Bài viết của đệ tử Pháp Luân Đại Pháp ở Hắc Long Giang, Trung Quốc

[MINH HUỆ 23-05-2022] Năm nay tôi 54 tuổi, tôi bắt đầu tu luyện Pháp Luân Đại Pháp năm 1998. Cảm tạ ân Sư tôn đã truyền cấp Đại Pháp tốt như vậy cho con người, nên hôm nay con mới có được một gia đình hòa thuận và hạnh phúc.

Sự thay đổi của chồng

Sau khi kết hôn, tôi phát hiện chồng mình không có khái niệm gia đình, chỉ lo bản thân và ham chơi. Tính tình anh ấy nóng nảy và dễ tức giận, đối với tôi, nói đánh là đánh, nói mắng là mắng. Anh ấy còn ăn chơi, rượu chè, gái gú và đánh bạc, đủ mọi thứ xấu đều có hết. Vào thời điểm đó, trước khi có thể chuyển công việc từ quê bố mẹ đẻ đến nơi tôi sống, tôi chỉ có thể làm công việc tạm thời, do kinh tế khó khăn nên chúng tôi thường cãi nhau.

Tôi vốn bướng bỉnh và rắn rỏi, hai người với hai tính cách giống nhau kết hợp thành một nhà, có thể tưởng tượng sẽ như thế nào, nhưng đa số tình huống tôi đều chịu thua anh ấy. Còn nhớ một lần ở trong bếp, tôi vừa nói một câu không thuận ý chồng, anh ấy bèn chụp lấy cái chậu nhỏ trên kệ bếp hất tung tóe về phía tôi, trong chậu nhỏ đầy dầu đậu nành nóng hổi vừa đổ từ chảo ra, may mà tôi nhanh tránh kịp mới không xảy ra thảm kịch.

Sức khỏe tôi vốn không tốt, bình thường ngay cả ẵm bồng con cũng không thể, còn bị ngất đi vài lần trong nhà tắm công cộng, nhưng chồng tôi không hề quan tâm. Một năm nọ, sau khi phẫu thuật u xơ tử cung tại bệnh viện, tôi bị hôn mê trên giường. Anh ấy không những không chăm sóc bên cạnh, mà còn ra hành lang nói chuyện khí thế ngất trời với người khác. Khi xuất viện, thân thể tôi kiệt sức, đi không nổi, phải nhích từng bước, anh ấy cũng chẳng gọi taxi đưa tôi về nhà. Một gia đình như vậy, giống như một hố băng lạnh lẽo, sống có ý nghĩa gì chứ? Nhưng vì không nỡ bỏ lại con nhỏ, nếu không tôi đã (tự vẫn) chết mấy lần rồi.

Khi chị ở quê nhìn thấy cuộc sống bất hạnh của tôi, chị luôn khuyên bảo tôi. Chị ấy tu luyện Pháp Luân Đại Pháp trước, sau đó bảo tôi học. Khi mới bắt đầu, tôi không lĩnh hội được nhiều Pháp lý thâm sâu của Đại Pháp, chỉ biết làm người phải có đạo đức, giảng lương tâm, không lừa người, không hại người, không chiếm tiện nghi hay lợi ích của người khác, đối với ai cũng tốt, như vậy sẽ có phúc báo. Vì không thể tách rời cái gia đình này, dẫu muốn chết cũng chết không được, do đó tôi hướng nội tìm và thay đổi bản thân.

Tôi cố gắng tu thiện, nhìn vào mặt tốt của chồng và cố gắng nhẹ nhàng nhất có thể trong lời nói và việc làm của mình. Tôi nhận thấy rằng, chỉ cần tôi chiểu theo Pháp lý Đại Pháp làm tốt, anh ấy sẽ thay đổi tốt hơn một chút, cũng quan tâm tôi nhiều hơn; nếu tâm chấp trước của tôi nặng, không giữ vững tâm tính, anh ấy sẽ trở lại thái độ ban đầu. Nhưng từ sự thoát thai hoán cốt của tôi, chồng cũng cảm nhận được sự tốt đẹp của Pháp Luân Đại Pháp.

