Bài viết của Hạ Duyên Sơ, Trịnh Hải Sơn, phóng viên Minh Huệ
[MINH HUỆ 22-07-2022] Hôm 21 tháng 7, hơn 1.500 học viên đã tập trung tại National Mall ở Washington D.C. để kêu gọi chấm dứt cuộc bức hại Pháp Luân Công ở Trung Quốc.
Cuộc mít-tinh quy mô lớn tại Washington D.C. nhằm kêu gọi chấm dứt cuộc đàn áp Pháp Luân Công ở Trung Quốc
Trước khung cảnh Điện Capitol của Hoa Kỳ, các diễn giả của cuộc mít-tinh nhấn mạnh tầm quan trọng của việc ngăn chặn nạn cưỡng bức thu hoạch nội tạng từ các học viên Pháp Luân Công bị giam giữ, cũng như nhận thức ngày càng tăng của công chúng Hoa Kỳ về vấn nạn này và mối đe dọa của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đối với thế giới.
Bài phát biểu của đại diện Steve Chabot từ bang Ohio
“Mỹ cuối cùng cũng thức tỉnh trước mối đe dọa từ Trung Quốc. Và tất cả chúng ta cần nghe câu chuyện của các bạn để hiểu ĐCSTQ đã tàn bạo như thế nào đối với các bạn và học hỏi kinh nghiệm từ các bạn, ”Hạ nghị sỹ Steve Chabot từ bang Ohio nói với khán giả. Ông cũng là thành viên cấp cao của Tiểu ban Châu Á, Thái Bình Dương, Trung Á và Không phổ biến vũ khí hạt nhân trực thuộc Ủy ban Đối ngoại Hạ viện.
“Cưỡng bức thu hoạch nội tạng là một trong những thủ đoạn man rợ nhất trong lịch sử loài người. Và đã qua mất thời gian để có truy cứu trách nhiệm thực sự,” ông cho biết thêm rằng Quốc hội phải thực hiện “các hành động cứng rắn” chống lại loại tội phạm này.
Có hai dự luật đề cập đến tội ác chống lại loài người này đang chờ được thông qua tại Quốc hội Hoa Kỳ, đó là Đạo luật Chấm dứt Cưỡng bức Thu hoạch Nội tạng và Đạo luật Bảo vệ Pháp Luân Công. Cả hai đều phải thông qua trong năm nay, nếu không chúng sẽ phải đề xuất lại vào năm 2023.
Dự luật thứ nhất sẽ trừng phạt những người gây ra nạn cưỡng bức thu hoạch nội tạng và cấm xuất khẩu các thiết bị y tế được sử dụng trong các hoạt động rùng rợn này. Tháng 3 năm 2021, hai Thượng nghị sỹ Tom Cotton và Christopher Coons đề xuất phiên bản tại Thượng viện, và hai Hạ nghị sỹ Chris Smith và Thomas Suozzi đề xuất phiên bản tại Hạ viện.
Dự luật thứ hai sẽ xử phạt những cá nhân có liên quan hoặc đã góp phần vào việc cưỡng bức thu hoạch nội tạng từ các học viên Pháp Luân Công. Nó cũng sẽ yêu cầu Bộ Ngoại giao đánh giá xem liệu cuộc bức hại có cấu thành tội diệt chủng hay không.
Năm 2019, Tòa án Luận tội Trung Quốc phát hiện ra rằng chế độ Trung Quốc đã giết các tù nhân lương tâm bị giam giữ trong nhiều năm – trong đó chủ yếu là các học viên Pháp Luân Công – để lấy nội tạng của họ cung cấp cho thị trường cấy ghép nội tạng với “quy mô đáng kể”, vấn nạn này vẫn tiếp diễn cho đến ngày nay.
Ngày 20 tháng 7 năm 2022 ghi dấu 23 năm kể từ khi Đảng Cộng sản Trung Quốc phát động chiến dịch truy quét tiêu diệt Pháp Luân Công, môn tu luyện bao gồm các bài tập thiền và các bài giảng đạo lý dựa trên Chân-Thiện-Nhẫn. Môn tập này đã thu hút khoảng 70 – 100 triệu học viên ở Trung Quốc vào năm 1999. Tuy nhiên, ĐCSTQ lại coi đó là mối đe dọa đối với sự kiểm soát độc tài của nó đối với xã hội.
