Bài viết của một học viên Pháp Luân Đại Pháp tại Đài Loan
[MINH HUỆ 07-12-2021] Thiên Quốc Nhạc Đoàn Đài Loan được thành lập vào tháng 9 năm 2006 và tôi tham gia ở vị trí người thổi piccolo.
Vào dịp năm mới 2007, tôi chỉ mới học được hai bài khi chúng tôi bắt đầu diễu hành tại Hồng Kông. Chúng tôi cảm thấy cứu người ở Hồng Kông là trách nhiệm và sứ mệnh của chúng tôi-nhiều du khách đến từ Trung Quốc đã tới đó xem. Tuy nhiên, sau năm 2015, nhiều thành viên đoàn nhạc chúng tôi bị từ chối thị thực.
Năm 2015 cũng có những thay đổi nội bộ trong đoàn nhạc. Chúng tôi có một Nhạc trưởng chuyên nghiệp thực hiện một quy trình đào tạo âm nhạc chính quy. Chúng tôi học lý thuyết cơ bản, luyện tập kỹ năng cơ bản, và thiết lập một hệ thống kiểm tra việc chơi các bài chúng tôi sẽ biểu diễn. Mọi người đều được thúc đẩy để cải thiện và nâng cao kỹ năng âm nhạc của mình.
Được truyền cảm hứng từ một sự kiện ở Nhật Bản
Tôi được thông báo về một sự kiện vào tháng 8 năm 2016. Chúng tôi được yêu cầu hỗ trợ cho một buổi biểu diễn trong lễ kỷ niệm tại một trong những trường đại học danh tiếng của Nhật Bản. Chúng tôi cần phối hợp với các thành viên của Thiên Quốc Nhạc Đoàn tại Nhật Bản. Vì màn biểu diễn không quá lớn, chỉ cần một người thổi piccolo. Chúng tôi được biết rằng việc tập huấn chơi nhạc cụ bộ hơi của Nhật Bản rất nghiêm ngặt và tiêu chuẩn của họ rất cao. Hơn nữa, trường đại học này có một dàn nhạc giao hưởng riêng. Nếu chúng tôi muốn biểu diễn ở đó, chúng tôi phải nghiêm túc tập huấn để nâng cao các tiêu chuẩn của mình. Trong các cuộc diễu hành trước đây, các học viên khác bổ trợ cho tôi mỗi khi tôi chơi không tốt. Tuy nhiên giờ đây tôi cần tự mình gánh vác tránh nhiệm này. Với tâm trạng bất an, tôi đã đăng ký tham gia sự kiện này.
Nó là một trải nghiệm khó quên. Hầu hết các thành viên của đoàn nhạc tham gia tập huấn là các thành viên trung niên và cao tuổi. Lúc đó, trọng tâm của việc đào tạo chủ yếu là các nội dung cơ bản như biểu diễn đồng bộ, hòa âm và kiểm soát âm lượng. Vị Nhạc trưởng thì nghiêm khắc và yêu cầu tiêu chuẩn rất cao. Ban đầu, chúng tôi không thể phối hợp đồng bộ từng nốt nhạc đơn. Bởi vì chúng tôi không thể điều hòa hơi thở của mình, một số người vào sớm hơn hay chậm hơn những người còn lại. Khi một người mắc lỗi, chúng tôi phải tiếp tục luyện lại đoạn nhạc đó tới khi chúng tôi chơi đúng. Mỗi lần chỉnh sửa cũng mất hơn nửa giờ đồng hồ nên thực sự là vất vả cho Nhạc trưởng.
Hòa âm phối khí và chạy gam (thang âm) thậm chí còn khó hơn. Vị Nhạc trưởng sử dụng các từ vắn tắt như không nhấn mạnh vào nốt đầu, cần phải sinh động, hài hòa, v.v… để nhận xét về việc chơi nhạc cụ của chúng tôi. Chúng tôi không chỉ không hiểu những thuật ngữ này mà chúng tôi cũng không có những kỹ năng cơ bản để đáp ứng yêu cầu của ông ấy. Việc này khiến vị Nhạc trưởng lo lắng và giận dữ. Chỉ một nốt nhạc bị sai cũng khiến ông ấy lớn tiếng mắng chúng tôi hoặc trừng mắt với chúng tôi. Ông ấy càng giận dữ, mọi người càng trở nên sợ hãi. Nó ảnh hưởng đến khả năng chơi nhạc của chúng tôi. Sau vài lần bị mắng, sự tự tin của mọi người bị lung lay. Một số thành viên đoàn nhạc khóc trong khi lái xe về nhà, trong khi những người khác nói đến việc bỏ cuộc.
