Bài viết của Kỷ Trân Nghiên, phóng viên Minh Huệ
[MINH HUỆ 09-02-2022] Đầu tháng 2 năm 2022, một đợt không khí lạnh đột ngột đã tràn xuống Nhật Bản với lượng tuyết rơi kỷ lục, khiến nhiều chuyến tàu dừng hoạt động, gây tác động đáng kể tới việc đi lại. Một trận bão nhiệt đới dữ dội đã tấn công khu vực Đông Nam Madagascar vào ngày 5 tháng 2, khiến ít nhất 10 người thiệt mạng và 150.000 người phải di tản. Vào ngày 7 tháng 2, thủ đô Quito của Ecuador đã phải gánh chịu trận lũ lụt tồi tệ nhất trong hai thập kỷ qua, khiến 28 người chết và 52 người bị thương.
Tuyết rơi kỷ lục ở Nhật Bản khiến nhiều chuyến tàu phải dừng hoạt động
Từ ngày 5 tháng 2 năm 2022, Nhật Bản đã phải hứng chịu một đợt không khí lạnh cực mạnh khiến tuyết rơi dày ở khu vực Hokuriku. Sapporo, thành phố lớn nhất ở Hokkaido, tuyết rơi ở mức kỷ lục làm tất cả các chuyến tàu xuất bến phải dừng hoạt động. Các tuyến xe buýt đường dài và các phương tiện cá nhân ùn ứ trên các tuyến đường trong thành phố. Khoảng 70 hành khách đã bị mắc kẹt tại Sân bay New Chitose vào đêm ngày 6 tháng 2.
Nhật Bản trải qua đợt không khí lạnh cường độ mạnh từ ngày 5 tháng 2 năm 2022. Sapporo, thành phố lớn nhất ở Hokkaido, hứng chịu lượng tuyết rơi kỷ lục (Ảnh: twitter.com/jrhokkaido_info)
Tính đến 2 giờ chiều ngày 6 tháng 2, tuyết rơi tại thành phố Sapporo dày tới 60cm trong 24 giờ, đạt mức cao kỷ lục trong lịch sử địa phương. Lượng tuyết tích tụ đạt độ sâu tới 133cm vào lúc 1 giờ chiều cùng ngày. Lần cuối thành phố Sapporo có lượng tuyết rơi dày hơn 1 mét là vào 8 năm trước.
Được biết, hiện đã có hai người thiệt mạng trong khi dọn tuyết ở hai tỉnh Akita và Toyama.
Rạng sáng này 6 tháng 2 đã xảy ra một tình huống hy hữu là không một chuyến tàu nào có thể đến hoặc rời ga Sapporo, và có đến 704 chuyến bị ảnh hưởng bởi tuyết rơi dày bao phủ toàn bộ đường ray và việc dọn dẹp tuyết không theo kịp. Các tuyến tàu chính vẫn bị đình chỉ cho đến ngày 8 tháng 2, và số chuyến tàu bị đình chỉ vào ngày hôm đó vẫn ở mức cao là 339 chuyến.
Các chuyến tàu bao gồm tuyến Hakodate và tuyến Chitose từ Otaru tới Sapporo và Tomakomai, cũng như tuyến Airport Express tới Sân bay New Chitose cũng bị tạm dừng, gây khó khăn cho hành khách địa phương đi học, đi làm cũng như đi tới sân bay và từ sân bay trở về.
Lượng tuyết tích tụ tại Sekihara-machi, tỉnh Gifu, đạt tới 84 cm vào ngày 6 tháng 2, cao kỷ lục từ khi bắt đầu có kỷ lục tuyết rơi vào năm 1997. Lượng tuyết tích tụ ở thành phố Maibara, tỉnh Shiga cũng đạt tới 81cm, gần đạt tới kỷ lục lịch sử. Tuyết rơi ở thị trấn Tsunan, tỉnh Nigata đạt tới 349 cm vào ngày 6 tháng 2. Đây là lần thứ 2 kể từ tháng 2 năm 2015, lượng tuyết tích tụ hơn 3m tại khu vực này.
Ngoài ra, trang Weathernews của Nhật Bản thông báo rằng từ ngày 9 tới ngày 10 tháng 2, áp thấp nhiệt đới trên bờ biển phía Nam của vùng biển phía Nam Nhật Bản có thể gây tuyết rơi dày cho khu vực Kanto, và thậm chí trung tâm Tokyo có thể có tuyết dày tới 10cm.
Bão nhiệt đới dữ dội tấn công Madagascar, 10 người thiệt mạng và 150.000 người phải di tản
Ngày 5 tháng 2, một trận bão nhiệt đới dữ dội đã đổ bộ vào vùng Đông Nam Madagascar, một hòn đảo ở Ấn Độ Dương, khiến ít nhất 10 người thiệt mạng và 150.000 người phải di tản.
Theo Reuters, đây là cơn bão thứ hai đổ bộ vào Madagascar, một đảo quốc với dân số 30 triệu người, trong hai tuần. Vào chiều ngày 5 tháng 2, bão nhiệt đới Batsirai gây mưa lớn với sức gió tới 165km/h, gây lụt lội ở vùng Đông Nam Madagascar. Lũ lụt gây mất điện và nhiều tòa nhà đổ sập. Một số khu vực vùng Đông Nam bị cô lập hoàn toàn với các khu vực xung quanh.
Các quan chức của quốc gia này cho biết, thị trấn Nosy Varika ở bờ biển phía Đông, là nơi bị tàn phá nặng nề nhất, với gần 95% ngôi nhà bị phá hủy. Giao thông tới các khu vực xung quanh cũng bị chia cắt.
Sự tàn phá của của cơn bão này làm cho thiệt hại mà cơn bão nhiệt đới Ana gây ra hai tuần trước thêm nặng nề với 55 người chết và 130.000 đã phải di tản.
Thủ đô của Ecuador bị tàn phá bởi lũ lụt tồi tệ nhất trong hai thập kỷ, với 28 người chết và 52 người bị thương
Ngày 7 tháng 2, thị trưởng của Quito, thủ đô của Ecuador, tuyên bố rằng thành phố này đã bị lũ lụt tàn phá tồi tệ nhất trong hai thập kỷ qua. Tính đến thời điểm viết bài, tại Quito đã có 28 người chết và 52 người bị thương.
Kênh truyền thông AFP đưa tin rằng nước lũ đã làm ngập nhiều ngôi nhà, cuốn trôi nhiều xe cộ, và thậm chí cuốn trôi cả các cầu thủ bóng truyền và khán giả trong một sân vận động.
Mưa lớn trong 17 giờ ở Quito đã gây ra lũ lụt, với các dòng bùn đất làm hư hại các con đường, các vùng nông nghiệp, trạm y tế, trường học, một đồn cảnh sát và một trạm điện.
Ông Santiago Guarderas, thị trưởng Quito, cho biết lượng mưa vào ngày 6 tháng 2 cao hơn 20 lần so với ngày hôm trước, lập kỷ lục mới kể từ năm 2003.
Phần lớn đất nước Ecuador đã phải hứng chịu mưa xối xả kể từ tháng 10 năm 2021, với ít nhất 44 người đã thiệt mạng.
Bài viết này chỉ thể hiện quan điểm hoặc nhận thức của tác giả. Mọi nội dung đăng trên trang web này thuộc bản quyền của Minghui.org. Minh Huệ sẽ biên soạn các nội dung trên trang web và xuất bản theo định kỳ hoặc vào những dịp đặc biệt.
Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2022/2/9/438762.html
Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2022/2/13/199180.html
Đăng ngày 15-02-2022; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.