Bài viết của đệ tử Đại Pháp tại Trung Quốc Đại Lục

[MINH HUỆ 20-05-2022] Sau khi tôi tu luyện Pháp Luân Đại Pháp, Sư phụ đã ban cho tôi rất nhiều, rất nhiều điều. Pháp Luân Đại Pháp đã khai mở trí huệ cho tôi; giúp tôi khỏe mạnh, trẻ trung; Đại Pháp đã giúp tôi trở nên khoan dung, cởi mở, xem nhẹ danh lợi, lạc quan và vững vàng.

1. Khai trí khai huệ, ứng phó nhanh nhạy

Tôi từng làm công việc đào tạo trong một trung tâm thương mại. Các thương hiệu trong trung tâm thương mại phần lớn là thương hiệu hàng đầu. Có một nhà thiết kế của một thương hiệu, từng thiết kế ở các thành phố hàng đầu tại Trung Quốc, được nhiều người biết đến. Cô ấy từng nói với quản lý các gian hàng: “Tôi đã từng tham gia rất nhiều khóa đào tạo, phần lớn thấy không có gì hay. Nhưng giáo viên A của bên bạn (chỉ tôi) giảng rất tốt, sinh động và thú vị, cảm động lòng người. Tôi có cảm giác chị ấy biết mọi thứ, chị ấy sao có thể tích lũy được nhiều kinh nghiệm như vậy, chị ấy học mấy trường đại học vậy?”

Có lần, khi tôi vừa dạy xong thì một người đàn ông bước lên bục giảng, nói với tôi rằng: “Cô giảng rất hay, rất thiết thực. Không những dạy cho nhân viên mà cô cần phải dạy cho những người quản lý như chúng tôi nữa, rất cần thiết, tôi là quản lý của thương hiệu X.”

Sau đó, tôi đến một cửa hàng bách hóa với tư cách là giám đốc và huấn luyện bộ phận nhân sự để giảng dạy cho bộ phận quản lý. Trong lớp học có một vị phó chủ tịch phụ trách xúc tiến đầu tư đến từ một thành phố thuộc top đầu của Trung Quốc và là một nhà kinh tế học. Ông nói: “Tôi đã từng học lớp của các giáo sư thuộc trường đại học (trường đại học thuộc top danh tiếng của Trung Quốc), thường nghe họ giảng dạy, nhưng lại cảm thấy không có gì mới mẻ.” Ông hỏi tôi: “Giám đốc A rốt cuộc có bằng cấp gì?”

Bằng cấp của tôi là gì ư? Tôi chỉ tốt nghiệp cấp ba. Nếu tôi không tu luyện Pháp Luân Đại Pháp, không nhờ có Đại Pháp khai trí khai huệ, thì tôi cơ bản không thể làm được công việc này, đến ứng tuyển vào công việc này tôi cũng không dám, thậm chí còn không dám nghĩ đến.

Cả hai công ty đều không cung cấp cho tôi tài liệu đào tạo, cũng như không ai hướng dẫn cho tôi biết đào tạo là gì, đào tạo thế nào. Những nội dung tôi giảng dạy đều là dựa trên những trải nghiệm của bản thân tổng kết ra. Một số cửa hàng có đội ngũ quản lý riêng, có một cửa hàng từng hỏi tôi thế này: “Nội dung chị dạy dựa trên cuốn sách nào? Nhân viên tham gia đều nhiệt tình hưởng ứng, đều nói cô giáo A dạy rất hay.” Tôi trả lời: “Bạn xem trên bàn của tôi có cuốn sách nào không? Chỉ có một chiếc máy tính thôi, tài liệu giảng dạy đây là tôi tự viết trước khi lên lớp.” Cũng có những giáo viên đào tạo của các cửa hàng khác đến xem giáo trình của tôi, khiêm tốn xin được chỉ giáo, nói: “Nhân viên của chúng tôi vô cùng thích nghe tiết học của chị.”