Trong quá trình này, tâm tính của tôi cũng chuyển từ việc hoàn toàn phối hợp trở nên giận dữ. Sáo piccolo có âm vực cao nhất trong dàn nhạc. Vì là người chơi piccolo duy nhất, tôi không thể trốn tránh được. Tôi bị chỉ ra là âm thanh phát ra quá cao, đanh và không hài hòa. Vị Nhạc trưởng liên tục bảo tôi hãy mềm mại hơn, mềm mại hơn, mềm mại hơn nữa. Tôi đã hết sức cố gắng nhưng tôi vẫn không làm ông ấy hài lòng. Mỗi khi tôi mắc lỗi ông lại trừng mắt với tôi-tôi cảm thấy như hàng triệu mũi kiếm đang đâm vào tim mình. Tâm oán hận và tức giận của tôi ngày càng lớn.
Tôi cũng trải qua các khảo nghiệm đề cao tâm tính trong công việc. Sau giờ làm, tôi lao tới phòng tập chỉ để cảm thấy như thể mình bước lò luyện đan. Tôi liên tục phải áp chế những suy nghĩ bất hảo.
Tuy nhiên, khi tôi trực tiếp bị chỉ trích, tôi không còn kìm chế cơn giận dữ của mình được nữa. Tôi ngừng chơi và chỉ ngồi ở đó, cầm cây sáo của mình như thể tôi đang chơi. Tôi nhanh chóng bị phát hiện và được yêu cầu thổi một mình cho tới khi tôi thổi đúng. Khi tôi phàn nàn với thầy giáo dạy nhạc của mình, ông ấy nói: “Chị nên đặt mình vào vị trí của Nhạc trưởng. Làm Nhạc trưởng là một nhiệm vụ gian khổ.” Nghe vậy, tôi đột nhiên ngộ ra. Đúng, tại sao tôi quá chấp trước vào bản thân đến mức tôi không thể nghĩ cho người khác? Tôi bắt đầu cảm nhận được sự vất vả của ông ấy. Thật khó khăn để chỉnh sửa cho một nhóm không chuyên nghiệp và âm thanh mà chúng tôi phát ra lại không hài hòa.
Khi trở về nhà, tôi tĩnh tâm để học Pháp.
Sư phụ đã giảng:
“Chư vị [đối đãi tôi] tốt, tôi cũng [đối đãi chư vị] tốt, tất cả hoà ái ngồi đây rồi sẽ tăng công; lẽ nào có chuyện ấy?” (Bài giảng thứ tư-Chuyển Pháp Luân)
“Tất nhiên Phật không quản; [khó] nạn kia chính là ông ấy bày đặt ra; mục đích để chư vị đề cao tâm tính, trong mâu thuẫn chư vị dễ đề cao lên. Hỏi ông ấy có thể giúp chư vị giải quyết [mâu thuẫn] đó không? Hoàn toàn không giúp chư vị giải quyết; giải quyết rồi thì chư vị tăng công ra sao, đề cao tâm tính và tầng như thế nào?” (Bài giảng thứ tư-Chuyển Pháp Luân)
Tôi bị sốc. Làm sao tôi có thể coi cơ hội để đề cao trong tu luyện của mình là bị đối xử bất công được? Tôi đã quên rằng mình là một người tu luyện. Tôi hiểu rằng Sư phụ đã dày công an bài cơ hội này để giúp tôi đề cao tâm tính trước khi tôi có thể đề cao kỹ thuật về âm nhạc của mình. Vị Nhạc trưởng đang hoàn thành trách nhiệm của ông ấy-đó là chỉ ra những thiếu sót của chúng tôi. Mọi người đang hy sinh thời gian của họ để cứu người. Tại sao tôi lại không vui?
