Bài viết của một học viên Pháp Luân Công tại Thụy Sỹ

[MINH HUỆ 24-07-2022] Ngày 14 tháng 7 năm 2022, các học viên Pháp Luân Công đã tổ chức mít-tinh ôn hòa ở bên ngoài trụ sở của Cao ủy Nhân quyền Liên Hợp Quốc tại Geneva, Thụy Sỹ, nhằm kêu gọi cộng đồng quốc tế và chính phủ Thụy Sỹ trợ giúp chấm dứt cuộc bức hại của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đối với môn tu luyện cổ xưa này.

12 thành viên của Hội đồng Liên bang, Hội đồng Bang cũng như Tổ chức Chống Tra tấn của người Cơ Đốc giáo Thụy Sỹ (l’ACAT-Suisse), đã gửi thư bày tỏ sự ủng hộ trước thềm sự kiện này.

1c19b689f58671da7fd195cc51b7291d.jpg

12 quan chức đắc cử Thụy Sỹ gửi thư bày tỏ sự ủng hộ đối với cuộc mít-tinh kêu gọi chấm dứt bức hại của các học viên Pháp Luân Công

ĐCSTQ tiếp tục thu hoạch nội tạng từ các học viên Pháp Luân Công

456054b9f90da99eeb15336532e19cc7.jpg

Ông Carlo Sommaruga (trái), Ủy viên Hội đồng Nhà nước và ông Christian Dandrès (phải), Ủy viên Hội đồng Quốc gia

Ông Carlo Sommaruga, Ủy viên Hội đồng Nhà nước, viết trong thư: “Tôi tin rằng hành động để bảo vệ tự do ngôn luận và tín ngưỡng ở Trung Quốc là rất quan trọng. Chúng ta cũng cần chống lại những thủ đoạn đàn áp và đê hèn của chính quyền cộng sản Trung Quốc đối với Pháp Luân Công và các nhóm dân tộc, tôn giáo, văn hóa khác.”

Ủy viên Hội đồng Quốc gia Christian Dandrès hưởng ứng: “Chính quyền cộng sản Trung Quốc đã đàn áp thẳng tay và bạo lực đối với tất cả những người mà nó cho là đe dọa hay đối lập với sự độc tài của nó.”

Ông nói: “Các học viên Pháp Luân Công đã bị bức hại một thời gian dài. Bất chấp sự theo dõi của quốc tế, tội ác thu hoạch nội tạng từ các học viên Pháp Luân Công và tù nhân lương tâm vẫn tiếp tục diễn ra. Một nghị quyết được Nghị viện châu Âu thông qua đã dẫn chứng chi tiết về quy mô của những tội ác này: Trung Quốc thực hiện hơn 10.000 ca ghép tạng mỗi năm trong khi nước này chỉ có rất ít người hiến tạng.

“Mặc dù 165 trung tâm ghép tạng ở Trung Quốc tuyên bố rằng họ có thể tìm được nội tạng phù hợp trong vòng hai đến ba tuần nhưng Trung Quốc không có một có một hệ thống minh bạch để truy dấu nguồn và các kênh phân phối nội tạng. Căn cứ theo nghị quyết do Nghị viện châu Âu thông qua vào tháng 5 năm nay, tội ác này vẫn tiếp tục diễn ra ở Trung Quốc.”

Ông kết luận trong thư: “Tôi không phải là thành viên của tín ngưỡng hay môn tu luyện nào cả nhưng tôi coi việc hỗ trợ các bạn (Pháp Luân Công) là một nghĩa vụ cơ bản để chống lại cuộc bức hại đáng khinh bỉ này. Tôi cam kết bảo vệ nhân quyền và dân chủ ở Trung Quốc. Nó cũng liên quan tới việc liệu chúng ta có thể có hòa bình và phẩm giá con người ở những nơi khác trên thế giới hay không.”

