Bài viết của Hoằng Thanh

[MINH HUỆ 19-09-2021] Tôi cùng mẹ bước vào tu luyện Pháp Luân Đại Pháp vào năm 1996, và giờ đây tôi đã là một học viên Đại Pháp trẻ tuổi. Năm 2013, một học viên điều phối giao cho tôi đảm nhận việc chỉnh sửa bài viết của các đồng tu địa phương, tôi đã làm công việc này được 8 năm.

Nhiều học viên lớn tuổi không biết chữ hay gặp khó khăn khi bắt đầu nên đã kể lại trải nghiệm của họ để tôi viết ra rồi sau đó tôi xắp sếp lại thành bài viết. Trong tám năm qua, thái độ của tôi đối với công việc này đã thay đổi rất nhiều.

Ban đầu, tôi nghĩ rằng mình đang giúp đỡ các đồng tu. Thế nhưng, thời gian trôi đi tôi nhận ra rằng mỗi bài viết đều là một “hạng mục nhỏ”, là một cơ hội phối hợp và chứng thực Pháp. Mọi người phối hợp với nhau để có thể đăng tất cả các “hạng mục nhỏ” này. Chúng thể hiện vẻ đẹp của Đại Pháp và cũng là tham chiếu cho các đồng tu. Ngay cả khi bản thảo không được chấp nhận thì quá trình này cũng là một quá trình tu luyện đối với chúng tôi.

Tôi muốn chia sẻ với mọi người về một số trải nghiệm của tôi trong khi biên tập các bài viết.

Hai “gậy cảnh tỉnh”

Khi tôi bắt đầu công việc này, hầu hết các bản thảo tôi nhận được ở dạng viết tay và thường không dễ đọc. Đầu tiên, tôi cần phải tìm hiểu và đọc kỹ toàn bộ nội dung trước khi nhập từng chữ vào máy tính. Sau đó, khi bắt đầu chỉnh sửa tôi nhận ra rằng có nhiều đoạn trùng lặp hoặc không cần thiết. Rất nhiều từ tôi đã đánh máy rồi lại phải xóa đi. Việc này lãng phí rất nhiều thời gian, khiến tôi bắt đầu phàn nàn trong tâm: “Tại sao bài này không viết mạch lạc được chứ? Toàn bộ cố gắng bỏ vào đây cũng đủ để mình viết xong cả một bài mới rồi!”

Lúc đó, tôi không nhận ra rằng việc này xảy ra là để tôi loại bỏ tâm lo lắng của bản thân. Vì coi việc biên soạn là nhiệm vụ nên tôi đã làm việc máy móc như một robot.

Tôi dành cả buổi chiều để chỉnh sửa hai bài viết rồi nhờ mẹ lưu chúng vào USB để chuyển cho học viên điều phối. Mẹ tôi đã mắc lỗi thao tác khiến những tệp này không thể khôi phục được nữa. Tôi rất buồn bởi tôi không lưu vào máy tính nên tất cả thành quả của tôi đều mất cả. Tôi tức giận và đổ lỗi cho mẹ mình. Nhưng mẹ tôi không những không cảm thấy có lỗi về điều đó mà bà còn gạt đi và nói: “Con chỉ cần viết lại là được rồi. Tại sao lại phải tức giận thế?”

Khi mẹ tôi nói điều này, tôi cảm thấy sôi máu và hoàn toàn mất kiểm soát. Tràn đầy tức giận, tôi nói: “Ai muốn viết thì viết, con không quan tâm!” Đồng tu điều phối không những không an ủi tôi mà cô ấy thậm chí còn đứng về phía mẹ tôi, nửa đùa nửa thật nói: “Con gái chị đây à? Sao con bé lại ương bướng thế nhỉ?” Tôi phát điên lên, đóng sầm cửa rồi bỏ đi.

Khi bước đi trên đường, tâm tôi đầy những suy nghĩ tiêu cực.

Sau khi về nhà, tôi dần bình tâm trở lại và nhận ra rằng mình cần phải có trách nhiệm với những bài viết được giao. Tôi tìm hai bản thảo viết tay đó và đánh máy lại. Vừa đánh máy, tôi vừa suy ngẫm về những thiếu sót trong tu luyện của mình.