Tôi thấy rằng tôi có chấp trước là không thể chấp nhận chỉ trích của người khác.
Tôi bình tĩnh lại và luyện tập piccolo. Tôi nhớ lại những gì vị Nhạc trưởng đã nói và viết lại. Tôi đã cố gắng hết sức để đạt được những gì ông ấy yêu cầu. Kỹ thuật chơi bị hổng không thể giải quyết một sớm một chiều. Tôi chỉ có thể cố gắng hết sức. Tôi phải có thể mở lòng chấp nhận được những chỉ trích của vị Nhạc trưởng.
Sư phụ đã giảng:
“… chư vị từ nay trở đi đều phải chú ý vấn đề này; phải đạt đến độ là ai nói [chư vị] cũng được; nếu nói đúng thì sửa đi, còn nếu không thì cũng chú ý; chư vị có thể đối diện với phê bình và chỉ trích mà bất động tâm thì chính là chư vị đang đề cao.” (Giảng Pháp tại Pháp hội Los Angeles)
Trong chớp mắt, hai tháng luyện tập căng thẳng đã kết thúc. Ngày biểu diễn đã tới-trường học rất đông và sự kiện này rất hoành tráng. Hầu hết những cựu sinh viên của trường này đều gia nhập xã hội dòng chính và 20.000 sinh viên quốc tế đến từ Trung Quốc cũng theo học tại trường. Chúng tôi tới phòng diễn tập để diễn tập lần cuối cùng và thay đồng phục. Mọi người lặng lẽ phát chính niệm và học Pháp.
Buổi biểu diễn của chúng tôi ngày hôm đó đã rất thành công. Nhờ sự gia trì của Sư phụ, các bài hát của Đại Pháp đã rất hài hòa và các sinh viên quốc tế đã xem chương trình biểu diễn của chúng tôi. Người bạn Nhật Bản của tôi cũng tới. Trước đây, tôi đã không giảng chân tướng được cho cô ấy nhưng sau khi xem chúng tôi biểu diễn, cô ấy muốn biết nhiều hơn về Đại Pháp. Đây là lần đầu tiên một đoàn nhạc Pháp Luân Đại Pháp biểu diễn trong khuôn viên này.
Trong buổi thảo luận của chúng tôi sau sự kiện này, một học viên trẻ đang học đại học năm thứ 2 thực sự gây ấn tượng cho tôi. Cậu ấy là người đã đăng ký cho chúng tôi tham dự sự kiện này và cậu ấy đã mô tả lại toàn bộ quá trình tiến hành việc này. Cậu ấy muốn để cho các sinh viên quốc tế đến từ Trung Quốc được biết chân tướng về Đại Pháp. Để buổi biểu diễn thành công, sự kiện không được công bố rộng rãi để tránh can nhiễu từ đặc vụ Trung Cộng.
Tuy nhiên, can nhiễu từ không gian khác vẫn rất lớn. Khi không còn chịu được áp lực, cậu đã nhờ bố mình, cũng là một học viên, phát chính niệm. Được nghe những gì cậu ấy đã trải qua và tâm thuần tịnh cứu người của cậu, tôi cảm thấy mình làm được quá ít. Khi tôi nhớ lại toàn bộ đợt tập huấn, tôi không còn cảm thấy chúng là khổ nạn nữa.
Ngay trước khi chúng tôi lên biểu diễn, chúng tôi có một buổi tổng duyệt chính thức tại công viên Hibiya. Tôi được sắp xếp để trả lời phỏng vấn của người dẫn chương trình mà sẽ giới thiệu về Đại Pháp và các bài hát của chúng tôi trước khi chúng tôi bắt đầu biểu diễn sau đó. Học viên người Nhật Bản đã dựng một tấm bảng thông báo xem hòa nhạc miễn phí và một số khách qua đường nhìn thấy tấm bảng đã vào chỗ ngồi. Người dẫn chương trình hỏi tôi: “Chị đã tham gia đoàn nhạc được bao lâu rồi? Chị có thể chơi một phân đoạn nhỏ cho chúng tôi được không?” Tôi đã rất ngạc nhiên. Mặc dù tôi đã ở trong đoàn nhạc được 10 năm, tôi chỉ biết chơi các bài hát Đại Pháp và tôi vẫn không thể chơi chúng được tốt. Có nhiều cụm nốt nhạc nhanh và khó mà tôi vẫn chưa nắm vững.