Những nỗ lực của các học viên Pháp Luân Công giúp chúng ta thấy được sự tàn bạo do ĐCSTQ gây ra

619eed1c68b219bd9fc37ee0b3445083.jpgÔng Youniss Mussa (trái), Ủy viên Hội đồng bang Geneva, và bà Dilara Bayrak (phải), đảng viên Đảng Xanh trong Đại hội đồng Geneva

Ông Youniss Mussa, Ủy viên Hội đồng bang Geneva, viết trong thư: “Tôi muốn bày tỏ sự ủng hộ và ngưỡng mộ trước dũng khí mà các bạn đã thể hiện trong cuộc chiến chống lại cuộc bức hại tàn bạo của chính quyền cộng sản Trung Quốc. Lên án và phơi bày cuộc bức hại và các tội ác đối với các học viên Pháp Luân Công là việc cấp thiết. Đây chính là điều mà các bạn đã đang làm suốt 23 năm qua. Suốt cả một thời gian dài, những tội ác này không được thế giới biết đến, nhưng thông qua nỗ lực của các bạn, tất cả chúng ta đều đã nhận thức được về vấn đề này”.

Bà Dilara Bayrak, đảng viên Đảng Xanh trong Đại Hội đồng Geneva, viết: “chính quyền ĐCSTQ đã không ngừng bức hại những người mà nó cho là có hại và số người không may mắn bị ĐCSTQ nhắm tới không ngừng gia tăng. Những người trong danh sách này là ai? Đó là các học viên Pháp Luân Công, người Tây Tạng, Duy Ngô Nhĩ, Đài Loan và Hồng Kông. Ở một mức độ nào đó, việc danh sách này không ngừng mở rộng cho chúng ta thấy rằng những người bảo vệ nhân quyền phải tiếp tục phản đối những bất công gây ra cho các nhóm thiểu số ở Trung Quốc.”

Bà tiếp tục: “Sự im lặng đang bao trùm cả thế giới này không thể tiếp tục được dung thứ nữa. Vì lợi ích kinh tế mà bất chấp tất cả ư? Tôi không tán đồng. Geneva, thủ đô nhân quyền, không còn có thể chấp nhận việc đặt lợi ích kinh tế lên trên tất cả các giá trị. Nếu một nhà lãnh đạo quên mất điều này, chúng ta cần nhắc nhở ông ấy. Trách nhiệm của chúng ta là lên tiếng cho tất cả trẻ em, phụ nữ và đàn ông, những người bị gạt ra ngoài lề, bị bức hại, bị giám sát và giết hại ở một trong những chế độ độc tài nhất trên thế giới này.”

Sự kiên cường và bền bỉ của Pháp Luân Công được tán dương

72217d81161366544774f9b5f52f377d.jpg

Ông Jean-Francois Chapuisat (trái) và bà Cloé Pointet (phải), Ủy viên Đại hội đồng Vaud

Ông Jean-Francois Chapuisat, Ủy viên của Đại hội đồng Vaud, viết: “Đã hơn 20 năm kể từ khi ĐCSTQ phát động cuộc bức hại Pháp Luân Công. Trong hơn hai thập kỷ qua, một số cư dân đã tự hành động để vạch trần phong trào cải tạo tư tưởng này và phản đối các vụ bắt bớ tùy tiện, tra tấn, cưỡng bức lao động và thu hoạch nội tạng sống. Tôi khen ngợi sự kiên trì và bền bỉ của các bạn, bởi điều này không chỉ tiếp tục gây áp lực lên ĐCSTQ mà cả lên những nhà lãnh đạo của chúng ta nữa. Trận chiến giữa David và Goliath này đã kéo dài quá lâu và phải tiếp tục bởi vì nó là cuộc chiến vì nhân loại chúng ta!”

Bà Cloé Pointet, Ủy viên Đại Hội đồng Vaud, nhận định: “Không ai đáng bị bức hại chỉ vì lựa chọn văn hóa, tín ngưỡng hay bất kỳ lựa chọn cá nhân nào khác. Cũng như không nhóm thiểu số nào nên bị đe dọa. Đến nay, nguyên tắc này vẫn chưa trở thành hiện thực. Một trong những ví dụ tệ hại nhất là cuộc bức hại Pháp Luân Công, là những trường hợp bị giám sát, lao động cưỡng bức, sát hại và nhiều hành động tàn bạo khác. Chúng ta không được bỏ qua điều này và phải trợ giúp các học viên.”

Nỗ lực của các bạn sẽ kết trái ngọt

dc0ae6b9147dc4bd227a70a8eaaabd93.jpg

Ông Robert Burri (trái), ông Maxime Moix (giữa) và bà Cynthia Trombert (phải), hai Ủy viên Đại Hội đồng Valais

Ông Robert Burri, Ủy viên Đại Hội đồng Valais, bình luận: “Những gì đang xảy ra ở Trung Quốc hiện nay thật khủng khiếp, không xứng với một nền văn minh đã có nhiều đóng góp quan trọng về khoa học và văn hóa mấy ngàn năm qua. Cưỡng bức lấy đi nội tạng chỉ vì họ là các học viên Pháp Luân Công là điều không thể chấp nhận được.”

