Bài viết của Kỳ Lân

[MINH HUỆ 23-07-2022] Con người ta sống trên đời là vì điều gì? Có người muốn thăng quan, có người muốn phát tài, có người lại không nghĩ thế, họ nói những thứ đó thật tầm thường, sống là phải biết theo đuổi những mục tiêu cao cả hơn, như sáng tạo ra những tác phẩm nghệ thuật xuất sắc lưu lại cho hậu nhân, hay làm việc chăm chỉ để nâng cao hạnh phúc cho nhân loại. Và đương nhiên là còn nhiều mục đích khác nữa.

Nhà tâm lý học người Mỹ Abraham Maslow đã phân nhu cầu của con người thành năm cấp độ theo hình kim tự tháp, cấp thứ nhất là nhu cầu sinh hoạt, cũng là nhu cầu cơ bản nhất (thức ăn, đồ uống, v.v.), cấp thứ hai là nhu cầu an toàn, cấp thứ ba là nhu cầu xã hội, tiếp đến là nhu cầu được quý trọng, và cấp thứ năm, cấp cao nhất, là nhu cầu được thể hiện mình. Còn cổ nhân Trung Quốc lại đúc rút trong một câu nói ngắn gọn hơn: “Bần cầu phú, phú cầu quý, quý cầu an.”

Nói tới đây tôi lại muốn luận bàn một chút. Con người rốt cuộc cũng vì danh, lợi, phú quý và sự ổn định lâu dài mà phấn đấu. Phần lớn mọi người là ở trạng thái này, cả đời theo đuổi những mục tiêu không dễ gì đạt được. Số người đạt được rất ít, như các bậc đế vương hưng thịnh thời Trung Quốc cổ đại, có lẽ không còn gì để họ truy cầu. Thực ra không phải vậy, sau khi đạt được mọi mục tiêu, họ vẫn còn một mục tiêu khác để theo đuổi, đó là sự vĩnh cửu, để sự phồn thịnh được bảo tồn mãi mãi. Nhưng mục tiêu này gặp phải một khó khăn không thể tránh khỏi, đó là sinh tử.

Một ngày nọ, Tề Cảnh Công, vua của nước Tề, rầu rĩ bật khóc, các quan cận thần thấy vậy bèn hỏi Cảnh Công tại sao quốc vương lại khóc. Cảnh Công nói, “Các ngươi xem, hiện giờ ta cái gì cũng có, nhưng sinh mệnh của ta có hạn, khi ta chết đi rồi thì tất cả những thứ này đâu còn thuộc về ta nữa. Nghĩ đến điều đó ta cảm thấy rất buồn, vậy nên ta khóc.” Các quan cận thần nghe xong cũng xúc động lây, vậy là quân thần cùng nhau khóc.

Chỉ có tướng quốc Yến Tử ở bên cười lớn: “Nếu con người bất tử, thì hết thảy những thứ tốt đẹp này đều thuộc về tiên vương chứ không đến lượt Ngài. Chính vì con người phải chết, Ngài mới có thể trở thành quốc vương, mới có được hết thảy những gì đang có. Ngài được lợi như thế, cớ sao lại vì cái chết mà buồn thảm?”

Cảnh Công nghe vậy thấy có lý, bèn ngừng khóc và trở nên vui vẻ.

Câu chuyện này cho chúng ta thấy, tiền tài danh vọng mà chúng ta có chỉ là thoáng qua. Ngay cả với công nghệ hiện đại ngày nay, cũng không có gì đảm bảo cho cuộc sống vĩnh cửu.

Vậy thì, liệu con người có thể vượt qua sự sống và cái chết?

Câu trả lời là không thể. Sinh, lão, bệnh, tử vốn là quy luật của con người. Không ai có thể thay đổi.

Vậy thì, đối mặt với cái chết, con người vĩnh viễn mất đi hy vọng trường sinh bất tử sao?