Tôi có thể liên tục biên soạn các khóa học mới, bản thân cũng cảm thấy thần kỳ. Tôi rất ít khi lên các website người thường để tìm kiếm tài liệu, trang web tôi xem nhiều nhất là Minh Huệ Net. Đó là chiếc rương bảo bối, có rất nhiều câu chuyện văn hóa truyền thống, các tuần báo chân tướng cung cấp cho tôi rất nhiều tư liệu phong phú. Tôi còn đọc Chánh Kiến Net và The Epoch Times, từ đó thu hoạch được rất nhiều điều. Thực ra, đây cũng là nguyên nhân vì sao mọi người cảm thấy tiết học của tôi mới lạ, độc đáo, chấn động. Tất cả những điều này đều bắt nguồn từ tu luyện Đại Pháp.

Sau đó, tôi tham gia một khóa học dạy cách thức để hình thành một nhóm, sau đó làm trợ giảng cho một số trung tâm huấn luyện. Có một chương trình đào tạo kéo dài hai ngày với sự tham gia của hàng chục công viên chức thuộc Sở khoa học và công nghệ thành phố. Chúng tôi phân chia họ thành các nhóm hơn 10 người, mỗi nhóm có một trợ giảng.

Sau khi buổi học đầu tiên vào buổi sáng kết thúc, các nhóm nhỏ tập trung ăn trưa cùng nhau. Mấy chục người mỗi người góp vào một câu nên buổi chia sẻ nhanh chóng trở thành một hội nghị phê phán, thậm chí còn công kích cá nhân như: ấu trĩ, thô thiển, thô tục! Hay những lời như người tham gia khóa học thần kinh không bình thường; khóa đào tạo này lừa bịp! Họ thể hiện thái độ coi thường và ghê tởm với giảng viên. Họ đều tự coi mình là người ưu tú. Trong số đó chỉ có tiểu D tính cách nhã nhặn, cảm thấy bầu không khí không đúng liền nói: “Chị trợ giảng đừng để bụng, mọi người không có ý nhắm vào chị, chúng em là nói cảm xúc thật của bản thân sau khi nghe xong bài giảng mà thôi.”

Trước xung đột gay gắt này, nên ăn miếng trả miếng đối đầu, hay lịch sự nhẫn nại, dùng trí huệ để tìm hướng giải quyết?

Trước khi tu luyện, tôi là người hiếu thắng, có năng khiếu hùng biện, ngôn từ sắc bén, nhưng thường vênh váo hung hăng, mang dáng vẻ hùng hổ dọa người, được mệnh danh là “bông hồng có gai”. Sau khi tu luyện, tôi đã thay đổi rất nhiều mà không hay biết. Từ một người hùng hổ đến điềm đạm ôn hòa, thậm chí không tranh luận, cãi vã.

Tôi nhớ lại lời giảng Pháp của Sư phụ:

“Bình thường chư vị luôn luôn bảo trì trái tim từ bi, [bảo trì] tâm thái hoà ái; [khi] gặp vấn đề thì sẽ xử lý được tốt, bởi vì nó có một khoảng hoà hoãn. Chư vị luôn từ bi, lấy Thiện đãi người, làm việc gì đều luôn luôn cân nhắc đến người khác, mỗi khi gặp vấn đề thì trước hết nghĩ rằng: ‘Việc này đối với người khác có thể chịu được không, đối với người khác có phương hại gì không’; như vậy sẽ không xuất hiện vấn đề gì” (Chuyển Pháp Luân)

Tôi mỉm cười và nhìn mọi người xung quanh, bày tỏ sự công nhận, cảm thông, nhưng không tán thành quan điểm của họ. Tôi nói: “Mọi người đây đều có suy nghĩ riêng, có lập trường riêng, sẽ không mù quáng đồng tình với bất cứ điều gì, điều này rất tốt. Tôi cũng hiểu tâm tư của mọi người, ban đầu khi tôi xem qua khóa học này, tôi cũng có cùng nhận thức với quý vị. Cũng có chỗ tôi nghi hoặc, không hiểu, không tán thành, thậm chí có chỗ tôi còn bài xích. Nhưng sau đó tôi nhận ra bản thân mình đã sai rồi. Tôi nghĩ nếu không ngại chúng ta hãy thử buông nhẹ quan niệm của bản thân, không đi phán xét, mà mang tâm thái trải nghiệm, biết đâu chúng ta sẽ có những phát hiện mới lạ.”