Ông Maxime Moix, Ủy viên Đại Hội đồng Valais nói: “Tình trạng bức hại các nhóm thiểu số ở Trung Quốc, trong đó có Pháp Luân Công, đã được ghi nhận với nhiều bằng chứng. Không thể tiếp tục thờ ơ trước những hành động tà ác đó được nữa. Cuộc đấu tranh vì tự do và tôn trọng nhân quyền phải tiếp tục không ngừng nghỉ. Tôi tôn trọng tất cả những ai cam kết giữ gìn những giá trị căn bản và tin rằng những nỗ lực đó sẽ kết trái ngọt.”

Bà Cynthia Trombert, Ủy viên Đại Hội đồng Valais cũng cho biết: “Tôi hoàn toàn ủng hộ chiến dịch này. Năm nay đã là năm 2022 rồi, thật phẫn nộ khi chứng kiến tình trạng này vẫn đang xảy ra. Những hành động tà ác đó không được tiếp diễn nữa.”

Nhiệt thành ủng hộ Pháp Luân Công

bd8d75a782d5d4f2484230f8eabe3f00.jpg

Ông Hubert Dafflon (trái) và bà Erika Schnyder (phải), hai Ủy viên Đại Hội đồng Fribourg

Ông Hurbert Dafflon, Ủy viên Đại Hội đồng Fribourg, tuyên bố: “Chỉ những người tự do mới nhận ra tự do ngôn luận là một đặc quyền cố hữu, là nền tảng cho sự phát triển và thịnh vượng chung. Pháp Luân Công có những giá trị này và hoàn toàn xứng đáng với sự ủng hộ của chúng ta.”

Bả Erika Schnyder, Ủy viên Đại Hội đồng bang Fribourg, bổ sung thêm rằng: “Các bạn học viên Pháp Luân Công liên tục phải chịu đựng sự đàn áp khủng khiếp dưới chế độ độc tài của cộng sản Trung Quốc. Các bạn đã bị cưỡng đoạt và bị tra tấn về cả thể xác lẫn tinh thần. Chúng tôi không thể tiếp tục thờ ơ nữa. Chúng tôi may mắn được sống ở một quốc gia dân chủ tôn trọng nhân quyền và cần phải lên án sự đối xử vô nhân tính đối với các bạn trong khả năng và biện pháp của chúng tôi. Chúng ta phải đoàn kết và tiếp tục bày tỏ sự bất bình, đó là cách duy nhất để hy vọng có thể tiến về phía trước. Nhân ngày đặc biệt này, chúng tôi bày tỏ sự ủng hộ nhiệt thành đối với các bạn.”

ac944439e1656c895e921dd8bf693bc7.jpgBà Simona Buri, Ủy viên Đại Hội đồng bang Tessin

Bà Simona Buri, Ủy viên Đại Hội đồng bang Tessin, đã viết trong thư: “Tôi ủng hộ tự do ngôn luận, tự do tư tưởng và tự do tín ngưỡng miễn là điều đó tốt cho bản thân họ và [mang lại] sự thịnh vượng cho xã hội mà chúng ta đang sống. Tôi tôn trọng tất cả điều đó và phản đối bất kỳ sự bức hại nào. Mặc dù không thể tham gia cùng các bạn trong sự kiện này, nhưng tôi muốn bày tỏ sự ủng hộ đối với các bạn!”

L’ACAT-Suisse viết: “Vào ngày này, l’ACAT-Suisse bày tỏ tinh thần đoàn kết với các học viên Pháp Luân Công. Chúng tôi ủng hộ yêu cầu một cuộc điều tra độc lập về sự tàn bạo, bắt bớ tùy tiện, bắt cóc và cưỡng bức thu hoạch nội tạng đối với các học viên Pháp Luân Công ở Trung Quốc. Những kẻ gây ra tội ác này phải bị đưa ra công lý.”

Mọi nội dung đăng trên trang web này thuộc bản quyền của Minghui.org. Minh Huệ sẽ biên soạn các nội dung trên trang web và xuất bản theo định kỳ hoặc vào những dịp đặc biệt.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2022/7/24/446712.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2022/7/25/202442.html

Đăng ngày 31-07-2022; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share