Bài viết của Vi Trần, đệ tử Đại Pháp tại Bắc Kinh

[MINH HUỆ 06-10-2021] Trên con đường tu luyện, mỗi một đệ tử Đại Pháp đều không thể rời khỏi sự bảo hộ và gia trì của Sư phụ, hôm nay tôi xin kể một số chuyện mà Sư phụ bảo hộ con trai của tôi trưởng thành, cho thấy sự từ bi và vĩ đại của Sư phụ, cho thấy sự siêu thường của Đại Pháp!

Nói đến đứa con trai Hổ Hổ (hóa danh) này của tôi, đúng là không có sự bảo hộ của Sư phụ thì sẽ không có nó ngày hôm nay. Những bệnh tật mà y học hiện đại không chữa trị được hoặc rất khó chữa trị, nhưng tu luyện Pháp Luân Công không tốn một đồng, không uống một viên thuốc liền hết bệnh. Thành tâm hy vọng rằng mọi người có thể hiểu được chân tướng, được Đại Pháp cứu độ!

Tuổi còn nhỏ bị bệnh tật quấn thân

Hổ Hổ từ lúc vừa sinh ra liền bị bệnh tật dày vò không ngừng, ngày thứ hai sau khi sinh ra còn chưa xuất viện thì bị bệnh vàng da, bác sĩ nói phải nhập viện, phải tách bé ra khỏi mẹ để đưa đi điều trị, tôi nói: “Em bé bây giờ đang bú sữa mẹ, mang đi khỏi mẹ thì em bé ăn gì?” Bác sĩ nói: “Chúng tôi sẽ đút cho bé sữa bột”. Tôi nói: “Vậy còn sữa của tôi thì làm thế nào?” Bác sĩ không kiên nhẫn nói: “Hút ra đổ đi, hoặc là giữ lại, tùy cô!” Tôi vừa nghe, nghĩ sao họ lại nói vậy?! Tôi liền không đồng ý. Bác sĩ buộc tôi phải ký tên, ý là xảy ra vấn đề gì thì bệnh viện không liên quan, tôi phải chịu mọi trách nhiệm. Tôi không do dự liền ký tên ngay. Không bao lâu sau đó, bệnh vàng da chưa hết, thì toàn thân bé lại nổi lên rất nhiều mụn nhọt màu đỏ, mắt thì không ngừng chảy gỉ mắt, bác sĩ nói là bị nóng trong người, tôi không coi đây là chuyện to tát gì, bèn thường xuyên tắm rửa cho bé, hai ngày sau các mụn nhọt đỏ đã không còn.

Tôi sinh mổ, ba ngày sau mới có thể xuất viện, nên ba ngày sau tôi cùng con về nhà, cùng con nghe bài giảng của Sư phụ, thường xuyên niệm câu “Pháp Luân Đại Pháp hảo, Chân-Thiện-Nhẫn hảo”, nghe nhạc “Phổ độ”, “Tế thế”, một tuần sau bệnh vàng da của em bé đã biến mất.

Khi được 37 ngày thì em bé hay khóc, khóc ngày khóc đêm, ngủ rất ít, có khi khóc còn rất lớn, ảnh hưởng tới hàng xóm. Cha tôi nói trẻ nhỏ khóc suốt chắc là không bình thường, có phải có chỗ nào không thoải mái hay không? Chúng tôi cũng không phát hiện ra được gì, không lẽ phải đi bệnh viện kiểm tra sao? Tôi có chút khó xử, tôi cũng còn chưa hết tháng ở cữ (phải được 40 ngày), cha tôi nói vẫn là nên đi khám để yên tâm, thời gian ở cữ của con còn có hai ngày thôi. Thế là ngày hôm sau chúng tôi đến bệnh viện, bác sĩ kiểm tra không ra có bệnh gì, đề nghị làm rất nhiều xét nghiệm, tôi vừa nhìn liền giật mình, tôi lớn đến như này rồi cũng chưa từng xét nghiệm toàn diện như thế, tiền bạc thì chưa nói tới, quan trọng là thực hiện mỗi hạng mục kiểm tra khiến cho em bé còn nhỏ như thế tốn rất nhiều sức lực, lần này càng khóc dữ dội hơn.

