Bài viết của Lý Đường, đệ tử Đại Pháp ở vùng Đông Bắc Trung Quốc
[MINH HUỆ 30-05-2022] Kể từ sau khi tu luyện Pháp Luân Đại Pháp vào năm 1988, tôi cũng giống như hàng nghìn vạn đệ tử Đại Pháp khác, đắm mình trong hồng ân của Đại Pháp, nghe theo lời dạy của Sư phụ, trong gia đình và ngoài xã hội, tôi luôn cố gắng chiểu theo tiêu chuẩn Chân-Thiện-Nhẫn để làm một người có đạo đức cao thượng, tiên tha hậu ngã, vô tư thật sự. Dưới đây tôi chia sẻ câu chuyện lấy đức báo oán và thiện đãi mẹ chồng trong tu luyện.
Tôi lấy chồng năm 22 tuổi. Sau khi kết hôn, vợ chồng chúng tôi dọn ra ở riêng, chứ không sống chung với mẹ chồng. Mặc dù ở riêng, nhưng vào dịp lễ Tết, chúng tôi vẫn sang nhà mẹ chồng; nhất là sau khi có con, chúng tôi phải thường xuyên qua nhà mẹ gửi cháu. Vậy mới biết, vai trò của mẹ chồng không ai có thể thay thế, bà giống như vua một cõi, bố chồng cũng phải nghe lời bà nói.
Mẹ chồng tôi là một người ngang ngược, không nói lý, không biết khoan dung; bà có thói quen không nhận lỗi sai, hay tìm lý do để biện minh. Lâu dần, tôi cảm thấy chướng mắt, oán hận đối với bà cũng ngày càng sâu. Lấy một ví dụ, hồi mới kết hôn được nửa năm, chúng tôi sống ở khu chung cư. Do cả hai vợ chồng đều đi làm, chúng tôi sợ để quên chìa khóa ở nhà, nên đã gửi một bộ chìa khóa ở nhà mẹ chồng để phòng hờ lúc cần đến. Có một hôm, vào khoảng 5 giờ sáng, chúng tôi vẫn chưa ngủ dậy, mẹ chồng đã lấy chìa khóa mở cửa vào nhà chúng tôi và ngồi chờ ngoài ghế sofa. Lúc chúng tôi ngủ dậy, cảm thấy giật mình, không biết mẹ đã vào nhà từ lúc nào. Chồng tôi bèn hỏi: “Mẹ kiếm con có việc gì à?” Mẹ chồng hỏi ngược lại: “Không lẽ phải có việc thì mẹ mới kiếm con à?!” Chồng tôi thấy hơi khó chịu, nhưng không dám chọc giận mẹ anh, chồng tôi hỏi tiếp: “Sao mẹ lại tự ý vào nhà con?” Mẹ chồng nghe xong, liền nói: “Mẹ bỏ tiền mua căn nhà này, tất nhiên muốn vào thì vào, không lẽ mẹ phải xin phép con!” Sau khi nghe hai người nói chuyện, tôi nhịn không nổi, bèn nói: “Mẹ làm con giật cả mình! Mới sáng sớm mẹ vào nhà con làm gì?” Tôi vừa lên tiếng, mẹ chồng liền sấn tới: “Sao con nhát gan thế?” Chồng vội nắm lấy tay tôi, ý anh là bảo tôi đừng nói nữa. Tôi là người không thích gây sự nên cũng không nói nữa, nhưng trong lòng thầm nghĩ: “Mẹ chồng quả là ngang ngược, từ đây về sau không biết lo liệu sao đây.”
Từ đó về sau, tôi thật sự không biết đối đãi thế nào. Tôi tự cho mình là một người có giáo dục và có tố chất, hễ đụng chuyện thì tôi không thích so đo với mẹ chồng. Tôi nghĩ mẹ chồng là người không có trình độ văn hóa, bà chỉ là người phụ nữ của gia đình. Mặc dù nghĩ thế, nhưng tôi vẫn thấy hậm hực trong lòng. Mẹ chồng thường nói mỉa mai châm biếm, nói bóng nói gió. Vợ chồng tôi cũng thường xuyên gây lộn với nhau vì những lời nói của mẹ.
