Bài viết của các học viên Pháp Luân Đại Pháp tại Phần Lan

[MINH HUỆ 04-05-2022] Hội nghị chia sẻ trải nghiệm tu luyện Pháp Luân Đại Pháp (Pháp hội) Phần Lan lần thứ 5 đã diễn ra tại Helsinki hôm Chủ nhật, ngày 10 tháng 4 năm 2022, trong không khí lễ hội sau khi các hạn chế vì Covid được dỡ bỏ. Có rất nhiều học viên, cả mới và cũ, từ khắp Phần Lan đã tham gia Pháp hội, trong đó có những người là học viên duy nhất ở thành phố của họ. Sự kiện này là một cơ hội quý giá để họ gặp gỡ và chia sẻ kinh nghiệm. Chín học viên đã chia sẻ trải nghiệm tu luyện tại Pháp hội lần này.

6fb47b16fe24010d18d8ef40e10d40de.jpg
Các học viên từ khắp Phần Lan tham dự Pháp hội Phần Lan ngày 10 tháng 4.

Những khó khăn trong tu luyện trong thời hiện đại đầy hỗn loạn

45d5f4e057e0235c425a0bce48989f82.jpg

Anh Naza chia sẻ trải nghiệm tu luyện của mình, kèm theo có hỗ trợ dịch song song.

Anh Naza là một học viên sinh ra ở Ý và đã có nhiều năm sống ở nước ngoài. Anh ấy bắt đầu tu luyện Pháp Luân Đại Pháp vào năm 2017 tại Canada. Vài năm sau, anh chuyển sang Phần Lan làm việc, nhưng không lâu sau đó, đại dịch toàn cầu đã bùng phát do vi-rút Trung Cộng.

Anh đã rất ngạc nhiên khi biết ở Phần Lan có rất ít học viên. Khi đó, anh mới nhận ra tu luyện ở Toronto, Canada, với anh, dễ dàng như thế nào, bởi ở đó có rất nhiều học viên, có đến mấy nhóm học Pháp, hoạt động cũng nhiều nên tham gia rất dễ. Anh Naza chia sẻ, “Tôi không phải làm gì cả; Chỉ cần mặc chiếc áo [Đại Pháp] của mình và tham gia.” Anh nhận ra hồi đó anh rất đủng đỉnh. Anh nghĩ có lẽ Sư phụ muốn anh sang Phần Lan vì ở đó cần giúp đỡ. Anh bắt đầu phối hợp chặt chẽ hơn với các học viên địa phương.

Hồi đó, anh Naza cũng dành nhiều thời gian để chơi điện tử. Một lần, Sư phụ cho anh nhìn thấy một “anh ấy xấu xa” đang chơi điện tử trên bàn làm việc của anh. Trải nghiệm đó thật kinh hoàng. Anh hiểu cần phải để ý nên sử dụng máy tính như thế nào và ở đâu.

Làm việc trong ngành công nghiệp game đã cho anh nhiều cơ hội phát triển. Đó là một môi trường rất căng thẳng và đòi hỏi nhiều công sức. Cách đây vài năm, anh đã xây dựng một game mà kẻ xấu giam cầm và tra tấn người ta, rồi bán nội tạng của họ. Sự việc này đã cho anh cơ hội giảng chân tướng về cuộc bức hại ở Trung Quốc cho nhóm của anh. Hầu như mọi thành viên trong nhóm của anh sau đó đã ký vào một bản kiến nghị kêu gọi chấm dứt cuộc bức hại.

Kết bài, anh Naza cảm tạ Sư phụ vì những phước lành mà Đại Pháp đã mang đến cho cuộc đời anh. Anh đã từ bỏ được nhiều thói quen xấu và trở thành một người bình tĩnh hơn, hạnh phúc hơn.

Chính niệm trong khi tham gia hoạt động Đại Pháp

1ce49482e20bae0ca2609368af3fb21d.jpg

Học viên Thảo kể câu chuyện của mình về chuyến đi của Đoàn nhạc Tian Guo đến Amsterdam

Mùa thu năm ngoái, khi Đoàn nhạc Tian Guo chuẩn bị tham gia một cuộc diễu hành ở Amsterdam. Sự kiện này thường kéo dài hai ngày, nhưng lần này chỉ diễn ra trong một ngày. Thảo cảm thấy không đáng tới chỉ để tham dự sự kiện một ngày vì phải xét nghiệm Covid, bởi vậy cô quyết định không đi. Tuy nhiên, những điều xảy ra đã khiến cô thay đổi suy nghĩ.