Cầm kết quả kiểm tra sau cùng cho bác sĩ xem, bác sĩ nói cô đăng ký khám bệnh lần nữa tìm chuyên gia kiểm tra đi! Thế là tôi tìm đến chuyên gia, lại là một trận giày vò, chuyên gia nói cô đăng ký khám khoa chuyên biệt đi! Tôi kinh ngạc hỏi: “Con của tôi làm sao vậy, sao lại muốn đăng ký khám khoa chuyên biệt?” Chuyên gia không muốn phí lời, liền nói: “Người tiếp theo!”

Bất đắc dĩ, tôi lại đi đăng ký khám khoa chuyên biệt. Chuyên gia khoa chuyên biệt lại là người rất hòa ái, nói chuyện nhỏ nhẹ, xem tất cả kết quả kiểm tra, lại nhìn xem em bé, nói với tôi rằng: “Cô là lần đầu tiên làm mẹ?” Tôi nói đúng vậy. Chuyên gia tiếp tục nói: “Cô phải có chuẩn bị tâm lý nhé!” Tôi vừa nghe càng kinh hãi hơn, ổn định tinh thần rồi nói: “Không sao, cô cứ nói đi”. Chuyên gia nói: “Con của cô có thể gặp phải một số vấn đề nhỏ về tinh thần …”

Nghe đến đây, tôi cắt ngang lời cô ấy, tôi nói: “Bác sĩ, cảm ơn cô, tôi đã biết”. Vừa nói tôi vừa ôm con bình tĩnh đi ra khỏi phòng khám. Trong nháy mắt đi ra khỏi cửa phòng kia, nước mắt của tôi dâng trào chảy ra. Chồng tôi nhìn thấy tôi đi ra liền lập tức chạy tới hỏi tôi bác sĩ nói gì? Tôi nói không cần quan tâm cô ấy nói như thế nào, chúng ta đi về nhà thôi. Chồng tôi khuyên tôi đừng khóc nữa, tôi thấy rất nhiều người đang nhìn tôi, tôi ngại chồng mình xấu hổ, nên ngừng khóc, đi đến nơi yên tĩnh một chút nói với anh ấy lời của bác sĩ, anh ấy hỏi tôi vậy làm sao bây giờ, tôi nói: “Về nhà! Em không quan tâm bác sĩ nói thế nào, em cũng không tin những gì cô ấy nói, em đem con giao cho Sư phụ!”

Sau khi về nhà tôi chăm sóc bé càng thêm tỉ mỉ, cùng bé nghe Sư phụ giảng Pháp, nói chuyện nhiều với bé, hát cho bé nghe, khi bé muốn khóc tôi bèn đùa cho bé vui, cùng với bé chơi mấy trò chơi mà người khác thấy là thật ngốc lại nhàm chán … Nghĩ các biện pháp không cho bé khóc, để cho bé cười nhiều hơn, (bé cười lên thực rất đáng yêu), còn có thể an ổn ngủ một lát (bé ngủ không ngon, ngủ không sâu, có một chút tiếng động là tỉnh).

Cứ như vậy qua ba tháng. Khi tôi đến bệnh viện làm kiểm tra hậu sản bác sĩ muốn tôi mang bé đi để kiểm tra sức khỏe, có thể nhìn xem tình hình phát triển các phương diện của bé. Cuối cùng bác sĩ kia tổng hợp lại nói: “Bé phát triển bình thường. Chính là hơi gầy chút, rất mẫn cảm, có phải giấc ngủ của bé không tốt không?” Tôi vừa nghe, vị bác sĩ này nói có phần đúng bệnh, bèn đem tình huống của bé nói sơ qua, bác sĩ nói: “Tôi đề nghị chị đi làm xét nghiệm dị nguyên, xem thử xem có phải do dị ứng gây nên không”. Tôi nghe có chút đạo lý, bèn hỏi bác sĩ nên đi bệnh viện nào thì tốt hơn? Cô ấy viết cho tôi một thư giới thiệu, bảo tôi đi tìm vị bác sĩ kia của bệnh viện đó, tôi cảm ơn bác sĩ rồi đi tiếp. Cũng lại là một trận giày vò, hai tuần sau có kết quả nói rằng do bé dị ứng protein sữa bò, mức độ +++. Sữa của tôi không đủ cho Hổ Hổ bú, chỉ có thể uống loại sữa bột đắt tiền kia, về sau cho bé ăn thêm thức ăn dặm, bé dần dần khỏe mạnh lên, từng bước như thế Hổ Hổ đã được 1 tuổi!