Chẳng hạn, trước khi chuyển các tệp, tôi cần phải lưu lại một bản trên máy tính. Theo cách đó ngay cả khi có lỗi xảy ra tôi vẫn giữ được các bản thảo. Cách làm cẩu thả của tôi đã khiến những tệp này bị mất. Đó là do vô trách nhiệm với việc mình làm, sao tôi có thể đổ lỗi cho mẹ tôi được chứ?

Tôi dần bình tâm trở lại. Khi đánh máy, sự tức giận của tôi biến mất, tôi không cảm thấy mệt mỏi mà toàn thân như được bao trùm bởi một nguồn năng lượng ấm áp.

Sau khi gửi các bài viết, tôi tới gặp đồng tu điều phối. Cô ấy thảo luận về việc biên soạn của tôi và chỉ ra hai điểm mà tôi cần cải thiện: một là, các tiêu đề bài viết thường được phóng đại quá mức; hai là nội dung và từ ngữ sử dụng trong các bài viết tương tự nhau đến nỗi dường như là theo cùng một mẫu vậy.

Tôi phàn nàn trong tâm: Một số học viên không biết chữ trong khi những người khác lại toàn dùng ngôn ngữ địa phương. Riêng chỉ sắp xếp lại câu chữ sao cho logic cũng đòi hỏi nhiều nỗ lực rồi. Đôi khi, tôi cần bổ sung thêm một đoạn để liên kết các đoạn lại với nhau, vậy định dạng đơn điệu thì có làm sao?

Tuy nhiên, sau khi về nhà tôi nhận ra rằng những lời cô ấy nói là đúng! Khi tôi xem lại những bản thảo đã được chỉnh sửa, tôi thấy các tiêu đề nghe có vẻ to tát và phóng đại quá. Chẳng hạn như: “Thần tích đại hiển chấn động thiên địa”. Bài viết này nói về cuộc đối thoại giữa một người trồng cây ăn quả và những cái cây của ông ấy. Người nông dân này nói với cây của ông hãy nhớ Pháp Luân Đại Pháp là tốt. Sau đó, mặc dù không phun thuốc trừ sâu nhưng cây ăn quả của ông cũng không bị sâu bọ phá hoại, v.v.

Mặc dù một số bài viết sử dụng ngôn ngữ địa phương phong cách cũ nhưng những bài viết này lại sinh động và đi vào lòng người, khiến người ta có thể cảm nhận được nét thuần chân của học viên viết bài thông qua câu chữ. Tuy nhiên, sau khi tôi biên tập lại và thay thế bằng ngôn ngữ viết quy chuẩn, tất cả những điều này đã biến mất.

Tôi chợt hiểu ra rằng việc biên tập không phải là một vấn đề nhỏ và cũng đòi hỏi phải có trí huệ. Trước đây, tôi cảm thấy những gì mình biết là hoàn toàn đúng. Giờ tôi hiểu ra rằng ngôn ngữ mộc mạc của học viên có thể chạm tới tâm hồn của độc giả. Tôi nên giữ lại cách nói thuần chân của họ thay vì tìm kiếm một mẫu chuẩn cho mọi bài viết để độc giả cảm thấy rằng các bài viết này đều từ một khuôn mẫu.

Điều hối tiếc

Mỗi năm, Minh Huệ Net thường tổ chức Pháp hội trực tuyến hai lần. Một lần dành cho Ngày Pháp Luân Đại Pháp Thế giới, ngày 13 tháng 5, và lần còn lại là Pháp hội Minh Huệ. Trong những năm qua, nhu cầu về bài viết liên tục gia tăng. Để giảm khối lượng công việc cho tôi, đồng tu điều phối đã không chỉ tham gia chỉnh sửa bản thảo mà cô ấy còn sắp xếp để các đồng tu khác đánh máy bản thảo lưu vào file mềm trước khi gửi cho tôi. Tuy nhiên, sau khi khối lượng công việc nhẹ đi, tôi lại trở nên lười biếng. Thay vì tận dụng từng giây từng phút để biên tập như tôi từng làm trước đây, tôi cảm thấy mọi thứ đều trong tầm kiểm soát.

Đợi đến phút chót tôi mới làm, tôi thường phải thức thâu đêm và cuối cùng công việc cũng được hoàn thành.

Có những trải nghiệm đau thương như thế, lẽ ra tôi cần phải rút ra được bài học cho bản thân mình. Vậy mà, khi Pháp hội bắt đầu nhận các bài viết năm tiếp theo, tôi lại vẫn trì hoãn cho tới phút cuối. Mẹ đã nhiều lần nhờ tôi sửa giúp bài viết của bà nhưng tôi lại để qua một bên với lý do rằng: “Con cần ưu tiên người khác trước người nhà”.

