Bài viết của phóng viên báo Minh Huệ ở tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc

[MINH HUỆ 02-03-2022] Trong hai thập kỷ qua, bà Mã Ngọc Liên, cựu trưởng phòng Tài chính của Viện điều dưỡng thành phố Thái Sơn ở tỉnh Sơn Đông, đã nhiều lần bị bắt, lục soát nhà, bỏ tù và đưa đến trại lao động cưỡng bức vì từ chối từ bỏ đức tin của bà vào Pháp Luân Công. Bà cũng bị cắt bỏ tất cả các quyền lợi của người lao động, bao gồm cả lương hưu và bảo hiểm y tế của bà.

Pháp Luân Công, hay còn được gọi là Pháp Luân Đại Pháp, là một pháp môn tu luyện cả thân lẫn tâm đã bị chính quyền Cộng sản Trung Quốc bức hại từ năm 1999.

Vào ngày 3 tháng 2 năm 2021, bà Mã, 66 tuổi lại bị sách nhiễu. Các cảnh sát từ Đồn Công an Nghịnh Thắng đến nhà bà nhưng bà không mở cửa. Bà nhận được một cuộc gọi sách nhiễu từ cảnh sát vào ngày hôm sau. Bà Mã hỏi họ có chuyện gì không và liệu họ có định khôi phục lương hưu cho bà hay không. Họ trả lời rằng họ không chịu trách nhiệm về tiền lương của bà. Khi bà bắt đầu nói về những khó khăn tài chính mà bà đang phải đối mặt, họ đã cúp máy.

Vào sáng ngày 7 tháng 2 năm 2021, ba cảnh sát từ Đồn Công an Nghịnh Thắng lại đến nhà bà Mã, khi con gái bà ở nhà một mình. Họ đã lục soát nhà cửa và chụp ảnh từng phòng trong nhà.

Bức thực trong trung tâm tẩy não, bị đuổi việc

Trước khi bà Mã bắt đầu tu luyện Pháp Luân Công vào tháng 8 năm 1997, bà bị một khối u não và tính mạng của bà đang gặp nguy hiểm. Khi dường như không còn hy vọng, bà đã biết đến Pháp Luân Công. Sau khi bà bắt đầu tu luyện, khối u đã nhanh chóng biến mất. Bà đã cố gắng sống theo nguyên lý Chân, Thiện, Nhẫn của Pháp Luân Công và trở nên chân thành và tốt bụng.

Khi chính quyền Cộng sản Trung Quốc bắt đầu bức hại Pháp Luân Công vào tháng 7 năm 1999, bà đã bị bức hại vì kiên định đức tin của mình.

Vào ngày 5 tháng 9 năm 2001, Triệu Kiến Hoa, người đứng đầu viện điều dưỡng nơi bà Mã làm việc đã dẫn cảnh sát đến nhà bà. Họ bắt giữ và đưa bà đến “Trung tâm bồi dưỡng pháp lý” ở thành phố Truy Bác, tỉnh Sơn Đông, còn được biết đến với tên gọi Trung tâm tẩy não Vương Thôn. “Tôi muốn bà thay đổi suy nghĩ ở đây,” Triệu nói với bà.

Bà Mã đã tuyệt thực tại trung tâm tẩy não. Hơn mười nam cảnh sát đè bà xuống ghế và bức thực khiến bà chảy máu mũi.

2004-6-6-force_feeding.jpg

Minh họa tra tấn: Bức thực

Trong thời gian bị tẩy não kéo dài một tháng, bà cũng bị cấm ngủ và buộc phải xem các video phỉ báng Pháp Luân Công.

Sau khi bà Mã được trả tự do, Triệu mời những người quen của ông ta trong Phòng 610 đi ăn tối và cố gắng ép họ đưa bà Mã vào trại lao động cưỡng bức nhưng không thành công.

Triệu sau đó đã loại bà khỏi vị trí công việc và không cho bà tham gia bất kỳ cuộc họp nào. Bà Mã nghi ngờ rằng Triệu đang cố gắng che đậy những bất thường về tài chính và biển thủ mà ông ta có liên quan và lợi dụng việc đức tin của bà như một cái cớ để chuyển hướng sự chú ý khỏi bản thân và bôi nhọ bà.

Thẩm vấn trong sáu ngày, chịu lạnh giá vào mùa đông

Vào ngày 29 tháng 11 năm 2002, bà Mã bị bắt và đưa đến trại tạm giam Phì Thành bởi Qi Khả Ngân, Phó đội trưởng Đội An ninh Nội địa của Công an thành phố Thái An; Chu Tông Hải, giảng viên chính trị của Đội chống tà giáo thuộc Công an thành phố Thái An; và Trương Kế Hiên, Trưởng phòng Chính trị và An ninh của Công an quận Thái Sơn.