Vừa qua sinh nhật 1 tuổi xong, thì Hổ Hổ bị lên bệnh sởi, bởi vì trước đó nghe các đồng nghiệp có nói qua bệnh này, mỗi một đứa trẻ đều hầu như sẽ mắc chứng bệnh này, cho nên lần này tôi rất bình tĩnh, không đi bệnh viện, ba ngày sau hết sốt, bệnh sởi cũng lặn hết. Thế nhưng khi Hổ Hổ đến khoảng một tuổi rưỡi, nạn lại đến. Có một lần, tôi đang đi làm, cha tôi gọi điện cho nói: “Con xin nghỉ đi, mau về nhà, nhanh đi đừng chậm trễ nhé!” Tôi hỏi có chuyện gì, cha tôi nói về nhà rồi nói sau. Tôi đoán là chuyện của con tôi, thế là vội vàng xin nghỉ đón xe về nhà. Vừa về đến nhà, cha tôi miêu tả lại tình huống của Hổ Hổ cho tôi nghe: “Đứa bé phát sốt, sau đó đột nhiên co giật, trợn mắt, không có ý thức, như thế kéo dài hơn một phút đồng hồ, rồi từ từ tỉnh lại, dọa ta và mẹ con sợ muốn chết”. Cha tôi muốn tôi tranh thủ thời gian đưa bé đi bệnh viện. Không còn cách nào, tôi đành phải lần nữa đưa con đến bệnh viện, bác sĩ chẩn đoán nói là sốt cao co giật, phải điều trị cho bé như thế như thế, tôi sau khi nghe xong đem con đi về nhà.

Tôi cũng không muốn lại cho con đi bệnh viện chịu giày vò nữa, bởi vì tôi đã hiểu bệnh viện đối với loại bệnh này là không có cách điều trị. Sau khi trở về tôi vẫn cùng Hổ Hổ nghe Pháp, niệm cho bé nghe nhiều lần “Pháp Luân Đại Pháp hảo, Chân-Thiện-Nhẫn hảo”, cẩn thận chăm sóc, bé rất nhanh đã khỏe lại.

Trong vòng hai năm sau đó, Hổ Hổ lại từng có mấy lần hiện tượng sốt cao co giật, chỉ cần bé vừa phát sốt, thì tôi liền hồi hộp thần kinh, bèn xin nghỉ phép ở nhà chăm sóc bé, cho dù tôi chăm sóc cẩn thận cỡ nào, bé vẫn sẽ co giật, có lần cơ thể có chút căng cứng, trong miệng tràn ra bọt trắng, tôi sợ hãi muôn phần, không ngừng niệm “Pháp Luân Đại Pháp hảo, Chân-Thiện-Nhẫn hảo”, xin Sư phụ cứu con của tôi, tôi biết chỉ có Sư phụ mới có thể cứu bé, mà mỗi lần bé đều được Sư phụ cứu trở về từ bên bờ tử vong, không biết vì việc này mà Sư phụ phải chịu đựng biết bao nhiêu, từ trong tâm tôi cảm tạ Sư phụ không lời nào có thể diễn tả được!

Dẫn dắt bé đắc Pháp

Sau đó tôi nghĩ: Mình tu luyện đã mười mấy năm, ngoài việc sinh con mà đi bệnh viện, mười mấy năm ngay cả một viên thuốc đều không uống. Đứa bé này nhiều tai nhiều nạn, cuộc đời của người thường thật quá khổ, không cần phải nói lúc nào sẽ xảy ra chuyện gì, cuộc đời của người thường là quá vô thường. Sư phụ giảng:

“Còn có một cách có thể cho phép con người biến đổi đời của họ; đây là cách duy nhất; chính là cá nhân ấy từ nay trở đi sẽ bước trên con đường tu luyện”. (Chuyển Pháp Luân)

Thế là tôi quyết định dẫn dắt con bước vào tu luyện Đại Pháp, lúc này bé mới hơn ba tuổi.