Tôi cũng không bắt tay vào viết bài viết cho riêng mình. Tôi đã quá tự tin vào bản thân, nghĩ rằng khi viết xong bài của tôi và mẹ thì tôi chỉ cần vài tiếng đồng hồ là chỉnh sửa xong.

Tuy nhiên, hai ngày trước hạn nộp bài, đồng tu điều phối giao cho tôi một việc mới đó là giúp bà Jin viết bài. Bà Jin là một học viên lớn tuổi rất tinh tấn trong tu luyện và đã trải nghiệm vô số điều kỳ diệu. Bài viết này có tổng cộng khoảng 7.000 chữ. Ngay khi tôi vừa viết xong thì Hua lại tới và nhờ giúp.

Buổi chiều cuối cùng trước hạn nộp bài, thật không ngờ, bà Lian tới với một bài viết của em gái và của bản thân bà. Bài viết của em gái bà ở dạng viết tay khiến vấn đề trở nên tệ hơn. Một cảm giác bất lực xuất hiện trong tâm tôi. Tôi cảm thấy các bài viết liên tục tới, như nguồn nước vậy. Tôi liên tục đánh máy, và cuối cùng, tôi đã hoàn thành các bài viết này và gửi chúng một giờ trước hạn cuối của Minh Huệ.

Nhưng vấn đề là bài viết của tôi và của mẹ tôi vẫn chưa được chỉnh sửa. Chúng chỉ là bản thảo viết thô và chưa có thời gian để hoàn thành chi tiết.

Thấy tình trạng này, mẹ tôi bèn nói rằng bà sẽ không tham gia năm nay. Mẹ bảo tôi hãy sử dụng tốt thời gian để hoàn thành bài viết của bản thân mình. Tôi vội vàng hoàn thành bài viết của mình và gửi đi. Tuy nhiên, tôi đã nộp trễ. Tôi thấy thời gian gửi bài của mình được ghi là 12 giờ 1 phút. Tâm tôi tràn ngập sự hối tiếc.

Khi tôi phát chính niệm lúc nửa đêm, tôi đã trông thấy cảnh tượng sau: Pháp hội trực tuyến bắt đầu. Phật giới trong cảnh giới khác đã mở cổng trời và âm nhạc liên tục vang lên sau hậu trường. Các học viên đã gửi bài ôm bài viết của mình thăng lên. Được các thiên nữ trải hoa và những đám mây tốt lành mở đường, những học viên này được dẫn tới một hành lang lộng lẫy trên Thiên thượng. Khi hạn cuối của Pháp hội tới, cổng trời cũng dần đóng lại.

Nhớ ra bài viết của mình chỉ chậm một phút là được vào đại sảnh thiên thượng thông qua khe cửa của cổng trời, trong lòng tôi càng lúc càng cảm thấy khó chịu. Khi mở mắt ra, tôi thấy mẹ đang phát chính niệm với khuôn mặt đẫm lệ.

Mẹ bảo bà cũng muốn tham gia Pháp hội năm nay nhưng nhận thấy vẫn còn quá nhiều bản thảo của các học viên cần hoàn thành nên cuối cùng bà quyết định từ bỏ. Tôi nhận ra rằng bà chỉ cố gắng tỏ ra bình thản. Bà nói bà hy vọng ít nhất một người trong hai mẹ con chúng tôi có thể tham gia Pháp hội thiêng liêng này.

Lúc đó, tâm tôi tràn đầy hối tiếc. Tôi nhận ra rằng thói quen trì hoãn của tôi đã khiến mẹ tôi lỡ mất Pháp hội lần này. Tôi cảm thấy thực sự tồi tệ khi nhớ lại việc mẹ đã nhiều lần giục tôi hoàn thiện bài viết cho bà nhưng tôi cứ bỏ qua. Tuy nhiên, mẹ nói rằng mặc dù bà không thể tham dự Pháp hội lần này nhưng bà có thể cảm nhận được sự gia trì của Sư phụ. Điều ngạc nhiên là mẹ cũng thấy những cảnh tượng giống như tôi đã thấy. Vào khoảnh khắc đó, chúng tôi thực sự hiểu được mục đích của Pháp hội.