Kỳ thực, trong lịch sử Trung Quốc, rất nhiều người đã thấy được hy vọng thông qua tu luyện. Thông qua tu luyện, họ có thể thoát khỏi lục đạo luân hồi, và thông qua tu luyện, họ có thể biến thân thể phàm phu thành thần thể, khi đó sẽ siêu việt được tử vong. Những người nhận thức được điều này chính là đã đi đúng hướng.

Quả vậy, ý nghĩa của đời người rốt cuộc là để phản bổn quy chân, quay trở về với bản tính tiên thiên của mình. Nói cách khác, nhân gian chính là chốn mê, mục đích thực sự của cuộc sống là tìm đường trở về gia viên nơi thiên thượng. Vậy nên Phật Thích Ca Mâu Ni sẵn sàng từ bỏ ngôi vị để bước trên con đường tu thành Phật quả, Mỹ Hầu Vương trong Tây Du Ký rời bỏ Hoa Quả Sơn để đi tìm phương pháp trường sinh bất lão.

Vậy trong xã hội hiện đại, làm thế nào để chúng ta trở về nguồn gốc của mình? Tìm được đường về không dễ.

Tôi đã từng nghiên cứu Phật giáo, Đạo giáo, và các tôn giáo khác. Mặc dù tất cả đều giúp tôi thoát khỏi chủ nghĩa vô thần do Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) truyền bá, tôi vẫn lạc lối trong việc theo đuổi con đường trở về với nguồn gốc của mình. Theo tôi hiểu, Phật gia yêu cầu một người từ bỏ mọi ham muốn và bước vào trạng thái “không” để đến bờ bên kia của niết bàn. Tôi đã cố gắng hết sức, nhưng trong lòng vẫn còn vô số câu hỏi “vì sao?” không lý giải được, vậy thì làm sao có thể đạt đến “không”. Tương tự như vậy, Đạo gia nói về cảnh giới “vô”, qua đó con người có thể siêu phàm nhập thánh. Nhưng điều đó đã không xảy ra đối với tôi. Tôi cũng đã cố gắng tin Chúa và sẵn sàng quay má bên kia nếu ai đó tát tôi một cái vào má bên này, nhưng tôi đã không được tới thiên đàng. Và trong đầu tôi không thể hiểu nổi: Tại sao mình phải chịu cho người ta ức hiếp để được đến thiên quốc?

Mãi cho đến khi tôi đọc Chuyển Pháp Luân, tất cả các câu hỏi của tôi mới được giải khai, mọi thắc mắc của tôi mới trở nên sáng tỏ. Cuối cùng, tôi đã tìm được, Pháp Luân Đại Pháp chính là những gì tôi hằng tìm kiếm. Tôi đã có thể tuân theo tiêu chuẩn Chân-Thiện-Nhẫn trong cuộc sống hàng ngày của mình. Giờ đây, mọi thứ trở nên minh bạch và mỗi sự cố gặp phải là cơ hội để tôi có thể làm được tốt hơn …

Tôi biết ơn Pháp Luân Đại Pháp đã cho tôi hiểu được ý nghĩa của kiếp nhân sinh và chỉ cho tôi con đường trở về ngôi nhà của mình trên thiên thượng. Tôi cũng chân thành giới thiệu cuốn Chuyển Pháp Luân tới quý vị, cuốn sách sẽ mở đường cho cuộc sống của mỗi chúng ta. Theo tôi, đó là cơ duyên muôn thuở mà mọi người không nên bỏ qua.

Bài viết chỉ thể hiện quan điểm hoặc nhận thức của tác giả. Mọi nội dung đăng trên trang web này thuộc bản quyền của Minghui.org. Minh Huệ sẽ biên soạn các nội dung trên trang web và xuất bản theo định kỳ hoặc vào những dịp đặc biệt.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2022/7/17/446330.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2022/7/26/202449.html

Đăng ngày 28-07-2022; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share