Bài viết của Anh Tử, phóng viên Minh Huệ

[MINH HUỆ 22-07-2022] Ngày 20 tháng 7 năm 2022 ghi dấu kỷ niệm 23 năm cuộc bức hại của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đối với Pháp Luân Công. 40 đại biểu quốc hội Canada từ các đảng phái chính trị đã cùng nhau gửi một bức thư cho Thủ tướng Trudeau và Bộ trưởng Bộ Ngoại giao, kêu gọi chính phủ liên bang chấm dứt các hành vi vi phạm nhân quyền tàn bạo đang diễn ra ở Trung Quốc.

a346986fa03ecaaf1963c216d8db8afb.jpg

40 Nghị sỹ Canada kêu gọi chính phủ chấm dứt cuộc bức hại Pháp Luân Công

Bức thư chung được khởi xướng bởi Nghị sỹ Đảng Tự do Judy Sgro và Nghị sỹ Đảng Bảo thủ Garnett Genuis, hai đồng chủ tịch của Hội những người bạn Nghị viên của Pháp Luân Công. Bức thư đã được đồng ký bởi các nghị sỹ của Hạ viện, bao gồm 31 nghị sỹ Đảng Bảo thủ, 2 Thượng nghị sỹ Đảng Bảo thủ, 5 nghị sỹ Đảng Tự do, Nghị sỹ Đảng Xanh Elizabeth May và Thượng nghị sỹ Độc lập Kim Pate.

Các hạ nghị sỹ và thượng nghị sỹ cho biết, “Chúng tôi, những nghị sỹ ký tên dưới đây, kêu gọi chính phủ nêu rõ Pháp Luân Công trong Khung chính sách các vấn đề toàn cầu của Canada về Trung Quốc (trong khi các nhóm bị bức hại khác đã được đề cập) và lên án cuộc tấn công không ngừng nghỉ của ĐCSTQ đối với môn tu luyện hòa bình này, và kêu gọi chấm dứt cuộc bức hại ở Trung Quốc.”

Chiến dịch đàn áp lớn nhất và bạo lực nhất

Trong bức thư, các nghị sỹ viết, “Chúng tôi nhận thấy có quá nhiều bằng chứng xác thực chứng minh rằng cuộc bức hại Pháp Luân Công vẫn là chiến dịch lớn nhất và bạo lực nhất nhắm vào người Trung Quốc, không chỉ giới hạn trong khu vực mà trên toàn Trung Quốc đại lục ngày nay. Nó bao gồm một chiến dịch tuyên truyền tàn khốc nhằm hạ bệ Pháp Luân Công, cả bên trong Trung Quốc cũng như ở cộng đồng quốc tế, với lòng thù hận và cố chấp”.

Nạn cưỡng bức thu hoạch nội tạng

Các nghị sỹ cho biết ngoài các vụ bắt bớ và tra tấn tùy tiện, chế độ cộng sản Trung Quốc còn kiếm tiền từ các học viên bằng cách giết họ và bán nội tạng của họ, “hủy hoại cuộc sống của hàng chục triệu người vô tội và gia đình của họ.”

Bức thư chỉ ra rằng những hành động tàn bạo đã được các tổ chức và chuyên gia nhân quyền, như Tổ chức Ân xá Quốc tế, các cơ quan chính phủ và Liên Hợp Quốc ghi chép lại đầy đủ.

Một cuộc điều tra độc lập của cố nghị sỹ David Kilgour và luật sư nhân quyền nổi tiếng David Matas vào năm 2006 đã xác nhận cáo buộc thu hoạch nội tạng đối với ĐCSTQ. Phán quyết cuối cùng được đưa ra vào tháng 6 năm 2019 bởi Tòa án Luận tội Trung Quốc, dưới sự chủ trì của Ngài Geoffrey Nice QC (công tố viên của vụ án Slobodan Milosevic), cũng kết luận tương tự rằng một số lượng đáng kể tù nhân lương tâm Trung Quốc đã bị giết trong ngành công nghiệp cấy ghép nội tạng khổng lồ và các học viên Pháp Luân Công là nguồn nội tạng chính.

