Bài viết của phóng viên báo Minh Huệ ở tỉnh Thiểm Tây, Trung Quốc

[MINH HUỆ 23-03-2022]

Tên:Hình Văn Trân (邢文珍)
Giới tính: Nữ
Tuổi:79
Thành phố: Tây An
Tỉnh: Thiểm Tây
Nghề nghiệp:Giảng viên đại học
Ngày mất: 7 tháng 10 năm 2021
Ngày xảy ra vụ bắt giữ cuối cùng:8 tháng 4 năm 2004
Nơi giam giữ cuối cùng: Một trung tâm tẩy não

Một người phụ nữ ở thành phố Tây An, tỉnh Thiểm Tây đã qua đời vào ngày 7 tháng 10 năm 2021, sau hai thập kỷ bị bắt giữ và sách nhiễu vì kiên định đức tin vào Pháp Luân Công, một pháp môn tu luyện đã bị chính quyền cộng sản Trung Quốc bức hại từ năm 1999. Bà hưởng thọ 79 tuổi.

Bà Hình Văn Trân là một giảng viên của Đại học Bách Khoa Tây Bắc. Trước khi tu luyện Pháp Luân Công, bà phải vật lộn với nhiều căn bệnh, bao gồm huyết áp cao, viêm thận và di chứng của một cơn chấn động não. Từ ngoài 20 tuổi, bà đã vài lần bị lên cơn sốc và cả hai khớp háng của bà đều bị sưng viêm trên một vùng lớn.

Sau khi học Pháp Luân Công vào ngày 15 tháng 7 năm 1996, tất cả các vấn đề sức khỏe của bà đều đã biến mất. Bà ấy trở thành phụ đạo viên tình nguyện tại điểm luyện công ở trường đại học của bà và dạy các bài công pháp của Pháp Luân Công cho những người mới.

Ba năm sau, vào năm 1999, cuộc bức hại bắt đầu xảy ra và nó đã phá hủy cuộc sống yên bình của bà. Bởi kiên định đức tin, bà đã bị bắt sáu lần và bị giam trong trại lao động cưỡng bức và trung tâm tẩy não. Ngay cả sau khi được thả, bà vẫn phải chịu sự sách nhiễu và giám sát trong thời gian dài. Sự cô lập khỏi xã hội đã ảnh hưởng đến sức khỏe của bà, và cuối cùng đã cướp đi mạng sống của bà.

Thụ án trong trại lao động cưỡng bức và bị trường đại học sa thải

Tháng 11 năm 1999, bốn tháng sau khi cuộc bức hại bắt đầu, bà Hình bị cấm giảng dạy. Vào ngày 27 tháng 12 năm 1999, bà đã đi đến Bắc Kinh để kháng nghị cho quyền tu luyện Pháp Luân Công và bị bắt giữ.

Sau khi bị đưa trở lại Tây An vào đầu tháng 1 năm 2000, ban đầu bà Hình bị giam ở trong Trại tạm giam Sa Pha 15 ngày và sau đó là bị giam ở trường đại học 16 ngày.

Vì đã phân phát bài viết “Tại sao tôi bước đi trên con đường tu luyện Pháp Luân Đại Pháp” do học viên Thiệu Hiểu Đông viết, bà Hình đã bị nhân viên bảo vệ của trường đại học bắt một lần nữa vào ngày 6 tháng 9 năm 2000 và bị giam tại trại tạm giam Sa Pha trong hai tháng.

Ngày 6 tháng 11 năm 2000, Phòng 610 Tỉnh Thiểm Tây (một cơ quan ngoài pháp luật được lập ra để bức hại Pháp Luân Công) đã phi pháp tuyên bà hai năm lao động ở trong Trại Lao động Cưỡng bức Nữ Tỉnh Thiểm Tây. Các nhà chức trách đã gia hạn bản án của bà thêm một tháng vì bà từ chối từ bỏ Pháp Luân Công.

Trong thời gian bà thụ án, trường học đã treo lương hưu của bà một năm và ép bà phải nghỉ hưu sớm hai năm trước khi bà đủ tuổi hưu (60 tuổi).

Một người họ Lâm công tác tại trường đại học từng tu luyện Pháp Luân Công nhưng sau đó đã bỏ tu. Lâm đã làm việc cho chính quyền và giám sát các học viên trong khuôn viên trường và báo cáo các hoạt động của họ, trong đó có bà Hình. Lâm cũng làm việc cho các trung tâm tẩy não và cố gắng thuyết phục các học viên từ bỏ Pháp Luân Công.

