Bài viết của Văn Hân

[MINH HUỆ 26-04-2022] Từ xưa đến nay, mọi chính tín (tín ngưỡng hay đức tin chân chính) đều phải trải qua một thời gian bị bức hại. Sự thảm khốc của cuộc bức hại tạo nên bầu không khí u ám, xung kích, như một phép thử để khảo nghiệm đức tin của người tu luyện trong chính tín đó. Chưa nói loại khảo nghiệm đó có thích đáng hay không, nhưng lửa mạnh cũng có thể luyện chân kim, kết quả cuối cùng đều là, không một cuộc bức hại nào có thể ngăn cản được những người kiên định chính tín đắc chính quả. Người kiên định vào chính tín cũng trở thành động lực và tấm gương khiến người người trong xã hội muốn hướng thiện.

Vì sao ánh sáng của chính tín có thể xuyên việt hắc ám?

Trong lịch sử Trung Quốc từng có sự kiện diệt Phật “tam Vũ nhất Tông”, còn ở phương Tây, Cơ Đốc giáo cũng liên tiếp bị bức hại suốt 300 năm.

Nhìn lại lịch sử và đối chiếu với hiện tại, chúng ta sẽ có thể thấy rõ được ngọn ngành.

Sự kiện diệt Phật “tam Vũ nhất Tông”

Trong lịch sử Trung Quốc đã xảy ra bốn lần Pháp nạn do ba hoàng đế có tên “Vũ” và một hoàng đế có tên “Tông” khởi phát, vì thế gọi là “Tam Vũ nhất Tông”. Những hoàng đế này, sau này, đều gặp báo ứng và chết thảm.

Pháp nạn lần thứ nhất bắt đầu vào năm 438 SCN, do Thái Vũ Đế Thác Bạt Đảo của Bắc Ngụy, để giải quyết vấn đề chiêu mộ binh lính, đã hạ chiếu lệnh cho tăng lữ từ 50 tuổi trở xuống phải hoàn tục. Năm 446 SCN, Thôi Hạo tâu lên hoàng đế, đòi tận sát tăng ni, đốt sạch kinh sách. Thác Bạt Đảo lại hạ chiếu thiêu đốt tượng Phật và kinh Phật, phá hủy chùa chiền, chôn sống tăng lữ. Sau này, Thác Bạt Đảo bị hoạn quan giết chết, hai con trai cũng vậy. Hai năm trước khi băng hà, hoàng đế đã ban phạt Thôi Hạo nhiều hình phạt, từ đánh đập, giam vào ngục, lưu đày, đến xử tử.

130 năm sau, lịch sử lại lặp lại. Năm 574 SCN, Vũ Đế của Bắc Chu hạ chiếu cấm chỉ Phật giáo và Đạo giáo, hủy hết toàn bộ kinh thư, tượng thờ của hai tôn giáo này, phế trừ tăng nhân, đạo sỹ, ra lệnh cho họ phải hoàn tục thành dân thường. Năm năm sau, Vũ Đế qua đời ở tuổi 36 vì mắc bệnh truyền nhiễm khiến toàn thân mưng mủ.

Năm 845 SCN (5 năm Hội Xương), Đường Vũ Tông Lý Viêm ban chiếu Tây Kinh Trường An chỉ được phép lưu lại bốn ngôi chùa, mỗi chùa lưu lại mười tăng nhân; Đông Kinh Lạc Dương chỉ được lưu lại hai ngôi chùa; còn lại, thủ phủ của Tiết độ sứ và 34 châu, mỗi nơi chỉ được lưu lại một ngôi chùa, thủ phủ của Thứ Sử không được lưu lại chùa nào. Chiếu thư ban xuống, hơn 4.600 ngôi chùa lớn và hơn 40.000 đền chùa nhỏ đã bị dỡ bỏ, rất nhiều kinh Phật bị đem đốt, tượng Phật bằng đồng bị nấu chảy để đúc tiền; 260.000 tăng ni bị ra lệnh phải hoàn tục. Sử sách gọi sự kiện này là “Hội Xương diệt Phật”. Sau này, Sài Vinh gặp báo ứng, mắc phải căn bệnh lạ, đầu sưng lên như đầu bò, khắp người lở loét, mắt lồi ra, miệng chảy máu, đau đớn tột cùng, ngày đêm gào thét, cuối cùng qua đời ở tuổi 32.