Đôi khi, tôi cố ý nói cho chồng nghe một chút về văn hóa truyền thống, Pháp lý thiện ác hữu báo, và câu chuyện Đại Pháp hồng truyền, đưa cho chồng mã QR đột phá phong tỏa internet để anh ấy vượt tường lửa xem tin tức thực tế. Vì vậy anh ấy càng ủng hộ Đại Pháp, ủng hộ tôi tu luyện. Chồng là người thẳng thắn nghĩ sao nói vậy, tôi đi đi về về, bận rộn với việc chứng thực Pháp, gia đình và bạn bè của anh ấy đều bảo anh ấy phải quản tôi. Anh ấy nói: “Việc vợ làm là chân chính, Sư phụ của họ là đến cứu vũ trụ. Chúng ta chỉ biết ăn chơi, rượu chè, giải trí, một chút lương tri chính nghĩa cũng không có, sống như vậy so với động vật có gì khác nhau?”

Một lần, bí thư trong đơn vị của chồng tìm anh ấy nói chuyện, bảo anh ấy giúp đỡ và giáo dục, “chuyển hóa” tôi. Anh ấy nói: “Chuyển đi đâu? Tôi là người không sợ trời, không sợ đất, cũng chẳng phục ai, đi đến đâu cũng gây rắc rối, nhưng cô ấy không rời xa tôi, không bỏ tôi, còn nấu ăn cho tôi, giặt giũ quần áo cho tôi, chuyện gì cũng nhường nhịn tôi. Hàng ngày trò chuyện với tôi, hiếu kính cha mẹ tôi, dạy dỗ con cái làm người tốt. ‘Chuyển hóa’ giống các vị ăn chơi, rượu chè, gái gú và bài bạc sao? Từng người trong các vị cũng không thể so sánh được với đệ tử Đại Pháp. Họ vì chúng sinh mà buông bỏ sinh tử, còn các vị vì chút lợi nhỏ trước mắt mà bán mất lương tri của mình.” Bí thư của anh ấy xấu hổ bảo anh ấy đừng nói nữa. Sau chuyện đó, đồng nghiệp nói: “Anh này, chẳng phải anh đang giảng chân tướng Đại Pháp hay sao?” Chồng tôi nói: “Những gì tôi giảng là sự thật!”

Chồng không chỉ ủng hộ tôi bằng lời nói mà còn không hề sợ hãi khi đối mặt với cảnh sát, trí huệ cứu đệ tử Đại Pháp. Khi bức hại nghiêm trọng nhất, cảnh sát điên cuồng bắt người. Một lần, cảnh sát ở quê nhà không tìm thấy chị tôi là người tu luyện Đại Pháp, họ biết tôi cũng tu luyện, bèn đi một quãng đường dài đến nhà tôi để tìm kiếm. Chồng tôi chặn ngay cửa, nghiêm khắc cảnh cáo cảnh sát ngồi trong xe chỉ huy người khác tìm kiếm, nói: “Nhà chúng tôi chẳng có gì ngoại trừ nhiều dao.” Vì trước đây chồng tôi hay đánh nhau, ra tay hung hãn, nổi tiếng quanh vùng. Người cảnh sát đó nhìn thấy tư thế và thái độ này, thì vội lái xe rời đi. Ngay lúc đó chị tôi đang ở trong phòng được bình yên vô sự.

Khi tôi lười biếng, anh ấy còn đốc thúc tôi: “Mau đề cao tâm tính!” Do chồng tôi tin tưởng Đại Pháp, ủng hộ đệ tử Đại Pháp, nên anh ấy được phúc báo, làm việc ở đơn vị rất thuận lợi, sức khỏe cũng ngày càng tốt. Bây giờ gia đình tôi đầy ắp sự ấm áp.

Một lần nữa, kỳ tích của con trai đã chứng thực sự tốt đẹp của Đại Pháp

Khi con trai tôi học trung học cơ sở, cháu học trường trung học cơ sở bình thường, ngoài ra, khi mới vào lớp, cháu bị coi như một học sinh ngoại tỉnh và bị xếp vào lớp có những học sinh kém nhất, việc này mang lại sự đả kích rất lớn cho cháu. Con trai bắt đầu ngỗ nghịch, sa ngã, suốt ngày đi chơi với những đứa trẻ quậy phá, trốn học, đi cùng lũ bắt nạt học đường để thu tiền bảo kê, lướt Internet, v.v., không để tâm học hành, kết quả cuối năm xếp hạng chót lớp. Trong tâm tôi lo lắng, nhưng không biết nên dạy dỗ cháu thế nào, chỉ biết dùng hình phạt để thay đổi cháu. Con trai không biết bản thân sai ở đâu, cháu nhìn tôi với ánh mắt ương ngạnh và ủy khuất. Tôi tuyệt vọng nhìn đứa trẻ này sắp bị hủy mất, bèn đưa cháu về quê, nhờ chị tu luyện Đại Pháp giúp tôi dạy bảo cháu.

