Bài viết của phóng viên Minh Huệ tại tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc

[MINH HUỆ 31-01-2022] Ngày 13 tháng 9 năm 2021, một cư dân thành phố Sán Đầu, tỉnh Quảng Đông bị kết án 3,5 năm tù vì tu luyện Pháp Luân Công. Tòa án cấp cao hơn đã bác bỏ kháng cáo của bà.

Pháp Luân Công, còn được gọi là Pháp Luân Đại Pháp, là môn tu luyện đã bị chính quyền cộng sản Trung Quốc bức hại từ năm 1999.

Gia đình bà Thái Ngọc Thường khẳng định rằng bà không làm sai bất cứ điều gì khi tu luyện Pháp Luân Công và cố gắng trở thành người tốt. Chính tòa án đã vi phạm luật pháp khi ngăn cản người con trai đại diện cho bà và tổ chức phiên xét xử mà không thông báo cho gia đình bà hay biết.

Bắt giữ và truy tố

Bà Thái, 70 tuổi, bị bắt ngày 12 tháng 12 năm 2020, sau khi bị hai nam thanh niên báo cáo khi bà tặng họ tài liệu thông tin về Pháp Luân Công tại một siêu thị. Hồng Chi Đức, nhân viên Đồn Cảnh sát Ngoại Sa, đã tịch thu các sách Pháp Luân Công của bà và đưa bà đến Trại Tạm giam Đà Phổ.

Phòng Cảnh sát Quận Long Hồ sau đó đã đệ trình hồ sơ vụ việc của bà Thái đến Viện Kiểm sát Quận Long Hồ và hồ sơ vụ việc được tiếp nhận vào ngày 23 tháng 2 năm 2021.

Ngày 5 tháng 3 năm 2021, ông Tạ Thuần Trạch, con trai cả của bà Thái, đã tới Viện Kiểm sát để hỏi về vụ việc của bà. Nhân viên lễ tân cho biết có hai khả năng, hoặc là họ sẽ truy tố ra tòa, hoặc là họ sẽ chuyển trả hồ sơ vụ việc của bà về cho cảnh sát. Khi ông Tạ tiếp tục đến lần nữa vào ngày 18 tháng 3, ông được thông báo rằng Viện Kiểm sát Quận Long Hồ đã chuyển vụ việc của bà Thái cho Viện Kiểm sát Quận Kim Bình vào ngày 15 tháng 2, vậy mà vào ngày 5 tháng 3 trước đó, khi ông Tạ đến đó hỏi, nhân viên lễ tân lại không hề nói gì về việc này.

Ngày 19 tháng 3, ông Tạ đến Viện Kiểm sát Kim Bình để hỏi về vụ việc của mẹ mình. Nhân viên lễ tân ở đó yêu cầu ông phải xuất trình thông báo tạm giữ hình sự đối với bà Thái rồi họ mới có thể tra tìm hồ sơ vụ việc cho ông. Ông Tạ cho biết cảnh sát chưa từng cung cấp thông báo tạm giữ hình sự nào của bà Thái cả, nhưng ông khẳng định rằng Viện Kiểm sát Kim Bình có hồ sơ của bà Thái, bởi vì viện kiểm sát trước đó đã nói rất rõ ràng rằng họ đã chuyển hồ sơ vụ việc của bà Thái cho Viện Kiểm sát Kim Bình. Nhân viên lễ tân ở Viện Kiểm sát Quận Kim Bình quả quyết rằng phải có thông báo tạm giữ hình sự của bà Thái rồi họ mới có thể cung cấp thông tin về vụ việc bà.

Mãi cho đến ngày 19 tháng 4, gia đình bà Thái mới phát hiện được rằng công tố viên Lưu Duyệt của Viện Kiểm sát Quận Kim Bình đã khởi tố bà Thái vào cuối tháng 3. Thẩm phán Dương Tuấn Dung của Tòa án Quận Kim Bình được giao thụ lý vụ việc của bà Thái.

Con trai bị ngăn cấm đại diện cho mẹ

Ngày 17 tháng 5 năm 2021, ông Tạ Thuần Trạch cùng em trai là Tạ Thuần Phong, đã đến Tòa án Quận Kim Bình để nộp Giấy ủy quyền, theo đó ông Tạ Thuần Phong sẽ đại diện cho bà Thái. Ông Tạ Xuân Phong từng là thư ký tại Tòa Trung cấp Thành phố Sán Đầu nhưng đã bị mất việc vì tu luyện Pháp Luân Công.

Một thư ký tòa án họ Lý đã tiếp nhận Giấy ủy quyền nhưng lại yêu cầu ông phải xuất trình văn bản của cảnh sát xác nhận rằng ông không có bất cứ tiền án tiền sự nào.

Chiều hôm đó, ông Tạ đến Đồn Cảnh sát Ngoại Sa và đề nghị cấp giấy xác nhận này. Trước đó, ông Tạ đã từng phải thụ án hai năm ở trại lao động vì tu luyện Pháp Luân Công. Cảnh sát họ Ngô và một cảnh sát khác họ Vương, sau khi xin chỉ thị của cấp trên, đã thông báo lại rằng do thiết lập của hệ thống máy tính nên dù chỉ bị xử phạt hành chính họ cũng không thể làm giấy xác nhận không có tiền án tiền sự được. Tuy nhiên, họ cho biết nếu tòa án có văn bản chính thức yêu cầu họ xác nhận rằng ông Tạ không có tiền án tiền sự thì họ có thể làm như vậy.