Năm 955 SCN, Chu Thế Tông Sài Vinh của Hậu Chu hạ chiếu cấm tự ý xuất gia. Ngoại trừ những ngôi chùa có bút tích của hoàng đế được giữ lại, mỗi huyện chỉ được lưu lại một ngôi chùa, còn lại đều bị hủy hết. Trong điều kiện ngặt nghèo ấy, tăng lữ phải học thuộc lòng bao nhiêu quyển kinh Phật trở lên mới được tôn trưởng chấp nhận, mới được xuất gia, bằng không sẽ bị coi là phạm pháp. Cả nước có đến 30.360 đền chùa bị phá hủy, tượng Phật bị đem nung để đúc tiền, gần 1 triệu tăng ni bị bức ép hoàn tục. Phủ Trấn Châu, tỉnh Hà Nam có bức tượng Bồ Tát linh thiêng. Những người được phái đến phá hủy bức tượng này đều bị gãy tay và chết, Sài Vinh bèn đích thân đến phá hủy bức tượng bằng cách dùng rìu lớn bổ vào ngực bức tượng. Bốn năm sau, Sài Vinh đột nhiên mắc bệnh khiến ngực lở loét, càng ngày càng nặng, cuối cùng chết thảm ở tuổi 39.

Trong bốn lần Pháp nạn này, ngắn thì tám tháng, dài nhất cũng không quá sáu năm. Nghiêm trọng nhất là cuộc bức hại trong lần Pháp nạn thứ nhất. Theo ghi chép của “Ngụy thư” trong Nhị thập tứ sử (24 bộ sử của Trung Quốc), Thái Vũ Đế Thác Bạt Đảo của Bắc Ngụy hạ chiếu chôn sống tăng lữ. May thay, nhờ tín phụng Phật Pháp, đại đa số tăng nhân đều trốn thoát, chỉ có một bộ phận tỳ kheo bị chết thảm trong vụ bức hại này.

Cho dù mỗi thời kỳ lại trải qua ma nạn, nhưng những giáo nghĩa của Phật gia dạy hướng thiện, thiện ác nhân quả và sinh mệnh luân hồi đã cảm hóa chúng sinh Trung thổ. Trong “tam Vũ nhất Tông”, sau khi triều đại cũ đi đến diệt vong, vương triều mới lên thay căn bản đều kết thúc bức hại, chấn hưng Phật giáo. Phật giáo đã trở thành tín ngưỡng chủ yếu nhất trong lịch sử Trung Quốc.

Cuộc bức hại Cơ Đốc giáo của Đế chế La Mã

Cơ Đốc giáo trong 300 năm đầu cũng trải qua cuộc bức hại tàn khốc.

Năm 64 SCN, Nero, Hoàng đế La Mã thứ 5, đã cố ý phóng hỏa, thiêu rụi 2/3 thành La Mã suốt một tuần, rồi giá họa cho tín đồ Cơ Đốc giáo để lấy cớ tiến hành bức hại.

Theo ghi chép của sử gia La Mã Tacitus trong Biên niên sử, “Bấy giờ, đầu tiên, những tín đồ đã nhận tội bị bắt; tiếp theo, theo những gì họ tiết lộ, rất nhiều người đã bị kết tội – tội phóng hỏa, nhưng chủ yếu là tội căm thù loài người… Và kết cục của họ là bị đem ra làm trò tiêu khiển: họ bị khoác lên tấm da thú hoang và bị chó xé xác cho đến chết; hoặc bị trói chặt trên thập tự giá, và khi nắng chói ban ngày không khiến họ chết cháy, thì đến tối, họ sẽ bị thiêu làm đuốc.”

Tacitus tiếp tục: “Nero đã cho mọi người vào Vườn của hắn xem những trò này trong Đấu trường của hắn, và lẫn vào đám đông theo thói quen của gã đánh xe ngựa, hoặc trèo lên nóc xe của hắn.”

Các tín đồ Cơ Đốc giáo còn bị bức hại dưới triều đại của hoàng đế La Mã Marcus Aurelius (161-180 SCN), và là một triết gia Khắc kỷ. John Foxe viết trong Book of Martyrs (Cuốn sách về những người tử vì đạo): “Sự tàn ác trong cuộc bức hại này kinh hoàng đến nỗi nhiều khán giả phải rùng mình kinh hãi, và kinh ngạc trước sự gan dạ của những người bị nạn…. Một số người tử vì đạo, bàn chân đã bị thương, mà còn bị ép phải đi qua gai, đinh, vỏ sò sắc nhọn, v.v., có người bị cào xé cho đến khi cơ và gân của họ lòi hẳn ra, và sau khi chịu những đòn tra tấn dã man nhất, họ đã bị giết chết bằng những hình thức man rợ nhất.” Như Germanicus chẳng hạn, đã bị quẳng cho thú hoang xé xác chỉ vì là có đức tin vào Cơ Đốc giáo.