Bắt đầu đọc từ “Hồng Ngâm”, tôi đọc một câu, bé liền đọc lại theo câu đó, có khi tôi cố ý đùa bé rằng: “Mẹ hướng dẫn con đọc ba lần, sau đó con thử xem có thể đọc thuộc được hay không, được chứ?” Bé nói: “Học thuộc nghĩa là gì ạ?” Tôi nói: “Học thuộc chính là không nhìn sách, cũng có thể đọc được đó, một chữ cũng không thể sai”. Bé nói rất nghiêm túc: “Vậy con thử một chút”. Tiếp đó, tôi nhìn sách đọc một lần, bé cũng nhìn vào sách đọc một lần (mặc dù bé không biết chữ), sau đó tôi nói: “Một lần”, lại nhìn sách đọc lần thứ hai, rồi nói hai lần, đến lần thứ ba đọc xong, bé rất tự giác nói rằng để con thử xem, rồi đứng đối diện với tôi đọc lên. Một lần đọc thuộc chỉ có một hai từ đọc sai thôi, trong lòng tôi có phần kinh ngạc, nhưng không biểu hiện ra, sửa lại những chỗ sai cho bé, khen ngợi bé một tiếng, sau đó nói: “Một từ đều không được sai mới gọi là đọc thuộc, nào mẹ hướng dẫn con đọc lần hai, xem con có thể đọc thuộc không nhé”. Thế là tôi liền đọc một lần, vừa muốn đọc lần thứ hai, bé đã nói: “Mẹ, để con thử xem”. Tôi nói được, kết quả bé đọc thuộc không sai một chữ, trong lòng tôi rất bội phục.

Vừa muốn đọc đến bài thứ hai, bé đã cướp lời: “Mẹ, mẹ cũng đọc thuộc, chúng ta so với nhau xem ai đọc thuộc tốt hơn, được không?” Trong lòng tôi cười thầm, bởi vì tôi đã đọc thuộc từ lâu rồi, thế là đưa sách cho bé, bé cầm sách học theo bộ dạng của tôi để kiểm tra tôi, kết quả tôi đọc thuộc lòng được, bé thật là hứng thú nói lại đọc thuộc thêm một bài, xem chúng ta ai thuộc nhanh, tôi liền đồng ý.

Cứ như vậy bé bắt đầu vui vẻ đọc thuộc Pháp, mỗi ngày khoảng 3-5 bài, liên tục như thế đến “Hồng Ngâm III”. Trong lúc bất tri bất giác, tôi phát hiện con tôi hơn nửa năm không phát sốt. Chao ôi, niệm này vừa khởi liền không đúng, thật là cầu cái gì đến cái ấy, không bao lâu sau, con tôi lại phát sốt, tâm của tôi lập tức lại căng thẳng.

Lần này không bị co giật, mà là biểu hiện tỳ vị không khỏe, đồ ăn không ăn vào được, ăn vào cái gì thì nôn cái ấy ra, uống nước cũng nôn, tôi bèn chăm sóc bằng cách cho bé ăn mỗi lần một ít và chia thành nhiều bữa. Tôi phát hiện sau bé nôn nhiều lần thì sẽ giảm sốt, còn những thứ bé nôn ra không phải là thức ăn ăn vào, mà là những thứ dạng như bông màu trắng sền sệt, càng nôn ra nhiều thì sốt giảm càng nhanh. Tôi hiểu ra, đây là Sư phụ tịnh hóa thân thể cho Hổ Hổ, lòng tôi kiên định, tôi biết con đường nhân sinh của Hổ Hổ từ đây về sau được thay đổi rồi, một đời của bé chính là trọn đời tu luyện, tôi không thể lại xem bé như người thường mà chăm sóc nữa, mà là tiểu đồng tu của tôi! Tôi nói cho bé biết: “Hổ Hổ, con không cần sợ, Sư phụ tịnh hóa thân thể cho con đó, sau khi đem mấy thứ không tốt nôn ra xong thì thân thể sẽ khỏe thôi, nhưng quá trình này sẽ khó chịu chút, con phải kiên cường nhé”. Hổ Hổ gật đầu đồng ý.

Về sau quá trình tịnh hóa như vậy còn diễn ra thêm hai lần, sau đó tôi phát hiện con tôi thay đổi hoàn toàn, trở thành một đứa trẻ hoàn toàn khỏe mạnh. Trước đây Hổ hổ rất kén chọn đồ ăn, ngoài khoai tây và cà chua ra, những rau củ khác hết thảy đều không ăn, thịt thì chỉ ăn mấy miếng thịt heo nhỏ mềm, còn lại không ăn, giống như đồ ăn của nhân gian đều không phải là khẩu vị của bé vậy, cho nên Hổ Hổ vẫn luôn rất gầy, khiến cho người ta cảm thấy bộ dạng con rất yếu ớt, suy dinh dưỡng. Mà từ đó về sau tôi làm các loại đồ ăn khác, bé cũng có hứng thú nếm thử, sau đó nói ăn ngon, rồi bắt đầu ăn, tôi lập tức có tinh thần hào hứng nấu đồ ăn ngon, nấu thay đổi các món cho bé, bé đều ăn hết.

