Bài viết của Văn Thụy

[MINH HUỆ 18-06-2022] Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã tiến hành hàng loạt các cuộc phong tỏa khắp các thành phố nhằm cố gắng xóa sổ COVID. Điều này đã dẫn đến một cuộc phản đối kịch liệt trên toàn quốc về vấn đề nhân đạo.

Vào đầu tháng 1 năm 2022, trong thời gian đóng cửa thành phố Tây An, tỉnh Thiểm Tây, một bệnh viện đã từ chối tiếp nhận một phụ nữ mang thai 8 tháng vì cô ấy không thể xuất trình giấy xét nghiệm COVID âm tính trong vòng 24 giờ. Cuối cùng, cô ấy đã bị sẩy thai.

Từ cuối tháng 3 đến cuối tháng 5, Thượng Hải, thành phố lớn nhất ở Trung Quốc bị phong tỏa. Một đứa trẻ hai tuổi mới biết đi đã chết trong khi bị cách ly, khiến người mẹ suy sụp tinh thần và đã tự tử. Trong số 51 trường hợp tử vong được chính phủ ghi nhận, ngoại trừ những người mắc bệnh nặng, những người còn lại chết chỉ vì đói. Các video trực tuyến cũng cho thấy nhiều người nhảy ra khỏi các tòa nhà, treo cổ tự tử, hoặc nhảy xuống sông khi họ không còn chịu đựng nổi sự khủng hoảng về tinh thần do bị nhốt trong nhà như bị cầm tù.

Trong khi nhiều người khó có thể chấp nhận được những thảm cảnh đang diễn ra trước mắt ở một thành phố hiện đại như Thượng Hải, thì chính sách xóa sổ Covid không gây ngạc nhiên cho những ai hiểu rõ bản chất của Đảng Cộng sản Trung Quốc.

Chiến dịch “Xóa sổ” Pháp Luân Công ít được biết đến

Trong 23 năm qua, một cuộc phong tỏa khốc liệt tương tự đã diễn ra hàng ngày ở Trung Quốc, mặc dù nó chủ yếu chỉ nhắm vào một nhóm người cụ thể và được giấu kín với quần chúng.

Vào tháng 7 năm 1999, Đảng Cộng sản Trung Quốc đã ra lệnh bức hại Pháp Luân Công, một môn tu luyện cổ xưa theo nguyên lý chủ đạo Chân-Thiện-Nhẫn. Kể từ đó, các học viên Pháp Luân Công đã phải đối mặt với một chính sách tiêu diệt toàn diện nhằm “bôi nhọ thanh danh, vắt kiệt tài chính, và hủy hoại thân thể”.

Từ đó đến nay, vô số học viên đã phải đối mặt với nguy cơ bị bắt, giam giữ, tra tấn, hoặc thậm chí bị giết hại để lấy nội tạng. Sau khi đại dịch bùng phát ở Trung Quốc, cuộc bức hại vẫn tiếp tục cho dù nó đã bắt đầu từ hơn 20 năm trước.

Mùa hè năm 2020, Ủy ban Chính trị và Pháp luật của ĐCSTQ (PLAC) và “Phòng 610” của nó, có nhiệm vụ giám sát cuộc bức hại Pháp Luân Công, đã ban hành một chiến dịch bức hại mới trên toàn quốc, dưới tên gọi là chiến dịch “xóa sổ”. Chiến dịch này nhằm buộc mọi học viên Pháp Luân Công nằm trong danh sách đen của chính phủ phải từ bỏ đức tin của họ. Ngay cả những người đã từ bỏ đức tin của họ trong những năm trước đó cũng bị nêu tên.

Ngày 18 tháng 6 năm 2021, tại huyện Mông Âm, tỉnh Sơn Đông, cảnh sát và các đặc vụ Phòng 610 đã bắt giữ anh Tôn Phi Tiến, một học viên Pháp Luân Công, đang làm việc ở nhà máy gạch. Ngày hôm sau, nhân viên Phòng 610 thông báo cho gia đình anh rằng anh đã qua đời. Khi gia đình đến hiện trường thì được cho biết anh Tôn tự tử vì đã nhảy ra khỏi tòa nhà. Gia đình anh nhận thấy thi thể của anh bị thiếu một nhãn cầu. Một nửa hộp sọ và khoang ngực của anh bị hõm xuống. Nhưng họ không được phép thuê pháp y độc lập để khám nghiệm tử thi. Sau đó, các đặc vụ Phòng 610 túc trực trong làng, theo dõi gia đình anh Tôn, không cho họ thuê luật sư hoặc kháng cáo về cái chết của anh, và cuối cùng buộc họ phải hỏa táng thi thể của anh.

Ngày 23 tháng 4 năm 2021, Cảnh sát khu Hải Điến ở Bắc Kinh, lấy lý do tiêm phòng, đã ập vào nhà của học viên Kha Hưng Quốc. Vợ của ông Kha, một quản lý tại Bộ Nông nghiệp, đã nằm liệt giường và cầu xin cảnh sát đừng bắt chồng mình. Tuy nhiên, cảnh sát đã còng tay ông Kha trước mặt bà và đưa ông đi.

Cảnh sát giam giữ ông Kha trong một tháng rồi mới thả ông. Sau đó, họ tiếp tục thường xuyên sách nhiễu ông tại nhà, cố gắng ép buộc ông từ bỏ tu luyện bằng cách đe dọa ông về việc làm và việc học đại học của con ông. Nhưng điều đó không làm ông Kha lay động. Vợ ông sống trong nỗi sợ hãi thường trực, nhất là khi có người gõ cửa. Trong cơn hoảng loạn, bà đã qua đời một cách thương tâm vào ngày 10 tháng 12 năm 2021.

