Bài viết của một phóng viên Minh Huệ
[MINH HUỆ 26-04-2022] Ngày 25 tháng 4 năm nay ghi dấu kỷ niệm 23 năm ngày các học viên Pháp Luân Công thỉnh nguyện ôn hòa ở Bắc Kinh. Ông Rashad Hussain, Đại sứ Toàn quyền về Tự do Tôn giáo Quốc tế của Hoa Kỳ, đã gặp đại diện của các học viên Pháp Luân Công tại Bộ Ngoại giao vào ngày này để cập nhật về cuộc bức hại ở Trung Quốc. Ông cũng nhắc lại sự ủng hộ đối với các học viên Pháp Luân Công và lên án cuộc bức hại ở Trung Quốc.
Ông Rashad Hussain (thứ ba từ trái sang), Đại sứ Toàn quyền về Tự do Tôn giáo Quốc tế của Hoa Kỳ, gặp gỡ các học viên Pháp Luân Công vào ngày 25 tháng 4 năm 2022.
Trong lời phát biểu mở đầu cuộc họp, ông Hussain nhấn mạnh rằng cuộc bức hại tàn nhẫn của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đối với các học viên Pháp Luân Công ở Trung Quốc là không thể chấp nhận được và không thể dung thứ.
Các học viên Pháp Luân Công có mặt tại cuộc họp giải thích rằng, ngay cả trong thời kỳ đại dịch phong tỏa nhiều thành phố ở Trung Quốc, ĐCSTQ vẫn không nới lỏng cuộc bức hại Pháp Luân Công. Ví dụ, nhà báo công dân Phương Bân (方斌) đã bị bắt vì đưa tin về đại dịch ở Vũ Hán. Tuy nhiên, vì anh là học viên Pháp Luân Công nên thời gian giam giữ đặc biệt lâu, đến giờ, anh vẫn chưa được thả. Khi lệnh phong tỏa được dỡ bỏ ở nhiều nơi của Trung Quốc, số vụ bắt giữ và sách nhiễu đối với các học viên Pháp Luân Công cũng tăng mạnh.
Anh Trương Hiểu Phong (张晓锋), một kiến trúc sư ở New York, đã kể về mẹ anh, bà Quý Vân Chi (季云芝), cư dân ở thành phố Chi Phong, Nội Mông, đã chết trong trại giam vào tháng trước do bị tra tấn. Trong cả hai năm 2001 và 2008, bà Quý đã bị bắt và đưa vào các trại lao động với thời hạn tổng cộng là 3 năm 5 tháng. Bà đã bị tra tấn trong thời gian bị giam giữ và bị thương nặng, sau đó sinh bệnh tim.
Ngày 1 tháng 2 năm 2022, ba ngày trước lễ khai mạc Thế vận hội Mùa đông ở Bắc Kinh, bà Quý bị bắt và bị giam tại Trại giam ở Nội Mông. Khi tuyệt thực để phản đối, bà đã bị các cai trại và tù nhân đánh đập, chửi bới và thóa mạ. Ngày 21 tháng 3 năm 2022, bà đã qua đời một cách khốn khổ.
Bà Trương Ngọc Hoa (张玉华), cựu giáo sư kiêm chủ nhiệm Khoa tiếng Nga tại Đại học Sư phạm Nam Kinh ở tỉnh Chiết Giang, trình bày về cuộc bức hại mà hai vợ chồng bà đã trải qua. Bà Trương bị đưa vào trại lao động ba lần, bị bỏ tù một lần, với thời hạn tổng cộng là 7,5 năm. Trong thời gian đó, bà đã phải chịu đựng rất nhiều cả về thể chất lẫn tinh thần.
Chồng bà, ông Mã Chấn Vũ (马振宇), là một kỹ sư radar mẫu mực và là phụ đạo viên tình nguyện của một điểm luyện công của nhóm Pháp Luân Công ở Nam Kinh. Vì tu luyện Pháp Luân Công mà ông Mã bị giam giữ tại các trung tâm tẩy não, trại lao động và nhà tù với thời hạn lên đến 12 năm. Sự hành hạ về thể xác và tinh thần quá dã man khiến ông nhiều lần bất tỉnh. Ngay cả sau khi lần cuối được thả vào năm 2020, ông vẫn bị chính quyền theo dõi và sách nhiễu. Các cán bộ chính quyền cản trở ông tới các ga tàu, sân bay, và từ chối đơn xin cấp hộ chiếu du lịch nước ngoài của ông.
Bà Trương Ngọc Hoa kêu gọi giải cứu chồng bà (ảnh bên phải) đang bị giam giữ ở Trung Quốc trong cuộc kháng nghị trước Đại sứ quán Trung Quốc ngày 30 tháng 9 năm 2020.