Dần dần sức khỏe của bé ngày càng tốt hơn, ngay cả chứng dị ứng cũng đã hết, trên thân cũng đã mập thêm chút thịt, lớn lên giống như một con nghé con, cũng không còn là “đầu củ cải nhỏ” như trước nữa. Chiều cao và cân nặng đều ngang bằng với những đứa trẻ cùng tuổi có dáng dấp vượt trội. Tôi hiểu rằng Sư phụ sợ là tịnh hóa một lần thì bé sẽ không chịu nổi, nên phân ra thành nhiều lần tịnh hóa thân thể cho bé, trong quá trình này không biết Sư phụ đã phải gánh chịu biết bao nhiêu!

Đề cao tâm tính

Từ sau khi được Sư phụ tịnh hóa thân thể cho đến bay giờ, Hổ Hổ đã được hơn 10 tuổi rồi, không hề tái phát một lần sốt nào cả! Không hề uống một viên thuốc nào. Tất nhiên mục đích tu luyện không phải là để trừ bệnh khỏe thân, mà là phản bổn quy chân! Sức khỏe của bé tốt rồi, thì khảo nghiệm về mặt tâm tính cũng đến, tôi xin kể vài trường hợp đề cao tâm tính của bé.

Lúc Hổ Hổ 4-5 tuổi đi nhà trẻ, tôi thường xuyên đến đón trễ (bởi vì công ty cách xa nhà), bé thường là đứa trẻ được đón cuối cùng. Có lần khi tắm cho bé vào buổi tối, tôi phát hiện trên cánh tay của bé có dấu răng cắn rất sâu đã xanh tím, rõ ràng là dấu răng của trẻ con. Tôi hỏi bé là ai cắn con? Bé nói là do con của cô giáo cắn, tôi nói: “Cô giáo mặc kệ sao?” “Cô giáo không ở đó, lại để cho hai chúng con chơi với nhau, con không nói cho cô giáo, nếu như mẹ bạn ấy mắng bạn ấy thì làm sao bây giờ? Con làm anh, con nên nhường em ấy”. “Sao lại cắn lợi hại như vậy?” “Em ấy cắn không thả ra”, tôi kinh ngạc, đau lòng nói: “Con không đâu sao?”, “Mới đầu thì đau, con bèn niệm ‘Pháp Luân Đại Pháp hảo’, một lát thì không đau nữa. Lúc đầu em ấy rất tức giận, sau đó cười lên, bèn buông con ra”. Tôi thực sự mừng cho bé, bé không những có thể nhẫn, mà còn biết nghĩ cho người khác, quan này bé đã vượt qua được rồi, còn đau đớn là do Sư phụ chịu đựng thay cho bé! Tôi không đi gặp cô giáo kia nữa.

