Bài viết của một đệ tử Đại Pháp tại Trung Quốc

[MINH HUỆ 19-06-2022]

Giấc mộng hoàng lương

Chúng ta có thể đã nghe không ít người trăn trở với những câu hỏi thế này:

Con người rốt cuộc sống vì lẽ gì?
Cuộc sống vì sao khổ thế này?
Ý nghĩa nhân sinh là gì?
Chết đi rồi phải chăng là không còn gì nữa?

Đây không chỉ là lời than thở của những người lâm vào cảnh khốn khó, nhìn không thấy hy vọng trong cuộc sống, cũng là nỗi khắc khoải của không ít người trong giới trí thức, giới nhà giàu. Có người tìm đến những tôn giáo từ lâu đã thế tục hóa nhưng cũng không sao giải thoát được. Trong mê, họ vẫn vì danh lợi mà tranh đấu, vướng mắc vào đủ loại lưới tình, không biết hết thảy nơi thế gian đều là ảo mộng, cuộc đời cũng như giấc mộng hoàng lương.

Trung Quốc có câu chuyện “Chẩm trung ký”, kể rằng vào thời triều Đường khai nguyên, có một thư sinh nghèo tên là Lô Sinh đang âu sầu vì thất bại thì gặp được một đạo sỹ có tiên thuật họ Lữ ở một quán trọ. Hai người hàn huyên một hồi, rồi Lô Sinh thấy mệt, muốn nằm nghỉ một lát. Lúc đó, chủ nhà trọ đang nấu cơm Hoàng Lương cho họ. Đạo sỹ lấy cái gối đưa Lô Sinh để anh ta gối đầu ngủ một giấc, hầu mộng được vinh hoa phú quý mà anh ta mong mỏi.

Lô Sinh ngả đầu lên gối ngủ, liền tiến ngay vào giấc mộng đẹp được gả con gái của nhà họ Thôi giàu có làm vợ; sau đó lại đỗ Tiến sỹ, quan trường thuận lợi, từ chức quan Thiểm Châu, rồi được triệu vào kinh và được bổ nhiệm làm thượng thư kiêm ngự sử, cuối cùng lên đến tể tướng, được phong là Yến quốc công. Anh ta mơ thấy được nắm giữ nhiều ruộng đất, dinh thự, mỹ nữ và ngựa; mơ có năm con đều được làm quan to, được cưới gả với gia đình nhà cao cửa rộng; con cháu đầy nhà; mơ anh ta hưởng vinh hoa phú quý xong, đến 80 tuổi thì tạ thế. Mơ đến lúc tắt thở, Lô Sinh bừng tỉnh, thấy mọi thứ vẫn như cũ, Lữ ông vẫn ngồi bên cạnh, chủ nhà trọ còn chưa nấu xong món cơm Hoàng Lương.

Lô Sinh kinh ngạc hỏi Lữ đạo sỹ: “Lẽ nào chỉ huyễn ảo như giấc mộng vậy thôi sao?” Lữ ông nói: “Nhân sinh trải qua huy hoàng đến mấy cũng chỉ vậy thôi.” Lô Sinh phiền muộn hồi lâu, thụ giáo bái tạ, rồi rời đi. Sau này, người ta thường lấy câu chuyện này để ví vinh hoa phú quý cũng như giấc mộng tự huyễn, cuối cùng rồi cũng như bọt nước. Đạo sỹ điểm hóa cho Lô Sinh cũng là để anh ta minh bạch mục đích nhân sinh rốt ráo là gì.

Ngẫm lại, nhân sinh đúng là như thế, chẳng qua chỉ là giấc mộng hoàng lương. Sau trăm tuổi, ai có thể mang theo được gì? Yêu hận danh lợi tình thù, tài sản dinh thự, cái gì cũng không mang đi được. Đúng là đến tay trắng, đi cũng trắng tay. Nhưng con người sau khi chết, phải chăng thật sự sẽ không tồn tại nữa? Thực ra, không chỉ trong giới tu luyện từ xưa đến nay, mà cả các nghiên cứu khoa học hiện đại, đều đã chứng minh rằng, con người sau khi chết, linh hồn vẫn tồn tại vẹn nguyên, thiên đường và địa ngục cũng đều tồn tại chân thực.

Vượt ngoài khả năng của khoa học hiện đại

Cuốn sách “Chứng cứ về thiên đường” (Proof of Heaven: A Neurosurgeon’s Journey to the Afterlife)của bác sỹ giải phẫu thần kinh người Mỹ Eben Alexander xuất bản năm 2012 đã thuật lại lời kể của chính ông về trải nghiệm cận tử mà ông đã trải qua khi chiến đấu với bệnh viêm màng não. “Trải nghiệm của tôi cho tôi thấy cái chết của nhục thể và não bộ không có nghĩa là ý thức không tồn tại nữa, mà con người vẫn tiếp tục có sự sống sau khi chết”, ông viết.

Câu chuyện của ông còn được Newsweek đăng trên trang nhất trong số tháng 10 năm 2012 dưới tiêu đề “Thiên đường là có thật” (Heaven Is Real), trong đó nêu: “Bản thể tâm linh vĩnh cửu của chúng ta thực tại hơn bất cứ thứ gì mà chúng ta nhận thức được trong cõi vật chất này và có mối liên hệ thiêng liêng với tình thương vô hạn của Đấng Tạo Hóa.”