Ngày 21 tháng 8 năm 1998, tôi đã may mắn đắc được Đại Pháp. Sư phụ dạy chúng ta làm một người tốt theo tiêu chuẩn Chân-Thiện-Nhẫn và làm một người tốt hơn nữa.
Sư phụ giảng:
”Con người trong xã hội người thường, kẻ tranh người đoạt, kẻ lừa người dối, chỉ vì chút đỉnh lợi ích cá nhân mà làm hại người khác; các tâm ấy đều phải vứt bỏ. Nhất là với những người học công tại đây hôm nay, những tâm ấy lại càng phải vứt bỏ hơn nữa.” (Chuyển Pháp Luân)
Tôi thấy công pháp này quá tốt, nên đã hạ quyết tâm nhất định phải học đến cùng! Trong tu luyện, tôi biết mâu thuẫn giữa người với người là món nợ từ đời trước, nó có quan hệ nhân duyên, thiếu nợ thì phải hoàn trả. Vì tôi muốn làm đệ tử chân tu của Sư phụ, cho nên tôi làm theo yêu cầu của Sư phụ. Dù ở trong nhà hay ở bên ngoài, tôi đều nghiêm khắc yêu cầu bản thân, không so đo tính toán với người ta, tu xuất từ bi, thiện đãi người khác. Tất nhiên, tôi cũng thiện đãi mẹ chồng.
Mấy năm đầu tiên, tôi tình cờ phát hiện mẹ chồng đang theo dõi mình. Tôi sơ ý phát hiện bà đi theo tôi hai lần. Sau đó tôi nghĩ, mình phát hiện ra hai lần, không chừng còn có nhiều lần nữa mình không biết. Nghĩ tới đây, trong tâm tôi liền phát hỏa. Rõ ràng là, mẹ chồng sợ tôi đi ngoại tình khi chồng không có ở nhà.
Tâm oán hận của tôi đối với mẹ chồng ngày càng nặng hơn. Tôi kể cho đồng tu nghe chuyện này, đồng tu nói: “Chúng ta là người tu luyện, không được giống như bà ấy. Cô phải thay đổi vị trí để suy nghĩ vấn đề một chút. Giả sử con trai cô phải ra ngoài làm việc, lâu lâu mới về nhà một lần, thì cô có lo lắng về con dâu không?” Tôi nghĩ thấy cũng đúng, người tu luyện chúng ta gặp bất cứ việc gì, đều không ngẫu nhiên, đều phải tìm ở bản thân, đây là điểm khác biệt so với người thường về bản chất.
Hai ba năm nay, sức khỏe của mẹ chồng không tốt. Bà thường bị ho, khó thở, trời chuyển lạnh thì bà dễ bị cảm và phải nhập viện. Mùa thu năm nay, mưa dầm cả ngày, nhiệt độ không khí giảm nhanh, mẹ chồng lại phải vào viện. Mỗi lần mẹ chồng bị ốm vào viện, đều do hai chị chồng và tôi chăm sóc, chứ hai người anh chồng và chị dâu không lo việc này. Nếu tôi không tu luyện, thì có lẽ tôi cũng không chăm sóc cho mẹ.
Lần ốm này, mẹ chồng gọi điện cho tôi, nhưng tôi không nhận được cuộc gọi. Bất đắc dĩ, bà phải gọi điện cho anh cả dắt bà đi khám bệnh. Tôi biết tin mẹ chồng nhập viện nên đã đi thăm bà. Lúc tôi đến bệnh viện, anh cả đang ở đó chăm sóc bà. Anh vừa thấy tôi đến, liền nói: “Anh về đây!” Tôi nói: “Anh về nhé.” Sau khi anh cả đi khỏi, mẹ chồng đã nói với tôi: “Anh chồng con mấy hôm nay cãi nhau om sòm với mẹ! Nó bảo mẹ làm khổ nó, không gọi người khác đến lo, khiến nó một mình chôn chân ở đây, nó bảo mẹ không biết thương nó. May thay hôm nay con đã đến!”