Một lần tôi đưa Hổ Hổ đến khu vui chơi trẻ em ở KFC chơi (lúc đó Hổ Hổ cũng 4,5 tuổi), tôi đứng bên ngoài nhìn xem bé chơi. Lúc đó có một bé trai nói với một bé gái rằng: “Bạn đánh nó đi (chỉ Hổ Hổ)!” Bé gái kia rất nghe lời đánh vào đầu của Hổ Hổ, chỉ thấy nắm đấm như mưa rơi vào đầu nhỏ của Hổ Hổ, hai đứa bé kia đều lớn hơn Hổ Hổ, hơn nữa bé gái lại mập mạp, có lẽ nắm đấm của cô bé cũng có sức lực. Hổ Hổ giống như bị tình huống bất thình lình làm cho choáng váng, đứng chịu trận không nhúc nhích, bé gái kia đánh rất vui vẻ, giống như là đang đánh trống vậy; bé trai đứng một bên đắc ý cười lên, còn nói với mẹ của mình, “mẹ xem kìa!”, mẹ của cậu cũng cười theo, giống như con của cô ta thật có bản lĩnh vậy. Tôi nghĩ đến “đả bất hoàn thủ, mạ bất hoàn khẩu” trong “Chuyển Pháp Luân” Sư phụ đã giảng, tôi nhẫn một phút, Hổ Hổ không phản kháng gì, tôi bèn mở miệng nói: “Dừng lại! Bé gái kia, vì sao cháu lại muốn đánh bạn? Cháu còn không ngừng sao!” Tôi gọi Hổ Hổ tới, xỏ giày vào cho bé chuẩn bị đi. Lúc này mẹ của cậu bé kia mở miệng nói: “Xem cô đã dọa đứa bé sợ kìa!” Tôi nhìn lại, cô ta chỉ chính là bé gái kia (chắc cô ta thấy chúng tôi không có phản ứng gì), tôi thấy cô bé này không phải là bị dọa sợ, chỉ là không có ai để ỷ lại, cha mẹ của cô bé không có ở đây, nên không biết làm thế nào bây giờ. Tôi nghĩ thầm đánh người khác không bị chỉ trích ngược lại người bị đánh thì bị chỉ trích, đây là đạo lý gì chứ! Cho nên cô ta mới có thể giáo dục ra một đứa con trai ngang ngược bắt nạt người khác như vậy! Nhưng tôi không muốn ầm ĩ với cô ta, bèn nói một câu: “Là cậu bé này (chỉ vào con trai cô ta) bảo bạn này (chỉ vào bé gái kia) đánh đứa bé này (chỉ vào Hổ Hổ)”. Cô ta thấy tôi đều biết, bèn trừng mắt nhìn tôi một cái rồi không nói nữa.

Sau khi tôi dắt Hổ Hổ đi ra ngoài, hỏi Hổ Hổ bị đánh đau không? Bé nói mới đầu có đau một chút, về sau liền không cảm thấy đau, con niệm “Pháp Luân Đại Pháp hảo”. Tôi hiểu rồi, bé “ngốc” là bởi vì bé đang niệm câu chân ngôn! Lại là Sư phụ chịu đựng thay cho Hổ Hổ!

Vào học kỳ I năm lớp hai, con tôi đã gặp phải chuyện như thế này: Một lần ở tiết học múa, Hổ Hổ bị bạn học khác vấp té xuống, vị trí dưới eo va vào mép nhô ra của bậc bước lên bục giảng, khi đó rất đau, bé đứng dậy cảm thấy bước đi có chút khó khăn, bèn nói với giáo viên chủ nhiệm lớp rằng bé bị vấp chân một cái, có chút đau, muốn ngồi xuống nghỉ ngơi một chút. Kết quả giáo viên chủ nhiệm nói với bé rất nghiêm túc rằng trở về chỗ, ý là không được nghỉ ngơi. Hổ Hổ cảm thấy rất ủy khuất, bèn đi cà nhắc trở lại cùng với các bạn, thế nhưng cũng không cách nào hoàn thành động tác giáo viên yêu cầu, cứ như vậy học xong tiết học.

Khi bé về nhà nói với tôi thì trong mắt bé còn có nước mắt, tôi biết chân của Hổ Hổ bị đau rồi, chứ không phải là giả làm bộ, tôi nhìn thấy trên da của bé có vết màu xanh, bèn nghĩ nên nói chuyện với giáo viên một chút, giải thích xem sao. Bèn gửi tin nhắn nói rằng bé khi lên lớp bị vấp chân té đau thực sự mới đề nghị với cô xin được nghỉ ngơi, không có ý gì khác! Kết quả giáo viên gửi lại tin nhắn, ý nói là tôi chỉ tin lời con mà không tin tưởng giáo viên! Trời ạ, tôi như thế nào gặp phải một giáo viên như vậy! Tôi cảm thấy chuyện không ổn, đúng như dự đoán, sinh hoạt ở trường của con tôi từ đó liền bắt đầu ác mộng không ngừng: trong thời gian ở trường, vị giáo viên chủ nhiệm này vô cớ gây chuyện phê bình bé; hạn chế bé uống nước, đi vệ sinh; xúi giục những học sinh khác bắt nạt Hổ Hổ, lại còn đổ tội cho Hổ Hổ bắt nạt bạn học, bắt Hổ Hổ viết kiểm điểm; buổi trưa không cho nghỉ ngơi, phạt đứng; Hổ Hổ bởi vì uống ít nước, nóng người chảy máu mũi, cũng không để cho bé đến nhà vệ sinh rửa ….