Thảo đáp chuyến bay đến Paris để tham gia cuộc diễu hành với Đoàn nhạc Tian Guo. Ngồi bên cạnh cô là một người đàn ông cho biết anh là một huấn luyện viên đời sống từ Amsterdam. Họ thảo luận về vấn đề sức khỏe, thiên nhiên, vũ trụ và đại dịch Covid. Người đàn ông hỏi cô có được tất cả những kiến thức này ở đâu. Thảo nói với anh rằng đó là từ các bài giảng của Pháp Luân Đại Pháp.

Sau đó, cô giảng chân tướng cho anh ta và kể cho anh nghe về các sự kiện ở Paris và Amsterdam. Người đàn ông hỏi Thảo có đi Amsterdam không. Cô trả lời chưa biết, và có thể sẽ không đi. Người đàn ông nói, “Bạn biết đấy, mọi thứ xảy ra đều có lý do. Tại sao hôm nay bạn lại ngồi cạnh tôi? Và tôi đến từ Amsterdam. Có thể là bạn nên đến Amsterdam. Thảo choáng váng, nhưng chưa thực sự muốn đi.

Sau đó, một tuần trước cuộc diễu hành ở Amsterdam, Thảo đã mơ thấy thảm họa động đất và lũ lụt đã xảy ra. Mọi người bỏ chạy, nhưng không ai được an toàn. Cô nhận ra đó là ở một không gian khác, chúng sinh ở đó đang gặp nguy hiểm và cần được cứu. Cuối cùng, cô quyết định đến Amsterdam và tham gia cuộc diễu hành, mặc dù giá vé đã tăng. Trước sự ngạc nhiên của cô, cô đã tìm thấy một tấm vé rẻ. Thảo vô cùng biết ơn Sư phụ và nhận ra rằng chỉ cần chúng ta có nguyện vọng cứu người là Sư phụ sẽ giúp.

Trên chuyến bay đến Amsterdam, Thảo đã giảng chân tướng cho một hành khách, người này sau đó đã đề nghị chở cô tới khách sạn ở Amsterdam. Thảo cũng giới thiệu Nghệ thuật Thần Vận với anh, và người đàn ông đưa cho cô danh thiếp của anh và đề nghị cô gửi thêm thông tin cho anh. Ở Amsterdam, giữa đại dịch, rất đông người ra đường xem cuộc diễu hành, Thảo có cảm giác mọi người ở đó chỉ chờ được cứu.

Tìm ra những quan niệm và chấp trước căn bản, tu tâm tính

33df4fcc06463cd6b1d90259e719ec3d.jpg

Cô Giang chia sẻ về hành trình tu luyện của mình trong hai năm qua.

Giang là một học viên mới người Việt Nam đang làm việc tại Phần Lan. Cô bắt đầu tu luyện Pháp Luân Đại Pháp cách đây hai năm và cảm thấy rất may mắn vì dù là một học viên mới, nhưng cô đã được Sư phụ an bài cho tham gia rất nhiều hạng mục Đại Pháp có ý nghĩa. Trong quá trình giao lưu với các đồng tu và làm trong các hạng mục, cô đã gặp nhiều xung đột và khổ nạn khiến cô tức giận, không chịu trách nhiệm và chỉ trích người khác.

Ban đầu, Giang chưa biết cách hướng nội, nhưng với sự động viên, hướng dẫn của các đồng tu, và những lần chia sẻ chân thành về quan tâm tính, Giang dần dần đã tìm ra những chấp trước ẩn giấu về chứng thực bản thân, tật đố, không tu khẩu, và hiển thị. Đây nhất định là những chấp trước cơ bản của cô. Nhiều sự việc như thế đã khiến cô trở nên khiêm tốn về nhiều phương diện và nhận thấy tầm quan trọng của việc chia sẻ tâm tính trong tu luyện.

Là một học viên trẻ, Giang chấp trước mạnh vào tình cảm nam nữ, thường bất tri bất giác ở đâu cũng tìm kiếm bạn đời tiềm năng. Điều này khiến cô gặp phải quan phức tạp về tình. Cô kể lại quá trình nhận thức của mình như sau: “Lúc nào tôi cũng để ý xung quanh xem có đối tác tiềm năng nào và gửi tín hiệu cho họ: có thể là từ cách cư xử với họ đến sự gợi mời bóng gió, thái độ tán tỉnh mà tôi thể hiện ra.“ Nhưng cô nhận ra rằng nếu không chú ý, chấp trước này của cô có thể dấy động cái tình ở người khác, từ đó can nhiễu việc tu luyện của họ và khiến cả môi trường tu luyện trở nên không thuần. Khi hiểu ra điều này, cô đã điều chỉnh tư tưởng và hành vi của mình trước người khác giới. Giờ đây, cô rất lưu tâm khi tương tác với họ và tuân theo nguyên tắc, “Phải có phép tắc, không được tùy tiện”.