Vậy là tôi tiếp tục chăm sóc cho mẹ chồng ở bệnh viện. Ngày hôm sau, mẹ nói với tôi: “Anh chồng con chăm sóc mẹ mấy hôm nay, mẹ muốn cho nó chút tiền, để nó bớt hậm hực lúc về nhà.” Tôi nói: “Dạ vâng.” Mẹ chồng lại nói: “Mẹ không có tiền để cho anh con. Hai vợ chồng con, chị cả và chị ba ra tiền nhé.” Nghe xong, tôi mới hiểu, hóa ra điều mẹ chồng muốn nói là chuyện này. Tôi bèn nói: “Vậy mẹ nói với chị cả và chị ba chưa?” Bà nói: “Mẹ nói chuyện với hai chị con rồi, cả hai đều đã đồng ý, chỉ còn nhà con thôi đó.”
Nghe đến đây, tôi bắt đầu cảm thấy khó chịu. Anh cả chăm sóc mấy ngày thì mẹ cho tiền, còn tôi chăm sóc, sao mẹ không cho tiền? Không những không cho tôi tiền, mà còn bắt tôi đưa tiền cho anh cả, sao lại có đạo lý này! Tôi nói: “Con không mang theo nhiều tiền, sáng mai con về nhà lấy.” Mẹ chồng đồng ý. Sáng hôm sau, tôi trở về nhà. Vì lâu lâu mới có dịp về nhà, nên tôi đã tranh thủ đi học Pháp.
Sư phụ giảng:
”Pháp môn này của chúng tôi chính là trực chỉ nhân tâm; ở nơi lợi ích cá nhân, gặp khi mâu thuẫn giữa người với người, thì liệu có thể coi thường coi nhẹ những chuyện ấy được hay không—đây là vấn đề then chốt.” (Chuyển Pháp Luân)
”[Tất cả] đều [phải] là trạng thái nơi người thường: hôm nay có ai đó sinh chuyện với chư vị, ai đó làm chư vị bực mình, ai đó xử tệ với chư vị, đột nhiên nói lời bất kính với chư vị; chính là để xem chư vị đối đãi với vấn đề này như thế nào.” (Chuyển Pháp Luân)
”Bởi vì khi xảy ra mâu thuẫn, [nó] đột nhiên xuất hiện; tuy vậy [nó] không hề tồn tại [một cách] ngẫu nhiên; đó là để đề cao tâm tính chư vị. Chỉ cần chư vị coi mình là người luyện công, chư vị sẽ có thể xử lý chúng được tốt.” (Chuyển Pháp Luân)
Học đến đây, tâm tôi từ từ tĩnh xuống, không còn lăn tăn như tối hôm qua nữa. Tôi biết là Sư phụ an bài để tôi đề cao tâm tính, tôi nhất định có thể vượt tốt quan này! Có một chị đồng tu cũng khích lệ tôi vượt tốt quan này. Như vậy, tôi đã đưa tiền cho mẹ chồng. Sau đó, mẹ chồng lại lấy 4.500 Nhân dân tệ đưa cho anh cả. Chuyện này rồi cũng êm xuôi.
Mẹ chồng tuổi đã cao, sức khỏe cũng ngày càng yếu, động chút là phải vào viện. Năm nay, vừa ăn Tết xong, mẹ chồng lại nhập viện. Tôi định qua hết ngày 15 tháng Giêng mới đưa mẹ đi bệnh viện, nhưng mới đến ngày 14 tháng Giêng, mẹ chồng đã sốt cao, ngồi xuống không đứng lên nổi, đi vệ sinh cũng không đủ sức kéo quần. Mấy hôm đó, tôi ở bên cạnh chăm sóc cho bà, thấy tình trạng của bà như thế, tôi nghĩ chắc phải đưa bà đi viện thôi. Tôi bèn mượn chiếc xe lăn đẩy bà vào viện, làm điện tâm đồ và chụp CT, kết quả xét nghiệm cho thấy bà bị viêm phổi và suy tim nặng.