Hổ Hổ bị các bạn học cô lập, cười nhạo, xem thường. Không có ai nói chuyện với bé, lúc này hổ Hổ còn chưa được 7 tuổi rưỡi. Trong thời gian này mỗi ngày đưa Hổ Hổ đến trường học, đối với tôi mà nói cũng là một loại giày vò – bé còn quá nhỏ, tôi sợ tâm hồn bé nhỏ của con không chịu nổi. Mới đầu tôi cố gắng tĩnh tâm xuống đi học Pháp, xem trong Pháp là giảng như thế nào, tôi muốn dựa theo yêu cầu của Pháp để làm, trong lòng tôi dần dần sáng tỏ. Hổ Hổ về nhà tôi cũng để con học Pháp cùng, chúng tôi trao đổi với nhau rằng cần dựa theo Pháp như thế nào để làm, đó chính là chúng tôi phải nhẫn, bởi vì cô giáo là người thường, chúng tôi là người tu luyện, yêu cầu của người tu luyện phải cao hơn nhiều so với người thường.

Sư phụ đã giảng:

“Uất hận, uỷ khuất, hay đẫm lệ là cái nhẫn của người thường với chấp trước vào tâm lo nghĩ, hoàn toàn không hề nảy sinh uất hận, không cảm thấy uỷ khuất thì mới là cái Nhẫn của người tu luyện”. (Thế nào là Nhẫn, Tinh Tấn Yếu Chỉ)

Trong nội tâm của Hổ Hổ cũng kiên định, bé nói: “Mẹ, con biết nên làm như thế nào rồi, chính là không để ở trong tâm”. Tôi nói: “Đúng vậy, chúng ta cùng nhau cố gắng vượt qua quan này, được không? Cũng may còn có một tháng nữa thì nghỉ học rồi, kiên trì nhiều lắm là một tháng, không có vấn đề gì cả, đúng không nào?” Hổ Hổ gật gật đầu nói: “Một tháng chính là bốn tuần đúng không ạ?” Tôi nói đúng rồi. Nghe bé hỏi vậy, tôi hơi có chút xót xa …

Trong sổ nhận xét cuối kỳ của Hổ Hổ, vị giáo viên chủ nhiệm này viết những lời chê bai và nói sai về nhân phẩm của Hổ Hổ, còn viết thêm mấy chữ “Chuyển trường thì phải mang theo giấy này” vào trong sổ nhận xét (cô ấy có thể cho rằng cô ấy chèn ép chúng tôi như thế, khẳng định chúng tôi sẽ chuyển trường), thật là đánh ngã người ta rồi còn muốn đạp thêm một cái! Sau khi nhìn thấy thì tôi cũng chỉ cười thản nhiên, không quan trọng, cô căn bản không động được tâm của tôi! Chúng tôi là người tu luyện, cô là người thường, người thường làm sao có thể động được người tu luyện chứ? Hết thảy những gì cô làm chẳng qua là thành tựu chúng tôi mà thôi, nhưng lại tạo nghiệp lực rất nhiều cho chính mình, tương lai cô còn phải hoàn lại nó. Qua học kỳ sau, tôi xin chuyển lớp cho Hổ Hổ, từ đó không gặp lại chuyện này nữa. Mà về sau nghe nói vị giáo viên ấy bị các phụ huynh làm cho phải chuyển đi dạy lớp khác.

Trải qua ma luyện trong đoạn thời gian này, tâm tính của tôi và Hổ Hổ đều đã đề cao lên, trong việc tu luyện Hổ Hổ cũng đã thành thục hơn nhiều, Hổ Hổ của tôi vẫn đơn thuần, đáng yêu, tỏa sáng, thiện lương như thế, thân thể khỏe mạnh, học tập tốt, ăn no, ngủ ngon, chúng tôi mỗi ngày đều rất vui vẻ, chỉ xem những chuyện này là để chúng tôi đề cao tâm tính, là nấc thang để thăng hoa tầng thứ. Chúng tôi ngày càng gần với tiêu chuẩn Chân-Thiện-Nhẫn, nội tâm an hoà và vui vẻ vô cùng.

Bài viết chỉ thể hiện quan điểm hoặc nhận thức của tác giả. Mọi nội dung đăng trên trang web này thuộc bản quyền của Minghui.org. Minh Huệ sẽ biên soạn các nội dung trên trang web và xuất bản theo định kỳ hoặc vào những dịp đặc biệt.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2021/10/6/429747.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2021/12/23/197106.html

Đăng ngày 08-03-2022; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share