Bài viết của Nhất Phàm, một học viên Pháp Luân Đại Pháp tại tỉnh Hắc Long Giang, Trung Quốc

[MINH HUỆ 13-03-2022] Tôi năm nay đã hơn 70 tuổi và là một công chức đã nghỉ hưu. Ông nội và cha tôi đều là những người có học thức và tôi đã được thụ ích rất nhiều từ họ. Từ nhỏ tôi đã được giáo dục về văn hóa truyền thống, mưa dầm thấm lâu, thu được rất nhiều điều bổ ích. Tôi cũng được nghe kể rất nhiều về những lời dự ngôn cổ xưa và biết rằng tới thời mạt Pháp sẽ có Phật Tổ chuyển thế, có thể sẽ dùng hình thức khí công để truyền Pháp cứu người. Vậy nên gia đình chúng tôi đã luyện qua rất nhiều môn khí công, nhưng đều cảm thấy không có tác dụng. Năm 1996, khi chúng tôi biết tới Pháp Luân Đại Pháp, cha tôi khẳng định chắc chắn rằng Pháp Luân Đại Pháp là chính Pháp và Sư phụ của Pháp Luân Đại Pháp chính là vị Phật Tổ!

Ông nội nói về Khoa chúc do

Ông nội tôi thường nói: “Trong tương lai, Phật Di Lặc sẽ tới truyền Pháp truyền Đạo và dùng Chân-Thiện-Nhẫn để phổ độ chúng sinh.”

Ông nội tôi tinh thông Tứ Thư Ngũ Kinh. Ông từng dạy ở một trường tư thục vào những năm cuối thời nhà Thanh và thời kỳ đầu của Trung Hoa Dân quốc. Cả ông nội và cha tôi đều giỏi xem bói, xem rất chuẩn xác, ngoài xem bói cho người dân ở địa phương, cũng thường đi xem bói cho người dân ở các khu vực khác. Ông bà nội và cha mẹ tôi cũng giỏi chữa bệnh bằng Khoa chúc do, vẽ bùa, trừ tà, trấn trạch, xem phong thủy, xem ngày đẹp để kết hôn, v.v.

Khi còn bé, tôi nghĩ rằng ông bà và cha mẹ mình đạo hạnh cao siêu. Đôi khi tôi xem họ làm chữa bệnh cho người khác rất kỳ diệu, liền khăng khăng đòi học. Ông nội tôi liền nói: “Đây không phải là Đại Pháp cao thâm gì, chỉ là những tiểu thuật, nó không giúp ích gì được cho con trong cuộc sống hay công việc sau này.“ Ông tôi cũng thường vừa viết chữ, vừa dạy tôi những bài thơ cổ.

Một cư sĩ Phật giáo trong làng đã ghé thăm tôi vài lần và nói rằng tôi có Phật duyên, nên học Phật Pháp, ông ấy còn đưa tôi mấy quyển kinh sách. Tôi đã kể chuyện này với ông nội. Ông nói: “Phật giáo hiện tại đã loạn rồi, không còn là mảnh đất tịnh thổ nữa.”

Chịu khổ nạn dưới sự cai trị của Đảng cộng sản Trung Quốc

Trong nạn đói lớn ở Trung Quốc năm 1960, mỗi ngày người dân được phát 0,1 kg lúa mạch nguyên cám. Gia đình tôi có 8 nhân khẩu, ai cũng đói ăn và gầy gò. Trong làng tôi mỗi ngày đều có người chết đói ở trên đường hoặc trong nhà. Lúc đó tôi mới đang học lớp 4 và thường xuyên nhìn thấy người chết. Tôi thường dẫn đứa em trai 6 tuổi đi đào rau dại và tước vỏ cây làm thức ăn. Ông nội tôi nhặt xương ngoài đồng hoang về làm thức ăn và chúng tôi cũng không biết đó là xương của con gì. Mẹ tôi chặt chúng thành từng miếng, phơi khô, nghiền thành bột, viên tròn cùng với rau dại, mùi vị cũng ngon hơn hẳn.

Vào mùa đông không có rau dại. Chúng tôi đào gốc ngô ngoài đồng. Mẹ tôi chặt chúng thành miếng nhỏ, rang khô trong chảo và nghiền thành bột. Bà trộn chúng với bột lúa mạch và bột xương sau đó hấp chín để ăn dần.

