Bài viết của phóng viên báo Minh Huệ ở tỉnh Liêu Ninh, Trung Quốc

[MINH HUỆ 03-04-2022] Ông Ngô Chiêm Đình (ở thành phố Triều Dương, tỉnh Liêu Ninh) dù đã bị liệt sau cơn đột quỵ, nhưng vẫn đối mặt với sự sách nhiễu liên tục từ phía chính quyền vì kiên định đức tin vào Pháp Luân Công, một pháp môn tu luyện cả tâm lẫn thân đã bị chính quyền cộng sản Trung Quốc bức hại từ năm 1999.

2022-4-2-wu-zhanting-bedridden--ss.jpg

Ông Ngô Chiêm Đình

Không lâu sau Tết Âm lịch (tháng 2 năm 2022), cảnh sát Ngô Đại Lực của Đồn Công an Tây Đại Doanh Tử và cũng là một người họ hàng của học viên Pháp Luân Công ông Ngô Chiêm Đình đã giả vờ quan tâm đến ông Ngô và tới nhà chụp ảnh ông.

Vài ngày sau, hai viên chức của sở tư pháp địa phương đã đến và cũng chụp ảnh ông Ngô. Họ yêu cầu gia đình phải ký tên vào giấy tờ thay cho ông, nhưng gia đình từ chối. Sau đó họ ấn bút vào tay ông Ngô (lúc này ông không thể nói chuyện được nữa), nhưng ông cũng không thể cầm bút được nữa.

Trong vài năm qua, chính quyền địa phương liên tục sách nhiễu ông Ngô. Gia đình nói rằng họ không thể nhớ nổi đã bao nhiêu lần có người đột nhiên xuất hiện trước cửa và sách nhiễu họ. Trong khi các viên chức chính quyền đều tuyên bố rằng quan tâm đến gia đình này, nhưng thực tế chưa có ai từng giúp đỡ họ.

Mẹ vợ của ông Ngô (87 tuổi) thường nói trong nước mắt, rằng: “Con rể tôi là một người chất phác và thiện lương, lại rất hiếu thuận. Thật khó tìm được một người tốt như thế. Con rể tôi không làm gì xấu, nhưng lại bị bức hại thành bộ dạng như vậy“.

Tình cảnh của gia đình

Ông Ngô từng là một người siêng năng, giỏi giang. Ông rất có tay nghề trong việc làm mộc, thợ nề và vẽ tranh. Cả ông và vợ ông là bà Xa Thục Hiền đều tu luyện Pháp Luân Công và họ được hàng xóm khen ngợi là những người tốt bụng.

Sau khi chính quyền cộng sản Trung Quốc bắt đầu đàn áp Pháp Luân Công vào năm 1999, hai vợ chồng ông Ngô đã đến Bắc Kinh để kháng nghị cho quyền thực hành đức tin của họ. Nhưng họ đã bị bắt và đưa về thành phố Triều Dương. Sau đó bà Xa bị kết án 2 năm lao động cưỡng bức (sau 45 ngày bị giam giữ). Gia đình bà đã phải nộp cho cảnh sát 6.000 nhân dân tệ để bà được tại ngoại. Kể từ đó, gia đình họ chưa một ngày nào được sống yên ổn.

Ngày 25 tháng 5 năm 2002, Hoàng Điện Tương của Đồn Công an Hướng Dương đã dẫn theo một nhóm cảnh sát trèo qua hàng rào, đột nhập vào nhà và bắt giữ cặp vợ chồng này. Cảnh sát lục soát nhà và chiếc xe máy họ mới mua.

Trong khi hai vợ chồng bị giam ở trong Trại tạm giam, con trai của họ (vừa đỗ đại học) không đủ khả năng chi trả học phí. Mặc dù Hoàng đã đồng ý trả tự do cho cặp vợ chồng khi gia đình đề nghị đưa cho anh ta một khoản tiền (không rõ số tiền), nhưng sau đó anh ta đã đổi ý vì vợ chồng ông Ngô khẳng định rằng họ vẫn tu luyện Pháp Luân Công. Hoàng đã chuyển hồ sơ vụ án của hai học viên này sang viện kiểm sát, kết quả là ông Ngô bị kết án 4,5 năm trong Nhà tù Nam Sơn (ở thành phố Cẩm Châu) và bà Xa bị 4 năm trong Nhà tù Nữ Thẩm Dương.

Ở trong tù, ông Ngô bị tra tấn bằng nhiều phương thức khác nhau. Ông bị đột quỵ vào tháng 5 năm 2004 và mất khả năng nói chuyện hoặc đi lại. Gia đình đã nộp đơn xin tạm tha y tế cho ông, nhưng nhà tù từ chối, với lý do rằng ông đã bị kết án và không thể được thả trước thời hạn. Ông Ngô bị giam trong nhà tù này cho đến khi mãn hạn vào cuối năm 2006. Sau khi trở về nhà, ông vẫn yếu và không thể làm việc. Gia đình chỉ có thể dựa vào thu nhập ít ỏi của vợ ông để sống qua ngày.