Như thể tôi nhận được gậy bổng hát vậy! Trong 10 năm, tôi vẫn không đạt được tiêu chuẩn biểu diễn! Khi tôi nhìn thấy khán giả đang đợi tôi trả lời, tôi lập tức sững người. Tôi tìm cách thoát khỏi tình thế tiến thoái lưỡng nan và cuối cùng tôi đã tìm ra câu trả lời. Tôi đã biểu diễn đoạn đơn giản nhất trong bài “Ode to Joy,” và tôi đã cố gắng giải quyết khó khăn. Tôi nghe thấy tiếng thở dài nhẹ nhõm của một học viên khác đang lo lắng cho tôi. Do sự cố này, tôi đã quyết tâm thực hiện tốt các bài tập cơ bản và tôi cũng đã có thể ngộ mới về mối quan hệ giữa việc sử dụng âm nhạc để chứng thực Pháp và tu luyện tâm tính của mình.
Đào tạo cơ bản là một quá trình tu luyện
Sư phụ giảng:
“‘Phối khí âm nhạc’ mà hiện nay nói đến, trên thực tế là du nhập từ văn hoá âm nhạc Tây phương, về căn bản cũng là Thần truyền cho con người; đó cũng là một trong những thứ tối hảo trong văn minh của nhân loại lần này, những thứ ấy đối với nhân loại mà giảng là có chỗ tốt lắm.” (Giảng Pháp tại Buổi họp Sáng tác Âm nhạc)
Tôi hiểu rằng âm nhạc truyền thống phương Tây là một hình thức văn hóa được thiên thượng truyền xuống. Nó là một bộ các hệ thống và tiêu chuẩn. Chỉ khi chơi một cách chính xác, chúng ta mới có thể mang đến những chương trình biểu diễn có chất lượng.
Tôi bắt đầu luyện tập các kỹ thuật cơ bản. Tôi bắt đầu bằng việc thổi mỗi nửa cung trong 16 giây, sau đó dần dần tăng phạm vi lên ba quãng tám. Tôi đảm bảo rằng các nốt tôi thổi chính xác và đạt chất lượng. Sau đó, tôi đã tập luyện các gam trưởng và gam thứ bắt đầu từ tốc độ 60 nhịp/phút, rồi dần dần tăng dần nhịp độ.
Khi tôi chơi nhạc cảm giác như tôi đang bước đi trên con đường Chính Pháp. Không dễ để sửa các lỗi đã trở nên quen thuộc trong 10 năm. Bắt đầu từ việc ngồi với tư thế thẳng đứng, tôi tiếp tục kiểm soát lượng hơi của mình. Piccolo tạo ra âm thanh nhờ người thổi truyền không khí vào thân sáo và tạo nên rung động cộng hưởng trong đó. Tuy nhiên, luồng hơi của tôi quá nhanh, do đó tôi cũng cần điều chỉnh lại. Luyện tập các bài cơ bản thật nhàm chán nên dễ dàng cảm thấy nản. Bình tĩnh và điều chỉnh cho đúng hơi thở của mình mỗi ngày đã trở thành một phần trong tu luyện của tôi.
Đề cao là một quá trình nhận ra các thiếu sót của bản thân và chính lại chúng. Mỗi lần đi học, tôi đề nghị giáo viên thu âm lại một đoạn nhạc ngắn và so sánh ghi âm của tôi với của thầy. Thông qua việc phân tích sự khác biệt giữa tiếng thổi của chúng tôi, tôi đã có thể nghe thấy những chỗ có vấn đề của mình. Tuy nhiên, phần lớn thời gian tôi đã không làm vậy. Tôi hỏi giáo viên làm cách nào tôi có thể chơi như anh ấy, nhưng những lời giải thích của anh rất trừu tượng và khó hiểu. Sau đó tôi nhận ra rằng mức độ hiểu của tôi có quan hệ mật thiết với mức độ tâm tính của tôi. Do đó, bất kỳ khi nào tôi không hiểu những lời giải thích của anh ấy, tôi biết có nghĩa là đã đến lúc đề cao tâm tính của mình.
