Bài viết của Chương Vận, phóng viên Minh Huệ

[MINH HUỆ 16-04-2022] Ngày 14 tháng 4 vừa qua, các học viên Pháp Luân Đại Pháp tại Toronto, Canada đã tổ chức một sự kiện trước tòa nhà chính quyền tỉnh để kỷ niệm 23 năm sự kiện thỉnh nguyện ôn hòa Ngày 25 tháng 4.

Các học viên đã trình diễn các bài công pháp, trò chuyện với mọi người về bản kiến nghị nhằm chấm dứt cuộc bức hại ở Trung Quốc, kêu gọi họ tìm hiểu về Pháp Luân Đại Pháp (còn được gọi là Pháp Luân Công), nhận rõ bản chất của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), và thoái xuất khỏi ĐCSTQ và các tổ chức liên đới của nó.

Cách đây 25 năm, vào ngày 25 tháng 4 năm 1999, khoảng 10.000 học viên Pháp Luân Đại Pháp đã đến Văn phòng Kháng cáo Trung ương tại Bắc Kinh để thỉnh nguyện ôn hòa, đề nghị thả 45 học viên đã bị bắt giữ phi pháp tại Thiên Tân, một thành phố phụ cận Bắc Kinh. Bản kiến nghị của các học viên đã được các phương tiện truyền thông chính thống khắp thế giới đưa tin. Sự can đảm và phong thái điềm đạm của họ khiến cả thế giới ấn tượng.

fd79f8a564c55f8a74270fb58ed83ec1.jpg

518dd4416f99bb0888b8e9d2610e1be2.jpg

Các học viên luyện các bài công pháp trước tòa nhà chính quyền tỉnh, ngày 14 tháng 4

1818b29469adf0553f2d73a28b4f7cd4.jpg

Các học viên tham gia Cuộc thỉnh nguyện Ngày 25 tháng 4 năm 1999 tại Bắc Kinh

Trải nghiệm tham gia thỉnh nguyện ở Bắc Kinh

7796f549884d782dbd95211fbffb87b7.jpg

Bà Phùng Tú Mẫn, học viên tham gia Cuộc thỉnh nguyện Ngày 25 tháng 4, phát biểu tại buổi mít-tinh

Trong bài phát biểu, bà Phùng Tú Mẫn cho biết hồi đó bà là nhân viên của chính quyền Thành phố Thiên Tân và bà đã tham gia Cuộc thỉnh nguyện Ngày 25 tháng 4. Ngày 18 tháng 4 năm 1999, bà nhận được thông tin từ một học viên khác, nói rằng Tạp chí Triển lãm Khoa học và Công nghệ Thanh niên của Học Viện Giáo dục Thiên Tân đã đăng một bài báo công kích Pháp Luân Công. Bà Phùng thấy nội dung bài báo không đúng sự thật nên đã cùng các học viên khác đến văn phòng tạp chí. Khi họ đến nơi, trong sân đã có khoảng 4.500 học viên và mọi người đang lặng lẽ chờ đợi. Năm học viên đại diện đã vào văn phòng để phản ánh và thảo luận về sự sai sót của bài báo.

Điểm luyện công chỗ bà Phùng có ông Hác là một trong năm đại diện. Ông nói với các biên tập viên tạp chí rằng con trai ông sau khi tu luyện Pháp Luân Đại Pháp, không những sức khỏe được cải thiện mà ở trường cháu cũng học tốt hơn. Người phụ trách tạp chí cho biết họ sẽ cố gắng hết sức để thu hồi lại những gì đã đăng, nhưng họ vẫn cần xin chỉ thị của cấp trên. Nhưng mấy ngày sau, tạp chí không có phản hồi nào. Bà Phùng cho biết mỗi sáng bà đều tới đó và ở đến tối muộn. Bà cùng các học viên khác lặng lẽ đợi ở bên ngoài văn phòng tạp chí để chờ được phản hồi.

Bà nói: “Cuối cùng, Văn phòng tạp chí thông báo với chúng tôi rằng họ không thể thu hồi bài báo này. Nhưng các học viên không ai rời đi. Chúng tôi không muốn để bài báo đầy sai sót như vậy lừa gạt mọi người.”

