Bài viết của Vương Anh, phóng viên Minh Huệ

[MINH HUỆ 03-06-2022] Ngày 2 tháng 6 vừa qua, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã công bố Báo cáo Tự do Tôn giáo Quốc tế năm 2021. Với các ví dụ cụ thể, báo cáo cho thấy Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) vẫn tiếp tục bức hại các học viên Pháp Luân Công ở Trung Quốc.

f39fc46ed91678cecbfdcce81e38fc69.jpg

Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony J. Blinken công bố Báo cáo Tự do Tôn giáo Quốc tế năm 2021, ngày 2 tháng 6 năm 2022.

Trong một cuộc họp báo vào ngày 2 tháng 6, Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony J. Blinken cho biết, “CHND Trung Hoa tiếp tục sách nhiễu tín đồ của các tôn giáo mà họ cho là không phù hợp với học thuyết của Đảng Cộng sản Trung Quốc.” Trong đó có “gây ra các rào cản về việc làm và nhà ở đối với các nhóm như Pháp Luân Công.”

Ông Rashad Hussain, Đại sứ Lưu động Hoa Kỳ về Tự do Tôn giáo Quốc tế tại Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ và là người chỉ đạo ủy ban xuất bản báo cáo năm nay, cho biết, “Tự do tôn giáo là một phần quan trọng trong lịch sử của Hoa Kỳ. Quốc gia của chúng ta được thành lập từ nhiều thế kỷ trước bởi những cá nhân chạy trốn sự đàn áp tôn giáo. Bởi vậy, quyền tự do tôn giáo là quyền tự do đầu tiên được ghi trong các tài liệu sáng lập của Hoa Kỳ, bao gồm cả trong Tu chính án đầu tiên trong Tuyên ngôn Nhân quyền của Hiến pháp Hoa Kỳ. Tự do tôn giáo cũng là một quyền phổ biến được ghi nhận trong một số quy phạm và giao ước quốc tế, và cả trong Tuyên ngôn Nhân quyền.“

Sự đàn áp vẫn tiếp tục trong suốt thời gian đại dịch

Mặc dù Hiến pháp Trung Quốc bảo vệ quyền tự do tín ngưỡng tôn giáo, nhưng nó lại tuân theo sự chỉ đạo của ĐCSTQ và chỉ cho phép những “hoạt động tôn giáo bình thường”, trong khi không định nghĩa thế nào là “bình thường”. Điều này dẫn đến sự đàn áp nghiêm trọng đối với nhiều nhóm tôn giáo.

Báo cáo viết, “Theo Minh Huệ, một ấn phẩm liên quan đến Pháp Luân Công, trong năm 2021, 101 học viên Pháp Luân Công đã qua đời do bị bức hại vì kiên định đức tin của họ, và trong năm 2020 có 107 người. Cả Minh Huệ và Trung tâm Thông tin Pháp Luân Đại Pháp đều báo cáo rằng cảnh sát đã bắt giữ hơn 5.000 học viên và sách nhiễu hơn 9.000 học viên khác.”

Báo cáo cho thấy những con số đó đã không suy giảm trong thời kỳ đại dịch. Trên thực tế, ĐCSTQ đã tăng cường chiến dịch nhắm vào các nhóm tôn giáo mà nó coi là “tà giáo” và tung ra các tuyên truyền thù hận để phỉ báng họ.

Sự bức hại không chỉ giới hạn ở việc giam giữ. Một số nhóm, trong đó có Pháp Luân Công, đã báo cáo rằng họ “bị phân biệt đối xử nghiêm trọng trong công việc, nhà ở, và cơ hội kinh doanh.” Đó là lý do tại sao Hoa Kỳ bắt đầu áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với một số quan chức ĐCSTQ vì cuộc bức hại tín ngưỡng này.

Giam giữ và tra tấn

Trước khi cuộc bức hại Pháp Luân Công bắt đầu vào năm 1999, chính phủ Trung Quốc ước tính có khoảng 70 triệu học viên. Nhiều nguồn tin đã xác nhận “ĐCSTQ duy trì một bộ máy an ninh ngoài pháp luật, do Đảng điều hành, để thanh trừ Pháp Luân Công và các tổ chức khác.”

Cơ sở dữ liệu về tù nhân chính trị của tổ chức phi chính phủ về nhân quyền Dui Hua (Đối Thoại) cho thấy, tính đến ngày 30 tháng 9 năm 2021, 3.793 cá nhân đã bị bỏ tù vì đức tin của họ. Trong số đó có 2.751 người là học viên Pháp Luân Công.

Minh Huệ đưa tin rằng cảnh sát thường sử dụng bạo lực khi bắt giữ các học viên Pháp Luân Công, rồi sau đó tra tấn họ. Ví dụ, ông Lý Hiền Hy, một chủ cửa hàng ở thành phố An Dương, tỉnh Hà Nam, bị bắt vào ngày 11 tháng 5 năm 2021 vì nói với mọi người về Pháp Luân Công trong một khu chợ. Khi ông Lý tập Pháp Luân Công trong trại giam, lính canh đã còng tay và tra tấn ông.