Chị tôi nhẫn nại khuyên bảo, dạy dỗ con trai tôi từng chút một, giúp cháu nhận biết lỗi lầm của mình, dạy cháu thông cảm người khác, vui vẻ giúp đỡ người khác, nói với cháu rằng làm cha mẹ cũng không dễ dàng gì. Và nói với cháu, nếu mẹ cháu không tu Đại Pháp thì sớm rời bỏ gia đình rồi. Lúc nhỏ con trai từng theo tôi học Đại Pháp, biết Đại Pháp là thần kỳ. Đôi khi vì nhức đầu chịu không nổi, không thể lên lớp học bình thường, cháu bèn niệm chín chữ chân ngôn “Pháp Luân Đại Pháp hảo, Chân-Thiện-Nhẫn hảo”. Một lần, cháu bỗng bị choáng, tuy trong tâm minh bạch nhưng không thể nói nên lời. Cháu lập tức nhẩm niệm “Pháp Luân Đại Pháp hảo, Chân-Thiện-Nhẫn hảo”, niệm liên tục. Các bạn học vội điện thoại khẩn cấp 120, gọi xe cấp cứu. Khi xe đến, con trai tôi đã hồi phục bình thường.

Một năm sau, cháu từ quê trở về nhà. Tôi cũng học được một chút cách giáo dục con cái từ chị, buông bỏ quan điểm cứng nhắc của người mẹ, đối đãi con cái như bạn bè, không đánh không mắng, chỉ chia sẻ với con.

Con trai học hành rất chăm chỉ, không còn kén chọn bạn bè và thầy cô nữa, thích giúp đỡ người khác. Kết quả học tập của cháu tăng vượt bậc, từ vị trí cuối lớp 20, 30 tăng lên 200.

Nhìn thấy sự thay đổi của cháu, trong lòng giáo viên rất vui, nhưng cũng đồng thời lo lắng: “Đứa trẻ này phẩm chất rất tốt, nhưng nền tảng quá yếu, trong hoàn cảnh này vẫn rất khó trúng tuyển vào trường cấp ba.”

Kỳ tích xuất hiện, trong kỳ thi tuyển sinh cấp ba, điểm số của cháu vừa đủ để đậu. Lãnh đạo nhà trường rất vui điện thoại cho tôi, nói rằng: “Nhà chị đã thắp bao nhiêu nén hương vậy?” Tôi nói với ông ấy: “Đó là vì tôi tu Đại Pháp, chỉ cần chiểu theo Pháp lý Chân-Thiện-Nhẫn làm người tốt, sẽ có phúc báo.”

Kỳ tích lại xuất hiện một lần nữa. Trong kỳ thi tuyển sinh đại học, một trường đại học ở Thẩm Dương đã mở rộng thêm hai chỗ cho sinh viên ở tỉnh chúng tôi, con trai tôi may mắn được trường đại học hạng hai nhận vào với điểm thấp hơn 100 điểm so với điểm xét tuyển của trường. Trong trường hợp của cháu, rất khó đậu vào trường đại học hạng ba. Ông nội và bố cháu vui mừng khôn xiết, chồng tôi liên tục nói trong bữa tiệc gia đình: “Cảm tạ Đại Pháp! Cảm ơn vợ đã nuôi dưỡng con trai khôn lớn!”

Trước khi con trai tốt nghiệp, cháu đã đến thành phố lớn cấp một ở miền Nam để thực tập. Cháu có tâm thái khiêm nhường, cầu tiến và được lãnh đạo đơn vị thực tập khen ngợi. Sau khi tốt nghiệp, cháu trực tiếp ở lại đơn vị đó làm việc. Cháu ở công ty không sợ khó nhọc, trong tâm giữ vững lý niệm Chân-Thiện-Nhẫn làm người tốt và thực hiện tốt các việc, hoàn toàn khác hẳn với giới trẻ bây giờ chỉ biết hưởng thụ và lợi ích. Cấp trên thấy nhân phẩm đáng quý và tinh thần tích cực tiến thủ của cháu, không chỉ tăng lương mà còn thường xuyên thưởng cho cháu một số phúc lợi riêng.

