Bài viết của Sơn Vụ Tích
[MINH HUỆ 19-07-2021] 23 năm qua ở Trung Quốc không phải là khoảng thời gian bình thường. Mặc dù mọi thứ diễn ra có vẻ bình thường theo nhịp sống hối hả của xã hội, nhưng rất nhiều người vô tội đang bị giam giữ và tra tấn trong các trại giam, trại lao động và nhà tù chỉ vì có đức tin.
Họ là những học viên Pháp Luân Công, một môn tu luyện thiền định theo nguyên tắc cốt lõi là Chân-Thiện-Nhẫn. Kể từ khi Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) phát động cuộc bức hại Pháp Luân Công vào ngày 20 tháng 7 năm 1999, nhiều học viên đã trở thành nạn nhân chỉ vì cố gắng trở thành người tốt. Các học viên bị giam giữ, tra tấn thể xác, cưỡng bức lao động, ngược đãi tinh thần, cưỡng chế tiêm thuốc, thậm chí bị cưỡng bức thu hoạch nội tạng.
Cuộc bức hại Pháp Luân Công là tội ác vi phạm nhân quyền dai dẳng nhất, quy mô nhất và tàn ác nhất trong 70 năm cầm quyền của ĐCSTQ ở Trung Quốc. Nhìn lại khoảng thời gian này, mọi người có thể tự hỏi tại sao điều này lại có thể xảy ra, và làm sao thế giới có thể cho phép tội ác này kéo dài đến vậy.
Cuộc bức hại nhắm vào đức tin chân chính
Từ xa xưa, người Trung Quốc đã đề cao văn hóa tu luyện, và tin tưởng vào sự hòa hợp giữa Thiên-Địa-Nhân. Văn hóa truyền thống này gần như đã bị xóa sổ sau nhiều chiến dịch chính trị của ĐCSTQ. Tuy nhiên, Pháp Luân Công từ khi được truyền ra công chúng vào năm 1992, đã hồi sinh nền văn hóa bị mai một và thu hút nhiều học viên đến với đạo lý sâu sắc của môn tu luyện này. Đến năm 1999, số học viên đạt khoảng 100 triệu người, nhờ sự kỳ diệu của Pháp Luân Công trong việc cải thiện sức khỏe và nâng cao đạo đức.
Song, hệ tư tưởng cốt lõi của ĐCSTQ là “đấu tranh giai cấp, tàn bạo và lừa dối” – vốn đối lập với văn hóa truyền thống Trung Quốc và nguyên tắc của Pháp Luân Công. Giang Trạch Dân, khi đó là lãnh đạo ĐCSTQ, đã vươn lên vị trí cao nhất nhờ vụ Thảm sát trên Quảng trường Thiên An Môn năm 1989, đã phớt lờ sự phản đối của các ủy viên Bộ Chính trị và đơn phương tuyên bố bức hại Pháp Luân Công vào năm 1999. Y còn thề sẽ xóa sổ môn tu luyện này trong vòng ba tháng và ban hành lệnh “Bôi nhọ thanh danh, vắt kiệt tài chính, hủy hoại thân thể” nhắm vào các học viên Pháp Luân Công.
Để đảm bảo các chính sách bức hại được thực thi toàn diện, Giang đã thành lập một cơ quan ngoài pháp luật, Phòng 610, đặt tên cho nó theo ngày thành lập, ngày 10 tháng 6 năm 1999. Cơ quan này thâm nhập vào toàn bộ chính quyền Trung Quốc ở tất cả các cấp, phối hợp chặt chẽ với Ủy ban Chính trị và Pháp luật (PLAC) nhằm huy động cảnh sát, kiểm sát, hệ thống tòa án, hệ thống tư pháp và các cơ sở giam giữ khác nhau để bắt giữ, truy tố, kết án, bỏ tù và tra tấn các học viên. ĐCSTQ cũng biên tạo, tuyên truyền và phỉ báng Pháp Luân Công, như dàn dựng Vụ tự thiêu đầy tai tiếng trên Quảng trường Thiên An Môn, để kích động thù hận trong giới quan chức và công chúng đối với học viên Pháp Luân Công.