Sáng ngày hôm sau, khi trò chơi đồng đội kết thúc, các nhóm nhỏ chia sẻ về cảm nghĩ của mình, người tổ chức cũng có mặt ở đó. S nói với lãnh đạo rằng: “Vị trợ giảng này rất tốt, rất ưu tú.” Sau đó nói sang tôi: “Mặc dù tôi không đồng tình với một số quan điểm của bạn, nhưng con người bạn thì tôi lại rất tán đồng.”

S là một thanh niên khoảng 30 tuổi, mang dáng vẻ bỡn cợt, không phục bất cứ ai. Người này không tuân theo quy tắc, nghĩ gì là làm nấy. Khi cả đoàn được yêu cầu rẽ trái thì anh này nhất mực rẽ phải; khi mọi người cần bịt mắt thì anh này sẽ gạt bịt mắt sang một bên; coi khóa học như trò chơi, đôi lúc còn quấy rối, loạn bát nháo. Tuy nhiên tính cách cũng rất hài hước. Trong bữa trưa, anh S nói nửa đùa nửa thật: “Trợ lý A thật lợi hại nha, cư xử nhẹ nhàng mà có thể ứng phó được người khác. Tôi thấy thu hoạch lớn nhất từ khóa đào tạo này chính là có thể quen biết chị.” Một cô gái tên D nói: “Đúng vậy, chị ấy không bao giờ nóng vội, cách giảng dạy nhẹ nhàng thông tuệ rất dễ đi vào lòng người.” Chị M, một người lớn tuổi chững chạc nói: “Giống như một vị Bồ Tát vậy, khiến người ta cảm nhận được sự lương thiện và tốt đẹp.”

Trước khi tu luyện, tôi là người nóng tính, ngôn từ cay nghiệt. Sau khi tu luyện, tôi trầm ổn, ngôn từ ôn hòa. Mặc dù thường ngày rất ít nói, nhưng lời nói ra lại ngày càng có năng lượng hơn, giống như có lực xuyên thấu vậy. Cũng có không ít người nói: “Phong thái của cô A rất tốt, có khả năng làm chủ được sân khấu. Dù gặp phải nhóm người hay gặp tình cảnh nào cũng có thể dễ dàng ứng phó. Thoạt nhìn có vẻ rất ung dung, tự tại.”

Tôi cư xử nhã nhặn và lễ phép với tất cả mọi người. Dù người đó là quan chức cấp cao hay là người dân bình thường, tôi đều đối xử bình đẳng như nhau. Tôi trân trọng tất cả mọi người, vì mỗi một sinh mệnh đều không đơn giản chút nào. Giống như Sư phụ giảng:

“Thế nhân nguyên thị Thiên thượng lai

Vi đắc Đại Pháp nhập mê trần” (Suy Khai Mê Trung Môn, Hồng Ngâm IV)

Tạm dịch:

“Con người thế gian nguyên là đến từ Thiên thượng

Vì để đắc Đại Pháp mà nhập cõi mê hồng trần” (Mở ra cánh cửa trong mê, Hồng Ngâm IV)

Tôi luôn hy vọng tất cả mọi người đều có một tương lai tươi sáng, cũng có thể họ đã cảm nhận được thiện tâm này của tôi nên những điều tôi nói ra đều dễ dàng được mọi người đón nhận.

2. Thanh tịnh, thoát tục

Nhân một dịp mọi người đều không quen biết nhau, có một cô gái tính cách thẳng thắn hỏi tôi: “Chị 30 tuổi ạ?” Tôi trả lời rất tự nhiên: “Tôi ngoài 30 rồi.” Cô ấy lấy làm ngạc nhiên: “Vậy rốt cuộc chị 30 mấy rồi?” Tôi đáp: “Tôi 50 tuổi rồi!” Cô ấn tròn mắt nhìn tôi: “Chị đừng đùa chứ! Chị không nói thì thôi!”

Thực ra, tôi đã ngoài 50 tuổi rồi. Tôi thường miễn cưỡng nói ra tuổi của mình, vì khi nói ra mọi người sẽ bày tỏ sự ngạc nhiên: “Này, có thật không? Trông chị không giống, không giống một chút nào. Thật vậy sao? Chị trẻ quá!” Còn có một người nói một cách nho nhã rằng: “Thời gian đã bỏ quên chị rồi.” Có người hỏi: “Chị làm thẩm mỹ à? Tập thể dục à? Hay là…” Tôi trả lời: “Không có.” Cô ấy hỏi tiếp: “Vậy rốt cuộc chị làm cách nào để níu giữ được thanh xuân của mình?” Lưu giữ được thanh xuân không còn là giấc mộng, câu nói này quả thật không một chút khoa trương nào.

