Bài viết của Vương Anh, phóng viên Minh Huệ

[MINH HUỆ 07-02-2022] “Các nhà hoạch định chính sách của Mỹ cần phải thẳng thừng lên án cuộc bức hại Pháp Luân Công này và tuyên bố đây là tội ác diệt chủng”, bà Nina Shea, Giám đốc Trung tâm Tự do Tôn giáo của Viện Hudson, viết trong một bài báo có tiêu đề “ĐCSTQ đã phát động cuộc diệt chủng thứ hai – lần này là nhắm vào Pháp Luân Công” (The CCP Wages a Second Genocide – against Falun Gong) đăng trên tờ National Review ngày 4 tháng 2.

d66659f2e74c82261afa367bc45fc107.jpg
Bà Nina Shea, Giám đốc Trung tâm Tự do Tôn giáo của Viện Hudson

Cụ thể, dấu hiệu của tội ác diệt chủng này “là một số báo cáo xác đáng cho thấy một số lượng lớn học viên bị giam giữ đã bị cưỡng chế tuân theo các thủ tục y tế mà rốt cuộc là để giết họ.” Các báo cáo này chỉ ra rằng từ khi tuyên bố ý định tiêu diệt Pháp Luân Công từ 20 năm trước, Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) “đã coi những học viên Pháp Luân Công bị giam giữ là mục tiêu để thu hoạch nội tạng phi tự nguyện, chứ không chỉ là mục tiêu giam giữ, mất tích và tra tấn hàng loạt”.

Bà Shea giải thích: “Như vậy nghĩa là các nạn nhân bị giết trong hoặc ngay trước khi tim, gan, phổi và thận của họ bị phẫu thuật cắt bỏ để bán tại nơi mà Bắc Kinh tự hào là thị trường cấy ghép nội tạng lớn nhất thế giới. Bà nói thêm rằng phát hiện quan trọng mới của các chuyên gia Liên Hợp Quốc đã khẳng định thêm về nạn diệt chủng này.

Cuộc bức hại này bắt đầu vào năm 1999 theo lệnh của Giang Trạch Dân, cựu Chủ tịch nước kiêm Tổng Bí thư ĐCSTQ. Vào thời điểm đó, Bắc Kinh ước tính có khoảng 70 triệu học viên Pháp Luân Công. Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ ghi nhận rằng ĐCSTQ đã khởi động “một bộ máy an ninh ngoài pháp luật dưới sự điều hành của Đảng để tiêu diệt phong trào Pháp Luân Công”.

Trích dẫn các nghiên cứu được ghi lại trong “Thu hoạch đẫm máu (Bloody Harvest), một cuốn sách của cựu Quốc vụ khanh Canada David Kilgour cùng các chuyên gia David Matas và Ethan Gutmann, bà Shea viết, “Nguồn gốc của phần lớn số nội tạng khổng lồ của [Trung Quốc] cho các ca cấy ghép là giết hại người vô tội: người Duy Ngô Nhĩ, Tây Tạng, Cơ Đốc giáo tại gia và chủ yếu là các học viên của môn tu luyện với các bài công pháp Pháp Luân Công.”

Các nghiên cứu khác cũng đã xác nhận bằng chứng rằng các học viên Pháp Luân Công không chỉ thuộc nhóm nạn nhân của ngành công nghiệp thu hoạch nội tạng phi tự nguyện, mà còn có thể là nạn nhân chính của hoạt động này trong hai thập kỷ qua. Năm 2020 đã có ít nhất hai báo cáo đánh giá như vậy: một là từ Matthew Robertson của Quỹ Tưởng niệm Nạn nhân của Chủ nghĩa Cộng sản (VOC) do Jamestown Foundation xuất bản; hai là của Tòa án về Trung Quốc (China Tribunal), một hội đồng độc lập dưới sự chủ tọa của Ngài Geoffrey Nice, cũng là chủ tọa của Tòa án về Duy Ngô Nhĩ gần đây.

Các báo cáo đánh giá này nhất quán với thực tế rằng “các bệnh viện của Trung Quốc lên lịch cấy ghép theo yêu cầu, trong vòng vài ngày hoặc vài tuần” như được ghi lại trong cuốn “Thu hoạch đẫm máu”, trái ngược hẳn với số liệu của Viện Nghiên cứu Y tế Quốc gia Hoa Kỳ (NIH) về thời gian chờ đợi trung bình để có được thận ở Hoa Kỳ là bốn năm. Theo một phiên bản lưu trữ năm 2004 trên trang web của một công ty cấy ghép có trụ sở tại Trung Quốc, bệnh nhân nước ngoài tiềm năng được cho biết: “Ở Trung Quốc, chúng tôi thực hiện các ca ghép thận từ người hiến tặng còn sống. Nó hoàn toàn khác với những ca cấy ghép thận lấy từ người đã chết mà bạn nghe nói đến ở các bệnh viện và trung tâm lọc máu của Nhật Bản.”