Làm việc trong một công ty nước ngoài rất áp lực và đòi hỏi phải liên tục bồi dưỡng bản thân. Nền tảng tiếng Anh của cháu kém và không thể bì kịp với những người trở về từ nước ngoài. Các trưởng bộ phận nhỏ của công ty nước ngoài tổ chức các buổi họp đều bằng tiếng Anh. Cấp trên biết tiếng Anh của con trai tôi không tốt lắm, vì vậy để cháu nói tiếng Trung. Con trai tôi nghiêm khắc yêu cầu bản thân, ra sức học thêm tiếng Anh, nhưng vẫn không tự tin, trong cuộc họp vẫn không dám nói tiếng Anh. Một tối nọ, con trai có một giấc mơ, mơ thấy có người dạy cháu tiếng Anh. Mặc dù nhìn không rõ, nhưng trong ý thức cháu biết đó là Pháp thân Sư phụ Đại Pháp. Sau khi tỉnh dậy, con trai tôi đã có rất nhiều kỷ niệm khó quên về giấc mơ này.

Đến công ty, mọi người quây quần bên bàn tròn trong cuộc họp, lãnh đạo thân thiện nhìn cháu, ý là cháu có thể nói một chút không? Con trai tôi đứng dậy, vẻ mặt mỉm cười và không hề lo lắng, thuận lợi diễn đạt nội dung một cách trôi chảy. Mọi người nhìn cháu, tròn mắt ngạc nhiên: Sao cậu bỗng dưng khác hẳn vậy? Sau đó con trai điện thoại video cho tôi để chia sẻ niềm vui này.

Trong thời gian ba năm đại dịch, con trai không về nhà. Khi nhớ con, chúng tôi chỉ có thể điện thoại video, cháu nói một chút tình hình công việc, và những vấn đề gặp phải, v.v.. Nếu tôi phát hiện thấy chỗ nào không đúng, sẽ kịp thời chỉ ra để cháu sửa đổi. Bây giờ con trai đang phát triển rất tốt ở thành phố cấp một, và cháu cũng đã tìm được một người bạn gái cùng chí hướng. Cháu cũng dẫn dắt bạn bè xung quanh hướng thiện. Mặc dù con trai vẫn chưa quay lại tu luyện Đại Pháp, nhưng cháu luôn chiểu theo Chân-Thiện-Nhẫn làm người tốt.

Mẹ chồng nắm tay tôi không cho đi

Trước khi tu luyện, mẹ chồng xem thường tôi, luôn nói sau lưng những lời khó nghe về tôi với chồng và bố chồng, bắt nạt tôi, gây khó dễ cho tôi. Tôi thường nói xa nói gần, không ra mặt, xúi giục chồng đi phàn nàn với bố chồng (vì tôi sinh được con trai nên bố chồng thiên vị tôi, còn mẹ chồng tôi sợ ông ấy), làm cho mối quan hệ giữa họ trở nên căng thẳng.

Lúc đó tôi không đi làm, chỉ ở nhà. Vì sức khỏe không tốt nên chăm con rất vất vả. Dẫu buổi tối có ngủ thì sáng hôm sau cũng khó có thể mở mắt lên nổi. Chồng thường đi đánh nhau bên ngoài, không đưa tiền sinh hoạt trong nhà, hễ nhìn thấy trong nhà có tiền thì lấy đi đánh bạc. Một lần, tôi không muốn sống với anh ấy nữa, anh ấy bất ngờ ôm con đi đánh bạc. Tôi sợ lắm, sợ anh ấy đánh bạc phát điên và áp lực lên đứa nhỏ, tôi oán gia đình chồng không giáo dục anh ấy tốt.

Trong hoàn cảnh này, mẹ chồng lại đến nhà tôi quản chi phí sinh hoạt, tôi tức giận đã đuổi mẹ chồng ra ngoài. Sống phải cần tiền, chồng lại không đưa tiền, tôi thường đến mượn tiền chị cũng ở cùng quận. Chị thấy tôi và con nhỏ thật đáng thương, bản thân chị không dám ăn, không dám mặc nhưng luôn giúp đỡ tôi. Nhờ sự giúp đỡ của chị, tôi đã vượt qua những năm tháng khó khăn đó.