Tôi quyết định rằng ngay cả thời hạn nộp bài đã qua, tôi vẫn cứ hoàn thiện bài viết của mẹ tôi và gửi tới Minh Huệ. Ngay khi mở hòm thư điện tử ra, tôi nhận được thư từ đồng tu điều phối. Cô ấy biết bài viết của mẹ tôi vẫn chưa được biên tập nhưng cô vẫn khuyến khích chúng tôi gửi đi.

Qua trải nghiệm này, tôi nhận ra rằng tất cả các học viên cần phải cố gắng hết sức để tham gia và viết bài sớm. Chúng ta không nên đợi tới phút cuối rồi mới bắt đầu viết, bởi điều đó sẽ khiến những học viên địa phương phụ trách việc sửa bài bị quá tải, các học viên Minh Huệ Net thậm chí còn bận rộn hơn. Tất cả chúng ta cần coi mỗi Pháp hội như một hạng mục cần sự phối hợp nghiêm túc của mỗi thành viên.

Học cách trân quý các đồng tu

Trải nghiệm của tôi khi chỉnh sửa các bài viết cho Pháp hội năm nay rất lạ thường. Trước đây, việc chính của tôi là biên tập các bản thảo. Năm nay, tôi được yêu cầu tới gặp các học viên lớn tuổi và giúp họ viết bài. Đầu tiên, khi nghe họ kể lại những trải nghiệm của họ, tôi không cảm thấy gì cả . Sau nhiều năm làm công việc biên tập này, tôi đã quen với tất cả các loại trải nghiệm tu luyện kỳ diệu.

Sau đó, tôi nhận ra rằng điểm nhấn của các bài viết không nên nói nhiều về trải nghiệm mà nên tập trung vào việc học viên đó đã thay đổi thế nào trong quá trình này. Tôi bắt đầu trao đổi sâu hơn với họ, tìm hiểu suy nghĩ bên trong của họ.

Tôi phát hiện rằng mỗi học viên đều đáng trân quý. Trong số các học viên cao tuổi, có mấy học viên đã ngoài 70 tuổi nhưng vẫn có thể đi xe đạp rất nhanh. Một số họ thì tóc đen đang mọc lại dần thay thế tóc bạc. Một số học viên khác không hiểu các Pháp lý trong giai đoạn đầu của quá trình tu luyện nên họ mắc kẹt trong các khổ nạn trong một thời gian dài.

Mặc dù vậy, họ vẫn hàng ngày tinh tấn dậy sớm vào mỗi buổi sáng để luyện công, học Pháp và ra ngoài cứu chúng sinh. Họ không chểnh mảng làm ba việc. Thái độ không sợ thất bại và quyết tâm kiên định tu luyện là điều mà các học viên trẻ như tôi còn thiếu.

Tôi nhận ra rằng nếu nhiều năm trước, tôi giúp đỡ những học viên gặp vấn đề về viết lách thì các bài viết chứng thực Pháp sẽ được thế giới dễ dàng biết tới hơn. Tôi cảm thấy hối tiếc khi nhìn vào những học viên lớn tuổi này. Tôi cũng rất tôn trọng học viên Ting, người không chỉ qua lại để động viên những học viên lớn tuổi gửi bài chia sẻ và còn đưa tôi đến thăm họ.

Trong quá trình này, tôi đã chia sẻ công việc với Mei, một học viên khác. Chúng tôi đã giúp 20 học viên viết bài chia sẻ. Sau mấy buổi chiều bận rộn, tôi nghĩ tôi có thể nghỉ giải lao thì Ting đến và thông báo với tôi rằng cô ấy đã thuyết phục được tám học viên gửi bài viết của họ. Mei và tôi đã tới địa điểm tiếp theo để làm việc. Tuy nhiên, trước khi chúng tôi hoàn thành 8 bài viết thì Ting lại báo cho chúng tôi rằng có 7 học viên nữa đang cần hỗ trợ.

Bởi Mei và tôi sinh sống trong khu vực thành phố, nơi tương đối xa so với những địa điểm này nên các bài viết được viết vào buổi chiều sẽ được chỉnh sửa vào sáng hôm sau. Mei cần đón con và tôi phải chuẩn bị đi học. Khi Ting tiếp tục chấp nhận yêu cầu giúp đỡ mà không có sự đồng ý của tôi, Mei và tôi bắt đầu có phản ứng.