Tôi đã đóng tiền nhập viện, sau đó phối hợp với bác sỹ thu xếp giường bệnh, rồi lại về nhà lấy chút đồ đạc. Lần này không như mấy lần trước, mẹ chồng không thể tự chăm sóc bản thân, đại tiểu tiện đi ngay trên giường. Mỗi ngày tôi phải dọn dẹp phân và nước tiểu cho bà. Mẹ chồng tôi vừa cao vừa mập. Tuy tôi cũng cao ráo khỏe mạnh, nhưng sau mỗi lần dọn dẹp cho mẹ, người tôi ướt đẫm mồ hôi. Mẹ chồng xấu hổ nói: “Chắc con cũng chưa từng hầu hạ mẹ đẻ thế này?” Tôi nói: “Con không sao, mẹ đừng lo.”
Mẹ chồng nhập viện lần này, trong lòng tôi không còn oán trách, tôi đã tự mình chi trả viện phí và bỏ công chăm sóc cho bà. Trải qua nhiều lần ma luyện giúp tâm tôi rộng mở hơn, có thể thiện đãi mẹ chồng từ tận đáy lòng. Người tu luyện là từ bi đối đãi người khác, đây cũng là thể hiện chân thực về sự tốt đẹp siêu thường của Pháp Luân Đại Pháp, Sư phụ dạy chúng ta dùng tâm từ bi và thiện tâm để đối đãi với mọi người.
Nửa tháng sau, mẹ chồng xuất viện, nhưng vẫn chưa hết bệnh. Do mẹ nhập viện đã nửa tháng, nên thẻ bảo hiểm y tế sẽ tự động dừng hoạt động. Nếu muốn kích hoạt thẻ thì phải nhập viện lần nữa mới được. Chị ba nói: “Để mẹ đến nhà chị tịnh dưỡng, tiếp tục uống thuốc, mẹ cũng cao tuổi rồi, không cần đi viện nữa. Em cũng đi chung luôn nhé, chị sợ một mình chị không đỡ nổi mẹ.” Tôi và chị ba chăm sóc mẹ chồng chu đáo, nấu cơm theo chế độ dinh dưỡng, cố gắng làm cho mẹ vui.
Nhà chị ba có ba phòng, chồng chị không có ở nhà, anh đi công tác ở miền Nam, con cái chị cũng ở miền Nam, nên ba người chúng tôi mỗi người ở một phòng. Mỗi sáng tôi đều sang phòng của mẹ chồng, ngồi trò chuyện với bà một lúc, tôi thấy bà rất vui. Mỗi tối trước khi đi ngủ, tôi cũng ngồi trò chuyện với bà một lúc, bà cũng thấy vui.
Một buổi tối nọ, lúc tôi đang ngồi trên sofa trong phòng, mẹ nhìn tôi và nói: “Con xem, mặt con bây giờ mịn màng quá, da mặt cũng đẹp, trước đây toàn là mụn, còn bây giờ hết mụn rồi.” Tôi nói: “Nhờ con học Đại Pháp đó mẹ! Luyện công tốt lắm, con phải cảm ơn Sư phụ và Đại Pháp mới được! Con chăm sóc mẹ, cũng là học theo Đại Pháp đó, là Sư phụ bảo con làm như thế!” Mẹ chồng nói: “À! May là trước đây mặt con có mụn, chứ nếu không thì con có thể thích con trai mẹ sao?” Tôi nói: “Con được gả cho anh ấy, là đời trước có duyên phận lớn với anh! Đây chính là quan hệ nhân duyên!” Cứ như vậy, ngày nào tôi cũng trò chuyện với mẹ chồng về những chuyện đời thường, trong biến hóa âm thầm, tôi dẫn dắt bản tính thiện lương của bà, giúp bà hiểu được người tu luyện Đại Pháp là thật sự muốn tốt cho bà.