Bà Ngô Chí Bình, nhân viên nghỉ hưu của Nhà máy Thép Thành phố Nam Xương, tỉnh Giang Tây, đã bị bỏ tù sáu năm vì đức tin của mình. Kể từ tháng 5 năm 2020, cảnh sát đã gọi điện cho con gái bà để yêu cầu cô thuyết phục mẹ từ bỏ Pháp Luân Công. Con gái bà sợ hãi đến mức phát sinh các vấn đề về sức khỏe và phải phẫu thuật. Cô bị buộc phải cắt đứt quan hệ với mẹ mình. Tháng 4 năm 2021, cảnh sát đã đến nhà bà Ngô nhiều lần để sách nhiễu bà, hòng ép bà từ bỏ tu luyện nhưng bà từ chối. Tối ngày 19 tháng 4 năm 2021, bà Ngô đã bỏ nhà đi trốn. Bà lang thang trên đường cả đêm. Sau đó bà vẫn bị bắt và bị đưa đến một trung tâm tẩy não, rồi bị đưa vào bệnh viện tâm thần.

ĐCSTQ đã dùng hầu hết mọi thủ đoạn để buộc các học viên Pháp Luân Công từ bỏ đức tin của họ, như xóa bỏ số năm làm việc để họ không thể nhận lương hưu, hoặc đình chỉ lương hưu, sa thải họ, cưỡng ép lấy dấu vân tay, buộc các thành viên trong gia đình thay họ ký tuyên bố từ bỏ Pháp Luân Công, hay kích động xung đột giữa các thành viên trong gia đình. Những người từ chối tuân thủ đã bị đưa đến các trung tâm tẩy não hoặc thậm chí bị kết án tù.

Theo Minghui.org, trong năm 2020, cảnh sát ở Trung Quốc đã bắt giữ hoặc sách nhiễu ít nhất 15.235 học viên Pháp Luân Công và đưa 537 học viên vào các trung tâm tẩy não. Năm 2021, họ đã bắt giữ và quấy rối 16.413 học viên và đưa 608 học viên vào các trung tâm tẩy não, với số lượng học viên bị bức hại mỗi ngày lên đến 40 người.

Hai chiến dịch “Xóa sổ” về cơ bản có cùng bản chất

Cuộc bức hại Pháp Luân Công bất hợp pháp và tàn bạo đã diễn ra trong 23 năm qua và vẫn đang tiếp diễn. Do sự che đậy sâu kín của ĐCSTQ và sự phong tỏa thông tin, nhiều người Trung Quốc không biết nhiều về cuộc bức hại này.

Với các thủ đoạn đàn áp tương tự, ĐCSTQ đã biến Thượng Hải, một thành phố lớn với 25 triệu dân, thành một nhà tù khổng lồ trong vòng hai tháng. Trong khi chính sách xóa sổ Covid của Thượng Hải là hạn chế khả năng di chuyển của người dân, thì chiến dịch xóa sổ đối với các học viên Pháp Luân Công nhằm mục đích kiểm soát tâm trí của họ.

ĐCSTQ đe dọa và uy hiếp các học viên Pháp Luân Công rằng nếu họ không từ bỏ đức tin, họ sẽ bị liên lụy đến ba đời. Trong thời gian phong tỏa ở Thượng Hải, khi một cặp vợ chồng trẻ có kết quả xét nghiệm âm tính Covid từ chối việc bị đưa đến trung tâm cách ly, các nhân viên chính phủ đã đe dọa rằng con của họ sẽ bị liên lụy. Tuy nhiên, người chồng trẻ bình tĩnh đáp: “Chúng tôi là thế hệ cuối cùng rồi”. Câu nói này đã được lan truyền rộng rãi trên Internet và mọi người gọi đây là tuyên bố của giới trẻ Trung Quốc nhằm tách mình ra khỏi ĐCSTQ.

Cũng giống như không có luật nào ở Trung Quốc từng tuyên bố Pháp Luân Công là bất hợp pháp, không có tình trạng khẩn cấp nào được tuyên bố ở Thượng Hải. Nhưng điều đó không ngăn được ĐCSTQ bức hại Pháp Luân Công hoặc nhốt tất cả cư dân Thượng Hải trong nhà của họ, thậm chí là khóa chặt các lối thoát hiểm.

Dưới con mắt của ĐCSTQ, không có đúng-sai, thiện-ác, mà chỉ có uy quyền, để duy trì quyền lực của nó. Đơn giản vì nó không coi trọng mạng sống của con người. Việc phong tỏa Thượng Hải đã thức tỉnh nhiều người Trung Quốc, cũng như người dân thế giới, giúp họ nhận ra bản chất tà ác của ĐCSTQ.

Bài viết chỉ thể hiện quan điểm hoặc nhận thức của tác giả. Mọi nội dung đăng trên trang web này thuộc bản quyền của Minghui.org. Minh Huệ sẽ biên soạn các nội dung trên trang web và xuất bản theo định kỳ hoặc vào những dịp đặc biệt.


Bản tiếng Hán : https://www.minghui.org/mh/articles/2022/6/2/444169.html

Bản tiếng Anh : https://en.minghui.org/html/articles/2022/6/18/201856.html

Đăng ngày 26-06-2022; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share