Bài viết của phóng viên báo Minh Huệ ở ngoài Trung Quốc

[MINH HUỆ 28-12-2021]

Gần đây, nhân Ngày Nhân quyền Quốc tế 10 tháng 12 (năm 2021), học viên Pháp Luân Công tại 36 quốc gia đã đệ trình lên chính phủ nước sở tại danh sách mới về những thủ phạm liên quan đến cuộc bức hại học viên Pháp Luân Công tại Trung Quốc. Theo đó các học viên yêu cầu chính phủ cấm những thủ phạm và các thành viên gia đình họ nhập cảnh và đóng băng tài sản của họ ở nước sở tại.

Trong 36 quốc gia này có 5 nước thuộc Liên minh Ngũ Nhãn (Hoa Kỳ, Canada, Vương quốc Anh, Australia và New Zealand), 23 nước thuộc Liên minh Châu Âu (Pháp, Ý, Tây Ban Nha, Hà Lan, Ba Lan, Bỉ, Thụy Điển, Áo, Ireland, Đan Mạch, Phần Lan, Czechia, Romania, Bồ Đào Nha, Hy Lạp, Hungary, Slovakia, Luxembourg, Bulgaria, Croatia, Slovenia, Estonia và Malta) và 8 nước khác (Nhật Bản, Nam Hàn, Indonesia, Thụy Sỹ, Na Uy, Liechtenstein, Israel và Mexico).

Pháp Luân Công, còn được gọi là Pháp Luân Đại Pháp, là một pháp môn tu luyện đã bị chính quyền Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) bức hại từ năm 1999. Trong cuộc bức hại này, nhiều học viên đã bị tra tấn đến chết và bị mổ cướp nội tạng. Gần đây, các học viên đã gửi nhiều danh sách những thủ phạm bức hại đến các quốc gia khác nhau, yêu cầu áp dụng các biện pháp trừng phạt đối với những kẻ vi phạm nhân quyền này. Lần đệ trình này đánh dấu lần đầu tiên quốc gia Estonia tham gia vào nỗ lực này.

Trần Dũng, bí thư của Ban lãnh đạo đảng của Viện Kiểm sát Tỉnh Sơn Đông, Viện trưởng Viện Kiểm sát Tỉnh Sơn Đông, có tên trong danh sách này.

Thông tin cá nhân của thủ phạm

Họ tên đầy đủ: Trần Dũng (陈勇)
Giới tính: Nam
Quốc gia: Trung Quốc
Ngày/tháng/năm sinh: Tháng 2 năm 1964
Nơi sinh: Huyện Bình Đàm, tỉnh Phúc Kiến

b16c1f9775233953ef0b59673aa4b897.jpg

Chức vụ

Tháng 12 năm 1997: Phó Bí thư đảng ủy kiêm Viện trưởng Học viện Cán bộ Quản lý Chính trị và Pháp luật Phúc Kiến

Tháng 12 năm 2003 – Tháng 3 năm 2012: Phó Giám đốc Sở Tư pháp Tỉnh Phúc Kiến

Tháng 4 năm 2012: Viện trưởng kiêm Phó Bí thư đảng ủy Học viện Cảnh sát Phúc Kiến

Tháng 2 năm 2015: Bí thư đảng ủy Sở Tư pháp Tỉnh Phúc Kiến, Chính ủy thứ nhất của Cục Quản lý Nhà tù Tỉnh Phúc Kiến

Tháng 3 năm 2015 -Tháng 12 năm 2017: Giám đốc kiêm Bí thư đảng ủy của Sở Tư pháp Tỉnh Phúc Kiến, Chính ủy thứ nhất của Cục Quản lý Nhà tù Tỉnh Phúc Kiến

Tháng 1 năm 2018 – Nay: Bí thư đảng ủy kiêm Viện trưởng Viện Kiểm sát Tỉnh Sơn Đông

Tội ác chủ yếu

Kể từ khi ĐCSTQ bắt đầu cuộc bức hại Pháp Luân Công vào tháng 7 năm 1999, Trần Dũng đã được bổ nhiệm vào các vị trí quan trọng trong hệ thống tư pháp của Trung Quốc và trực tiếp tham gia vào cuộc bức hại. Sau khi trở thành Bí thư đảng ủy kiêm Viện trưởng Viện Kiểm sát Tỉnh Sơn Đông, Trần Dũng luôn cực lực theo sát chính sách bức hại của ĐCSTQ đối với Pháp Luân Công và là tổng chỉ huy của hệ thống kiểm sát của tỉnh Sơn Đông trong cuộc bức hại Pháp Luân Công.

