Bài viết của học viên Pháp Luân Đại Pháp tại Anh
[MINH HUỆ 20-07-2022] Ngày 20 tháng 7 năm 1999, ĐCSTQ (Đảng Cộng sản Trung Quốc) đã khởi xướng một cuộc bức hại trên toàn quốc nhằm tiêu diệt Pháp Luân Đại Pháp và các học viên của pháp môn này ở Trung Quốc. Hàng năm, cứ đến dịp này, các học viên lại tổ chức các sự kiện để phổ biến cho mọi người về cuộc bức hại và kêu gọi chấm dứt nó. Ngày 16 tháng 7 năm 2022, các học viên đã tổ chức một cuộc diễu hành và lễ mít-tinh tại London, Anh. Họ cho biết họ sẽ tiếp tục kháng nghị ôn hòa và nâng cao nhận thức cho đến ngày cuộc bức hại kết thúc.
Cuộc diễu hành bắt đầu trước Đại sứ quán Trung Quốc, và bao gồm ba chủ điểm: các học viên biểu diễn các bài công pháp Pháp Luân Đại Pháp, các học viên rước biểu ngữ ghi thông tin về cuộc bức hại, và các học viên mặc trang phục màu trắng để tưởng nhớ những đồng tu đã qua đời trong cuộc bức hại.
Các học viên trong cuộc diễu hành còn giương các bảng hiệu chúc mừng gần 400 triệu người dân Trung Quốc đã thoái xuất khỏi ĐCSTQ.
Nhiều người đã dừng lại để xem cuộc diễu hành, nhận tờ rơi về cuộc bức hại và ký bản kiến nghị lên án những hành vi tàn bạo của ĐCSTQ. Một số thậm chí còn giúp các học viên giải thích cho người khác hiểu việc ĐCSTQ đã giết hàng nghìn học viên như thế nào.
Các học viên tổ chức một cuộc diễu hành tại London để thông tin cho mọi người về cuộc bức hại đang diễn ra ở Trung Quốc, hôm 16 tháng 7 năm 2022.
Đoàn diễu hành đi qua các khu vực sầm uất nhất ở London, gồm phố Regent và Khu phố Tàu, rồi kết thúc tại số 10 Phố Downing bằng một lễ mít-tinh trước Văn phòng Thủ tướng.
Các học viên tổ chức lễ mít-tinh trước Văn phòng Thủ tướng tại số 10 Phố Downing.
Các quan chức đắc cử đã gửi thư ủng hộ lễ mít-tinh và ủng hộ nỗ lực của các học viên nhằm chấm dứt cuộc bức hại kéo dài 23 năm. Các đại diện từ Hiệp hội Pháp Luân Đại Pháp, Liên minh Quốc tế Chấm dứt Lạm dụng Cấy ghép ở Trung Quốc (ETAC), Những người bạn Nghị viên của Pháp Luân Công, và các học viên là nạn nhân của cuộc bức hại đã phát biểu tại lễ mít-tinh.
Sự ủng hộ từ các quan chức
Là một phần của cuộc bức hại, ĐCSTQ đã thu hoạch nội tạng một cách có hệ thống từ các học viên bị giam giữ vì kiên định đức tin của họ. Nguồn nội tạng này được bán để cấy ghép và mang lại lợi nhuận khổng lồ cho nhà nước. Tháng 4 năm 2022, Quốc hội Anh đã thông qua Đạo luật Y tế và Chăm sóc Sức khỏe, trong đó cấm công dân Anh mua nội tạng ở nước ngoài. Lord Hunt, người có đóng góp quan trọng vào việc sửa đổi Đạo luật, cảm ơn các học viên vì đã vạch trần những gì đang xảy ra trong cuộc bức hại. “Cảm ơn các bạn rất nhiều vì tất cả những điều bạn đang làm để phơi bày những gì đang xảy ra và chúc các cuộc kháng nghị của các bạn thành công, cũng như những nỗ lực to lớn hơn của các bạn nhằm khơi dậy sự chú ý rộng rãi của toàn cầu tới việc đối xử vô nhân đạo đối với Pháp Luân Công.”