“Quốc hội tuyệt đối phải hành động”
“Hàng triệu người tập Pháp Luân Công ở Trung Quốc đã bị bỏ tù, tra tấn hoặc bị giết hại”, Hạ nghị sỹ Gus Bilirakis từ tiểu bang Florida cho biết trong một thông điệp video gửi tới những người tham dự cuộc mít-tinh. “Nếu chúng ta vẫn giữ im lặng trước những vi phạm này, chúng ta đã bỏ qua trách nhiệm đạo đức và như vậy sẽ gây nguy hiểm cho xã hội dân sự.”
Trong bài phát biểu qua video của mình, Thượng nghị sỹ Ted Cruz từ Texas lặp lại rằng: “Nước Mỹ có nghĩa vụ duy trì và thúc đẩy quyền tự do tín ngưỡng mà không bị chính phủ ngăn cản của mọi người. Việc để cho Đảng Cộng sản Trung Quốc tùy ý tiếp tục vòng bức hại luẩn quẩn này mà không phải chịu hậu quả gì là chưa làm tròn trách nhiệm đạo đức.”
Hạ nghị sỹ Scott Perry từ Pennsylvania, người bảo trợ cho Đạo luật Bảo vệ Pháp Luân Công vào tháng 12 năm ngoái, cũng đã gửi video bài phát biểu của mình. “Cuộc bức hại Pháp Luân Công của Trung Quốc, cho dù là cưỡng bức thu hoạch nội tạng, bỏ tù bất công hay cưỡng bức lao động, thì đều là tà ác. Đó là hành vi sai trái,” ông nói,“ Quốc hội nhất thiết phải hành động để đảm bảo rằng hàng triệu học viên Pháp Luân Công không bị tước quyền tự do thực hành niềm tin tôn giáo của họ.”
Hạ nghị sỹ Eleanor Holmes Norton từ Washington D.C. đã phát biểu trong video chào mừng những người tham dự cuộc mít-tinh rằng: “Quyền tự do ngôn luận và tự do tôn giáo là nền tảng của quốc gia chúng ta. Và chúng ta phải nỗ lực để bảo tồn những quyền tự do này cả ở đây và ở nước ngoài.”
Sự đàn áp và bạo lực của ĐCSTQ nhắc nhở chúng ta rằng các quyền cơ bản của con người không phải tự nhiên mà có. “Chúng ta phải đấu tranh để nâng cao nhận thức của những người hành ác ở Trung Quốc, những người không thể tự họ nhận ra. Tôi ủng hộ những người kêu gọi tự do ở Trung Quốc, trong đó có các học viên Pháp Luân Công. Tôi lắng nghe các bạn và sát cánh với các bạn hôm nay và cả mai sau,” bà giải thích.
Ông Andrew Bremberg, Đại sứ tại Văn phòng Châu Âu của Liên Hợp Quốc, là chủ tịch Tổ chức Tưởng niệm Nạn nhân của Chủ nghĩa Cộng sản (VOC).
Đại sứ Andrew Bremberg, chủ tịch Tổ chức Tưởng niệm Nạn nhân Chủ nghĩa Cộng sản (VOC), một nhóm vận động có trụ sở tại Washington, kêu gọi Quốc hội Hoa Kỳ đi đầu trong việc thông qua dự luật để các quốc gia khác có thể làm theo. “Bây giờ người ta đã biết rằng trong nhiều thập kỷ, do các chính sách của ĐCSTQ, các bác sỹ phẫu thuật được đào tạo chuyên sâu đã bị biến thành đao phủ của các tù nhân trên bàn mổ,” ông phát biểu, đề cập đến những phát hiện của bài báo xuất bản tháng 4 của đồng nghiệp Matthew Robertson tại VOC, trên Tạp chí về Ghép tạng của Mỹ.
Ông Matthew Robertson từ Đại học Quốc gia Úc và nhóm của ông sau khi nghiên cứu 124.770 bài báo mà các bác sỹ cấy ghép Trung Quốc đăng trên các tạp chí y khoa đã kết luận rằng nội tạng của những người “hiến tặng” đã được lấy ra trước khi họ chết và việc mổ lấy nội tạng là nguyên nhân thực sự gây ra cái chết cho những “người hiến tặng” này.”
Ông Piero Tozzi, cố vấn cấp cao của Nghị sỹ Chris Smith, là đồng chủ tịch của Ủy ban Nhân quyền Tom Lantos.