Sau khi tu luyện, tôi biết đầu tiên phải cải thiện mối quan hệ gia đình, gặp chuyện thì hướng nội tìm thiếu sót của bản thân. Có lần, tôi, mẹ chồng và em dâu, ba người chúng tôi cùng làm bánh kếp, tôi cuộn bánh kếp giỏi hơn em dâu nhiều, nhưng mẹ chồng lại nói: “Mẹ cô không dạy cô à? Sao lại cuốn thành như vậy?” Nước mắt tôi rưng rưng, im lặng không nói gì. Mẹ chồng chưa chịu ngưng, nói với giọng khiêu khích: “Chẳng phải Sư phụ cô dạy các cô nhẫn sao? Cô còn chưa làm được! Còn khóc gì chứ? Cô chẳng nhẫn được gì?” Lúc này, chồng ở phòng khách thấy em dâu bỗng từ bếp đi ra, anh ấy biết nhất định có chuyện, bèn đến hỏi tôi: “Mẹ anh lại soi mói em à?” Tôi vội nói: “Không có”. Sau khi chồng đi rồi, lần này mẹ chồng nói với giọng ôn hòa: “Ồ! Con đã thực sự đề cao, không gây chuyện nữa.”

Sư phụ bảo chúng ta, làm việc gì phải nghĩ cho người khác, phải thiện. Tôi thành khẩn nói với mẹ chồng: “Khi con làm gì sai, mẹ nhất định bảo cho con biết nhé, con sẽ sửa.” Tôi nhớ có lần bố chồng mắc bệnh nhập viện, tôi đến thăm và đưa tiền cho mẹ chồng, bà ngại ngùng, nói không cần gì hết. Mẹ chồng không chút lo lắng nói lớn trong bệnh viện rằng: “Con dâu này, Đại Pháp quá tốt! Nếu con không học Pháp Luân Đại Pháp, liệu con có thể đưa tiền cho mẹ không?!” Đúng vậy, tôi tuyệt đối không bao giờ làm được điều này trước khi tu luyện.

Những dịp lễ Tết, tôt đều đưa tiền cho mẹ chồng nhưng bà không muốn lấy. Tôi nói: “Trước đây con không có tiền, bây giờ con có lương hưu, mặc dù không nhiều nhưng cũng nên hiếu kính mẹ!” Mẹ chồng khóc, những giọt nước mắt cảm động tuôn rơi, bà nói: “Thực sự không ngờ ở tuổi già này, con dâu lại thay đổi tốt với mẹ như vậy. Nếu con không học Đại Pháp, mẹ sẽ không có phúc phận này!”

Mẹ chồng rất sạch sẽ, từ trước đến nay không bao giờ cho phép tôi sống trong nhà của bà, dù có giúp bà làm bánh bao muộn vào đêm giao thừa, bà cũng không bao giờ giữ hai chúng tôi ở lại. Trong tiếng pháo nổ, tôi rơi nước mắt bế con trai bước đi trên lớp tuyết dày đặc trở về nhà mình. Bây giờ khác rồi, chỉ cần tôi đến nhà mẹ chồng, thì ở lại vài ngày trò chuyện cùng ông bà. Họ rất vui, thường nói với người trong nhà rằng: “Sau khi con dâu lớn học Đại Pháp, thực sự đã thay đổi. Không những bản thân con dâu thay đổi, mà con trai và cháu trai cũng thay đổi. Đại Pháp thật tốt! Đây là công lao của Sư phụ Lý!”

Tôi ngủ chung giường với mẹ chồng, mẹ chồng sợ tôi lạnh nên lâu lâu lại sờ vào chân tôi xem có lạnh không. Lần nào hai chúng tôi cũng huyên thuyên cho đến khi một người ngủ trước. Mỗi lần đến nhà mẹ chồng, bà đều không nỡ để tôi về, và luôn nói rằng: “Ở lại thêm một ngày nữa nhé!”