Sư phụ giảng:

“Công pháp tính mệnh song tu, từ ngoài mà quan sát người ta cảm thấy như trẻ ra nhiều tuổi; cá nhân nhìn bề ngoài khác nhiều so với tuổi thực tế.” (Chuyển Pháp Luân)

“Nói vui thế này, các cô nương trẻ tuổi đều trang điểm, muốn da dẻ trắng trẻo hơn, đẹp hơn. Tôi nói rằng chư vị tu luyện công pháp tính mệnh song tu một cách chân chính, [thì] tự nhiên đạt được điều ấy; bảo đảm là chư vị không [cần] trang điểm.” (Chuyển Pháp Luân)

Cách ăn mặc của tôi cũng được đề cao sau khi tôi xem Shen Yun, tôi học được cách phối các màu sắc trang phục, trang phục của tôi tuy đơn giản nhưng rất phong phú. Có người nói trông tôi thanh khiết, tao nhã, cũng có người nói tôi mang dáng vẻ một người phụ nữ tri thức vừa thiện lương, trí tuệ lại thanh cao. Tôi biết, đó là phong thái của người tu luyện, là phong thái của đệ tử Đại Pháp. Tôi chiểu theo luân lý đạo đức truyền thống, thân tâm tịnh hóa, tránh được sự rối loạn vô tình trong cõi hồng trần này.

3. Không oán không hận, lương thiện hiếu thảo

Tôi đón mẹ chồng từ quê lên để chăm sóc, trong quá trình phụng dưỡng mẹ chồng, thực ra cũng có rất nhiều sự việc ma luyện nhân tâm, đề cao tâm tính. Đôi lúc tôi cũng cảm thấy ủy khuất, thậm chí không thể kìm được nước mắt. Cũng có lúc bất bình không yên, sinh tâm oán hận. Mẹ chồng tôi là người có cá tính mạnh, bề ngoài hiền lành, thật thà, thậm chí là nhu nhược, nhưng thật ra bà rất hay bắt nạt người khác, càng tốt với bà thì bà lại càng bắt nạt. Mẹ chồng tôi ích kỷ, nhỏ nhen, vô tâm. Mối quan tâm duy nhất của bà là cô con gái.

Dì tôi nói: “Bà lão này không biết thương người, cháu đối tốt với bà ấy như vậy mà bà ấy không thương cháu.” Mẹ chồng tôi còn rất cố chấp, theo như cách nói của chị dâu thì bà rất “cường ngạnh”. Hơn nữa cách nói chuyện của bà rất khó nghe, luôn ác ý đánh giá người khác.

Có một lần, bà bị ngã ở nhà chú út, cháu gái thấy vậy tốt bụng chạy đến đỡ bà lên nhưng bà lại cho rằng cháu bé là người đẩy bà ngã. Một, hai năm gần đây, hành vi của bà có lúc rất kỳ lạ, thường nổi nóng với chị dâu, em trai, và em gái ruột của bà. Vốn dĩ mẹ chồng tôi có chút kiêng nể chị dâu, nhưng con của chị dâu lại nói: “Bà nội dùng roi mây đánh mẹ cháu,”

Điều khiến tôi không thể chấp nhận được là bà không để ý đến việc vệ sinh sạch sẽ, quả thật ngoài sức tưởng tượng của tôi. Vì vậy, tôi đã đặt nhiều loại giấy gia dụng, các loại giấy cuộn, khăn giấy, khăn mặt, khăn ướt ở khắp mọi nơi như trên bàn trà, bàn ăn, sopha, đầu giường, để ở khắp mọi nơi bà có thể nhìn thấy với mong muốn bà thuận tay sử dụng. Nhưng mẹ chồng tôi vẫn thích làm gì thì làm nấy.