Cha tôi là kế toán viên của kho lương thực. Mỗi tháng ông bí mật mang về nhà một túi bột mì. Tuy nhiên ông luôn lo lắng sẽ bị người ta phát hiện. Nếu họ biết được chuyện này, ông sẽ bị đấu tố, đánh đập, bỏ tù hoặc thậm chí bị đánh chết. Mẹ tôi làm việc rất cực khổ để lo cho gia đình nên bà rất gầy gò. Em trai thứ ba trong nhà từ lúc sinh ra không được một giọt sữa mẹ nào mà lớn lên nhờ bột mỳ. Mẹ tôi rất tuyệt vọng, bà đã từng treo cổ tự vẫn. Cha tôi vô cùng buồn rầu. Ông ấy đã đóng gói sổ sách, viết đơn xin thoái khỏi Đảng cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) và xin nghỉ việc. Gia đình 8 người chúng tôi đã bỏ trốn tới một thị trấn nhỏ ở phía Bắc tỉnh Hắc Long Giang. Ở đó cuộc sống của chúng tôi khấm khá hơn nhiều. Hằng ngày chúng tôi vẫn có cơm và bánh mì để ăn.

Cuộc sống yên bình chẳng kéo dài bao lâu, việc không may lại xảy ra. Những cuộc vận động chính trị liên miên kéo đến. Các phong trào trấn áp phần tử phản cách mạng, diệt trừ phần tử phản cách mạng, chống cánh hữu, trừ “tứ cựu” và Đại Cách mạng Văn hóa. Ông nội và cha tôi bị rơi vào tầm ngắm của ĐCSTQ và thẩm vấn nhiều lần. Bà nội tôi sợ đến nỗi khi nấu ăn đã bỏ hết sách cổ vào trong bếp lò để hủy. Cán bộ của Đảng cộng sản Trung Quốc ép buộc ông nội tôi thừa nhận mình là “địa chủ” bởi vì ông có quá nhiều sách văn chương cổ điển, dù ông không có mảnh đất nào. Ông bị kết tội truyền bá mê tín dị đoan và mị dân. Ông nội và cha tôi cũng bị gán nhãn phản cách mạng và cực hữu. Ban ngày họ phải làm việc rất cực khổ còn ban đêm thì bị đấu tố chỉ trích trong các cuộc họp. Cha tôi đau khổ tới mức suy sụp tinh thần. Thế nhưng họ lại nói rằng cha tôi xảo quyệt và đang giả bộ đau khổ.

Khi đó tôi mới lên cấp 2. Tôi phải nghỉ học và trông nom cha tôi vì ông ấy ngày nào cũng đi lang thang khắp nơi. Nhà tôi cách không xa sông Tùng Hoa và núi Tiểu Hưng An Lĩnh. Thông thường đến khi trời tối cha tôi vẫn chưa chịu về nhà. Đôi khi ông ngủ thiếp đi bên bờ sông, có lúc lại ở trên núi. Sau khi Cách Mạng Văn Hóa chấm dứt, ông dần dần trở hồi phục.

Thời gian cứ thế trôi đi, gia đình tôi cuối cùng đã được giải thoát khỏi cuộc bức hại. Nhưng nó đã để lại nỗi ám ảnh trong trái tim non dại của tôi. Vì trường kỳ phải chịu bức hại và cuộc sống cực khổ, chúng tôi bị đau dạ dày và mắc rất nhiều chứng bệnh khác. Đứa em trai thứ ba của tôi đến ba tuổi mà vẫn không đi được vì suy dinh dưỡng. Chị gái tôi phải cõng em trên lưng, dùng tay đỡ cậu ấy. Vì thế mà khớp ngón tay chị bị chứng tăng sản, ngoài ra mắt cá chân cũng bị tăng sản. Tôi thậm chí còn bị nhiều bệnh tật hơn như viêm võng mạc, viêm khớp ở vai trái, viêm khớp đầu gối trái cũng như đốt sống cổ và ngực, bệnh tim mạch vành và viêm dây thần kinh ngoại biên.