Nghị sỹ Kerry McCarthy viết trong thư của bà rằng “Việc ngăn cản người ở Vương quốc Anh ra nước ngoài phẫu thuật chỉ là bước khởi đầu, chứ chưa phải là hành động đỉnh điểm về vấn đề này. Chúng ta phải ngăn chặn các tổ chức y tế quốc tế đồng lõa với hành vi thu hoạch tạng trái phép, nhưng quan trọng nhất là cần phải loại bỏ hoạt động này ngay tại nguồn, bằng cách gây áp lực chính trị thích đáng lên Chính phủ Trung Quốc. Nếu không, cuộc bức hại các học viên Pháp Luân Công sẽ tiếp tục dưới một hình thức khác. Chúng tôi có nhiệm vụ buộc những kẻ vi phạm nhân quyền phải chịu trách nhiệm”.
Nghị sỹ Margaret Ferrier của Rutherglen và Hamilton, viết trong thư, “Tự do tín ngưỡng hay tự do tôn giáo là quyền cơ bản của con người, cho dù là tôn giáo hay đức tin nào. Pháp Luân Công, cũng như nhiều tôn giáo khác, cốt lõi của nó đều là truyền bá những điều tốt đẹp trên thế giới này. … Tôi sát cánh cùng các học viên Pháp Luân Công.
“Những người theo Pháp Luân Công ở Trung Quốc đã phải đối mặt với nỗi kinh hoàng không thể tưởng tượng được. Họ bị chính quyền bức hại cả về tinh thần và thể chất, bị tra tấn, và bị thiệt mạng. Theo báo cáo, rất nhiều người đã bị cưỡng bức mổ lấy nội tạng một cách tàn bạo. Đó là sự vi phạm không thể chấp nhận được đối với quyền tự chủ về cơ thể của mỗi người. Những hành vi ngược đãi này được thúc đẩy bởi thành kiến và sự hận thù, và nó không thể tiếp tục.
“Mỗi người trong chúng ta có trách nhiệm đưa vấn nạn này ra ánh sáng – bằng mọi cách có thể để nâng cao nhận thức và hỗ trợ những người bị bức hại. Tôi sẽ tiếp tục ủng hộ các bạn, và tôi hy vọng nhiều đồng nghiệp của tôi cũng vậy.
“Chân-Thiện-Nhẫn không phải là duy tâm trong bất kỳ xã hội nào, mà nó phải là tiêu chuẩn.”
Sự ủng hộ từ ETAC
Cô Victoria White, đại diện cho ETAC, phát biểu tại lễ mít-tinh.
Cô Victoria White, đại diện cho ETAC, phát biểu về kết luận mà Tòa án Luận tội Trung Quốc đã đưa ra vào tháng 3 năm 2020: “Các học viên Pháp Luân Công “có lẽ là nguồn chính” của hoạt động thu hoạch nội tạng đã được thực hiện trong nhiều năm ở một quy mô đáng kể trên khắp Trung Quốc.” Tòa án lưu ý rằng thu hoạch nội tạng sống là điều hết sức tàn bạo và thậm chí so sánh nó với một cuộc thảm sát quy mô lớn.
Cô nói, “Các chính phủ hợp tác với ĐCSTQ theo bất kỳ cách nào cần phải phải nhận ra rằng họ đang liên đới với một chính phủ tội phạm”.
Gia đình tan nát trong 23 năm
Cô Vu Minh Huệ mô tả việc mẹ cô đã bị bức hại và bỏ tù ở Trung Quốc vì tu luyện Pháp Luân Đại Pháp.
Cô Vu Minh Huệ năm nay 35 tuổi, cô buộc phải sống xa cha mẹ từ năm 12 tuổi vì cha mẹ cô không chịu từ bỏ đức tin của họ vào Pháp Luân Đại Pháp. Cha cô bị kết án 15 năm tù và mẹ cô bị kết án tù 11 năm. Ngay sau khi mẹ cô, bà Vương My Hồng, được thả, cảnh sát đã tiếp tục bắt bà vào tháng 12 năm 2020. Họ giam bà 5 tháng và kết án bà 4 năm tù nữa. Các nhà quản lý nhà tù vẫn không cho phép bất cứ ai đến thăm bà.
Cô Vu kể lại những trải nghiệm đau thương của mình khi còn là học sinh ở Trung Quốc. Một ngày nọ khi cô về nhà, cảnh sát đã vây bên ngoài chờ bắt mẹ cô. Họ túm lấy cô Vu và bịt miệng cô lại. Cảnh sát đẩy mẹ cô xuống cầu thang và chĩa súng vào đầu bà. Họ còn đánh đập và chửi rủa bà.