Một buổi sáng nọ, mẹ chồng gọi tôi qua, bà nói với tôi: “Tiểu Đường à, đây là chìa khóa tủ và rương trong nhà mẹ, con hãy về nhà mang toàn bộ những đồ quý giá mẹ cất trong đó sang đây.” Tôi hỏi mẹ: “Đồ quý giá ư? Đồ quý giá gì vậy mẹ?” Mẹ chồng nói: “Giấy tờ nhà là thứ quý giá nhất, con lấy cả giấy tờ nhà chung cư và nhà phố mang đến đây, ngoài ra còn có nhẫn vàng! Và một số thứ khác nữa, con mang hết qua đây cho mẹ.” Lúc này, chị ba cũng nói: “Có lẽ lần này mẹ chị phá lệ, bà suy nghĩ lại cho em một cơ hội, em phải biết nắm bắt nhé!” Tôi vẫn chưa hiểu rốt cuộc là chuyện gì. Chị ba gọi tôi ra ngoài, chị nói: “Em nhớ lục hết tất cả những món quý giá mang đến đây, em nhớ tìm kỹ chút. Trước đây, mẹ chị chưa từng hành xử thế này bao giờ, hôm nay quả là khác thường! Lúc trước, mẹ sợ tụi chị biết mẹ có của, nhưng hôm nay mẹ làm sao ấy nhỉ?”
Lúc này, mẹ chồng lại gọi tôi: “Tiểu Đường à, mẹ còn có lời dặn dò con!” Tôi quay vào phòng, mẹ chồng nói: “Mẹ còn có sợi dây chuyền vàng, mẹ không nhớ mình để ở đâu nữa, con kiếm lại giúp mẹ luôn nhé. Ngoài ra, còn có hai chiếc vòng tay bằng bạc và một chiếc nhẫn vàng. Và một ly nước bằng bạc, một bộ chén đĩa, đũa và thìa bằng bạc. Con lấy mang về nhé, và cả chiếc áo lông cừu nữa. Chị con có mua cho mẹ mấy bộ quần áo lót còn mới, con cũng mang về mặc nhé.” Tôi nói: “Mẹ đã nhớ ra nhẫn vàng và dây chuyền vàng ở đâu chưa? Con không thể lục lọi lung tung được!” Mẹ chồng thở hổn hển nói: “Ai da, mẹ không nhớ nữa! Con cứ lục kiếm theo thứ tự là được.”
Tôi đi về, rồi sang nhà mẹ chồng kiếm đồ. Tôi đã tìm được hai bộ giấy tờ nhà, nhưng không tìm thấy nhẫn vàng và sợi dây chuyền vàng. Nhớ lại chị ba dặn dò tìm kỹ chút, nên tôi đã lật tung đống quần áo, mò trong túi của từng bộ đồ, cuối cùng đã tìm thấy ở trong chiếc khăn choàng màu đỏ có một chiếc hộp nhỏ hình trái tim được trang trí khá tinh xảo. Tôi mở hộp ra xem, bên trong có một sợi dây chuyền vàng kèm theo mặt dây chuyền, một chiếc nhẫn vàng và một chiếc nhẫn vàng trắng. Sáng hôm sau, tôi mang toàn bộ những thứ này đưa cho mẹ chồng. Tôi hỏi bà: “Mẹ xem thử có phải là những thứ này hay không? Nếu còn thiếu cái nào thì con lại về nhà tìm.” Mẹ chồng xem xong, bà vừa ý nói: “Đúng là những thứ này! Không thiếu cái nào.” Sau đó, mẹ chồng lấy chiếc nhẫn vàng và sợi dây chuyền vàng đưa cho tôi, và nói: “Mẹ cho con hai cái này!” Vừa nghe xong, tôi thấy như vậy không được, nên bèn nói: “Mẹ cho con một cái là được rồi, cái nhẫn này cho chị ba nhé.” Chị ba lúc này đã đi vào bếp làm cơm, tôi biết là chị cố ý tránh đi. Mẹ chồng lại nói: “Không được, chiếc nhẫn này là bố chồng con tặng mẹ thời còn trẻ, nó là nhẫn gia truyền của nhà bố con, do đó không thể đưa cho người ngoài được!” Tôi nói: “Vậy mẹ cho chị ba sợi dây chuyền nhé!” Mẹ chồng nghĩ một lúc, rồi nói: “Ừ, mẹ cho chị ba sợi dây chuyền này.”