Ông Tạ đã đến tòa hai lần, một lần vào ngày 19 và một lần vào ngày 20 tháng 5 và giải thích sự việc. Cả hai lần, thẩm phán Dương Tuấn Dung đều cử người khác tiếp ông Tạ tải sảnh tiếp đón. Lần thứ nhất, thẩm phán Dương đã cử thư ký họ Lý ra tiếp và lần thứ hai cử thư ký họ Lý cùng một thẩm phán khác họ Lâm, nói là trợ lý của thẩm phán Dương, tiếp ông Tạ. Thẩm phán Lâm cho biết thái độ của phía đồn cảnh sát cho thấy họ không thể đưa ra văn bản xác nhận, như vậy, nếu phía tòa gửi văn bản yêu cầu cho cảnh sát, thì chẳng như tòa đã chứng minh ông Tạ chưa từng có tiền án tiền sự. Cho nên thẩm phán Lâm nhắc lại hai lần rằng họ không thể làm như vậy được. Và điều đó rốt cuộc đã tước đoạt phi pháp quyền biện hộ của ông Tạ cho người mẹ của mình.

Ông Tạ đến tòa thêm hai lần nữa vào ngày 26 và 28 tháng 5, nhằm cố gắng thuyết phục tòa án nhưng vô ích. Mặc dù thẩm phán Lâm hứa rằng họ sẽ không tổ chức phiên xét xử cho đến khi vấn đề đại diện pháp lý được giải quyết, nhưng rốt cuộc tòa đã xét xử bà Thái vào ngày 10 tháng 8 qua một phiên tòa trực tuyến mà không thông báo gì cho ông Tạ.

Kết án tù

Ngày 13 tháng 9 năm 2021, thẩm phán Dương đã kết án bà Thái 3,5 năm tù cùng mức phạt 10.000 nhân dân tệ, với cáo buộc “sử dụng tổ chức tà giáo để phá hoại việc thực thi pháp luật”, một tội danh định sẵn thường được dùng để bỏ tù các học viên Pháp Luân Công.

Bà Thái đã kháng cáo lên Tòa Trung cấp Thành phố Sán Đầu. Hội đồng xét xử gồm ba thẩm phán Trịnh Hướng Hồng, Trần Liên Gia và Lâm Hoành Bân đã ra phán quyết giữ nguyên bản án ban đầu của bà Thái đưa ra vào ngày 30 tháng 11 năm 2021. Bà Thái đã bị giam giữ tại trại tạm giam Đà Phổ từ ngày 8 tháng 1 năm 2022.

Những bức hại mà gia đình phải gánh chịu

Kể từ khi cuộc bức hại bắt đầu, gia đình bà Thái đã phải chịu vô số bức hại vì họ chia sẻ thông tin về Pháp Luân Công.

Con trai cả của bà Thái, ông Tạ Thuần Trạch, chủ một cửa hàng quần áo, đã bị bắt vào tháng 3 năm 2000 vì đến Bắc Kinh thỉnh nguyện cho Pháp Luân Công. Ông bị giam giữ tại Trại Lao động Cưỡng Bức Tham Thủy trong hai năm hai tháng. Lính canh đã sốc điện ông bằng dùi cui điện, bức thực và trộn lẫn thuốc độc vào thức ăn của ông. Việc tra tấn khiến ông bị ảo giác và đau đầu dữ dội. Ông bị bắt một lần nữa vào tháng 1 năm 2004 và bị thẩm vấn trong sáu ngày mà không hề được ngủ. Một lính canh đã dùng giày đánh vào đầu khiến ông bị thương nghiêm trọng.

Con trai thứ của bà Thái, ông Tạ Thuần Phong, bị bắt vào tháng 8 năm 1999 vì tham gia kháng nghị tại Quảng trường Thiên An Môn ở Bắc Kinh để phản đối cuộc bức hại. Chính quyền đã giam giữ ông tại Bệnh viện Tâm thần Sán Đầu trong chín tháng và tiêm thuốc độc hại vào người ông, khiến đầu ông bị lệch và củng mạc (phần lòng trắng của mắt) bị chuyển sang màu vàng. Sau đó, ông hai lần phải lãnh án tại Trại Lao động Cưỡng bức Tam Thủy, một lần vào năm 2000 với thời hạn một năm và một lần vào năm 2001 với thời hạn hai năm. Chính quyền còn đưa ông đến một trung tâm tẩy não và giam giữ ông ở đó thêm ba tháng nữa sau khi ông đã kết thúc thời hạn thụ án tại trại lao động lần thứ hai.

Con gái bà Thái, cô Tạ Thuần Dao là phiên dịch viên làm việc tại Quảng Châu, cũng bị giam giữ và bị tra tấn tại Trại Lao động Cưỡng bức Tra Đầu.

Bà Thái đã liên tục bị sách nhiễu và nhiều lần bị giam giữ trong các trung tâm tẩy não. Bà bị kết án 1,5 năm vào năm 2011. Chồng bà, ông Tạ Quý Tề, không tu luyện Pháp Luân Công, đã bị suy sụp khi phải chứng kiến người thân bị bức hại và ông đã qua đời trong sự đau khổ tột cùng.

Các báo cáo liên quan

Ba cụ bà ở Quảng Đông trở thành mục tiêu bức hại của chính quyền khi nói với người khác về Pháp Luân Công

Các con bị tra tấn, mẹ bị giam tại một trại tẩy não, cha qua đời vì căng thẳng và đau buồn

Bài viết chỉ thể hiện quan điểm hoặc nhận thức của tác giả. Mọi nội dung đăng trên trang web này thuộc bản quyền của Minghui.org. Minh Huệ sẽ biên soạn các nội dung trên trang web và xuất bản theo định kỳ hoặc vào những dịp đặc biệt.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2022/1/31/437908.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2022/2/26/199323.html

Đăng ngày 02-03-2022; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share