“Sáng sớm ngày 23 tháng 4 năm 1999, Học viện Giáo dục qua đài phát thanh truyền đi thông điệp yêu cầu tất cả mọi người rời đi càng sớm càng tốt. Họ nói rằng địa điểm sẽ được dọn sạch lúc 7 giờ tối. Các học viên vẫn ngồi yên lặng và tọa thiền. Khoảng 7 giờ tối, bốn chiếc xe quân sự đến đỗ bên trái cổng và một chiếc xe buýt lớn đỗ ở phía bên phải cổng.

Bà Phùng hồi tưởng: “Nhiều cảnh sát trẻ có vũ trang, tất cả đều mặc quân phục rằn ri và mang theo máy bộ đàm cùng dùi cui điện, nhảy ra khỏi xe, tay cầm dùi cui điện xua đuổi các học viên ra khỏi khu vực đó. Những ai không di chuyển, họ đánh đập không thương tiếc.”

“Nhiều học viên bị đánh đến rách đầu chảy máu, trật khớp tay không thể cử động được. Một số học viên đã chịu đau mà không rời đi. Trong số đó, người thì bị cảnh sát lôi ra khỏi khu phức hợp, người thì bị quẳng bên vệ đường, người thì bị tống lên xe buýt. Sau đó, tôi nghe nói rằng 45 học viên đã bị bắt giữ.”

Nhận thấy văn phòng tạp chí không thể giải quyết được vấn đề, vì vậy bà Phùng đã cùng các học viên khác đến chính quyền thành phố. Họ xếp hàng chờ ở cửa phụ.

“Vào lúc 2 giờ sáng, có hai quan chức thành phố đi ra và nói: ‘Việc này chúng tôi không giải quyết được đâu. Các anh hãy đến Bắc Kinh mà kêu oan. Việc này do Bắc Kinh quyết định.”

Ngày 25 tháng 4, bà Phùng đã bắt xe buýt đến Bắc Kinh và khoảng sáu giờ tối mới đến Văn phòng Kháng cáo Trung ương. Khi đó, dọc theo các bức tường bên ngoài văn phòng đã có khoảng 10.000 người lặng lẽ đứng xếp hàng chờ đợi. Trên đường chật kín xe quân sự, tạo nên bầu không khí căng thẳng.

Các học viên đại diện đã đến gặp Thủ tướng Chu Dung Cơ. Vào khoảng 9 giờ tối hôm đó, các học viên đại diện đi ra và nói rằng vấn đề đã được giải quyết. Thủ tướng nói Pháp Luân Công là môn tu luyện tốt và ông đã ra lệnh cho các quan chức cấp dưới trả tự do cho các học viên bị bắt giữ. Tất cả mọi người đã bình lặng ra về.

Sau khi mọi người rời đi, trên mặt đất không lưu lại dù chỉ một mẩu rác, ngay cả đầu mẩu thuốc lá mà cảnh sát vứt lại cũng được nhặt sạch.

Du khách gốc Thiên Tân: Cha mẹ tôi năm đó đã tham gia Cuộc thỉnh nguyện

65a64206119460138b601823e86aa5c3.jpg

Bà Tống từ Kentucky

Bà Tống từ Kentucky đang đi du lịch ở Toronto. Khi thấy cuộc mít-tinh, bà đã dừng chân và trò chuyện với một học viên. Bà nói: “Tôi biết ĐCSTQ rất tà ác. Tôi không tu luyện Pháp Luân Công, nhưng cha mẹ tôi tu luyện. Trước đây sức khỏe mẹ tôi không tốt nhưng sau khi bắt đầu tu luyện, bà đã trở nên khỏe mạnh và năm nay bà cụ đã 88 tuổi rồi.”