Tháng 6 năm 2021, 12 báo cáo viên đặc biệt của Liên Hợp Quốc đã đưa ra một tuyên bố, nói rằng họ “cực kỳ lo lắng” trước thông tin đáng tin cậy rằng nạn cưỡng bức thu hoạch nội tạng nhắm vào các học viên Pháp Luân Công bị giam giữ.

Trước đó, Hạ viện Hoa Kỳ đã nhất trí thông qua Nghị quyết H. Res. 343 vào năm 2016, trong đó “bày tỏ quan ngại về các báo cáo liên tục và đáng tin cậy về hoạt động thu hoạch nội tạng có hệ thống với số lượng lớn, do nhà nước hậu thuẫn, từ các học viên Pháp Luân Công.”

Ngoài ra, Tổ chức Ngôi nhà Tự do Freedom House tuyên bố trong một báo cáo xuất bản vào năm 2015 rằng, “Hàng trăm nghìn tín đồ đã bị kết án lao động và án tù, khiến họ trở thành đội ngũ tù nhân lương tâm lớn nhất ở Trung Quốc.”

Bức thư chung cũng đề cập đến báo cáo của Báo cáo viên đặc biệt của Liên Hợp Quốc Manfred Nowak gần một thập kỷ trước đó rằng “Các học viên Pháp Luân Công chiếm 66% nạn nhân đã cáo buộc bị tra tấn trong trại tạm giam của chính phủ”.

Cuộc diệt chủng máu lạnh

Các nghị sỹ tiếp tục, “Các học giả đã kết luận rằng việc ĐCSTQ tiêu diệt Pháp Luân Công là một tội ác diệt chủng.”

Trong bài báo “Cuộc diệt chủng máu lạnh: Pháp Luân Công ở Trung Quốc” đăng trên Tạp chí Nghiên cứu và Phòng chống Diệt chủng năm 2018, có kết luận rằng hành vi giết người này là một “cuộc diệt chủng được che giấu”, là “vô hình, bị bỏ qua hoặc bị lãng quên.”

Một bài báo khác vào năm 2022 khẳng định rằng ĐCSTQ đang tiến hành một cuộc diệt chủng chống lại Pháp Luân Công mà “đã quá lâu để bị công nhận”.

Đã đến lúc phải lên tiếng

Bức thư trích dẫn trường hợp của công dân Canada, bà Tôn Thiến, người đang phải thụ án 8 năm tù vì tu luyện Pháp Luân Công. Có 12 công dân Canada khác có người thân ở Trung Quốc cũng bị cầm tù vì đức tin vào Pháp Luân Công, bao gồm ông Lưu Chu Ba và bà Tào Văn, cha mẹ của anh Lưu Chi Nguyên (sinh viên Đại học Carleton), và bà Lưu Diễm, mẹ cô Lưu Minh Viên (sinh viên ngành hoạt hình máy tính tại Đại học Sheridan).

“Đáng tiếc là, chưa bao giờ sự tương phản giữa cuộc khủng hoảng nhân đạo và sự im lặng từ cộng đồng quốc tế lại lớn đến thế, như đã quan sát thấy trong cuộc bức hại Pháp Luân Công trong hai thập kỷ qua, khi mà các chuyên gia nhân quyền và pháp lý đều khẳng định rằng tội ác chống lại loài người đang xảy ra.”

“Chúng tôi rất mong chính phủ bảo vệ nhân quyền quốc tế của tất cả các nhóm bị bức hại. Đặc biệt, cộng đồng tín ngưỡng Pháp Luân Công đáng được đề cập rõ trong Khung chính sách Các vấn đề toàn cầu về Trung Quốc, vốn cộng đồng này đã không được nhắc đến trong đó, vì những hành động khủng khiếp và thù hận tiếp tục nhắm vào họ ở Trung Quốc cũng như ở Canada đây.”

“Đã đến lúc chúng ta phải lên tiếng bảo vệ họ.”

Mọi nội dung đăng trên trang web này thuộc bản quyền của Minghui.org. Minh Huệ sẽ biên soạn các nội dung trên trang web và xuất bản theo định kỳ hoặc vào những dịp đặc biệt.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2022/7/22/446569.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2022/7/23/202390.html

Đăng ngày 24-07-2022; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share