“Cuộc bức hại này đã trải qua 23 năm rồi, và mỗi ngày trôi qua thật dài. Cuộc sống rất mong manh và quý giá, và không ai đáng bị bỏ tù hay bị đánh đập vì đã đề cao giá trị Chân-Thiện-Nhẫn. Mỗi học viên qua đời là một sự mất mát. Chúng tôi có trách nhiệm chấm dứt sự tàn bạo này. Mẹ tôi vô tội và đáng được trả tự do ngay lập tức”.
Thay đổi thế giới để thế giới trở nên tốt đẹp hơn
Mọi người bị sốc khi nghe nói về cuộc bức hại và thể hiện sự ủng hộ của họ bằng cách ký bản kiến nghị.
Ngày hôm đó, nhiều người đã biết đến Pháp Luân Đại Pháp, và việc các học viên phải chịu đựng các loại hình tra tấn không thể tả được ở Trung Quốc như thế nào. Họ hy vọng cuộc bức hại sẽ sớm kết thúc và ký bản kiến nghị để bày tỏ sự ủng hộ của họ.
Ông Derek cảm thấy các học viên đang cố gắng để tác động tích cực đến thế giới.
Ông Derek cho biết đây là lần đầu tiên ông nghe nói về cuộc bức hại Pháp Luân Đại Pháp. Ông từ Manchester chuyển đến London để thực hiện một dự án liên quan đến năng lượng của con người. Ông cho hay ông cảm thấy các học viên đang cố gắng thay đổi thế giới để thế giới trở nên tốt đẹp hơn, và năng lượng mà họ thể hiện đã kết nối với tất cả mọi người trên thế giới.
Ông Michal Rigli nhận được tờ thông tin từ một học viên Pháp Luân Đại Pháp tại Quảng trường Trafalgar, vậy nên ngay khi nhận thấy các học viên đang thu thập chữ ký để chấm dứt cuộc bức hại, ông đã đi thẳng đến bàn ký tên và ký vào đó. Ông giải thích, “Đảng Cộng sản là một thảm họa. Tôi đến từ Slovakia nên tôi biết chủ nghĩa cộng sản đáng sợ như thế nào”.
Các học viên lập một bàn ký tên và dựng bảng trưng bày ở Khu phố Tàu để thông tin cho những người Trung Quốc có thể đã bị lừa dối bởi tuyên truyền chống Pháp Luân Công của ĐCSTQ.
Người qua đường đọc bảng trưng bày của các học viên ở Khu phố Tàu
Cô Jan đến từ Hồng Kông đang đi thăm Khu phố Tàu cùng mẹ và các chị của cô. Ngay khi nhìn thấy bàn của các học viên, cô ấy đã đi tới và ký vào bản kiến nghị. Cô cho hay cô đã từng tin vào lời tuyên truyền của ĐCSTQ. Sau khi nói chuyện với các học viên ở Hồng Kông, cô Jan đã hiểu tại sao các học viên vẫn kiên trì tu luyện Pháp Luân Đại Pháp và tại sao ĐCSTQ lại bức hại pháp môn. Cô đồng ý với nguyên tắc Chân-Thiện-Nhẫn, và hỏi, “Làm thế nào mà các học viên ở Trung Quốc có thể duy trì lâu như vậy?” Các học viên nói với cô rằng đó chính là bởi vì họ tin vào nguyên tắc Chân-Thiện-Nhẫn của Pháp Luân Đại Pháp.
Cô Hanna chuyển đến Anh vào năm ngoái. Cô cho hay cô khâm phục tinh thần bền bỉ của các học viên khi họ không ngừng nâng cao nhận thức trên khắp thế giới, ngay cả khi bị bức hại trong 23 năm ròng.
Các hoạt động trong ngày đã kết thúc tốt đẹp vào lúc 6 giờ chiều.
Mọi nội dung đăng trên trang web này thuộc bản quyền của Minghui.org. Minh Huệ sẽ biên soạn các nội dung trên trang web và xuất bản theo định kỳ hoặc vào những dịp đặc biệt.
Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2022/7/20/446496.html
Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2022/7/21/202360.html
Đăng ngày 22-07-2022; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.