Cuộc bức hại của hoàng đế La Mã Diocletian bắt đầu vào năm 303 SCN là cuộc bức hại cuối cùng và tàn khốc nhất đối với các tín đồ Cơ Đốc giáo trong Đế chế La Mã. Một loạt sắc lệnh đã được ban hành để hủy bỏ các quyền hợp pháp của các tín đồ Cơ Đốc và cưỡng chế họ cải đạo sang các tôn giáo khác.

Trong Book of Martyrs, Foxe đã ghi lại mười cuộc bức hại của Đế chế La Mã. Tuy nhiên, thay vì bị tiêu diệt, Cơ Đốc giáo lại thu hút ngày càng nhiều tín đồ: năm 100 SCN là 7.500 người; đến cuối thế kỷ II đã lên đến khoảng 200.000 người, riêng ở Rome đã là 7.000 người; năm 250 SCN là 1 triệu người; năm 300 SCN hơn 6 triệu và có hơn 1.800 nhà thờ.

Năm 313 SCN, Constantine Đại đế và đồng hoàng đế Licinius ban hành Sắc lệnh Milan, mang lại cho Cơ Đốc giáo địa vị hợp pháp và chấm dứt cuộc bức hại.

Tự do tín ngưỡng đã trở thành giá trị phổ quát

Từ lần Pháp nạn cuối cùng trong phong trào diệt Phật “tam Vũ nhất Tông” đến nay đã hơn 1.000 năm; cuộc bức hại Cơ Đốc giáo cuối cùng của Đế chế La Mã vào năm 303 SCN đến nay cũng đã hơn 1.700 năm. Lịch sử đã minh chứng, bất kể trải qua bao nhiêu ma nạn, những người đi tìm chân lý, người kiên định với chính tín rốt cuộc đều là trụ cột tinh thần căn bản nhất của nhân loại trong dòng sông dài của lịch sử.

Người không có chính tín thì nội tâm rất khó có hạnh phúc chân chính. Người phủ định sự tồn tại của Thần, chỉ tin vào khoa học, sùng bái vật chất thì hạnh phúc chỉ được xây dựng trên cơ sở vật chất, quyền lực tại nhân gian, là vật ngoại thân, hễ gặp thiên tai nhân họa thì đều chỉ là phù vân, không thể mang lại cho con người sức mạnh tinh thần như kim cương bất phá.

Đến thời cận đại, tự do tín ngưỡng đã trở thành giá trị phổ quát. “Tuyên ngôn Độc lập” do Quốc hội Hoa Kỳ thông qua vào năm 1976 viết, “Chúng tôi công nhận những chân lý này, rằng tất cả mọi người đều được tạo ra bình đẳng, rằng con người được Đấng Tạo Hóa ban cho một số Quyền bất khả xâm phạm, trong đó có quyền được Sống, quyền Tự do, và quyền mưu cầu Hạnh phúc.” Như vậy, tự do tín ngưỡng là quyền thiên phú căn bản.

Tuy nhiên, mọi sự đã thay trắng đổi đen sau khi chủ nghĩa cộng sản xuất hiện. Karl Marx viết, “Tôn giáo là thuốc phiện của nhân dân. Đó là tiếng thở dài của kẻ bị áp bức, trái tim của thế giới vô cảm, và là linh hồn của kẻ vô hồn trong chúng ta.” Vladimir Lenin cũng nói: “Tôn giáo là thuốc phiện của quần chúng.” Sau khi gây ra những vụ khủng bố, thảm sát đẫm máu và nạn đói, chủ nghĩa cộng sản đã thống trị Trung Quốc, tiếp tục mở rộng và vận hành cỗ máy tàn bạo, giết chóc và dối trá càng tinh vi hơn.

Hiến pháp Trung Quốc chỉ rõ “Công dân nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa có quyền tự do ngôn luận, báo chí, hội họp, tụ tập, diễu hành và biểu tình” (Điều 35) và “Công dân nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa có quyền tự do tín ngưỡng” (Điều 36). Song, trên thực tế, quyền của mọi người không được bảo vệ. Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đàn áp địa chủ và giai cấp tư sản vào những năm 1950, rồi lại xóa sổ văn hóa truyền thống trong Cách mạng Văn hóa vào những năm 1960. Tương tự, Hiến pháp đã không bảo vệ sinh viên và những người ủng hộ dân chủ trong vụ Thảm sát trên Quảng trường Thiên An Môn năm 1989, cũng như các học viên Pháp Luân Công trong cuộc bức hại từ năm 1999.

(Còn nữa)

Bài viết chỉ thể hiện quan điểm hoặc nhận thức của tác giả. Mọi nội dung đăng trên trang web này thuộc bản quyền của Minghui.org. Minh Huệ sẽ biên soạn các nội dung trên trang web và xuất bản theo định kỳ hoặc vào những dịp đặc biệt.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2022/4/26/441647.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2022/7/11/202199.html

Đăng ngày 13-07-2022; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share