Ông Piero Tozzi, cố vấn cấp cao của Nghị sỹ Chris Smith, cảm ơn các học viên Pháp Luân Công đã vạch trần tội ác cưỡng bức thu hoạch nội tạng. Ông nói, “Thật đáng tiếc khi các nạn nhân chính là các bạn, các học viên Pháp Luân Công. Vì lối sống lành mạnh và cơ thể khỏe mạnh mà các bạn đã trở thành mục tiêu của hành vi kinh hoàng này”. Ông nói với người tham dự rằng Ủy ban Nhân quyền Tom Lantos, do Nghị sỹ Smith đồng chủ tịch, đã tổ chức một phiên điều trần hồi tháng 5 để ghi chép chi tiết về nạn cưỡng bức thu hoạch nội tạng.
Tự do tôn giáo ở Trung Quốc ngày càng tồi tệ
Ông Eric Ueland, Ủy viên của Ủy ban Tự do Tôn giáo Quốc tế Hoa Kỳ (USCIRF).
Ủy viên Eric Ueland của Ủy ban Tự do Tôn giáo Quốc tế Hoa Kỳ (USCIRF) cho biết tình hình tự do tôn giáo ở Trung Quốc đã xấu đi nhiều trong thập kỷ qua.
“Từ những ngày tồi tệ nhất của Cách mạng Văn hóa, quý vị chưa thấy cuộc bức hại nào khủng khiếp và trên diện rộng đến vậy đối với các cộng đồng tôn giáo ở Trung Quốc, trong đó có Pháp Luân Công,” ông Ueland phát biểu tại cuộc mít-tinh. Ông cho biết USCIRF đã liên tục báo cáo về cuộc bức hại Pháp Luân Công và một số học viên thậm chí đã “chết dưới tay các quan chức Trung Quốc”.
“Điều này làm chấn động lương tâm và sẽ đeo đẳng trong tâm hồn của chúng ta,” ông nói. Ông cũng đề cập đến Đạo luật Chấm dứt Cưỡng bức Thu hoạch Nội tạng và nói rằng mọi người nên đề xuất thêm nhiều phương cách mới để chống lại cuộc bức hại.
Bức hại trẻ em
Cô Christina Sturgeon, trợ lý của Giám đốc Điều hành Chiến dịch Ân xá Hoa Kỳ (Jubilee Campaign USA), phát biểu tại cuộc mít-tinh.
Cô Christina Sturgeon, trợ lý của Giám đốc Điều hành Chiến dịch Ân xá Hoa Kỳ, đã thay mặt tổ chức của mình phát biểu. Cô tập trung vào cuộc bức hại của ĐCSTQ đối với trẻ vị thành niên. Cô đề cập đến câu chuyện của cô Vivian, bắt đầu tập Pháp Luân Công từ năm 13 tuổi. Cuộc bức hại bắt đầu ngay sau khi cô bước vào tu luyện.
Tại trường trung học nội trú của cô ở Trung Quốc, các bạn cùng lớp của Vivian đã trèo lên giường của cô ở tầng trên vào lúc nửa đêm và tát cô để đánh thức cô. Họ nói với cô rằng cô ấy mắc bệnh tâm thần, và xúi giục cô ấy tự tử bằng cách nhảy ra khỏi cửa sổ. Khi đó cô ấy mới 13 tuổi.
Trong lời chứng trước Hội Những người bạn Nghị viên của Pháp Luân Công, một tổ chức nhân quyền, cô Vivian nhớ lại, “Họ [bạn cùng lớp] đã ép tôi xuống khỏi giường và mở cửa sổ. Tôi còn nhớ trời hôm đó rất lạnh, họ đẩy đầu tôi ra ngoài cửa sổ và nói, ‘Nhảy đi. Bạn nhảy xuống đi. Bạn sống làm gì.“
Cô Sturgeon cho biết mục đích của cuộc bức hại của ĐCSTQ đối với Pháp Luân Công là kiểm soát tâm trí của quần chúng. Và ĐCSTQ đánh đồng việc ủng hộ chủ nghĩa vô thần với việc ủng hộ ĐCSTQ và ủng hộ Trung Quốc.
ĐCSTQ phải chịu trách nhiệm
Bà Annie Boyajian, Phó chủ tịch phụ trách Chính sách và Vận động chính sách của tổ chức Freedom House
Bà Annie Boyajian, phó chủ tịch tổ chức nhân quyền Freedom House, phát biểu rằng cuộc bức hại Pháp Luân Công đã trở nên tồi tệ hơn trong 5 năm qua, đặc biệt là trong thời kỳ đại dịch. Bà cũng quan ngại rằng các học viên Pháp Luân Công và người Công giáo ở Hồng Kông có thể bị ĐCSTQ nhắm đến trong năm tới.