Cảnh sát cũng lục soát nhà của bà và lấy đi tiền mặt, bảng sao kê tiền gửi, thẻ chi trả lương, đồ trang sức, đồng hồ và các tài sản khác. Do bà bị bắt, người cha già 87 tuổi của bà phải nhập viện và không có ai chăm sóc.

Nhiều ngày sau, bà Mã bị chuyển đến một khu nhà của cảnh sát. Cảnh sát đã lấy đi áo khoác của bà và còng tay, cùm chân bà. Họ không cho bà ăn uống. Khi bà sử dụng nhà vệ sinh, một số cảnh sát nam đã vây quanh bà. Họ không cho bà ngủ và thẩm vấn bà trong sáu ngày.

Ngay cả khi trời có tuyết, cảnh sát cũng không cho bà Mã mặc áo khoác. Bà rùng mình vì lạnh do chỉ mặc một lớp áo mỏng. Bà cảm thấy chóng mặt và cơ thể bắt đầu sưng tấy. Vì bàn chân bị sưng tấy, bà rất khó khăn trong việc cởi giày. Các cảnh sát cũng chửi bới bà. Cảnh sát Dương Cường nói: “Mục tiêu của cuộc tra tấn là làm cho bà cảm thấy mình thà chết còn hơn là sống”.

Chu, giảng viên chính trị của Đội chống tà giáo thuộc Công an thành phố Thái An, là kẻ chủ mưu chính trong việc tra tấn bà Mã, mặc dù ông ta giả vờ tốt với bà.

Khi bà Mã đang bị tra tấn, Chu sẽ đến và nói với các cảnh sát: “Tại sao các ông lại làm như vậy? Hãy tháo còng tay và cùm chân ra và để bà mặc áo khoác vào”. Chu đã sử dụng thủ đoạn tương tự với nhiều học viên khác. Khi họ tin tưởng ông ta, ông ta sẽ bắt đầu phỉ báng Pháp Luân Công và khuyến khích họ từ bỏ đức tin của mình.

Vì bà Mã kiên định với đức tin của mình và từ chối cung cấp thông tin về các học viên khác, cảnh sát đã đưa bà trở lại trại tạm giam thành phố Phì Thành. Từ cổng đến phòng giam là một quãng đường dài, nhưng họ đã xích tay và chân bà vào nhau khiến bà phải cúi người xuống và phải đi theo lối đó đến phòng giam. Cơn đau ở cổ tay và mắt cá chân của bà là không thể chịu đựng nổi.

2012-6-19-cmh-kuxingtu-32_xr1k2vn.jpg

Minh họa tra tấn: Còng tay và cùm chân

Một tháng sau, vào ngày 29 tháng 12 năm 2002, bà Mã được trả tự do và đưa trở lại nơi làm việc của mình.

Trong tuần đầu tiên sau khi bà Mã bị bắt, Triệu đã ra lệnh đình chỉ lương và các quyền lợi khác của bà và thay đổi khóa văn phòng của bà. Sau khi bà được trả tự do, Triệu chính thức thu hồi chức vụ, cách chức kế toán và cấm bà đi làm trong vòng một năm. Ông ta cũng cảnh báo rằng bà sẽ không được phép làm công việc kế toán trong tương lai.

Biệt giam, cấm ngủ và đánh đập

Triệu liên tục mời những người quen của mình trong Phòng 610 Thái An đi ăn tối với mục đích bức hại bà Mã. Bà nghi ngờ rằng ông ta sợ bà sẽ vạch trần hành vi sai trái của mình.

Theo yêu cầu của Triệu, Trương Khâm Lai, Đội trưởng Đội An ninh Nội địa và Công an Thành phố Phì Thành, đã triệu tập bà Mã đến Nhà khách Cục lương thực Phì Thành, tuyên bố rằng những tài sản bị tịch thu sẽ được trả lại cho bà. Không hề biết đó là một cái bẫy, bà đã đi và bị bắt và giam giữ trong chín ngày.

Trong khi bà bị giam, Trương đã chỉ đạo một số cảnh sát nam đến ăn ở cùng với bà. Tất cả các chi phí sinh hoạt của họ đều được trang trải bằng số tiền tịch thu được từ bà Mã.

Vào ngày 17 tháng 1 năm 2003, bà Mã lại bị bắt và bị đưa đến Trại lao động cưỡng bức nữ số 1 Sơn Đông ở thành phố Tế Nam, nơi bà bị tra tấn và buộc phải làm việc không công trong ba năm. Để “chuyển hóa” bà, các tù nhân đã cấm bà sử dụng nhà vệ sinh và ngủ. Họ đánh thức bà lúc 4 giờ sáng hàng ngày và sau đó bắt bà ngồi trên một chiếc ghế đẩu nhỏ cho đến nửa đêm.

2011-4-4-kuxing-06.jpg

Tái hiện tra tấn: Ngồi trên một chiếc ghế đẩu nhỏ

Trong gần hai năm, bà Mã bị biệt giam và tra tấn. Khi các lính canh thấy bà không chịu từ bỏ Pháp Luân Công, họ đã phân công các tù nhân khác tra tấn bà. Mũi bà bị chảy máu sau khi một tù nhân đánh bà.