Trong các bài phát biểu của mình, ông ta đã nhiều lần ra lệnh cho viện kiểm sát các cấp ở tỉnh “tấn công mạnh mẽ” và “kiên quyết trừng trị Pháp Luân Công.” Kể từ khi Trần nhậm chức viện trưởng vào tháng 1 năm 2018, ít nhất 331 học viên Pháp Luân Công đã bị kết án. Trong năm 2019, ít nhất 145 học viên ở Sơn Đông phải đối mặt với truy tố. Trong số những người bị kết án sau đó có 27 người đã trên 65 tuổi. Trong nửa đầu năm 2021, 54 học viên đã bị kết án tù, cao thứ năm so với toàn quốc.

Trong số các học viên bị kết án, năm người đã tử vong trong khi vẫn đang thụ án tù. Họ gồm ông Công Phi Khải, bà Lý Trường Phương, ông Diên Tân Nhân, ông Hà Lập Phương và bà Mạnh Khánh Mai.

Năm trường hợp tử vong

1. Thượng tá về hưu bị kết án 7,5 năm và qua đời ở trong tù

Ông Công Phi Khải, 66 tuổi, một thượng tá về hưu ở thành phố Thanh Đảo, đã bị bắt vào ngày 17 tháng 10 năm 2017. Ông đã bị Tòa án Quận Thị Bắc xét xử trong một phòng xử án tạm bên trong Nhà tù Phổ Đông vào ngày 24 tháng 5 năm 2018. Thẩm phán đã tuyên án ông 7,5 năm tù và khoản phạt 20.000 nhân dân tệ vào ngày 20 tháng 7 năm 2018.

Trong thời gian ngồi tù, ông Công không được phép mua nhu yếu phẩm hàng ngày hoặc không được nghỉ ngơi trong sáu tháng vì ông không từ bỏ Pháp Luân Công. Ông cũng bị huyết áp cao và các triệu chứng khác. Ông đã bị đột quỵ và qua đời vào ngày 12 tháng 4 năm 2021. Theo lời kể của anh trai ông, người đã nhìn thấy thể của ông, đầu của ông bị thương và sưng tấy, có máu chảy ra từ tai của ông.

2. Bà Lý Trường Phương qua đời trong hoàn cảnh đáng ngờ ở bệnh viện nhà tù

Bà Lý Trường Phương ở thành phố Lâm Nghi, tỉnh Sơn Đông, bị bắt vào ngày 23 tháng 10 năm 2018. Bà bị kết án 2,5 năm tù và bị phạt 10.000 nhân dân tệ vào ngày 27 tháng 3 năm 2019.

Bà Lý bắt đầu bị đau dạ dày vào tháng 6 năm 2019 trong thời gian bị giam giữ tại Trại tạm giam Thành phố Lâm Nghi. Sau đó cơn đau lan xuống lưng và chân của bà. Ngay sau khi bà nhập viện vào ngày 6 tháng 7, một nhóm bác sĩ đã phẫu thuật cho bà mà không có sự đồng ý của gia đình bà. Bà vẫn hôn mê sau cuộc phẫu thuật và đôi mắt của bà đã bị băng lại trong suốt thời gian đó. Bác sỹ tuyên bố rằng bà bị biến chứng ở gan và thận nên họ phải chạy thận cho bà. Bà qua đời vào ngày 12 tháng 7 sau khi cảnh sát tháo các máy hỗ trợ sự sống cho bà. Thi thể của bà đã được hỏa táng mà không có sự đồng ý của gia đình.

3. Ông Diêu Tân Nhân qua đời sau khi rơi vào hôn mê ở trong trại tạm giam

Ông Diêu Tân Dân, 51 tuổi, bị bắt tại nơi làm việc vào ngày 3 tháng 7 năm 2019. Vụ bắt giữ ông đã được phê chuẩn vào ngày 10 tháng 8 và ông bị giam trong trại tạm giam Trương Gia Câu. Cảnh sát đã đệ trình vụ án của ông vào tháng 12 năm đó và sau đó công tố viên đã truy tố ông.

Sau gần mười tháng bị giam giữ, ông Diêu bị đột quỵ vào ngày 22 tháng 4 năm 2020. Ông đã được phẫu thuật nhưng sau đó rơi vào tình trạng hôn mê. Vào ngày 4 tháng 2 năm 2021, dù không được sự đồng ý của vợ ông, các nhà chức trách vẫn cho tháo các thiết bị hỗ trợ sự sống ra khỏi người ông Diêu và chuyển ông từ phòng chăm sóc tích cực của bệnh viện đến một trại dưỡng lão, nơi không có thiết bị y tế thích hợp để chăm sóc sức khỏe cho ông. Một tuần sau ông Diêu qua đời vào ngày 11 tháng 2.