Tôi thường nói mẹ chồng niệm chín chữ chân ngôn “Pháp Luân Đại Pháp hảo, Chân-Thiện-Nhẫn hảo”, nhưng đôi khi bà không nhớ để niệm. Vào một ngày năm ngoái, khi ở nhà mẹ chồng, sáng sớm tôi thức dậy luyện công, nhưng luyện chưa xong thì nhìn thấy mẹ chồng không ổn lắm. Vừa hỏi, mới biết cánh tay và lưng của bà đau đến nỗi không dám cử động. Chúng tôi vội đưa bà đi bệnh viện, sau khi bác sĩ kiểm tra cho biết có một số bệnh ở lưng. Khi mẹ chồng còn trẻ làm lụng rất vất vả, nay tuổi tác lớn thì sinh đủ bệnh.

Sau khi khám xong về nhà, tôi nói: “Mẹ ơi, bệnh cũng khám rồi, thuốc cũng uống rồi, nhưng cơn đau cũng không giảm, thật khổ sở. Con chỉ mẹ thành tâm niệm ‘Pháp Luân Đại Pháp hảo, Chân-Thiện-Nhẫn hảo’ nhé.” Mẹ chồng đã đồng ý và thành tâm niệm hết lần này đến lần khác. Đến chiều mẹ chồng nói thật sự không còn đau nữa. Sau đó mẹ chồng vui vẻ nói với tôi rằng: “Niệm Đại Pháp hảo, mẹ có thể đi lên lầu được rồi.”

Còn có chuyện kỳ diệu xảy ra hai lần với mẹ chồng. Có một đợt hạn hán nghiêm trọng vào mùa hè, và trời đã không mưa trong một thời gian dài, mọi người đều trông chờ cơn mưa nhỏ. Một hôm, cuối cùng cũng có mưa. Tuy nhiên, cơn mưa nhỏ đó chỉ đổ xuống tiểu khu, cách đó không xa chẳng có một giọt mưa nào. Mẹ chồng nhớ lại lời tôi từng nói với bà: “Có chuyện thì thỉnh cầu Sư phụ Đại Pháp.” Bà không ngừng niệm: “Xin Sư phụ Đại Pháp giúp con!” Trước mắt liền nhìn thấy một đám mây đen kéo đến, thẳng đến khu đất của mẹ chồng. Khi mẹ chồng xuống lầu và chạy đến mép đất, một cơn mưa lớn “ào ào” ập đến ướt đẫm cả đất.

Một lần khác, khi mẹ chồng đang thu hoạch lúa mì thì trời mưa to. Vào thời điểm đó, lúa mì được đóng gói trong túi và bên trên phủ các tấm nhựa. Mẹ chồng lo lắng và hô lớn từ ban công: “Pháp Luân Đại Pháp hảo! Thỉnh cầu Sư phụ Đại Pháp giúp con!” Bà vẫn không yên tâm, bèn chạy ra đồng và nói với lúa mì: “Con dâu ta học Đại Pháp, ta thành tâm tin tưởng Đại Pháp hảo. Các ngươi nhất định đừng bị mốc nhé, hãy ghi nhớ Pháp Luân Đại Pháp hảo đấy!”

Sau cơn mưa, tôi và em dâu cùng đi đến chỗ mẹ chồng, bà rất vui nói với tôi rằng: “Thật kỳ diệu, mưa to như vậy mà lúa mì chẳng bị gì. Nếu bị mốc thì bận rộn cả mùa hè coi như uổng công rồi, các con cũng không có thực phẩm sạch mà ăn.”

Trải qua chuyện lần này, mẹ chồng càng thành tâm niệm “Pháp Luân Đại Pháp hảo”, còn thúc giục tôi: “Mau mau về nói bố con cũng niệm ‘chín chữ chân ngôn’ nhé!”

Viết đến đây, nước mắt tôi rơi đầy mặt. Cả nhà chúng con cảm tạ ân Sư phụ! Cảm tạ ân Pháp Luân Đại Pháp! Nhờ Phật quang phổ chiếu của Pháp Luân Đại Pháp, cuộc sống của cả nhà chúng con đều hạnh phúc và khỏe mạnh!

Bài viết chỉ thể hiện quan điểm hoặc nhận thức của tác giả. Mọi nội dung đăng trên trang web này thuộc bản quyền của Minghui.org. Minh Huệ sẽ biên soạn các nội dung trên trang web và xuất bản theo định kỳ hoặc vào những dịp đặc biệt.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2022/5/23/【庆祝513】冰窖家庭变得和和美美-442896.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2022/5/29/201572.html

Đăng ngày 11-06-2022; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share