Tôi không thể thay đổi được bà nên đành chấp nhận những thói quen vệ sinh mà bà đã hình thành trong nhiều năm qua, tôi cố gắng tập làm quen, không tức giận, không oán trách, cố gắng giúp đỡ bà nhiều nhất có thể và chăm sóc bà chu đáo hơn nữa. Mẹ chồng tôi muốn lau miệng thì tôi đưa khăn giấy cho bà; bà muốn lau tay thì mau chóng đưa khăn ướt cho bà; bà muốn đi vệ sinh thì đưa bà giấy vệ sinh, xả nước, mở vòi xịt, lấy nước rửa tay cho bà.

Cô tôi ở quê từng nắm lấy tay tôi và nói: “Cô nghe mẹ chồng con kể chuyện khi ở cùng với các con, cô thấy các con đối xử tốt với chị ấy quá! Vậy mà chị ấy vẫn không vừa lòng, không biết thế nào là đủ nữa. Cô thiết nghĩ có thể trong một kiếp nào đó con đã đối xử không tốt với chị ấy, nên dù con đối xử chân thành với chị ấy thế nào, chị ấy cũng không coi trọng, vậy thì con hãy vui vẻ mà trả nợ cho bà ấy vậy!”

Báo hiếu với mẹ chồng, ba chồng là điều nên làm, dù họ có thích tôi hay không, dẫu nóng tính thế nào, hay dẫu đối với tôi tốt, hay không tốt cũng không quan trọng. Vì vậy, tôi cũng không mong cầu được hồi đáp, tôi nghĩ mình nên làm gì thì cố gắng làm cho tốt.

Mẹ chồng thích ăn gì tôi sẽ mua thứ đó. Bà muốn mua quần áo gì tôi sẽ mua thứ đó, từ áo khoác ngoài, áo len, áo sơ mi, quần, cho đến đồ nội y, một năm bốn mùa đều đủ cả để bà có thể có quần áo sạch sẽ, chỉnh tề và gọn gàng. Chị dâu nói: “Quần áo mà mẹ chồng mặc mấy năm qua gần như là em mua, chị với thím ít khi mua cho bà.”

Thực ra, là mẹ chồng đang giúp tôi đề cao, giúp tôi trở thành một người tốt, một người tốt hơn nữa. Bà giúp tôi trở thành một người chăm chỉ, đảm đang hơn, bao dung hơn, mạnh mẽ hơn, còn ngày càng không ngại bẩn từ lúc nào mà tôi không hề hay biết. Rất nhiều việc tôi vốn không muốn làm, không thích làm giờ đây cũng làm quen tay rồi, thậm chí tôi còn quen với việc xách bô, đổ rác và cọ bồn cầu.

Mẹ chồng tôi còn đào tạo tôi trở thành một bà nội trợ nấu ăn ngon. Cả hai vợ chồng tôi đều không biết nấu cơm, do công việc bận rộn nên thường mua đồ ăn sẵn về, rất ít khi nấu cháo hay làm cơm. Chồng tôi không phải là người kén ăn, con trai cũng hiểu chuyện. Còn khi chỉ có một mình thì bữa ăn lại càng đơn giản hơn, tôi mua chiếc bánh bao hấp với chút rau muối, hay mua bánh mì chấm với nước sốt dưa chuột. Sau khi tu luyện, tôi không còn sợ lạnh, không sợ nóng, không có cảm giác thèm ăn thứ gì, chỉ cần lấp cho đầy cái bụng là được. Vì vậy, chúng tôi tiết kiệm được nhiều tiền và thời gian cho việc ăn uống. Nhưng mẹ chồng tôi thì lại thích ăn cháo, thích ăn các loại bánh có nhân. Vì vậy, tôi ăn cháo ngày ba bữa, cũng học cách nấu các loại cháo khác nhau. Tôi cũng học cách làm bánh bao, bánh hấp cách thủy. Mỗi ngày sắp xếp thời gian ổn thỏa, cuộc sống trôi qua muôn màu muôn vẻ.

Hiếu kính và chăm sóc người già cũng là một việc lớn. Trong suốt quá trình này, tôi không ngừng ma luyện, đề cao bản thân, không ngừng loại bỏ những tâm không tốt, như: tâm sợ bẩn, sợ mệt, sợ phiền, sợ cái này sợ cái khác. Cho dù tính cách khác nhau, quan niệm, hành vi, thói quen, cách vệ sinh có khác nhau thì cũng đều cố gắng hết sức để chăm sóc cho mẹ chồng. Tất cả những việc đó không phải làm cho người khác nhìn, mà thiện đãi với người khác chính là thiện đãi với chính mình và tôi nghĩ rằng mình phải giữ vững phần thiện lương này!