Xét xử và kết án tại nhà

Năm 2017, Ngô Chí Vĩ (cựu trưởng Đồn Công an Tây Đại Doanh Tử) và một cảnh sát tên Vương Mãnh đã bắt giữ ông Ngô ba lần trong chiến dịch sách nhiễu “Gõ cửa” nhắm vào các học viên Pháp Luân Công ở trên toàn Trung Quốc.

Sau khi ông Ngô được trả tự do khỏi vụ bắt giữ đầu tiên (không rõ ngày tháng), ông bị mất trí nhớ nghiêm trọng do bị chấn thương trong vụ bắt giữ. Ngày 24 tháng 10, bốn cảnh sát đã quay trở lại nhà ông và lấy đi cuốn sách Chuyển Pháp Luân (cuốn sách chính của Pháp Luân Công) và bắt ông tới đồn công an để lấy dấu vân tay.

Vụ bắt giữ thứ ba trong năm đó của ông xảy ra vào ngày 20 tháng 11 ở một hội chợ địa phương. Mặc dù ông đi lại khó khăn, nhưng cảnh sát vẫn giam ông trong trại tạm giam Triều Dương và chuyển hồ sơ của ông sang viện kiểm sát.

Gia đình vội vàng tới trại tạm giam và hỏi lính canh tại sao họ lại nhận giam một người có tình trạng sức khỏe như ông, người của trại giam đáp: “trại tạm giam chúng tôi có quy định riêng của trại, và phải phù hợp quy định thì chúng tôi mới nhận người. Nếu có hậu quả gì xảy ra, chúng tôi sẽ chịu trách nhiệm.”

Mười lăm ngày sau, cảnh sát gọi điện cho gia đình ông Ngô nói rằng họ có ý định thả ông và bảo người nhà tới làm thủ tục bảo lãnh. Lúc đưa ông về nhà, các quan chức từ Ủy ban Chính trị và Pháp luật (UBCTPL, một cơ quan ngoài tư pháp có nhiệm vụ giám sát cuộc bức hại) đã ra lệnh cho ông Ngô ký tên vào bản cam kết từ bỏ Pháp Luân Công.

Nhiều ngày bị giam giữ và sách nhiễu đã khiến tình trạng của ông Ngô nhanh chóng xấu đi. Tuy nhiên, các quan chức UBCTL và công tố viên vẫn kéo đến sách nhiễu, khiến ông bị áp lực tinh thần to lớn. Ông Ngô trở nên thu mình, không muốn nói chuyện với người nhà và thường bị tiểu tiện mất kiểm soát.

Không lâu sau, hơn 20 viên chức của Viện Kiểm sát Long Thành và Tòa án Long Thành kéo đến nhà ông Ngô và mở phiên tòa xét xử ông Ngô tại nhà. Nhiều người hàng xóm của ông đã vô cùng sốc khi chứng kiến cách mà các quan chức chính quyền đối đãi với một người không thể tự chăm sóc bản thân như ông Ngô.

Sau đó thẩm phán kết án ông Ngô 3 năm tù với 4 năm quản chế, với tội danh “phá hoại việc thực thi pháp luật”. Gia đinh ông không thể lý giải nổi làm thế nào mà một người không thể tự chăm sóc nổi bản thân lại có thể phá hoại việc thực thi pháp luật.

Từ đó tới nay, nhân viên sở tư pháp địa phương vẫn tiếp tục đến sách nhiễu ông Ngô và gia đình ông. Khi ông Ngô nhập viện, họ gọi điện tới bệnh viện để tìm ông. Do tình trạng của ông Ngô ngày càng xấu đi, vợ ông đã phải nghỉ việc ở nhà chăm sóc cho ông, khiến gia đình không còn nguồn thu nhập.

Danh tính và thông tin liên lạc của các thủ phạm bức hại:

Ngô Đại Lực (吴大力), cảnh sát của Đồn Công an Tây Đại Doanh Tử: +86-13942139934
Ngô Địch (吴迪), đồn trưởng của Đồn Công an Tây Đại Doanh Tử: +86-15084218386
Lâm Quảng Sâm (林广森), cảnh sát của Đồn Công an Tây Đại Doanh Tử

(Thông tin liên lạc của các thủ phạm bức hại khác có trong bản gốc tiếng Hán).

Bài viết chỉ thể hiện quan điểm hoặc nhận thức của tác giả. Mọi nội dung đăng trên trang web này thuộc bản quyền của Minghui.org. Minh Huệ sẽ biên soạn các nội dung trên trang web và xuất bản theo định kỳ hoặc vào những dịp đặc biệt.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2022/4/3/440833.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2022/4/12/199875.html

Đăng ngày 20-05-2022; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share