Bài viết của một phóng viên báo Minh Huệ ở tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc

[MINH HUỆ 10-05-2022] Ngày 21 tháng 8 năm 2021, bà Trình Liên Liên và bà Trương Quế Anh (ở thị trấn Bát Lý Loan, huyện Hồng An, tỉnh Hồ Bắc) đã bị bắt sau khi bị báo cảnh sát vì phân phát tài liệu Pháp Luân Công, một môn tu luyện cả tâm lẫn thân đã bị bức hại ở Trung Quốc từ tháng 7 năm 1999.

Một ngày sau vụ bắt giữ, cảnh sát của Đồn Công an thị trấn Bát Lý Loan đã lục soát nhà bà Trình, tịch thu tất cả sách và tài liệu Pháp Luân Công để làm bằng chứng chống lại bà. Cảnh sát còn lấy đi một máy in, máy tính xách tay, ổ USB và giấy in từ nhà bà Trình.

Hai ngày sau bà Trương đã được thả, nhưng cảnh sát lại bắt bà sau hai ngày tiếp theo vì bà tải tài liệu thông tin Pháp Luân Công.

Thông qua lịch sử trò chuyện trên điện thoại của bà Trương và các video giám sát, cảnh sát đã định vị và bắt giữ người học viên thứ ba là bà Lô Hồng Phương vài ngày sau đó. Nhà bà cũng bị lục soát.

Ba học viên cùng bị giam trong Trại tạm giam Đoàn Phong ở thành phố Hoàng Cương. Gần đây bà Trình đã bị kết án 7 năm tù và bà Trương bị kết án 3 năm (chưa rõ thông tin về việc kết án bà Lô).

Bà Trình: Những thay đổi đáng kinh ngạc sau khi tu luyện Pháp Luân Công

Bà Trình, một cựu cảnh sát 49 tuổi, lớn lên trong một gia đình giàu có. Bởi được cha mẹ nuông chiều nên bà hách dịch, nóng nảy, dối trá, kiêu ngạo và không lễ phép với cha mẹ. Bà cũng không hoà thuận với người khác ở nơi làm việc.

Bạn trai của bà hồi đó là ông Vương Giác tu luyện Pháp Luân Công và đã đưa cho bà một cuốn Chuyển Pháp Luân (cuốn sách chính của Pháp Luân Công). Bà đã đọc một mạch xong cuốn sách và khi đối chiếu hành vi của mình với những Pháp lý giảng trong cuốn sách, bà cảm thấy xấu hổ. Bà quyết định thay đổi bản thân và bắt đầu tu luyện vào tháng 3 năm 1998.

Bà đã sớm cải thiện tính nết của mình: Tôn trọng cha mẹ, thân thiện, không nói dối và bắt nạt người khác. Chứng đau nửa đầu của bà đã biến mất. Sau đó bà kết hôn với ông Vương và có một con trai là Vương Tiếu Tiếu.

Bà Trình miêu tả niềm vui có được khi tu luyện: “Trước khi tu luyện Pháp Luân Công tôi đã sống không có lý tưởng. Nhìn bề ngoài tôi hào nhoáng nhưng sâu bên trong tôi luôn cảm thấy lo lắng và bồn chồn. Sư phụ Lý Hồng Chí (Nhà sáng lập Pháp Luân Công) đã vớt tôi lên từ địa ngục và chỉ dẫn tôi quay trở về với chính đạo. Pháp Luân Công đã ban cho tôi một gia đình êm ấm và hạnh phúc.”

Do sự phổ biến của Pháp Luân Công mà Giang Trạch Dân (cựu lãnh đạo Trung Quốc) đã phát động cuộc đàn áp đối với môn tu luyện cả thân lẫn tâm cổ xưa này vào ngày 20 tháng 7 năm 1999. Bà Trình và gia đình đã bị chính quyền nhắm đến.

Cảnh sát đã lục soát nhà và bắt giữ bà nhiều lần. Bà bị mất việc và phải cùng chồng con thường xuyên thay đổi chỗ ở và lưu lạc khắp nơi để tránh bị bức hại. Khi người con trai 11 tuổi của họ qua đời trong một tai nạn xe hơi, chồng bà vốn đã chịu áp lực tinh thần to lớn do bị bức hại, lúc này đã suy sụp tinh thần và bị đưa vào một bệnh viện tâm thần.

Sau đó bà Trình quay về nhà cha mẹ ruột ở thị trấn Bát Lý Loan và làm việc trong một siêu thị. Cảnh sát của Đồn Công an thị trấn Bát Lý Loan vẫn chưa buông tha cho bà và thường xuyên sách nhiễu bà, sau đó bắt giữ bà vào tháng 8 năm 2021, dẫn đến lần kết án gần đây nhất.