Chính niệm chính hành duy hộ Pháp
Suốt 23 năm qua, hàng chục triệu học viên Pháp Luân Công đã dũng cảm bước ra nâng cao nhận thức về cuộc bức hại. Đối mặt với bộ máy nhà nước tàn bạo và dối trá, các học viên đấu tranh ôn hòa cho quyền tự do tín ngưỡng của họ theo quy định Hiến pháp. Họ chỉ muốn trở thành những người tốt hơn bằng việc tu luyện Pháp Luân Công, và nói cho công chúng rằng cuộc bức hại là không có cơ sở pháp lý.
Ngày này qua ngày khác, năm này qua năm khác, các học viên Pháp Luân Công đã sử dụng nguồn lực của chính họ để in và phân phát các tài liệu thông tin giảng chân tướng về Pháp Luân Công là gì và làm rõ những tuyên truyền vu khống. Họ biết làm như vậy đồng nghĩa với việc có thể bị giam giữ, tra tấn, thậm chí là mất mạng, nhưng họ vẫn lựa chọn con đường này vì thế giới chúng ta cần có Chân-Thiện-Nhẫn. Khổng Tử từng nói: ‘Chiêu văn đạo, tịch khả tử’ (Sáng được nghe Đạo, tối chết cũng yên lòng). Các học viên Pháp Luân Công mang tinh hoa của văn hóa truyền thống Trung Quốc trong tâm và thể hiện ra qua hành động.
Có rất nhiều ví dụ về điều này. Ngày 5 tháng 10 năm 2001, một đệ tử Đại Pháp cao tuổi ngồi xuống giữa Quảng trường Thiên An Môn, chuẩn bị thiền định, thì bị một cảnh sát lao đến, lôi vào xe cảnh sát.
Ông lão bình tĩnh nói: “Này, anh bạn trẻ, anh có thể cho tôi nói đôi lời trước khi bắt tôi đi không?” Viên cảnh sát đồng ý.
Sau đó, ông lão lấy ra chín đôi giày từ trong túi xách, xếp thành hàng.
“Tôi từ Tứ Xuyên, mất hai tháng, đi mòn chín đôi giày mới đến được Bắc Kinh [tương đương với 2.000 km], chỉ để nói một câu: ‘Pháp Luân Đại Pháp hảo, Pháp Luân Đại Pháp là chính Pháp; chính phủ sai rồi.’”
Viên cảnh sát xúc động, sau một lúc, bèn nói: “Cụ đã làm được rồi. Giờ, cụ có thể về nhà rồi.”
Cô Hàn (韩), một học viên ở thành phố Phụ Lâm, tỉnh Liêu Ninh, bị giam giữ mấy năm chỉ vì tu luyện Pháp Luân Công. Không lâu sau khi được thả, cảnh sát đến nhà cô để kiểm tra xem cô còn tu luyện hay không. Sau khi giải thích với cảnh sát vì sao Pháp Luân Công lại cần thiết trong một xã hội suy thoái đạo đức như vậy, cô Hàn nói: “Tôi sẽ tiếp tục tu luyện Pháp Luân Công cho dù các anh có bắt giữ tôi 100 lần đi nữa – không có gì sai khi trở thành người tốt. Thực ra, khi thấy tôi hồi phục nhanh chóng nhờ tu luyện Pháp Luân Công, hơn 30 người quanh đây đã bước vào tu luyện gần đây.”
Một học viên khác là cô Vương Ngọc Hoàng (王玉环) ở thành phố Trường Xuân, tỉnh Cát Lâm. Trong sáu năm, cô đã bị giam giữ chín lần. Cô từng bị tra tấn trên ghế hổ trong ba ngày, đến nỗi gãy tay, lòi cả xương ra ngoài, khuôn mặt bị đánh bằng dùi cui điện, mắt bị đốt bằng tàn thuốc, tai bị tra tấn bằng gậy tre, cơ thể đầy những vết bầm tím. Cô không còn cách nào khác ngoài tuyệt thực để phản đối sự tra tấn. Đến ngày tuyệt thực thứ 26, các cai tù đến để đưa cô vào bệnh viện, cô nói rằng cô có thể tự đi được với một vài điều kiện. Thứ nhất, cai tù phải đứng hai bên hành lang. Thứ hai, báo cho các học viên và tù nhân khác để họ có thể nhìn thấy cô bước ra ngoài. Thứ ba, cô sẽ hát một bài hát. Cai tù đồng ý.