Phật quang phổ chiếu

Đầu năm 1996 có ba học viên giới thiệu với tôi về Pháp Luân Đại Pháp, nhưng khi đó tôi đã không để tâm. Tháng ba năm đó tôi tới thành phố để dự hội thảo và lần này tôi đã may mắn đắc Pháp. Hội thảo lần đó kéo dài 9 ngày, trùng khớp với khóa học 9 ngày của Pháp Luân Đại Pháp. Buổi tối hôm đó tôi uống một chút rượu và đi tới tham dự khóa học Pháp Luân Đại Pháp. Người phụ trách ở đó phát biểu vài câu giới thiệu, sau đó nói: “Lớp học này là một miền tịnh thổ. Nếu các bạn muốn học Pháp Luân Đại Pháp, các vị phải bỏ thuốc lá và rượu.” Tôi nhìn xung quanh và thầm nghĩ chắc hẳn ông ấy đang nói mình. Chỗ đó là một rạp hát có sức chứa vài trăm người. Tôi ngồi ở giữa của hàng ghế sát cuối cùng. Tôi đang ngồi yên tại đó, sao ông ấy biết rằng có người uống rượu và hút thuốc nhỉ? Tôi có chút ngờ vực. Sau đó, chúng tôi bắt đầu đọc cuốn Chuyển Pháp Luân.

Sau khi tham gia khóa học 9 ngày, tôi đã dạy cha mẹ và anh chị em của mình luyện công. Trước đó cha tôi đã luyện rất nhiều môn khí công nhưng không có ấn tượng tốt về chúng. Thế nhưng sau khi nhìn thấy ảnh Sư phụ và đọc “Luận Ngữ” trong cuốn Chuyển Pháp Luân, ông vui mừng nói: “Đây chính là Phật Pháp. Sư phụ chính là Phật Tổ. Đây chính là điều chúng ta hằng tìm kiếm bao nhiêu năm nay!”

Tháng 3 là mùa nông nhàn. Căn nhà của cha tôi sáng sủa và rộng rãi nên cha tôi đã lập điểm luyện công ở đây. Rất nhanh sau đó các loại bệnh tật của cha mẹ tôi đều đã khỏi. Mẹ tôi, ở tuổi 80, vẫn có thể đọc xong cuốn Chuyển Pháp Luân chỉ trong vòng chưa đầy 3 tháng.

Em dâu của tôi là một nữ thầy lang, trong nhà thờ “cáo, chồn, quỷ, rắn.” Sau khi chữa bệnh cho người ta thì phải thay người ta chịu đau đớn mấy ngày liền. Sau khi em trai tôi đọc cuốn Chuyển Pháp Luân liền mang những thứ loạn bát nháo ở trong nhà vứt bỏ hết. Sau đó em dâu không còn bị những thứ phụ thể khống chế nữa.

Việc khỏi bệnh của tôi cũng rất thần kỳ. Một ngày nọ khi đi làm về, ngay khi bước vào cửa nhà, tôi phải bước ra ngay lập tức vì mùi thuốc trợ tim của tôi ở trong phòng tỏa ra nồng nặc khiến tôi đau đầu. Tôi liền bảo vợ tôi vứt thứ thuốc ấy đi, bà ấy bỏ chúng vào túi mang đi vứt rồi gọi tôi vào nhà. Khi tôi đi gần tới cửa nhà, tôi lại phải đi ra một lần nữa vì vẫn nghe mùi thuốc rất mạnh. Tôi nhớ ra là còn một loại thuốc đắt tiền hơn cất trong một ngăn kéo. Vợ tôi gói chúng lại và hỏi tôi xem có thể đưa cho chị gái bà ấy không. Tôi nói đưa cho chị gái hay ném đi đều được. Dù thế nào cũng không thể để thuốc trong nhà. Sau đó bệnh tim mạch vành của tôi đã khỏi. Sư phụ cũng đã thanh lý tất cả những căn bệnh khác cho tôi.

Cả gia đình tôi đều rất vui mừng! Chúng tôi vô cùng biết ơn Sư phụ. Cảm tạ Sư tôn! Cảm tạ Đại Pháp!

Người truyền người, tâm truyền tâm

Ngày càng có nhiều người hơn nữa bước vào tu luyện Pháp Luân Đại Pháp, đều thông qua phương thức truyền miệng. Các học viên địa phương tới các ngôi làng khác để hồng dương Pháp Luân Đại Pháp. Những người có duyên lần lượt đến học Đại Pháp. Chúng tôi luyện công, học Pháp, xem băng hình và nghe băng ghi âm các bài giảng Pháp của Sư phụ, người đến tham gia lớn có người già 80 tuổi, nhỏ có em bé 8 tuổi. Nhiều người cao tuổi mù chữ nhưng đã có thể đọc cuốn Chuyển Pháp Luân trong vòng 2 hoặc 3 tháng sau khi họ bắt đầu tu luyện Pháp Luân Đại Pháp.