Bà Tống, người gốc Thiên Tân, Trung Quốc, cho biết: “Ở điểm luyện công của mẹ tôi, nhiều học viên là giáo sư Đại học Nam Khai. Từ ngày 18 tháng 4 đến ngày 24 tháng 4 năm 1999, họ đã tham gia cuộc thỉnh nguyện ôn hòa và đến các cơ quan và ban ngành hữu quan ở Thiên Tân để phản ánh tình huống thực tế của Pháp Luân Công.”

Bà cho biết họ chỉ bình lặng ngồi ở đó. Họ tuân thủ luật pháp và không đối đầu với cảnh sát, cũng không hô khẩu hiệu. Nhưng họ vẫn bị ĐCSTQ tống lên xe buýt rồi thả ở ngoại ô. Khi đó cha mẹ tôi không có điện thoại nhưng họ may mắn gặp được những người tốt bụng cho họ đi nhờ. Đến nửa đêm họ mới về đến nhà.

Bà chia sẻ: “Mẹ tôi xuất thân ở một gia đình mà thường xuyên bị ĐCSTQ bức hại trong những đợt vận động. ĐCSTQ cần bị giải thể ngay lập tức bởi nó quá nguy hại.” Sau khi hiểu được ý nghĩa của việc thoái xuất khỏi các tổ chức của ĐCSTQ, bà đã đồng ý thoái Đoàn Thanh niên và Đội Thiếu niên Tiền phong.

Người Mỹ gốc Hoa: “thỉnh nguyện ôn hòa là phương thức hoàn toàn hợp pháp”

829899113b9a1d4f64a8283df2dd00bf.jpg

Bà Trương (bên trái), du khách đến từ Hoa Kỳ

Bà Trương, cũng là một du khách từ Hoa Kỳ, cho biết bà là người Mỹ gốc Hoa, quê ở tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc. Sau khi nghe một học viên giải thích về Pháp Luân Đại Pháp và tầm quan trọng của việc thoái ĐCSTQ, bà sẵn sàng đồng ý làm tam thoái.

Bà Trương cho biết: “Cuộc bức hại của ĐCSTQ đối với Pháp Luân Đại Pháp là vi phạm pháp luật. Ở bất kỳ quốc gia nào, người dân đều đáng được hưởng quyền tự do tín ngưỡng. Việc các học viên Pháp Luân Đại Pháp dùng phương thức ôn hòa để thỉnh nguyện cho các quyền của họ là không hề sai bởi họ không vi phạm pháp luật. Ở bất kỳ quốc gia tự do, dân chủ nào, phương thức thỉnh nguyện hòa bình và hợp lý như thế là được pháp luật cho phép và hoàn toàn hợp pháp.”

Bà cũng cho biết: “Cuộc bức hại của ĐCSTQ đối với các học viên Pháp Luân Đại Pháp và sự vu khống dối trá của ĐCSTQ đã gây ra ảnh hưởng quá khủng khiếp đối với người Trung Quốc. ĐCSTQ đã phá hủy nền văn hóa truyền thống của Trung Hoa, khiến người dân băng hoại về đạo đức. ĐCSTQ cần phải bị giải thể ngay lập tức.”

Người đàn ông đến từ Trung Quốc vui mừng khi tìm được một điểm luyện công

6e2587d6d6a43d417381cd6fcaafa8db.jpg

Một học viên chỉ cho anh Yoshi trang web của Pháp Luân Đại Pháp

Anh Yoshi theo cha mẹ đến Nhật Bản từ năm 10 tuổi và nhập cư vào Canada cách đây hai năm. Anh nói: “Tôi là người dân thành phố Thiết Lĩnh ở Đông Bắc Trung Quốc. Năm đó, khi Sư phụ Lý giảng Pháp ở vùng Đông Bắc, danh tiếng của Ngài nổi tiếng khắp cả khu vực chúng tôi. Tất cả mọi người đều biết Pháp Luân Đại Pháp mang lại hiệu quả kỳ diệu đối với bệnh tật và sức khỏe. Bố mẹ tôi cũng tu luyện. Nhưng sau khi ĐCSTQ bắt đầu bức hại Pháp Luân Đại Pháp năm 1999, cha mẹ tôi và một số người hàng xóm của tôi đã không dám tiếp tục tập luyện nữa.”