Sau sự kiện ở Nhật Bản, vị Nhạc trưởng thường yêu cầu tôi chơi trước mọi người trong các buổi luyện tập của đoàn nhạc. Đôi khi tôi chơi một mình; những lần khác những người khác chơi nhạc cụ của họ. Ban đầu, tôi rất căng thẳng. Tim tôi đập thình thịch vì sợ phạm lỗi. Tôi nhận ra rằng mình chấp trước vào danh và chấp trước này rất mạnh mẽ. Sau khi nhận ra điều này, tôi phủ nhận niệm này và loại bỏ chấp trước. Sau một thời gian, chấp trước này dần dần mất đi và tôi không còn cảm thấy căng thẳng nữa.
Vị Nhạc trưởng liên tục nói rằng âm nhạc cần hài hòa. Thể ngộ của tôi về “hài hòa” là cách mà các nhạc cụ âm trầm, âm trung và âm cao kết hợp nhuần nhuyễn với nhau để âm nhạc của nhạc cụ này không lạc lõng với những nhạc cụ khác. Mọi người nên điều chỉnh cách chơi của mình để hình thành chỉnh thể với các nhạc cụ khác. Việc này giúp buông bỏ tính tự cao của chúng ta. Khi vị Nhạc trưởng điều chỉnh những bộ phận khác, tôi ghi nhớ phần nhạc và nhịp độ của họ để hiểu được vai trò của từng nhạc cụ trong một bản nhạc. Việc này giúp tôi hiểu được cách kết hợp hài hòa với những người khác. Ví dụ, khi tôi chơi giai điệu chính, tôi thổi to hơn-khi tôi chơi bè phụ, tôi cần thổi nhỏ hơn.
Sau khi tập luyện những bài cơ bản trong một vài tháng, đoàn nhạc tổ chức kiểm tra và vị Nhạc trưởng nói rằng âm điệu của tôi đã được cải thiện. Tôi không biết tôi đã làm điều đó như thế nào. Tất cả những gì tôi biết là giờ đây tôi có thể thổi piccolo với trạng thái thư giãn. Sau vài tháng, trong khi chúng tôi đang luyện các giai điệu, tôi đã có thể kiểm soát được luồng hơi để thổi những nốt âm vực cao một cách mềm mại. Trước đó, tôi đã luôn cố gắng nén âm lượng. Cuối cùng khi tôi có thể hòa nhịp với đoàn nhạc trong khi thổi các nốt âm vực cao, tôi đột nhiên ngộ ra rằng điều này đạt được thông qua sự phối hợp của nhiều bộ phận trên cơ thể tôi (bao gồm bụng, họng, lưỡi, luồng hơi và các ngón tay). Tôi thấy vui khi cuối cùng đã có thể đột phá khó khăn này.
Lúc đó, tôi nhớ lại Sư phụ đã đề cập đến trong một bài giảng Pháp:
“… nếu con người trong khi học tập và sáng tác âm nhạc mà có Đại Pháp chỉ đạo, thì có thể tiến bộ và trong tư tưởng có khả năng có linh cảm, có khả năng nhận thức được và nghĩ đến được những gì cần; đó là điểm hoá của chư Thần. Nói cách khác, dẫu chư vị là ở lĩnh vực nào, thì phương diện kỹ năng của chư vị có thể đề cao là biểu hiện sau khi chư vị không ngừng khiến cảnh giới của mình đề cao, trên biểu hiện là chư vị đang làm người tốt, đang tu tâm; từ giác độ con người mà nói thì chư vị đang trở thành người tốt; vì học Pháp nội tu [và] chư vị thực thi càng ngày càng tốt, [nên] chư Thần mới cấp cho chư vị trí huệ mà chư vị đáng được có và cấp cho chư vị linh cảm, khiến chư vị trong học tập mà minh bạch ra rất nhiều [điều], khiến chư vị sáng tạo ra những thứ tốt đẹp hơn, khiến chư vị có kỹ thuật cao hơn, khiến chư vị vượt lên.“ (Giảng Pháp tại Pháp hội Los Angeles)
Miễn là chúng ta dụng tâm học Pháp, Sư phụ sẽ ban cho chúng ta trí huệ và chúng ta sẽ biết phải làm gì.