Với cơ thể đầy thương tích và đã không ăn uống 26 ngày liền, cô Vương tiều tụy vừa chậm rãi bước đi, vừa hát bài “Pháp Luân Đại Pháp hảo” Cảnh tượng ấy cảm động đến nỗi mọi người đều vỗ tay tán thướng cô và nhiều người đã rơi nước mắt …
Người thiện lương sẽ chiến thắng
Nhưng cuộc bức hại vẫn tiếp tục. Tính đến tháng 7 năm 2019, đã có 518.940 trường hợp bức hại được trang web Minh Huệ lưu ghi lại. Do bị phong tỏa Internet, con số thực tế có thể cao hơn nhiều. Tình hình bức hại trong đại dịch cũng không khá hơn. Từ tháng 1 năm 2020 đến tháng 6 năm 2022, đã có 34.350 học viên bị bắt giữ hoặc sách nhiễu, và 2.172 bị kết án vì tu luyện Pháp Luân Công.
ĐCSTQ có đạt được mục tiêu xóa sổ Pháp Luân Công trong ba tháng như cựu lãnh đạo ĐCSTQ Giang đã hứa không? Sau 23 năm, không những ngày càng nhiều người trên khắp thế giới biết đến Pháp Luân Công, mà nhiều người còn nhận ra bản chất xấu xa của ĐCSTQ.
Trước khi cuộc bức hại được phát động vào tháng 7 năm 1999, Pháp Luân Công đã có đến 100 triệu học viên ở gần 30 quốc gia. Hiện nay, môn tu luyện này đã được thực hành ở hơn 100 quốc gia và lãnh thổ, và cuốn sách chính “Chuyển Pháp Luân” đã được dịch ra hơn 40 thứ tiếng.
Trước tháng 7 năm 1999, Pháp Luân Công đã nhận được một số giải thưởng từ Quỹ “Người tốt việc tốt” của Trung Quốc (trực thuộc Bộ Công an Trung Quốc). Tính đến nay, môn tu luyện này đã nhận được gần 6.000 giải thưởng, giấy khen và thư ủng hộ.
St. Catharines, thành phố lớn nhất ở Vùng Niagara của Canada, đã thượng cờ ở tòa thị chính vào ngày 2 tháng 5 năm 2022, để vinh danh Pháp Luân Công. Tại buổi lễ, Phó Thị trưởng, ông Carlos Garcia, đã phát biểu, cảm ơn các học viên đã cống hiến hết mình. “Tôi hiểu những gì các bạn đang làm là quan trọng đối với Trung Quốc và thế giới”, ông nói, “Tôi nghĩ thành phố St. Catharines, và Canada nói chung, cần phải ủng hộ và tán đồng nguyên lý Chân-Thiện-Nhẫn.”
Sau một lễ thượng cờ khác ở Napanee gần Toronto vào ngày hôm sau, ông John McCormack, Ủy viên Hội đồng Thành phố, cũng chia sẻ suy nghĩ của mình: “Trở thành một người tốt tưởng như là điều dễ dàng. Tuy nhiên, tôi nghĩ để trở thành người tốt mọi lúc mọi nơi trong cuộc sống hàng ngày không phải là điều dễ dàng mà cần phải kiên trì. Vì vậy, tôi rất hào hứng, phấn chấn khi có mặt tại sự kiện này”, ông nói thêm: “Thông điệp của các bạn rất tích cực, cao đẹp và hòa ái.”
Khi nào cuộc bức hại này sẽ kết thúc? Thời gian sẽ trả lời. Khi mỗi người chúng ta đều thực hiện phần trách nhiệm của mình, tình thế sẽ cải biến.
Bài viết chỉ thể hiện quan điểm hoặc nhận thức của tác giả. Mọi nội dung đăng trên trang web này thuộc bản quyền của Minghui.org. Minh Huệ sẽ biên soạn các nội dung trên trang web và xuất bản theo định kỳ hoặc vào những dịp đặc biệt.
Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2022/7/19/446329.html
Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2022/7/20/202340.html
Đăng ngày 26-07-2022; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.