“Ngày 13 tháng 6, chính quyền thông báo với gia đình ông Lý rằng ông đã qua đời vào ngày 12 tháng 6. Những người được nhìn thi thể của ông Lý cho biết ông tiều tụy, đầu sưng tấy, và có nhiều vết bầm tím ở lưng và đầu gối,” báo cáo viết.

Bitter Winter, một phương tiện truyền thông trực tuyến về tự do tôn giáo và vi phạm nhân quyền ở Trung Quốc, đưa tin rằng vào ngày 12 tháng 4 năm 2021, chính quyền thông báo cho gia đình của Đại tá Công Phi Khải ở thành phố Thanh Đảo, tỉnh Sơn Đông, rằng ông Công đã chết trong tù. Ông Công là một học viên Pháp Luân Công và từng là phó tham mưu trưởng của Sư đoàn Pháo binh Dự bị Tỉnh Sơn Đông. Mặc dù các quan chức cho rằng cái chết của ông là do “xuất huyết não đột ngột”, nhưng gia đình và bạn bè của ông Công cho hay đã nhìn thấy những dấu hiệu bị tra tấn trên thi thể ông.

Các quan chức thường từ chối trả thi thể của các học viên đã qua đời về cho gia đình, và điều đó đã xảy ra với cô Hồ Hán Kiều ở huyện Hiếu Xương, tỉnh Hồ Bắc.

Minh Huệ đưa tin rằng cô Hồ Hán Kiều đã qua đời trong tù khi đang thụ án 4 năm vì tu luyện Pháp Luân Công. Cô bị bắt vào ngày 15 tháng 3 năm 2021 vì nói chuyện với mọi người về môn tu luyện, và Tòa án huyện Hiếu Xương đã kết án cô 4 năm tù vào cuối tháng 6 năm 2021. Sau khi cô bị chuyển đến Nhà tù Nữ Tỉnh Hồ Bắc 13 ngày, chính quyền nhà tù đã gọi chồng cô vào ngày 9 tháng 11 để thông báo với anh rằng cô đã qua đời. Nhưng họ không trả thi thể của cô cho gia đình.

Vi phạm nhân quyền có hệ thống

Cuộc bức hại Pháp Luân Công đang lan rộng. Trích dẫn báo cáo từ Minh Huệ cho biết “cảnh sát đã bắt giữ và sách nhiễu các học viên Pháp Luân Công trên khắp đất nước.” Ngoài ra, các vụ bắt bớ lớn thường xảy ra xung quanh ngày 25 tháng 4 (ngày kỷ niệm cuộc thỉnh nguyện ôn hòa của các học viên Pháp Luân Công năm 1999) và ngày 13 tháng 5 (Ngày Pháp Luân Đại Pháp Thế giới).

“Theo Minh Huệ, ĐCSTQ đã gia tăng hành vi sách nhiễu trong chiến dịch ‘duy trì sự ổn định’ trước lễ kỷ niệm 100 năm thành lập ĐCSTQ. Từ tháng 7 đến tháng 8, Hà Bắc, Hắc Long Giang, Sơn Đông, Cát Lâm, Tứ Xuyên, Sơn Tây và Liêu Ninh là các tỉnh có nhiều học viên bị sách nhiễu nhất. Những người bị bắt bao gồm giáo viên, chủ nhà hàng, thủ thư, công nhân xây dựng, công nhân nhà máy, học giả, y tá, kỹ sư, nông dân, chủ cửa hàng, và nhiều người đã nghỉ hưu”.

Có rất nhiều trường hợp như vậy. Theo Minh Huệ, ngày 12 tháng 9 năm 2021, nhiều vụ việc cảnh sát sách nhiễu và bắt giữ học viên đã diễn ra ở nhiều khu vực. Một trong những học viên bị nhắm đến là cô Dương Tiểu Trí ở thành phố Phủ Thuận, tỉnh Liêu Ninh. Cô bị bắt ngày 10 tháng 3 vì phân phát tài liệu Pháp Luân Công. Các lính canh đã sốc điện cô bằng dùi cui điện. Một trường hợp khác là bà Thái Tú Phương, 98 tuổi, đến từ thành phố Cát Lâm, tỉnh Cát Lâm. Cảnh sát đã bắt bà cụ vào ngày 14 tháng 5 vì nói chuyện với mọi người về Pháp Luân Công. “Họ giam bà cụ trong lồng kim loại ở đồn cảnh sát trong vài giờ và lục soát nhà bà rồi mới thả bà tại ngoại.”

Các học viên từ mọi tầng lớp xã hội đều bị nhắm đến. Ví dụ, nhà chức trách đã bắt cô Cung Thụy Bình, một cựu giáo viên tiểu học ở Bắc Kinh, vào ngày 20 tháng 7. Khi cô tuyệt thực để phản đối, cô đã bị bức thực. Ba ngày sau, ngày 23 tháng 7, cảnh sát đã bắt cô Lý Lập Hồng, một giáo viên cấp hai ở tỉnh Hồ Nam, vì nói chuyện với mọi người về Pháp Luân Công. Minghui.org đưa tin rằng Trương Kiệt, trưởng Đồn Cảnh sát Bạch Mã Kiều, đã đe dọa bắn và giết cô ấy.”