Tôi thật sự cảm thấy có lỗi! Ăn uống và ở nhờ nhà chị ba, hơn nữa còn phải chăm sóc mẹ già, nhưng chị ba lại bị coi như người ngoài. Liệu chị nghe thấy sẽ cảm nhận thế nào? Mặc dù mẹ chồng đã cho chị ba sợi dây chuyền vàng, nhưng tối hôm đó, chị ba trả lại nó cho tôi, chị nói: “Mẹ chị chỉ muốn đưa hết cho em thôi. Chị trả em này, coi như chị đã nhận tấm lòng của em nhé. Chị có dây chuyền rồi.” Tôi biết mẹ chồng cho tôi những món đồ quý, tức là bà đã chấp nhận tôi, nhưng tôi vẫn cảm thấy có lỗi. Tôi kiên quyết đưa sợi dây chuyền cho chị ba, nhưng chị không lấy. Tôi bèn nói: “Chị lấy hay không, em đi về nhà đấy!” Lúc này, chị ấy lo sợ, nên đã miễn cưỡng nhận lấy.
Ngày nào tôi cũng trò chuyện với mẹ chồng. Tôi nói với bà về chân tướng Pháp Luân Công, mối liên hệ giữa đức và nghiệp trên thân người. Tôi nói với bà, con người phải tích nhiều đức và bớt tạo nghiệp, làm vậy sẽ có chỗ tốt cho bản thân. Tôi cố gắng khơi dậy bản tính thiện lương của mẹ chồng.
Có một ngày, tôi và chị ba cùng nhau làm bánh bao. Chúng tôi bàn bạc với nhau, ăn bao nhiêu thì gói bấy nhiêu, phần bột và nhân còn dư để ngày mai làm tiếp. Đến trưa, mọi người đã ăn hết sạch, mẹ chồng khen bánh ngon, bà kêu chúng tôi buổi chiều làm tiếp. Hơn 4 giờ chiều, hai chị em lại đi làm bánh bao. Sau khi hấp xong bánh bao và nấu xong cháo, chúng tôi gọi mẹ ra ăn cơm. Mẹ chồng lại nói: “Cái tô đựng nhân bánh không đậy nắp vào buổi trưa, bây giờ dính đầy bụi kìa.” Chị ba nghe xong liền nổi nóng. Tôi cười nói: “Làm gì có bụi chứ mẹ? Trong nhà sạch sẽ mà! Với lại, con đã đậy nắp tô rồi, nếu không thì sao cái nắp vẫn còn ở đây này!” Mẹ chồng không nói gì nữa, và ngồi xuống ăn cơm.
Ăn cơm xong, tôi đi rửa bát. Lúc này, tôi nghe mẹ chồng nói với chị ba: “Con đừng giận mẹ nhé, lỗi tại mẹ! Mẹ đã trách sai con, mẹ không nên nói con như thế.” Chị ba cười nói: “Mẹ à, từ nay trở đi mẹ không được nói chuyện làm tổn thương người khác nữa đấy.” Tôi cũng bật cười. Tôi rất ngạc nhiên, vì mẹ chồng cả đời áp đảo người khác giờ đây đã biết xin lỗi nhận sai. Đúng là mặt trời mọc ở hướng Tây mà!
Chuyện nhỏ này để lại ấn tượng sâu sắc trong tôi, tựa như một làn gió xuân nhè nhẹ thổi vào nhà, khiến tôi cảm khái khôn nguôi!
Tôi biết mình tu chưa tốt, nhưng tôi quyết tâm cố gắng làm theo tiêu chuẩn Chân-Thiện-Nhẫn, hễ gặp chuyện thì suy nghĩ cho người khác nhiều hơn, lấy từ bi đối đãi mọi người, triển hiện ra vẻ đẹp của Đại Pháp.
Tôi mong rằng ánh hào quang tường hòa của Đại Pháp sẽ vĩnh viễn soi sáng cho những người tốt bụng!
Bài viết chỉ thể hiện quan điểm hoặc nhận thức của tác giả. Mọi nội dung đăng trên trang web này thuộc bản quyền của Minghui.org. Minh Huệ sẽ biên soạn các nội dung trên trang web và xuất bản theo định kỳ hoặc vào những dịp đặc biệt.
Bản tiếng Hoa: https://big5.minghui.org/mh/articles/2022/5/30/【慶祝513】和善的春風吹進屋裏-442271.html
Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2022/6/4/201673.html
Đăng ngày 15-06-2022; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.