Dưới đây là lời kể của bà Trình về cuộc bức hại mà gia đình bà đã trải qua. Đây cũng là một phần trong đơn kiện hình sự mà bà gửi đến Toà án Nhân dân Tối cao Trung Quốc vào ngày 1 tháng 7 năm 2015 để kiện Giang Trạch Dân vì đã phát động cuộc bức hại khiến gia đình bà bị hủy hoại.

***

Ngày 20 tháng 7 năm 1999 khi cuộc đàn áp nổ ra, chồng tôi và hơn một chục học viên đã đến chính quyền tỉnh Hồ Bắc ở Vũ Hán để nói với các quan chức ở đó rằng cuộc bức hại này là sai trái. Sau khi họ trở về thành phố Tương Dương, người của Công an Cơ giới Đông Phong đã bắt và giam giữ họ. Cảnh sát cố tẩy não họ bằng những thông tin lăng mạ Pháp Luân Công. Lúc đó chồng tôi đang kiếm một công việc mới nhưng không thể được vì không ai dám thuê một học viên Pháp Luân Công.

Hai cảnh sát Hồ Hiểu Phang và Liêu Kính Khải của Công an Cơ giới Đông Phong đã bắt giữ tôi ít nhất tám lần. Họ không chỉ sách nhiễu tôi mà còn lục soát nhà tôi ba lần và nhà cha mẹ tôi năm lần.

Tháng 9 năm 1999, tôi đến Bắc Kinh để giảng chân tướng. Sau khi trở về, Hồ và những cảnh sát khác đã bắt tôi. Họ thẩm vấn tôi ở đồn công an trong khi tôi còn đang ôm con nhỏ mới sáu tháng tuổi ở trên tay. Một lần họ muốn tôi cung cấp thông tin về những học viên khác và hỏi tôi lấy tờ rơi Pháp Luân Công ở đâu. Liêu dọa sẽ tống tôi vào Nhà tù Sa Dương nếu tôi không hợp tác. Tôi một mực im lặng nên họ đã đột nhập vào và lục soát nhà cha mẹ tôi nhằm gây áp lực cho tôi.

Bên nhà chồng tôi đều là cán bộ nhà nước. Vì họ tin vào những tuyên truyền phỉ báng của Đảng Cộng sản Trung Quốc đối với Pháp Luân Công và sợ hãi cuộc bức hại nên họ thường gây áp lực ép vợ chồng tôi từ bỏ tu luyện. Chúng tôi phải đưa con trai ba tuổi đi nơi khác sinh sống để tránh bị bức hại.

Để tìm kiếm chúng tôi, Liệu nhiều lần đến nơi làm việc của em trai và em dâu tôi để sách nhiễu họ và khủng bố cha mẹ già của tôi. Vì tôi tu luyện mà giáo viên và học sinh đã phân biệt đối xử với con trai của em trai tôi tại trường khiến cháu bị tổn thương.

Hồ và Liêu đã bắt tôi khi tôi quay lại thành phố Tương Dương. Họ lục soát nhà cha mẹ tôi khiến mẹ tôi quá sợ hãi mà phát bệnh tim, còn tóc của cha tôi đã ngả bạc chỉ sau một đêm.

Chúng tôi liên tục thay đổi nơi ở. Vợ chồng tôi phải làm việc vất vả để kiếm sống và không có nhiều thời gian để chăm sóc con trai. Một hôm, con tôi bị một xe hơi đâm vào khi chúng tôi không ở bên và thằng bé đã qua đời khi mới 11 tuổi.

Trong nhiều năm, chính quyền đã liên tục giám sát, bắt giữ và lục soát nhà chúng tôi. Áp lực tinh thần và tài chính cộng với sự phân biệt đối xử nặng nề trong mọi khía cạnh cuộc sống đã khó chịu đựng, và cái chết của con trai là giới hạn cuối cùng của chồng tôi. Ông ấy đã bị suy sụp tinh thần và bị đưa vào Bệnh viện Số 3 thành phố Hà Trạch ở tỉnh Sơn Đông.

Kể từ khi cuộc bức hại bắt đầu cuộc đời tôi đầy những thống khổ và long đong, nhất thời tôi chỉ có thể nhớ một số trong đó. Cuộc bức hại đã khiến không chỉ tôi mà người thân của tôi cũng phải chịu đựng vô vài khó khăn không thể nào kể xiết. Giờ đây tôi chẳng còn gì ngoài một gia đình tan nát. Tôi hy vọng những công tố viên và thẩm phán có thể bảo trì chính nghĩa, đưa kẻ đầu sỏ Giang Trạch Dân và người của Phòng 610 ra công lý.

Mọi nội dung đăng trên trang web này thuộc bản quyền của Minghui.org. Minh Huệ sẽ biên soạn các nội dung trên trang web và xuất bản theo định kỳ hoặc vào những dịp đặc biệt.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2022/5/10/442538.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2022/5/28/201558.html

Đăng ngày 22-06-2022; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share