Trong các mối giao hảo với anh chị em bên chồng, tôi sẵn lòng chịu thiệt, cố gắng giúp đỡ và nhường nhịn người khác. Người ngoài cảm thấy: “Đại gia đình nhà này này thật là hòa thuận!”

4. Nghĩ cho người khác, xem nhẹ lợi ích

Tôi đã từng nhận được tờ tiền giả trị giá 100 tệ. Một chị gái tiệm vàng tốt bụng nói với tôi rằng: “Lượng tiêu thụ của tiệm lớn, nếu có thể tráo vào được thì chị sẽ giúp em tiêu số tiền này.” Tôi cảm ơn ý tốt của chị, tôi đã biết đây là tiền giả nên không thể đi lừa người khác được, vì vậy tôi đã tiêu hủy nó.

Cách đây hơn 10 năm, chúng tôi mua một bộ đèn trang trí phòng khách trong một trung tâm thương mại, nhân viên kinh doanh nói sẽ đóng gói rồi giao đến cho chúng tôi và còn giao hẹn nhất định sẽ lắp đặt thật đẹp. Nhưng khi người lắp đặt đến nhà, anh ấy lại mang đến một bộ đèn khác. Điều đầu tiên tôi nghĩ đến là: Lần giao nhầm này sẽ khiến cửa hàng lỗ rất lớn, bây giờ tôi không nhớ tiền chênh lệch cụ thể là bao nhiêu, ít nhất là vài trăm tệ. Tôi lại nghĩ không biết nhân viên phụ trách có bị phạt không? Hơn nữa đệ tử Đại Pháp càng không nên lấy của cải phi nghĩa. Tôi nhanh chóng giải thích sự việc cho người lắp đặt và mong anh ấy mang bộ đèn này trở về. Không ngờ anh ấy lại nói: “Cái này tôi không biết, cũng không quan tâm, tôi là nhân viên giao hàng và lắp đặt.” Sau đó, tôi và chồng tôi dành thời gian gửi lại bộ đèn đó cho cửa hàng.

Tôi luôn có một chiếc túi nhỏ để tiền lẻ trong túi của mình. Khi mua đồ ở các cửa hàng, quầy hàng nhỏ, tôi sẽ chủ động dùng chúng để tránh cho người bán hàng phải phải mất một chút tiền thừa, có người nói: “Có vài đồng thôi nên tôi ngại nhận lấy”, có người thì nói: “Vài đồng thôi mà, tôi không lấy.” Tôi liền nói: “Tôi có tiền lẻ đây, chị nhận lấy đi”, cũng có người thì nói: “Người thời nay, có muốn họ trả tiền họ cũng không trả lại, vậy mà cô còn chủ động trả nữa, cảm ơn nhé!” Còn có người thì quả quyết không nhận lại tiền thừa.

5. Ánh quang huy của Chân-Thiện-Nhẫn chiếu rọi gia đình tôi

Chồng và con trai tôi đều được hưởng lợi từ Pháp Luân Đại Pháp về cả thể chất và tinh thần. Họ khỏe mạnh và bình an, đạo đức đề cao, công việc thuận lợi, được nhiều người khen ngợi. Hai cha con đều đồng tình với Pháp lý “Chân-Thiện-Nhẫn” và thực hành nguyên tắc này trong cuộc sống, công việc thường ngày từ lúc nào không hay.

Con trai tôi là một chàng trai ấm áp, đẹp trai và rất phong độ. Trước khi con trai tôi tốt nghiệp đại học, con đã tìm được một công việc ưng ý. Sau đó, con thi đậu công chức nhà nước và được nhận vào làm ở một đơn vị rất tốt. Con là người có trách nhiệm và có khả năng gánh vác; có năng lực thích ứng cao với công việc, nhanh nhạy; sẵn sàng chia sẻ với đồng nghiệp, sống khiêm tốn, không tranh giành, không vụ lợi, lãnh đạo và đồng nghiệp quý mến. Những khi tôi làm điều gì đó không tốt, con trai sẽ nói: “Mẹ à, Chân-Thiện-Nhẫn! Mẹ đang học theo Chân-Thiện-Nhẫn mà?!”