4. Ông Hà Lập Phương bị tra tấn đến chết ở trong trại tạm giam, nghi ngờ ông đã bị thu hoạch nội tạng

Ông Hà Lập Phương, 45 tuổi, cư dân thành phố Thanh Đảo, đã bị bắt vào ngày 5 tháng 5 năm 2019. Lệnh bắt giữ được ban hành vào ngày 14 tháng 5 và hồ sơ của ông được chuyển đến Tòa án Tức Mặc vào ngày 23 tháng 5. Trong thời gian bị giam giữ tại trại tạm giam Phổ Đông, ông Hà đã tuyệt thực để phản đối bức hại. Lính canh của trại đã bức thực và đánh đập ông, khiến toàn thân ông đầy rẫy thương tích. Ông bị mất kiểm soát đại tiểu tiện và sau đó qua đời vào ngày 2 tháng 7 năm 2019.

Gia đình ông Hà nhìn thấy những vết cắt mở trên ngực và lưng của ông, trong đó vết cắt trên ngực đã được khâu lại. Khuôn mặt ông lộ rõ vẻ đau đớn và miệng ông há to. Có máu ở mũi và miệng của ông, và máu còn rỉ vào giữa các kẽ răng của ông. Các vết thương có ở khắp cơ thể, đặc biệt là ở chân và tay còn có vết kim tiêm tím đen. Gia đình ông nghi ngờ rằng ông đã bị giết hại để thu hoạch nội tạng khi vẫn còn sống hoặc ngay sau khi ông vừa mới qua đời.

5. Bà Mạnh Khánh Mai qua đời trong thời gian thụ án 3,5 năm tù

Bà Mạnh Khánh Mai ở thành phố Hà Trạch đã bị bắt vào ngày 20 tháng 5 năm 2017 vì phân phát tài liệu thông tin Pháp Luân Công. Bà lại một lần nữa bị lĩnh án tù 3,5 năm, và cũng thụ án trong Nhà tù Nữ Tỉnh Sơn Đông.

Vào khoảng ngày 13 tháng 6 năm 2020, nhà tù đã gọi điện thông báo cho gia đình bà Mạnh rằng bà đang ở trong tình trạng nguy kịch. Khi họ đến bệnh viện, bà đã qua đời. Giấy báo tử của bà cho biết bà tử vong vì suy đa tạng do mất cân bằng điện giải. Phía nhà tù cho biết bà Mạnh đã tuyệt thực trong 28 ngày trước khi chết, nhưng họ phủ nhận việc bức thực hoặc tra tấn bà.

Gia đình bà Mạnh yêu cầu đưa thi thể bà về quê nhà ở huyện Thiện, tỉnh Sơn Đông để mai táng, nhưng các nhà chức trách từ chối. Họ ép gia đình phải hỏa táng bà Mạnh ở Tế Nam và đưa tro cốt của bà về nhà vào ngày 16 tháng 6.

Các trường hợp bị kết án điển hình

1. Bà Trịnh Toàn Hoa bị kết án 7 năm tù

Bà Trịnh Toàn Hoa, 63 tuổi, ở thành phố Thanh Đảo đã bị bắt vào ngày 17 tháng 7 năm 2018. Nhà của bà đã bị lục soát và hồ sơ của bà đã được chuyển đến Tòa án Tức Mặc và sau đó bà đã bị xét xử vào tháng 7 năm 2019. Tòa án thông báo cho gia đình bà Trịnh rằng bà đã bị kết án 7 năm tù vào cuối tháng 10. Bà đã bị đưa đến Nhà tù Nữ Tế Nam vào ngày 19 tháng 12 năm 2019.

2. Hai nữ học viên bị kết án với bằng chứng ngụy tạo

Bà Vương Thúy Anh, một cư dân 58 tuổi ở thành phố Hà Trạch, đã bị bắt vào ngày 7 tháng 3 năm 2019, khi đang phân phát tài liệu thông tin Pháp Luân Công. Một học viên khác là bà Triệu Ái Chân, cũng bị bắt vào buổi tối cùng ngày. Mặc dù họ không biết nhau, nhưng cảnh sát đã gộp chung án của họ và nộp lên viện kiểm sát.

Tòa án Quận Quyên Thành đã xét xử hai học viên từ xa thông qua video vào ngày 12 tháng 3 năm 2021. Công tố viên đã đưa ra hơn 1.000 vật chứng, bao gồm các sách Pháp Luân Công và tài liệu thông tin. Ông ta tuyên bố rằng các tài liệu đó được bà Triệu sản xuất theo yêu cầu của bà Vương. Ông ta nói rằng ông ta có trong tay lời “thú nhận” của bà Triệu để hỗ trợ cho cáo buộc này, nhưng bà Triệu đã phủ nhận, nói rằng bà chưa từng đưa ra lời nhận tội. Bà Triệu cho biết cảnh sát đã không cho bà đọc kỹ biên bản thẩm vấn trước khi bắt bà ký tên. Bà Vương nhấn mạnh rằng bà không biết bà Triệu trước khi bị bắt, cảnh sát và công tố viên đang hợp mưu với nhau hòng khép tội họ.