Bà nói, “Nhiều người có thể không biết rằng những người lập kế hoạch đàn áp ở Tân Cương đã hoàn thiện những thủ đoạn đó trong cuộc bức hại các Phật tử Tây Tạng và các học viên Pháp Luân Công.”
Ông Sean Nelson, cố vấn pháp lý về tự do tôn giáo của Liên minh Bảo vệ Tự do Quốc tế.
Ông Sean Nelson, cố vấn pháp lý về tự do tôn giáo của Liên minh Bảo vệ Tự do Quốc tế, cũng tham dự cuộc mít-tinh. Ông phát biểu, “Mỗi năm, có khoảng 100 học viên Pháp Luân Công bị Đảng Cộng sản Trung Quốc bức hại đến chết. Và mỗi năm, có hàng nghìn học viên Pháp Luân Công bị bắt và thẩm vấn chỉ vì thực hành đức tin của họ và muốn được sống tự do theo niềm tin của họ.”
“Thật vô cùng vui mừng khi thấy rất nhiều người trong số các bạn ở đây đứng lên bảo vệ tôn giáo và tín ngưỡng, đấu tranh cho quyền thực hành trong hòa bình ở bất cứ đâu, và đứng lên chống lại Đảng Cộng sản Trung Quốc,” ông nói thêm. “Trên thực tế, đối với bất kỳ ai không coi ĐCSTQ là trung tâm cuộc sống của họ, hoặc bất kỳ ai thực hành bất cứ điều gì mà ĐCSTQ không đồng ý, ĐCSTQ muốn đảm bảo rằng họ phải im lặng.”
Ông Nelson cho biết, bằng chứng về nạn cưỡng bức thu hoạch nội tạng là “quá nhiều” và “không thể phủ nhận”. Ông cho biết thêm: “Các cơ quan và tổ chức quốc tế lớn đang công nhận điều đó và đang tham gia cùng các bạn trong cuộc chiến giành tự do này.”
Cô Arielle Del Turco, trợ lý giám đốc Trung tâm Tự do Tôn giáo thuộc Hội đồng Nghiên cứu Gia đình.
Cô Arielle Del Turco, trợ lý giám đốc Trung tâm Tự do Tôn giáo thuộc Hội đồng Nghiên cứu Gia đình, cho biết ĐCSTQ là mối đe dọa lớn nhất đối với nhân quyền. “Chúng ta phải đứng lên chống lại cuộc bức hại này ở Trung Quốc, cho hàng triệu người đã phải chịu đựng và cho hàng triệu người khác đang phải đối mặt với sự đàn áp mỗi ngày một gia tăng,” cô phát biểu, “Hôm nay chúng tôi yêu cầu tự do tôn giáo cho các học viên Pháp Luân Công và tất cả mọi người ở Trung Quốc. Và chúng tôi yêu cầu ĐCSTQ phải chịu trách nhiệm về các hành động của mình.”
Ông Darren Spinck, cộng tác viên nghiên cứu của Hiệp hội Henry Jackson, phát biểu tại sự kiện
Ông Darren Spinck, Cộng tác viên nghiên cứu của Hiệp hội Henry Jackson, cho biết đã đến lúc liệt cuộc bức hại Pháp Luân Công vào tội ác diệt chủng vì hành vi cưỡng bức thu hoạch nội tạng trên quy mô lớn đã cấu thành ý định tiêu diệt nhóm tín ngưỡng này. Ông đề nghị chính phủ Hoa Kỳ cấm xuất khẩu sang những nơi xảy ra cưỡng bức thu hoạch nội tạng ở Trung Quốc và trừng phạt các quan chức ĐCSTQ liên quan đến tội ác này.
Các diễn giả khác tại cuộc mít-tinh bao gồm Alan Adler, giám đốc điều hành của Hội những người bạn Nghị viên của Pháp Luân Công; Luna Lyu, một nạn nhân của cuộc bức hại Pháp Luân Công; bà Dịch Dung, chủ tịch Trung tâm Phục vụ Thoái ĐCSTQ Toàn cầu có trụ sở tại New York; và ông Uông Chí Viễn từ Tổ chức Thế giới về Điều tra Cuộc Bức hại Pháp Luân Công (WOIPFG).
Mọi nội dung đăng trên trang web này thuộc bản quyền của Minghui.org. Minh Huệ sẽ biên soạn các nội dung trên trang web và xuất bản theo định kỳ hoặc vào những dịp đặc biệt.
Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2022/7/22/446650.html
Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2022/7/23/202383.html
Đăng ngày 25-07-2022; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.