Chồng tôi là bác sĩ nhi của một bệnh viện và kiêm chức vụ quản lý, cũng có tiếng ở địa phương và khu vực lân cận. Anh ấy rất yêu công việc này và luôn phấn đấu để đạt được thành tích tốt. Trong giờ làm, anh luôn tận tâm chăm chỉ; khi tan làm lại học hỏi thêm, đọc sách hay nghe những bài giảng của các chuyên gia. Mặc dù từ lâu đã là bác sĩ trưởng khoa nhưng anh ấy luôn cho rằng kiến thức là vô hạn, chúng ta cần học nữa, học mãi.

Anh ấy đem những kiến thức mình học được, toàn tâm toàn ý xoa dịu bệnh tật, sự thống khổ cho bệnh nhân; anh là người không cầu danh, không cầu lợi, mặc dù không làm truyền thông nhưng lại có một lượng lớn “người hâm mộ”. Gia đình, bạn bè, truyền tai nhau ví như nào là vị lãnh đạo này nói, vị lãnh đạo kia nói: “Tôi và trưởng khoa H (chồng tôi) rất thân, con tôi từ nhỏ đến lớn đều khám bệnh ở chỗ anh ấy.” Mà chồng tôi lại không quen những vị lãnh đạo này, anh ấy chỉ quan tâm đến sức khỏe của trẻ nhỏ, chứ không xem trọng thân phận hay địa vị của phụ huynh, đối xử bình đẳng với tất cả các cháu.

Có lẽ Pháp lý Chân-Thiện-Nhẫn của Pháp Luân Đại Pháp đã sớm đồng hóa nội tâm bên trong và hành động bên ngoài của anh ấy. Anh ấy dùng sự chân thành, thiện lương và y đức tuyệt vời của mình để nhận được sự tín nhiệm và yêu mến của các bậc phụ huynh cũng như các em nhỏ. Anh ấy càng chú trọng hơn đến việc đào tạo đội ngũ y bác sĩ, giúp cấp dưới phát triển hơn và còn tạo điều kiện cho họ có một không gian phát triển tay nghề và có nhiều cơ hội hơn. Anh tổ chức các lớp đào tạo, những buổi thảo luận về các bệnh án, sắp xếp những buổi khám sức khỏe ở bên ngoài để có thêm điều kiện trau dồi kiến thức, v.v. Không ngần ngại truyền lại những kinh nghiệm của bản thân và giúp đỡ các bác sĩ trẻ có thể phát triển kỹ năng nhanh hơn.

Tôi có thể cảm nhận được tấm lòng thuần khiết trong công việc của anh ấy, nhưng bản thân anh ấy trước giờ không khoa trương, không khoác loác, không tự cao, không xu nịnh, chỉ biết hoàn thành công việc cho thật tốt, chuyên tâm làm việc. Dù có bận, có mệt đến đâu cũng không oán trách, cùng không xem nặng tiền bạc, lợi ích. Không nhận phong bao lì xì, trong tình huống không thể từ chối thì số tiền đó sẽ được chuyển vào tiền đặt cọc của bệnh nhân. Khi họ xuất viện sẽ để bác sĩ phụ trách chuyển lời. Khi anh ấy kê đơn thuốc cho bệnh nhân, sẽ nghĩ cho bệnh nhân trước, chọn loại thuốc tốt, giá cả hợp lý cho bệnh nhân. Nhà cung cấp thuốc kính cẩn với với anh ấy rằng: “Tôi sớm đã nghe danh, anh không giống như những người khác, người giống như anh đây quả thực quá hiếm rồi.”

Con xin cảm tạ Sư phụ từ bi! Toàn thể gia đình chúng con vô cùng biết ơn Sư phụ!

Tôi chân thành hy vọng mọi người đều có thể minh bạch chân tướng, bình an qua được kiếp nạn.

Bài viết chỉ thể hiện quan điểm hoặc nhận thức của tác giả. Mọi nội dung đăng trên trang web này thuộc bản quyền của Minghui.org. Minh Huệ sẽ biên soạn các nội dung trên trang web và xuất bản theo định kỳ hoặc vào những dịp đặc biệt.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2022/5/20/442280.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2022/5/22/201437.html

Đăng ngày 14-06-2022; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share