Mặc dù tôi không nói gì nhưng tôi phàn nàn trong tâm. Tệ hơn là, tôi cảm thấy thiếu tôn trọng Ting khi tôi trông thấy cô ấy. Tôi cảm thấy cô ấy khá tận tụy nhưng không suy nghĩ cho người khác. Tôi cũng cảm thấy những học viên lớn tuổi này diễn đạt quá dài dòng và không đi vào trọng tâm.

Sau khi hoàn thành công việc, khi chúng tôi đi xuống cầu thang thì Ting nói cô ấy cũng cần tôi giúp đỡ viết bài. Tôi lập tức nói: “Không được có chấp trước dựa dẫm vào người khác. Em còn nhiều bài viết vẫn chưa chỉnh sửa được. Trước đây, chị luôn tự viết bài và chúng khá tốt mà”. Ting nói: “Chị không biết diễn đạt một câu thế nào và chị chỉ biết đánh máy sử dụng bính âm thôi. Hơn nữa, chị đánh máy chậm lắm”.

Tôi không đáp lại, nhanh chóng đi xuống rồi rời đi. Vài ngày sau, Ting tới nhà tôi. Bởi không ai ở nhà nên cô ấy ra về. Lần thứ hai Ting muốn đến nhà tôi nhưng trời mưa nặng hạt, cô ấy lo rằng sẽ không thể về nhà đúng giờ nên đã hủy kế hoạch. Cuối cùng, cô ấy đã gặp được tôi và chúng tôi đã chia sẻ những suy nghĩ của mình.

Tôi nhận ra rằng Ting suy nghĩ các vấn đề dựa trên cơ điểm của Pháp. Khi nhận được thông báo về việc gửi bài, điều đầu tiên cô ấy nghĩ tới đó là điều mà Sư phụ mong muốn.

Nhiều học viên lớn tuổi kể lại trải nghiệm tu luyện của họ, đã không biết làm thế nào để hướng nội hoặc mắc kẹt trong quá trình tu luyện. Ting cảm thấy những học viên trẻ như chúng tôi không có quá nhiều quan niệm và chúng tôi nói chuyện thẳng thắn hơn. Theo cách này, chúng tôi có thể giúp những học viên lớn tuổi hướng nội và làm sáng tỏ suy nghĩ của họ.

Trong khi giúp Ting viết bài, tôi nhận ra rằng bài viết của cô ấy đã ghi lại sự ra đời và phát triển của điểm giảng chân tướng cùng quá trình nỗ lực của hàng chục học viên, những người đã tham gia hạng mục giảng chân tướng. Cô ấy nói rằng cô ấy nhờ tôi ba lần bởi cô ấy từng nghĩ tôi sẽ giúp cô ấy.

Tôi hướng nội và nhận ra rằng mình chỉ tập trung vào “tôi, bản thân, và tôi”, còn Ting đã nhảy ra khỏi cái khung chật hẹp này để nghĩ cho người khác. Bài viết của cô ấy được cho là do tôi viết! Tôi cũng nên giúp những học viên lớn tuổi bởi vì Sư phụ đã ban cho tôi trí huệ và năng lực để làm việc đó. Đây là trách nhiệm của tôi và là điều mà Sư phụ đã an bài.

Lúc đó, tôi thực sự cảm nhận rằng tất cả những quan niệm mà tôi đã nghĩ về mọi người đều là giả tướng. Một người có hấp dẫn hay không, anh ta làm loại công việc gì, tất cả những điều này đã khiến tôi mê mờ. Tôi muốn thanh trừ chúng. Tôi muốn đồng hóa với Pháp và là một lạp tử linh hoạt theo yêu cầu của Pháp. Như biết bao đồng tu khác, khi cần chúng tôi kết hợp với nhau thành một chỉnh thể, còn khi không, chúng tôi phân tán thành những lạp tử độc lập.

Trên đây là trải nghiệm tu luyện bản thân tôi thông qua quá trình tham gia vào hạng mục chỉnh sửa các bài viết. Con xin Tạ ơn Sư phụ vì sự bảo hộ từ bi của Ngài, xin cảm ơn các đồng tu vì đã luôn nhắc nhở và động viên tôi.

Trong bài viết có gì chưa phù hợp, xin vui lòng chỉnh lý.

Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác phát hành trên Minghui.org đều thuộc bản quyền của trang Minh Huệ. Khi sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, vui lòng ghi lại tiêu đề gốc và đường link URL, cũng như dẫn nguồn Minghui.org.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2021/9/19/431268.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2021/12/8/196906.html

Đăng ngày 07-03-2022; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share