Bài viết của một đệ tử Đại Pháp tại Trung Quốc

[MINH HUỆ 08-02-2022] Gần đây, tôi cứ nghĩ về khuôn khổ gửi bài viết cho Minghui.org, cũng khuyến khích các đồng tu có năng lực viết bài tham gia. Tôi nhớ đến những lần giúp đồng tu sửa bài trước đây, xin chia sẻ lại một số kinh nghiệm, hy vọng có thể giúp ích được phần nào.

1. Thiếu tính liên kết trong chuyển ý, nối ý

Một số bài viết có nội dung rất tốt, mỗi câu chuyện đều có sức cuốn hút, nhưng ghép lại thì lại thiếu tính liên kết, khiến người đọc có cảm giác Đông một đằng, Tây một nẻo. Nếu có thể tự quy nạp, viết cô đọng, súc tích lại là tốt nhất. Nếu không thì cần tìm đồng tu giúp chỉnh lại. Xin kiến nghị, nếu bài viết có nhiều ý thì nên sắp bố cục dưới các tiêu đề con, như vậy nội dung sẽ ngắn gọn mà mạch lạc.

2. Tránh dài dòng, rườm rà

Một số đồng tu không giỏi biểu đạt ý kiến, nhưng lại hay chia sẻ. Xung quanh tôi cũng có một số đồng tu như thế, có những thứ chỉ vài ba câu là nói rõ được rồi, nhưng đồng tu lại nói mất cả nửa tiếng đồng hồ, nên khi viết bài cũng trình bày dài dòng, mà không có chủ đề rõ ràng.

Tôi nhớ hồi còn đi học, giáo viên ngữ văn có kể một câu chuyện, đại ý là: có một vị thư sinh luôn cảm thấy mình có tài văn văn chương, nhưng không được tán thưởng, nên trong lòng luôn luôn thấy bất mãn. Một hôm, khi đang đọc sách, bỗng nhiên ý tứ dạt dào, liền chấp bút viết một mạch vài trang giấy. Viết xong, cảm thấy rất hài lòng, bèn đưa vợ thưởng thức. Vợ anh xem qua xong, không nhận xét gì, chỉ nói: “Trưa nay, chúng ta ăn bánh bao nhân đậu.” Đến giờ cơm trưa, vợ anh bưng lên cho anh một cái bánh cỡ bằng cái đĩa. Chàng thư sinh nói: “Bánh nhân đậu to vậy cơ à?” Vợ anh nói: “Cái này cho anh đấy.” Anh thư sinh rất cao hứng, liền cắn một miếng, không thấy nhân bánh đâu, lại cắn miếng nữa cũng vẫn không có nhân bánh, liền cắn tiếp mấy miếng cũng vẫn không có nhân bánh. Anh bực bội, bẻ đôi chiếc bánh, chỉ thấy một hạt đậu, bèn ngẩng đầu nhìn vợ. Vợ anh gật đầu nói: “Đúng, văn chương của anh cũng thế đấy!”

Những bài viết quá nhiều sẽ phải chỉnh sửa nhiều hoặc bị từ chối. Vì vậy, xin đừng phàn nàn nếu xảy ra điều này, bởi vì bản thân chúng ta có thể cảm thấy hay rồi, nhưng chưa hẳn đã là vậy.

3. Ảnh hưởng của văn hóa Đảng ĐCSTQ

Mấy năm trước, tôi có gặp một tình huống mà tôi nghĩ là ngôn hành khởi tác dụng loạn Pháp nghiêm trọng, trong đó lại có mấy vị đệ tử Đại Pháp tu luyện lâu năm tham gia. Hồi đó, tôi thấy khá bất bình, bèn viết một bài, định gửi tới Minghui.org. Tôi lưu lại bài viết trong máy tính, rồi không chú ý đến nó nữa. Kỳ thực, sự tình cũng không tệ như tôi nghĩ, nhưng phản ứng của tôi lúc đó rất gay gắt. Sự việc đó khiến tôi nhận ra nhiều chấp trước của mình và trưởng thành lên không ít. Một hôm dọn dẹp máy tính, tôi bắt gặp bài viết đó. Tôi mở ra xem, giật mình khi thấy lời lẽ đầy bất mãn, phê bình, mỉa mai, móc máy, châm biếm, không khác gì kiểu đấu tố. Tôi vội vàng xóa ngay bài viết, bụng nghĩ: “Minh Huệ mà thấy lại cho rằng mình xuất thân từ hồng vệ binh mất.” Nhưng tôi sinh ra sau “Cách mạng Văn hóa”, làm sao lại có tâm “tranh đấu” mạnh mẽ đến thế chứ?