Bị giam trong các trung tâm tẩy não

Quách Kiến, một nhân viên bảo vệ của trường đại học của bà Hình đã gọi điện cho chồng bà ngày 8 tháng 4 năm 2004 và cho biết Phòng 610 địa phương đã nói chuyện với bà “giúp” bà “đào bỏ” Pháp Luân Công ra khỏi tâm trí. Họ đe dọa sẽ bắt bà đến trung tâm tẩy não nếu bà không phối hợp với họ. Bà Hình nói rằng việc họ tổ chức các lớp tẩy não là bất hợp pháp và việc thực hành đức tin là quyền tự do tín ngưỡng được Hiến pháp Trung Quốc bảo vệ. Nhưng bất chấp những nỗ lực giảng chân tướng của bà, họ vẫn bắt và đưa bà đến một phiên tẩy não được tổ chức tại một nhà khách.

Chồng bà Hình đã thuê luật sư cho bà và viết một lá thư khiếu nại, yêu cầu thả bà vô điều kiện. Sau 102 ngày bị giam giữ, bà đã được thả khỏi trung tâm tẩy não, tuy nhiên cảnh sát vẫn ra lệnh cho bà phải tự mình “chuyển hóa” ở nhà.

Trên thực tế, các trung tâm tẩy não chính là những “nhà tù đen”, nơi các học viên bị tra tấn và bị cô lập trong thời gian dài. Một số bị suy sụp tinh thần sau khi bị nhốt trong phòng tối không có ánh sáng mặt trời trong nhiều tuần hoặc nhiều tháng. Một số bắt đầu suy nghĩ không còn mạch lạch hoặc nói năng lộn xộn. Một số bị suy giảm trí nhớ nghiêm trọng hoặc bị ảo giác, tinh thần hoảng hốt. Một số người còn bị suy sụp hoàn toàn hoặc bị điên.

Giám sát và cô lập trong thời gian dài

Ngày 18 tháng 10 năm 2004, nhân viên bảo vệ của trường đại học đã gọi điện cho chồng bà Hình và bịa ra một số lý do để thuyết phục ông đến văn phòng của họ. Sau đó, cảnh sát đến nhà bà và tuyên bố rằng họ muốn nói một số vấn đề liên quan đến chồng bà để lừa bà mở cửa. Họ lục soát nhà bà mà không có lệnh khám xét.

Trong thời gian diễn ra Thế vận hội Bắc Kinh vào tháng 7 năm 2008, cảnh sát đã ở bên ngoài nhà của bà Hình để theo dõi bà. Họ còn lắp đặt một chiếc camera giám sát ở bên ngoài tòa chung cư của bà.

Sau khi chồng bà qua đời, bà một mình sống một cuộc sống giản dị. Tuy nhiên cảnh sát vẫn sách nhiễu bà hết lần này đến lần khác.

Với sự phát triển của hệ thống camera giám sát và trí tuệ nhân tạo, nhiều camera giám sát đã được lắp đặt xung quanh nhà bà. Cảnh sát đe dọa rằng dù họ không bắt bà, nhưng họ sẽ truy bắt tất cả mọi học viên có liên lạc với bà.

Vì sự an toàn của các học viên khác, bà Hình đã ngừng liên lạc với họ và gần như hiếm khi mạo hiểm mà ra khỏi nhà.

Tháng 9 năm 2021, khi cảnh sát sách nhiễu bà một lần nữa, sức khỏe bà đã rất yếu. Sự sách nhiễu càng khiến tình trạng của bà thêm trầm trọng. Sang đầu tháng 10, bà mất khả năng vận động, hôn mê và mất kiểm soát tiểu tiện. Sau đó bà đã qua đời vào ngày 7 tháng 10.

Bài viết chỉ thể hiện quan điểm hoặc nhận thức của tác giả. Mọi nội dung đăng trên trang web này thuộc bản quyền của Minghui.org. Minh Huệ sẽ biên soạn các nội dung trên trang web và xuất bản theo định kỳ hoặc vào những dịp đặc biệt.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2022/3/23/440375.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2022/3/24/199655.html

Đăng ngày 24-04-2022; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share