Anh cho biết: “Tôi nhận được thông tin về Pháp Luân Đại Pháp tại Trung tâm Phục vụ Thoái ĐCSTQ Toàn cầu ở Khu phố Tàu. Tôi nhận thấy có nhiều điểm luyện công ở Toronto. Các học viên cũng tổ chức các cuộc diễu hành để nói với mọi người về Pháp Luân Đại Pháp, điều này đã cho tôi thấy Pháp Luân Đại Pháp được xã hội quốc tế hoan nghênh như thế nào. Tôi muốn biết thêm về Đại Pháp. Vì vậy tôi đã có mặt ở đây hôm nay và tôi vô cùng xúc động.”

Yoshi cho biết anh sẽ đưa bố mẹ mình đến điểm luyện công ở Công viên Queen để luyện các bài công pháp, theo đó họ lại có thể cảm nhận được sự mỹ hảo của Đại Pháp.

Vì đã được tận mắt chứng kiến sự bức hại đối với các học viên từ khi còn nhỏ nên Yoshi đã thoái xuất các tổ chức của ĐCSTQ mà anh đã từng gia nhập.

Cảnh sát đang thực hiện nhiệm vụ: Tôi biết Pháp Luân Đại Pháp bị ĐCSTQ bức hại

Một cảnh sát đang làm nhiệm vụ tại lối vào Tòa nhà Quốc hội Ontario đã mỉm cười và chào đón các học viên khi anh nhìn thấy họ. Anh cho hay anh biết các học viên đã bị ĐCSTQ bức hại và anh muốn tìm hiểu thêm. Một học viên đã đưa cho anh một tờ rơi và anh đã vui vẻ đón nhận.

Bối cảnh: Pháp Luân Đại Pháp là gì và Tại sao Đảng Cộng sản Trung Quốc lại bức hại môn tu luyện?

Pháp Luân Đại Pháp (còn gọi là Pháp Luân Công) được Đại sư Lý Hồng Chí lần đầu truyền xuất ra công chúng vào năm 1992 tại thành phố Trường Xuân, Trung Quốc. Tới nay, môn tu luyện này đã truyền rộng đến hơn 100 quốc gia và vùng lãnh thổ trên toàn cầu. Với nguyên lý Chân-Thiện-Nhẫn cùng năm bài công pháp nhẹ nhàng, môn tu luyện đã được hàng triệu người đón nhận và bước vào tu luyện, họ đều được trải nghiệm sự đề cao cả về sức khỏe lẫn tinh thần.

Giang Trạch Dân, cựu lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), coi sự phổ biến ngày càng mạnh mẽ của môn tu luyện này là mối đe dọa đối với hệ tư tưởng vô thần của Đảng, nên đã ban hành lệnh cấm vào ngày 20 tháng 7 năm 1999.

Trang Minghui.org đã xác nhận hàng nghìn học viên đã mất mạng trong 22 năm qua vì bị bức hại. Con số thực tế được cho là còn cao hơn nhiều. Nhiều người hơn nữa đã bị cầm tù và tra tấn vì đức tin của họ.

Có bằng chứng cụ thể cho thấy ĐCSTQ hậu thuẫn cho việc giết hại các học viên bị giam cầm để thu hoạch nội tạng của họ và cung cấp cho ngành công nghiệp ghép tạng.

Dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Giang, ĐCSTQ đã thành lập Phòng 610, một tổ chức ngoài vòng pháp luật có quyền vượt trên cả hệ thống cảnh sát và tư pháp, và có chức năng duy nhất là tiến hành cuộc bức hại Pháp Luân Đại Pháp.

Bài viết chỉ thể hiện quan điểm hoặc nhận thức của tác giả. Mọi nội dung đăng trên trang web này thuộc bản quyền của Minghui.org. Minh Huệ sẽ biên soạn các nội dung trên trang web và xuất bản theo định kỳ hoặc vào những dịp đặc biệt.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2022/4/16/441359.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2022/4/17/199942.html

Đăng ngày 19-04-2022; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share