“Ngày 15 tháng 8, một sỹ quan mặc thường phục ở thành phố Hàm Đan, tỉnh Hà Bắc, đã đánh cô Vương Thụ Khâm vì nói với anh ta về Pháp Luân Công. Cô Vương bị gãy hai xương sườn và được đưa đến bệnh viện.”

Sự bức hại thân thể thường dẫn đến thương tích nên các nhà chức trách còn dùng đến các biện pháp ngược đãi tinh thần.

Cưỡng bức thu hoạch nội tạng

Một tội danh khác của ĐCSTQ là cưỡng bức thu hoạch nội tạng. “Ngày 14 tháng 6, Văn phòng Cao ủy Nhân quyền Liên Hợp Quốc đã công bố tuyên bố của nhóm 11 chuyên gia nhân quyền độc lập trực thuộc Liên Hợp Quốc, trong đó có Báo cáo viên đặc biệt của Liên Hợp Quốc về tự do tôn giáo và tín ngưỡng, Ahmed Shaheed, người đã ‘bị chấn động bởi các báo cáo về thu hoạch nội tạng nhắm vào nhóm thiểu số bao gồm các học viên Pháp Luân Công, người Duy Ngô Nhĩ, Phật tử Phật giáo Tây Tạng, người Hồi giáo và Cơ đốc nhân, đang bị giam giữ ở Trung Quốc.”

Trích dẫn thông tin từ Minh Huệ, báo cáo cho thấy các nhà chức trách đã thu thập DNA, mẫu máu và các sinh trắc học khác từ các học viên Pháp Luân Công trái với ý muốn của họ.

Kẻ thù của Nhà nước

ĐCSTQ đã lạm dụng hệ thống luật pháp để bức hại Pháp Luân Công. “Ngày 20 tháng 4, Đài Á Châu Tự do, RFA, đưa tin Sở Cảnh sát thành phố Ngọc Lâm, tỉnh Thiểm Tây, đã xác nhận với vợ của luật sư Cao Trí Thịnh rằng họ vẫn đang giam giữ ông. Ông Cao là luật sư nhân quyền bị bắt vào tháng 9 năm 2017,” báo cáo viết. “Trước đó, gia đình ông Cao không biết tung tích của ông hoặc liệu ông có còn sống hay không. Ông Cao đã từng bảo vệ các thành viên bị xét xử của các nhóm Cơ Đốc giáo, các học viên Pháp Luân Công, và các nhóm thiểu số khác ”.

Bằng cách coi các nhóm tôn giáo khác là tà giáo, ĐCSTQ đã phát động các chiến dịch tuyên truyền thù hận để phỉ báng họ. Báo cáo viết: “Bitter Winter đưa tin rằng vào Ngày Giáo dục An ninh Quốc gia 15 tháng 4, các nhà chức trách đã tổ chức các cuộc triển lãm như một phần của chiến dịch chống tà giáo, và các sinh viên trên khắp đất nước đã ký cam kết từ bỏ các hoạt động tôn giáo bất hợp pháp của các nhóm được coi là tà giáo.”

Điều này khiến cho những nhóm tín ngưỡng này bị công chúng phân biệt đối xử. “Sự phân biệt đối xử vẫn tiếp tục diễn ra đối với những người phải đi thuê nhà vì tín ngưỡng của họ. Kể từ năm 2017 và 2018, khi các điều khoản trong Luật Xử phạt Hành chính Trị an 2005 liên quan đến ‘hoạt động đáng ngờ’ bắt đầu được thực thi chính thức, các học viên Pháp Luân Công cho biết đã gặp khó khăn trong việc tìm được chủ nhà đồng ý cho họ thuê căn hộ.”

Trẻ em cũng không ngoại lệ. “Vào tháng 11, Minh Huệ đưa tin rằng, ngày 14 tháng 10, chín quan chức đã đến nhà của cô Dịch Thục Anh và yêu cầu cô ký vào thư từ bỏ Pháp Luân Công. Họ đe dọa rằng cháu gái của cô, một học sinh trung học, sẽ bị từ chối nhập học đại học trong tương lai nếu cô Dịch không từ bỏ Pháp Luân Công. Nhưng cô Dịch đã từ chối thực thi.”

Trong những năm gần đây, chính phủ Hoa Kỳ đã áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với những người vi phạm nhân quyền. Chẳng hạn, ngày 12 tháng 5 năm 2021, Ngoại trưởng Hoa Kỳ Blinken đã thông báo rằng Dư Huy, nguyên giám đốc Phòng 610 Thành Đô, tỉnh Tứ Xuyên, sẽ bị trừng phạt vì bức hại Pháp Luân Công.

Mọi nội dung đăng trên trang web này thuộc bản quyền của Minghui.org. Minh Huệ sẽ biên soạn các nội dung trên trang web và xuất bản theo định kỳ hoặc vào những dịp đặc biệt.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2022/6/3/444439.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2022/6/4/201685.html

Đăng ngày 07-06-2022; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

 

Share