Năm 2015, các nhà chức trách Trung Quốc tuyên bố rằng họ đã chấm dứt những hành vi lạm dụng như vậy, như sử dụng tử tù làm nguồn nội tạng, và thay vào đó, đã thiết lập một hệ thống hiến tặng tự nguyện. Nhưng Tòa án về Trung Quốc phát hiện ra rằng số liệu thống kê hoạt động cấy ghép chính thức của Trung Quốc bị “làm giả”. Bà Shea viết: “Quan sát thấy một‘ khoảng cách không thể hiểu được giữa con số khoảng 60.000 đến 90.000 ca cấy ghép mỗi năm như được ghi nhận trong các báo cáo đánh giá‘ đáng tin cậy’, dựa trên dữ liệu của bệnh viện, so với 5.146 người hiến tạng đủ điều kiện được báo cáo trong một năm”. “Tòa án và các nghiên cứu khác kết luận rằng các học viên Pháp Luân Công còn sống bị giam giữ là nguồn giúp lấp đầy khoảng cách này. Cần lưu ý rằng các con số 65.000 học viên Pháp Luân Công bị sát hại để lấy nội tạng mà các kênh truyền thông trích dẫn là dựa theo nghiên cứu của ông Ethan Gutmann chỉ trong giai đoạn 2000-2008.”

Còn có những bằng chứng, gồm cả lời khai cho thấy những học viên Pháp Luân Công bị giam giữ thường bị kiểm tra y tế trong tù, kết quả khám được nhập vào cơ sở dữ liệu của chính phủ để hệ thống bệnh viên phân bổ nội tạng. Bài báo National Review giải thích: “Tổ chức Jamestown nêu chi tiết về sự trùng lặp giữa nhân viên cấy ghép y tế và cán bộ ĐCSTQ trong chiến dịch chống Pháp Luân Công và sự phối hợp ghép tạng chặt chẽ giữa ĐCSTQ, Quân đội Giải phóng Nhân dân, nhà tù và bệnh viện.”

Ngoài ra, cách đây hai năm, Tòa án về Trung Quốc đã kết luận rằng, ĐCSTQ đã phạm “tội ác chống lại loài người” khi thu hoạch nội tạng, làm tăng khả năng học viên Pháp Luân Công chết vì thu hoạch nội tạng. “Tài liệu của hàng chục chuyên gia nhân quyền của Liên Hợp Quốc tiết lộ rằng tù nhân lương tâm của Pháp Luân Công và các tôn giáo khác bị coi là mục tiêu thu hoạch nội tạng, trong khi những người bị giam giữ có nội tạng có giá trị tương đương không phải là nguồn mục tiêu”, bà Shea nói trong bài báo. “Mục tiêu duy nhất của ĐCSTQ là các nhóm thiểu số tôn giáo bị giam giữ, đặc biệt là Pháp Luân Công, cho thấy lợi nhuận không phải là động cơ chính của nó (mặc dù tiền có thể là động lực đối với nhân viên y tế tham gia).”

Một tuyên bố chung vào tháng 6 năm 2021 của 12 chuyên gia nhân quyền độc lập do LHQ chỉ định để báo cáo về các vấn đề như tra tấn, giam giữ, tự do tôn giáo, quyền phụ nữ và các nhóm thiểu số, tuyên bố rằng họ “vô cùng lo lắng” bởi “thông tin đáng tin cậy” về “nạn thu hoạch nội tạng nhắm vào các học viên Pháp Luân Công, người Duy Ngô Nhĩ, người Tây Tạng, người Hồi giáo và Cơ đốc giáo đang bị giam giữ ở Trung Quốc.” Trên thực tế, các nhóm này đã trở thành những đối tượng bất đắc dĩ của các cuộc kiểm tra y tế mà kết quả “được đăng ký trong cơ sở dữ liệu các nguồn nội tạng sống phục vụ cho việc phân bổ nội tạng”. Ngược lại, thông tin đáng tin cậy cho thấy “các tù nhân khác không bắt buộc phải trải qua các cuộc kiểm tra như vậy.”

Tóm lại, thông tin này tiết lộ mối liên hệ giữa mệnh lệnh của ĐCSTQ nhằm “tiêu diệt” Pháp Luân Công và kết luận của Tòa án về Trung Quốc và các chuyên gia khác rằng “một số lượng lớn học viên Pháp Luân Công bị giam giữ đã được ĐCSTQ và các quan chức nhà nước lựa chọn để đi đến một cái chết chắc chắn lúc sắp hoặc trên bàn phẫu thuật cấy ghép. Đây là bằng chứng của ý đồ diệt chủng”, bà Shea viết.

“Các nhà hoạch định chính sách của Mỹ cho thấy một bộ phận mới đã sẵn sàng công nhận sự đàn áp của ĐCSTQ. Họ cần phải thẳng thừng lên án cuộc bức hại Pháp Luân Công này và tuyên bố đây là tội ác diệt chủng”, bà Shea kết luận. “Nếu như điều này được thực hiện sớm hơn, cuộc diệt chủng người Duy Ngô Nhĩ có lẽ đã không bao giờ xảy ra. Mặc dù vậy, Thế vận hội Bắc Kinh lại tạo lý do để trì hoãn cuộc thẩm tra đặc biệt về hồ sơ nhân quyền kinh hoàng và liên tục này của ĐCSTQ.”

Bài viết chỉ thể hiện quan điểm hoặc nhận thức của tác giả. Mọi nội dung đăng trên trang web này thuộc bản quyền của Minghui.org. Minh Huệ sẽ biên soạn các nội dung trên trang web và xuất bản theo định kỳ hoặc vào những dịp đặc biệt.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2022/2/6/438637.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2022/2/7/199091.html

Đăng ngày 10-02-2022; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share