Vị Nhạc trưởng là một học viên cũng lựa chọn nhiều bài hát với các thể loại khác nhau để giúp chúng tôi cải thiện kỹ thuật âm nhạc của mình. Từ những giai điệu nhanh và sống động hoặc trầm bổng đến những giai điệu duyên dáng và êm dịu, vị Nhạc trưởng đã hướng dẫn chúng tôi tạo nên những âm thanh khác nhau. Trong số các bản nhạc này có bản Star-Spangled Banner đầy thách thức. Bài hành khúc này đòi hỏi nhiều kỹ thuật và nó là một bài kiểm tra các yêu cầu khác nhau đối với những nhạc cụ và người chơi khác nhau.
Trong bản nhạc này, có một đoạn độc tấu piccolo được hợp thành bởi các cụm nốt nhạc nhanh và âm vực cao. Chỉ luyện ngón đối với những nốt nhạc cao đã tốn nhiều công sức và tôi vẫn cần nghĩ đến cách chuyển những nốt liên tục với tốc độ rất nhanh.
Do yêu cầu của sự kiện Giao lưu Kỹ thuật Âm nhạc châu Á, chúng tôi cần có thể chơi bản nhạc này trong thời gian rất ngắn. Vị Nhạc trưởng yêu cầu những người thổi piccolo đứng khi chơi bản nhạc này trong buổi biểu diễn. Một lần nữa. nó lại khảo nghiệm tâm tính của tôi. Tôi vẫn có thể duy trì được tư thế của mình khi ngồi xuống thổi nhưng mọi thứ lại khác khi tôi đứng lên. Chấp trước vào tự ngã trong tôi lại bắt đầu nổi lên khi tôi lo thất bại trước mọi người. Tôi đã thực sự phản đối yêu cầu đó và tôi không thể thay đổi suy nghĩ về mối quan hệ giữa sự kiện này và sự cần thiết phải đứng và chơi trước mọi người.
Tôi bị áp lực phải nhanh chóng học bản nhạc này. Tôi liên tục kìm chế nỗi sợ hãi và sự phản đối của mình. Một tuần trước sự kiện, tôi quyết định đối mặt với khó khăn và nhớ rằng đây là cơ hội để đề cao tu luyện của mình. Tôi vẫn nhớ lần đầu tiên tôi đứng dậy chơi bản nhạc này, toàn thân tôi run lên. Hai năm sau, khi tôi đứng dậy chơi bản nhạc này lần thứ hai, tôi đã vượt qua nỗi sợ hãi. Tôi không chấp trước vào danh nên tôi đã rất thoải mái. Tôi đã trở thành một thể thống nhất với các học viên khác. Biểu diễn của chúng tôi hợp điệu hài hòa và đạt hiệu quả tốt.
Thông qua luyện tập liên tục trong 4 năm, các kỹ năng thổi cơ bản của tôi đã cải thiện rất nhiều. Bây giờ, tôi có thể thổi các bài hát Đại Pháp chính xác và tôi cuối cùng có thể đạt được các yêu cầu cơ bản. Tôi cũng có thể có được cảm nhận ba chiều về âm nhạc thay vì hai chiều như trước đây.
Các buổi biểu diễn của chúng tôi cải thiện sau khi chúng tôi đề cao chỉnh thể
Liên hoan Ban nhạc Quốc tế Thành phố Gia Nghĩa là một sự kiện lớn ở Đài Loan. Hằng năm, nhiều ban nhạc quốc tế danh tiếng, các ban nhạc quân đội, và các ban nhạc bộ hơi đến từ các trường khác nhau ở Đài Loan đến tham gia. Ngày 19 tháng 12 năm 2020, là năm thứ 10 đoàn nhạc của chúng tôi được mời tham gia diễu hành. Do đại dịch, các nhóm hải ngoại không thể tới Đài Loan. Thiên Quốc Nhạc Đoàn là đoàn diễu hành cuối cùng hằng năm.
