên Pháp Luân Công tại Ireland tổ chức mít-tinh và diễu hành, lần lượt vào ngày 14 và 16 tháng 7, 16 quan chức đắc cử, trong cả chính quyền liên bang và địa phương, đã đưa ra tuyên bố hoặc ký tên vào bản kiến nghị để ủng hộ các học viên.
Ông Takashi Nagao, cựu Phó Chánh Văn phòng Nội các Chính phủ Nhật Bản, lưu ý rằng cuộc bức hại kéo dài 23 năm là điều mà tất cả người Nhật và tất cả người dân trên thế giới phải đối phó và ghi nhớ. Ông kêu gọi công chúng lên tiếng bảo vệ các học viên Pháp Luân Công và ủng hộ họ. “Đó là ánh sáng của hy vọng. Chúng ta hãy kiên trì đến cùng mà không bỏ cuộc”.
Bài viết chỉ thể hiện quan điểm hoặc nhận thức của tác giả. Mọi nội dung đăng trên trang web này thuộc bản quyền của Minghui.org. Minh Huệ sẽ biên soạn các nội dung trên trang web và xuất bản theo định kỳ hoặc vào những dịp đặc biệt.
Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2022/7/24/446711.html
Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2022/7/26/202462.html
Đăng ngày 28-07-2022; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.