Đến cuối năm 2021, Giang đặt mua một bộ sách Đại Pháp nhưng ba tháng sau vẫn chưa thấy. Sự việc này buộc cô phải nhìn lại động cơ tu luyện của mình, liệu cô có thực sự tín Sư tín Pháp không. Sau khi hướng nội, cô thấy cô đã không tu luyện tâm tính, mà chỉ có quan niệm rằng nếu học Pháp, luyện công đều đặn và chịu khổ thì sẽ tăng công. Cô cũng nhận ra mình còn xem nhẹ việc cứu độ chúng sinh. Cô nhanh chóng quy chính lại bản thân. Dù sách chưa về, nhưng cô cũng không còn lo lắng nữa. “Điều tôi cần làm hiện giờ là thực tu tâm tính, đồng hóa với Pháp và trân quý Pháp”, cô nói.

Tu luyện trong mâu thuẫn

2792e73e8aeb6252c2d846313d99fe88.jpg

Cô Lily kể lại những trải nghiệm đề cao tâm tính của mình thông qua các mâu thuẫn.

Cô Lily đến Phần Lan vào năm 2009. Cô chia sẻ trải nghiệm nhiều năm tham gia các hoạt động giảng chân tướng. Cô đã học cách buông bỏ tự ngã và phối hợp với những người khác trong việc cứu người.

Lily thường có tranh cãi về việc treo biểu ngữ vì cô nhất quyết muốn làm theo cách của mình, mỗi lần như thế, tâm tranh đấu nổi lên rất mạnh. Tuy nhiên, cô nhận ra chấp trước của mình đã bị phóng đại, như thế là không đúng, nên cô đã đặt tâm nỗ lực tu bỏ nó. Dần dần, treo biểu ngữ được treo thế nào, Lily cũng vẫn bất động. Các đồng tu muốn treo biểu ngữ thế nào thì treo, miễn sao nó có thể thức tỉnh mọi người. Cô ngạc nhiên khi thấy thay đổi tâm mình thì môi trường xung quanh cô cũng nhanh chóng cải biến. Cô và các đồng tu thậm chí còn nghĩ ra một thiết kế biểu ngữ mới mà hiệu quả hơn.

Một sự cố nữa là về tờ rơi bằng tiếng Anh. Lily phụ trách mảng tài liệu giảng chân tướng. Một hôm, các học viên phàn nàn với cô ấy vì không có đủ tài liệu tiếng Anh. Lily nổi cáu giận và cắt ngang: “Đủ rồi đấy, ở đây làm gì có nhiều người nước ngoài!”

Rồi tới sự kiện tiếp theo, Lily cũng lại không mang thêm tài liệu tiếng Anh vì cô không muốn nghe ý kiến của người khác. Qua sự việc này, cô phát hiện ra mình có chấp trước mạnh mẽ không muốn bị chỉ bảo phải làm gì. Cuối cùng, một học viên đành mang gần hết số tờ rơi tiếng Anh, trong khi những người khác chỉ có ít hoặc không có. Cuối cùng, tài liệu tiếng Anh được phát rất ít. Lily rất buồn khi thấy vậy. Cô chia sẻ: “Vì cái tính bất kham và không muốn bị người khác chỉ bảo của tôi mà phát sinh mâu thuẫn, vì thế mà gây tổn thất cho việc thức tỉnh mọi người.” Bởi vậy, kể từ đó, Lily luôn mang theo nhiều tài liệu hơn và cô quyết tâm buông bỏ những chấp trước của mình. Cô rất vui khi thấy sự phối hợp giữa các học viên trong những năm qua ngày càng tốt hơn.

Lily không nói tốt tiếng Phần Lan, cũng không nói được tiếng Anh. Rào cản ngôn ngữ này khiến cô lo lắng khi phát tờ rơi. Một lần, một người đàn ông Phần Lan hỏi cô rất nhiều, nhưng cô không trả lời được câu nào dù cô hiểu tất cả. Khi cô đang đứng đó, không biết phải làm sao thì một người Phần Lan khác vừa ký bản kiến nghị, đã giải thích mọi chuyện cho người đàn ông. Sau sự việc này, chính niệm của Lily đã tăng cường rất nhiều. Cô nhận ra, “Mình nên cố gắng làm hết sức mình và không cần nghĩ quá nhiều. Đôi khi, suy nghĩ quá nhiều lại thành trở ngại.” Cô nói thêm, “Hãy đến bất cứ nơi nào cần bạn và hoàn thành sứ mệnh cứu người của mình.”

Bài viết chỉ thể hiện quan điểm hoặc nhận thức của tác giả. Mọi nội dung đăng trên trang web này thuộc bản quyền của Minghui.org. Minh Huệ sẽ biên soạn các nội dung trên trang web và xuất bản theo định kỳ hoặc vào những dịp đặc biệt.


Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2022/5/4/200181.html

Đăng ngày 08-05-2022; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share