Các lính canh đã chỉ định một người lính canh khác là Tào Đông Yến cố gắng “chuyển hóa” bà Mã sau khi bà liên tục từ chối từ bỏ đức tin của mình. Họ nhốt bà trong một căn phòng nhỏ dưới cầu thang và bắt bà phải đứng đến nửa đêm. Bà bị tước đoạt thức ăn, nước uống và quyền sử dụng nhà vệ sinh. Khi bà vẫn không chịu bỏ cuộc, các lính canh đã bắt bà lao động trong xưởng vào ban ngày và nhốt bà vào ban đêm trong một căn phòng trống.

Điều này đã diễn ra trong 23 ngày. Căn phòng không có giường nên bà không thể ngủ được. Khi hoàn toàn kiệt sức, bà nằm xuống nền xi măng để nghỉ ngơi. Trong một vài ngày, chân và bàn chân của bà trở nên sưng tấy và bà không thể đi giày; bà bị đau bên trái của cơ thể và thường làm bà thức giấc vào nửa đêm. Khi bà bắt đầu luyện tập lại các bài công pháp của Pháp Luân Công sau khi trở về nhà, bà đã có thể bình phục.

Trong hơn hai năm, bà Mã không được phép gọi điện về cho gia đình và bị từ chối thăm gia đình, ngay cả khi con gái đến gặp bà.

Khi thời hạn của bà Mã sắp kết thúc, thời hạn đã được kéo dài thêm một tháng vì bà vẫn kiên định với đức tin của mình. Bà bị đưa vào một đội đặc biệt khác dành cho những học viên từ chối “chuyển hóa”. Bà bị giam trong một căn phòng nhỏ. Sau khi bà phản đối với lính canh rằng điều này là bất hợp pháp và bà sẽ nộp đơn khiếu nại khi được thả, các lính canh đã cho phép bà gọi điện cho gia đình để thông báo rằng bà có thể trở về nhà kịp Tết Nguyên Đán. Bà đã được thả vào ngày 22 tháng 1 năm 2006.

Trong khi bà Mã phải ngồi tù, cô con gái duy nhất của bà không có nguồn thu nhập và phải phụ thuộc vào người thân và bạn bè. Cha của bà Mã, đã ngoài 90 tuổi, lo lắng cho bà mỗi ngày.

Tra tấn trong nhà tù

Vào ngày 15 tháng 7 năm 2012, hai học viên Pháp Luân Công ngoại thành đang đến thăm bà đã bị bắt bên ngoài căn hộ của bà Mã ngay sau khi họ rời đi. Ba ngày sau, hàng chục cảnh sát bao vây nhà bà Mã, lục soát và tịch thu sách Pháp Luân Công, bản in, hai máy tính, hai máy in, một ổ ghi CD, ổ cứng, nhiều điện thoại di động, con dấu tài liệu in ấn và các tài sản khác .

Bà Mã bị thẩm vấn tại Đồn Công an Nghịnh Thắng và sau đó bị đưa đến trại tạm giam Thái Sơn.

Vào tháng 12 năm 2012 Tòa án quận Thái Sơn đã xét xử bà Mã. Khi bà bước vào phòng xử án trong tình trạng còng tay và cùm chân, cô con gái sắp cưới của bà đã rơi nước mắt. Mặc dù luật sư đã biện hộ vô tội cho bà nhưng thẩm phán đã kết án bà 4 năm tù tại Nhà tù nữ Sơn Đông.

Trong tù, bà Mã bị biệt giam và bị giám sát bởi các tù nhân. Bà bị buộc phải xem các video phỉ báng Pháp Luân Công và ra lệnh viết các bản cam kết. Bà bị cấm ngủ và không được phép uống nước, sử dụng nhà vệ sinh, tắm, giặt quần áo của mình.

Sau khi bà Mã được trả tự do vào ngày 17 tháng 7 năm 2015, người chủ của bà đã dừng chi trả lương hưu và các khoản trợ cấp khác của bà. Bà đã thương lượng với họ và họ đồng ý trả cho bà 1.400 nhân dân tệ một tháng kể từ tháng 12 năm 2018. Số tiền này đã được tăng lên 1.800 nhân dân tệ vào tháng 9 năm 2021, mặc dù mức lương tối thiểu ở thành phố Thái An là 1.900 nhân dân tệ mỗi tháng.

Bài viết chỉ thể hiện quan điểm hoặc nhận thức của tác giả. Mọi nội dung đăng trên trang web này thuộc bản quyền của Minghui.org. Minh Huệ sẽ biên soạn các nội dung trên trang web và xuất bản theo định kỳ hoặc vào những dịp đặc biệt.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2022/3/2/439567.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2022/4/3/199766.html

Đăng ngày 19-05-2022; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

 

Share