Ngày 28 tháng 3, gia đình Vương đã gọi điện cho tòa án và được biết bà Vương đã bị kết án 5 năm tù và phạt 20.000 nhân dân tệ. Thẩm phán Phạm từ chối cung cấp bản sao bản án của bà hoặc bất kỳ chi tiết nào khác mà chỉ tiết lộ rằng bản án được ban hành vào ngày 18 tháng 3. Bà Triệu bị kết án 4,5 năm tù với khoản phạt 15.000 nhân dân tệ.

3. Ông Vương Học Dũng bị kết án 7 năm tù

Ông Vương Học Dũng, ngoài 50 tuổi, đang công tác tại Mỏ dầu Thắng Lợi. Bốn cảnh sát đã kéo đến nhà bắt giữ ông và lục soát nơi này vào ngày 8 tháng 1 năm 2020. Trong khi thẩm vấn ông, cảnh sát liên tục ép ông “nhận tội” vì tu luyện Pháp Luân Công. Ông Vương đã từ chối.

Khi cảnh sát trình hồ sơ của ông Vương lên viện kiểm sát, họ đã gửi kèm cả 96 tấm thẻ thông tin Pháp Luân Công mà họ đã tịch thu của ông trong một vụ bắt giữ trước đó hồi tháng 11 năm 2018 làm bằng chứng cáo buộc ông.

Ông Vương đã bị Tòa án Quận Đông Doanh xét xử qua video vào ngày 20 tháng 8 năm 2020, và bị kết án 7 năm tù cùng khoản phạt 30.000 nhân dân tệ vào ngày 20 tháng 9. Ông đã bị chuyển tới Nhà tù Tỉnh Sơn Đông vào ngày 9 tháng 3 năm 2021 mà gia đình ông không hề hay biết.

4. Bác sĩ về hưu Vương Kiến Mẫn bị kết án 9 năm tù

Bà Vương Kiến Mẫn, một bác sĩ đã nghỉ hưu ở thành phố Lai Dương, đã bị bắt vào ngày 4 tháng 9 năm 2020, khi đang gửi những lá thư có thông tin về cuộc bức hại vào một hộp thư tại Công ty Lai Dương Unicom. Cảnh sát đã lục soát nhà của bà vào buổi tối khi không có ai ở nhà. Bà Vương bị đưa đến trại tạm giam Thành phố Yên Đài và bị tạm giữ hình sự vào ngày 5 tháng 9. Việc bắt giữ bà được phê chuẩn vào ngày 12 tháng 10 năm 2020. Tòa án Trung cấp Thành phố Yên Đài tuyên án bà 9 năm tù và phạt bà 20.000 nhân dân tệ vào ngày 26 tháng 3 măm 2021.

5. Bốn học viên Pháp Luân Công ở huyện Nghi Nam bị kết án tù

Ngày 28 tháng 8 năm 2018, ông Lưu Nãi Huấn và vợ là bà Vương Tây Lan đã bị bắt. Vụ bắt giữ họ được phê chuẩn sau đó 35 ngày. Vào ngày 23 tháng 10, ông Tổ Bồi Vĩnh và bà Lý Trường Phương đã bị bắt. Ủy ban Chính trị và Pháp luật của Huyện Nghi Nam và Phòng 610 đã chỉ đạo cảnh sát địa phương, viện kiểm sát và tòa án kết hợp hai vụ án lại và tạo thành một “đại án” để đạt được mục tiêu của họ trong việc “trấn áp các hoạt động bất hợp pháp.”

Họ thiết lập một phòng xử án tạm thời trong Nhà tù Hà Đông và xét xử bốn học viên vào ngày 24 tháng 1 năm 2019. Tòa án Nghi Nam đã bí mật kết án họ vào ngày 27 tháng 3, trong đó ông Tổ bị kết án 3,5 năm tù với khoản phạt 30.000 nhân dân tệ, ông Lưu 3 năm tù với khoản phạt 20.000 nhân dân tệ, bà Lý 2,5 năm tù và bà Vương 2 năm tù. Sau đó bà Lý qua đời trong một bệnh viện của nhà tù (các chi tiết đã được liệt kê ở trên).

Bài viết chỉ thể hiện quan điểm hoặc nhận thức của tác giả. Mọi nội dung đăng trên trang web này thuộc bản quyền của Minghui.org. Minh Huệ sẽ biên soạn các nội dung trên trang web và xuất bản theo định kỳ hoặc vào những dịp đặc biệt.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2021/12/28/435419.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2022/1/7/198013.html

Đăng ngày 17-02-2022; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share