Đoàn nhạc của chúng tôi sắp xếp một đội hình diễu hành gồm 8 hàng và các bước đồng đều của chúng tôi đã thể hiện nội tâm tinh thần của các học viên. Chúng tôi đã diễu hành qua các con phố giống nhau và chơi cùng những bài hát mà chúng tôi luôn có, nhưng năm nay màn trình diễn của chúng tôi có vẻ rất khác.
Các tòa nhà hai bên đường hình thành một hộp âm thanh. Khi tôi đứng ở khu vực phía trước của đội hình, tôi nghe tiếng nhạc phát ra từ khu vực âm trầm ở phía sau. Âm nhạc tràn đầy năng lượng và từ bi. Do sự cải tiến trong kỹ thuật âm nhạc của các thành viên trong đoàn nhạc nói chung, âm thanh của chúng tôi hài hòa hơn. Tôi nghe thấy giai điệu đối âm duyên dáng, kết cấu của các nhạc cụ khác nhau hòa quyện với nhau để hình thành một giai điệu chính đa dạng với các bè phụ, và nhịp điệu đồng bộ giúp tăng tính phản hồi của âm nhạc.
Chỉ sau đó tôi mới nhận ra rằng sự sắp xếp của các bài hát Pháp Luân Đại Pháp là đa dạng và phong phú. Tôi vẫn nghe thấy một vài thiếu sót, nhưng lần này âm nhạc đã làm tôi cảm động và nước mắt tôi tuôn rơi. Tôi cho rằng điều này xảy ra bởi vì âm nhạc của chúng tôi đã bao hàm sự ma luyện tâm tính trong tu luyện của chúng tôi và cũng là một quá trình liên tục buông bỏ tính tự cao của chúng tôi. Mọi người đều đang đề cao và với mỗi học viên đều có một câu chuyện.
Trước đây, phản hồi từ khán giả là chúng tôi chơi đồng đều, hoành tráng và tuyệt vời. Lần này mọi người nói họ cảm thấy xúc động trước chính trực và sự điềm tĩnh của chúng tôi. Một cặp đôi trẻ nói rằng âm nhạc của chúng tôi rất khác so với âm nhạc của các đoàn nhạc khác. Có một sự điềm tĩnh trong đó. Một số người nói rằng họ chờ đợi màn trình diễn của chúng tôi hằng năm.
Lần này, chúng tôi cũng biểu diễn bài Star-Spangled Banner đầy thách thức. Một số khán giả đã rất ngạc nhiên. Khi âm nhạc đến đoạn khó, một số người trong đám đông bắt đầu vỗ tay và thậm chí ngân nga theo giai điệu khi họ vỗ tay theo nhịp. Cuối cùng, một phân đoạn phỏng vấn khán giả của Tân Đường Nhân đã để lại ấn tượng sâu sắc trong tôi. Ý tưởng chính là: Một ban nhạc gồm những người ở các độ tuổi khác nhau sẵn sàng dành thời gian luyện tập và đề cao trong chỉnh thể. Chỉ riêng điểm này thôi cũng đã rất ấn tượng rồi.
Nhìn lại suốt những năm qua, thực sự không dễ dàng để đoàn nhạc tiến bộ nhiều như vậy. Giữa những mâu thuẫn do chấp trước người thường, sự vượt qua khó khăn để học âm nhạc, sự khó khăn khi chịu đựng những “tiếng ồn” mà vị Nhạc trưởng nói chúng tôi đang tạo ra, đối mặt với thất bại khi thi trượt, chúng tôi lựa chọn đối mặt với những thiếu sót của mình và tiến lên phía trước, và yêu cầu bản thân mình chiểu theo Pháp lý Chân-Thiện-Nhẫn-chúng tôi đã nỗ lực để cứu người. Trong quá trình này, chúng tôi đã cố gắng buông bỏ tự ngã và phối hợp với nhau. Tôi nghĩ âm nhạc đồng hóa với Chân-Thiện-Nhẫn này phản ánh sự mỹ diệu của Pháp Luân Đại Pháp.
Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác phát hành trên Minghui.org đều thuộc bản quyền của trang Minh Huệ. Khi sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, vui lòng ghi lại tiêu đề gốc và đường link URL, cũng như dẫn nguồn Minghui.org
Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2021/12/7/434320.html
Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2021/12/24/197125.html
Đăng ngày 01-03-2022; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.