Các nhà khoa học khác cũng đã xác nhận trải nghiệm cận tử là có thật. Năm 2008, một nghiên cứu quy mô lớn bắt đầu được thực hiện với 2.060 bệnh nhân tại 15 bệnh viện ở Vương quốc Anh, Hoa Kỳ, và Áo. Các phát hiện của nghiên cứu này được công bố vào năm 2014 trên tạp chí Resuscitation (Hồi sinh) với tiêu đề “Nghiên cứu cho tương lai: Sự tỉnh thức trong quá trình hồi sinh” (AWARE—AWAreness during REsuscitation—A prospective study).

“Các chủ đề liên quan đến trải nghiệm về cái chết hóa ra rộng hơn nhiều so với những gì đã biết lâu nay, rộng hơn những gì đã được mô tả về cái gọi là trải nghiệm cận tử”, Tiến sỹ Sam Parnia của Đại học New York tại Stony Brook viết. Nhiều bệnh nhân đã nhìn thấy đường hầm hun hút hoặc luồng ánh sáng.

Tháng 2 năm 1994, tờ The Weekly World News đã đăng một bài báo về những bức ảnh do Kính viễn vọng Không gian Hubble thu được vào tháng 12 năm 1993. Khi thấu kính khổng lồ tập trung vào một chòm sao ở rìa vũ trụ, họ phát hiện ra một thành phố rộng lớn ánh bạc lấp lánh lơ lửng trên nền đen của vũ trụ. Tác giả kiêm nhà nghiên cứu Marcia Masson gọi đó là bức ảnh chụp thiên đường.

Bà giải thích: “Chúng ta mới chỉ biết sự sống không thể tồn tại trong không gian băng giá, không có không khí. Nhưng đây – đây là bằng chứng mà chúng tôi vẫn tìm kiếm… Chúng tôi phát hiện đó là nơi ở của Thượng đế.”

Còn nhiều câu chuyện như thế nữa. Tháng 5 năm 2019, BBC đưa tin về một dự án đầy tham vọng ở Liên Xô vào những năm 1970 trong bài báo có tiêu đề Trong Chiến tranh Lạnh, Mỹ và Liên Xô đều tiến hành những dự án khoan sâu chưa từng thấy (During the Cold War, the US and Soviets both created ambitious projects to drill deeper than ever before): “Đây là Hố khoan Siêu sâu Kola, hố nhân tạo sâu nhất trên Trái đất và là mũi khoan sâu nhất trên Trái đất. Công trình sâu 40.230 foot (12,2km), sâu đến mức người dân địa phương thề thốt rằng bạn có thể nghe thấy tiếng gào thét của những linh hồn bị tra tấn trong địa ngục.” Nhiều người cho rằng đó là lối vào địa ngục.

Ý nghĩa và mục đích nhân sinh

Nếu linh hồn, thiên đường và địa ngục thật sự tồn tại, vậy khi nhục thân của con người chết đi rồi, thì đó cũng không phải là cái chết thật sự. Người tu luyện đều biết, con người chết đi chẳng qua chỉ là bắt đầu tiến vào một vòng luân hồi mới. Vả lại, tùy theo mỗi người trong quá trình luân hồi – có người tích đức, có người tạo nghiệp – mà được lên thiên đường hay bị hạ địa ngục, hưởng hết phúc hay tiêu hết nghiệp xong lại tiến vào lục đạo luân hồi.

Con người cứ như vậy, hàng trăm nghìn năm trong quá trình tích đức và tạo nghiệp mà không thoát khỏi vòng xoáy luân hồi. Mỗi lần chuyển thế làm người, đại bộ phận ký ức về đời sống trước đó đều bị tẩy sạch. Vì thế, rất nhiều người lại tiếp tục mê lạc trong vinh hoa phú quý, danh-lợi-tình nơi trần thế, coi đó là hạnh phúc và mục đích sống, mà hoàn toàn quên mất mục đích làm người rốt cuộc là gì.

Vậy, mục đích làm người rốt cuộc là gì? Đó chính là phản bổn quy chân (tìm lại con người thực sự của mình), quay trở về với nguồn cội của chính mình nơi thiên thượng. Thần Phật sáng tạo ra thế gian này chính là để chúng sinh từ các tầng thiên quốc, vì nguyên nhân này khác, bị giáng hạ xuống, có cơ hội phản bổn quy chân. Bởi vì chỉ có thân người mới được phép tu luyện, mới có khả năng tu thành chính quả, thoát khỏi tam giới. Vậy cũng có nghĩa là, con người thông qua tu hành, phản bổn quy chân, thoát khỏi luân hồi mới là ý nghĩa và mục đích chân chính để con người tồn tại, đó mới là chính đạo nơi thế gian.

Có thể có người nói, tôi cũng tin Thần Phật, tôi cũng tu hành mà. Đáng tiếc thay, rất nhiều người, một mặt tín phụng Thần Phật, một mặt không buông được nhân tâm, không buông nổi “danh-lợi-tình” mà nhìn không thấu được mộng ảo nhân sinh. Song muốn tu thành Thần Phật lại phải buông bỏ chấp trước vào “danh-lợi-tình”.

Khi nhìn thấu tất cả những điều này, nhiều người dồn tâm huyết, nỗ lực để đạt đến sự giác ngộ tâm linh. Nghĩa là, khi không ngừng nâng cao tiêu chuẩn tâm tính, đồng thời buông bỏ những truy cầu thế tục, chúng ta mới có thể trở về ngôi nhà trên thiên thượng, vốn là nguồn cội của chúng ta.

Bài viết chỉ thể hiện quan điểm hoặc nhận thức của tác giả. Mọi nội dung đăng trên trang web này thuộc bản quyền của Minghui.org. Minh Huệ sẽ biên soạn các nội dung trên trang web và xuất bản theo định kỳ hoặc vào những dịp đặc biệt.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2022/6/19/444889.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2022/6/23/201931.html

Đăng ngày 26-06-2022; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share