Ngôi làng của chúng tôi là một ngôi làng lớn, gồm 4 làng nhỏ hợp lại. Người từ các ngôi làng đều tới đây học Đại Pháp, xem video các bài giảng Pháp của Sư phụ và học các động tác luyện công. Tôi đã mượn một phòng học trong trường nơi tôi công tác, tận dụng những thời gian không có lớp học diễn ra để chiếu video giảng Pháp cho các học viên. Tôi cũng mượn phòng học vào cuối tuần hoặc vào kỳ nghỉ để trình chiếu các bài giảng và hướng dẫn luyện công cho các học viên. Rất nhiều học viên đã khỏi bệnh. Một vài học viên được khai thiên mục và nhìn thấy cảnh tượng ở không gian khác.

Để trợ giúp các học viên có môi trường học Pháp tốt, chúng tôi thiết lập 1 điểm luyện công ở mỗi ngôi làng. Hằng ngày chúng tôi đều luyện công và học Pháp. Mặc dù bận rộn công việc đồng áng, nhưng ai cũng đến điểm luyện công đúng giờ. Những ai bị bệnh và không thể làm việc đều có thể đi làm sau khi bước vào tu luyện Pháp Luân Đại Pháp. Những ai hay bị mệt mỏi, yếu ớt, đều đã trở nên tràn đầy năng lượng. Họ đều nói: “Mặc dù chúng tôi đi muộn về sớm nhưng lại làm việc nhanh nhẹn hơn, hiệu quả hơn trước đây. Đây đều là những ân điển Sư phụ ban cho chúng ta. Pháp Luân Đại Pháp đã ban cho chúng tôi sức khỏe tuyệt vời. Cảm tạ Sư phụ! Cảm tạ Pháp Luân Đại Pháp!”

Tuân theo lời dạy của Sư phụ

Sư phụ đã tịnh hóa thân tâm cho chúng tôi. Chúng tôi tuân theo sự chỉ dạy của Ngài mà đề cao tâm tính và hành vi của bản thân. Chúng tôi đã dần buông bỏ tâm ích kỷ, tâm phàn nàn, tâm tranh đấu, tâm hiển thị, tật đố và truy cầu danh lợi cũng như lợi ích cá nhân. Thầy hiệu trưởng có ý định đề bạt tôi lên làm hiệu trưởng một trường trung học cơ sở khác. Ông ấy kể cho tôi rất nhiều những ưu điểm nếu tôi đến đó công tác. Tôi đã từ chối bởi vì môi trường ở đó không thích hợp cho việc tu luyện Pháp Luân Đại Pháp. Ba người trong trường của tôi đã tố cáo sai sự thật về tôi với lãnh đạo cấp trên nhưng tôi không hề giữ tâm oán hận đối với họ. Tôi vẫn quan tâm giúp đỡ họ. Họ đã rất cảm động và nói: “Các học viên Pháp Luân Công các bạn thực sự không có tâm trả thù hay oán hận.”

Chúng tôi cũng biết suy nghĩ nhiều hơn cho gia đình, hiếu kính cha mẹ, chăm sóc người lớn tuổi trong gia đình, quan hệ mẹ chồng nàng dâu rất hòa thuận. Chúng tôi đối xử tốt với mọi người và hề có tâm tranh đấu. Có một số học viên cũng bị xe ô tô đâm, họ không hề oán trách người lái xe, đều nói rằng mình không sao và để họ đi mà không yêu cầu một chút bồi thường nào.

Nhiều người dân trong làng nuôi bò. Các học viên đã tự nguyện quét dọn đường làng bất kể vào mùa đông hay mùa hè. Khi trưởng thôn phân công nhiệm vụ cho người dân, các học viên Pháp Luân Đại Pháp luôn luôn hoàn thành trước hạn. Chúng tôi đã được cán bộ thôn và người dân khen ngợi. Người bí thư thôn nói: “Nếu mọi người trong cả nước đều tu luyện Pháp Luân Đại Pháp, xã hội sẽ ổn định và hài hòa.”


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2022/3/13/438952.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2022/4/18/199960.html

Đăng ngày 15-06-2022; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share