Ông Hussain cho biết ông rất lo ngại khi nghe những thảm kịch này. Ông cũng ca ngợi các học viên Pháp Luân Công đã kiên trì bảo vệ đức tin của họ bất chấp cuộc đàn áp. Trên thực tế, ngay cả trước khi trở thành Đại sứ Toàn quyền về Tự do Tôn giáo Quốc tế của Hoa Kỳ, ông Hussain đã chú ý đến cuộc bức hại ở Trung Quốc. “Nhân Ngày Pháp Luân Đại Pháp Thế giới, chúng tôi nỗ lực bảo vệ các nguyên lý phổ quát Chân-Thiện-Nhẫn, những lý tưởng nền tảng của môn tu luyện Pháp Luân Công và chúng tôi nhắc lại rằng không ai nên bị bức hại vì đức tin của mình, bao gồm cả Pháp Luân Công ở Trung Quốc”, ông viết trên Twitter ngày 13 tháng 5 năm 2020.
Các học viên Pháp Luân Công giải thích rằng cuộc bức hại kéo dài 23 năm ở Trung Quốc không chỉ gây ra bi kịch vô tận cho các học viên mà còn gây tổn hại cho toàn bộ xã hội Trung Quốc và thế giới. Khi ĐCSTQ đẩy mọi người ly xa nguyên lý Chân-Thiện-Nhẫn và khen thưởng những người vi phạm nhân quyền, thì những giá trị đạo đức này đã nhanh chóng bị xói mòn ở Trung Quốc. Khi vi-rút corona lan rộng ra khắp thế giới, thế giới đã phải trả giá cho sự che đậy và thông tin sai lệch của ĐCSTQ. Không những vậy, ma túy tổng hợp fentanyl liên tục tràn vào Hoa Kỳ, và hành vi ăn cắp trí tuệ khiến Hoa Kỳ bị thiệt hại khoảng 500 tỷ đô la mỗi năm.
Các biện pháp mà chính phủ Hoa Kỳ thực hiện để trừng phạt các thủ phạm nhân quyền đều có tác dụng. Một số quan chức ĐCSTQ vì lo sợ các lệnh trừng phạt và ảnh hưởng đến cơ hội ra nước ngoài của con cái, nên đã bớt bạo lực hơn khi tiếp xúc với các học viên. Các học viên Pháp Luân Công hy vọng các biện pháp trừng phạt như vậy sẽ được mở rộng trên quy mô lớn hơn. (Lưu ý: chính phủ Hoa Kỳ có nhiều biện pháp trừng phạt thủ phạm nhân quyền. Một số trường hợp bị từ chối cấp thị thực đã được công bố, nhưng hầu hết các trường hợp không được thông báo vì lý do riêng tư.)
Về cuộc đàn áp xuyên quốc gia của ĐCSTQ, ngày 21 tháng 3, Ngoại trưởng Antony Blinken tuyên bố “Hoa Kỳ phản đối các nỗ lực của các quan chức Trung Quốc nhằm quấy rối, đe dọa, giám sát và bắt người của các nhóm dân tộc thiểu số và tôn giáo, kể cả những người muốn ra nước ngoài để được an toàn, cũng như các công dân Hoa Kỳ đại diện lên tiếng cho các nhóm người yếu thế này. Chúng tôi cam kết bảo vệ nhân quyền trên toàn thế giới và sẽ tiếp tục sử dụng mọi biện pháp ngoại giao và kinh tế để thúc đẩy việc truy cứu trách nhiệm.”
Các học viên hy vọng chính phủ Hoa Kỳ có thể chú ý đến cuộc đàn áp xuyên quốc gia đối với các học viên Pháp Luân Công. Chẳng hạn như các nghệ sỹ biểu diễn Shen Yun đã bị những người thân ĐCSTQ quấy nhiễu nghiêm trọng ở Hoa Kỳ.
Các học viên cũng đã gửi tới ông Hussain hai ấn phẩm. Một là “Báo cáo Minh Huệ: Cuộc bức hại Pháp Luân Công tại Trung Quốc 20 năm qua” và một báo cáo nữa là báo cáo nhân quyền do Trung tâm Thông tin Pháp Luân Đại Pháp phát hành gần đây để cập nhật về cuộc bức hại trong hai năm qua.
Cuối cùng, ông Hussain cảm ơn các học viên về những gì họ đã làm và khuyến khích họ tiếp tục nỗ lực.
Bài viết chỉ thể hiện quan điểm hoặc nhận thức của tác giả. Mọi nội dung đăng trên trang web này thuộc bản quyền của Minghui.org. Minh Huệ sẽ biên soạn các nội dung trên trang web và xuất bản theo định kỳ hoặc vào những dịp đặc biệt.
Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2022/4/26/441757.html
Bản tiếng Việt: https://en.minghui.org/html/articles/2022/4/27/200078.html
Đăng ngày 29-04-2022; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.