Vì việc này quá mất mặt, không dám lộ ra, tôi bèn tìm nghe băng ghi âm cuốn “Giải thể Văn hóa Đảng” và chủ động để ý từ bỏ ảnh hưởng Văn hóa Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) trong mình.

Kỳ thực, hầu hết những người sống ở Trung Quốc Đại lục ít nhiều đều bị nhiễm văn hóa Đảng, mặc dù chúng ta có thể không phải lúc nào cũng nhận thức ra. Tâm tính tốt thì nó có thể không biểu lộ ra, nhưng hễ buông lỏng tu luyện thì nó sẽ biểu hiện ra.

Khi viết bài, chúng ta phải viết bằng chân tâm, thiện tâm, viết một cách chân thành, giản dị, tâm bình khí hòa thì mới có thể cảm động lòng người.

4. Không chạy theo hình thức

Có đồng tu ban đầu không muốn viết bài, nhưng nghe đồng tu khác nói viết bài cũng là một bộ phận tu luyện, sợ không viết sẽ bị “tụt hậu”, bèn tham gia viết, nhưng viết lại không đặt tâm, mà chỉ viết cho có. Bản thân cũng biết bài viết không tốt, nhưng khi không được đăng lên Minh Huệ, lại nói đồng tu cản trở việc tu luyện của họ, “Bạn không đăng lên Minh Huệ cho tôi thì tôi tìm người khác đăng, thế nào chả có người đăng cho mình được.” Vậy sao chúng ta không nghĩ đặt tâm viết cho tốt ngay từ đầu. “Tham gia” như vậy không chỉ lãng phí thời gian và công sức của chính đồng tu, mà còn tạo thêm gánh nặng cho các đồng tu Minh Huệ. Chúng ta không được chạy theo hình thức; đó là văn hóa của Đảng ĐCSTQ.

Chúng ta ngay từ đầu phải rất minh xác về mục đích viết bài. Tất nhiên, tôi không có ý nói các đồng tu không nên viết bài gửi Minghui.org. Ý tôi là, chúng ta phải đặt tâm, và có trách nhiệm với cả bản thân cũng như người khác.

5. Viết bài theo nhóm

Nếu chúng ta thấy tự viết bài khó quá thì có thể chia sẻ với những người khác trong nhóm học Pháp và gửi bài theo nhóm. Chúng ta đừng quá coi trọng được mất cá nhân, mà hãy hợp sức để bài viết đạt hiệu quả cao hơn; như đạo lý của tiết mục “múa đũa” trong Shen Yun vậy.

Nếu bạn gửi cá nhân, cũng có thể chia sẻ bản thảo với các đồng tu hoặc người nhà trước để nghe ý kiến phản hồi, hoàn thiện và làm phong phú thêm bài viết của mình. Vì lần gửi bài này là hướng đến công chúng, nên việc lấy ý kiến phản hồi từ những người không phải là học viên cũng rất quan trọng.

Trên đây chỉ là một số ý kiến hạn hẹp của tôi. Nếu có chỗ thiếu sót, xin các đồng tu vui lòng góp ý.

Ghi chú của Ban Biên tập: Bài viết này thể hiện nhận thức cá nhân của tác giả ở trạng thái tu luyện hiện tại, xin chia sẻ cùng quý đồng tu để chúng ta “Tỉ học tỉ tu” (“Hồng Ngâm”).

Bài viết chỉ thể hiện quan điểm hoặc nhận thức của tác giả. Mọi nội dung đăng trên trang web này thuộc bản quyền của Minghui.org. Minh Huệ sẽ biên soạn các nội dung trên trang web và xuất bản theo định kỳ hoặc vào những dịp đặc biệt


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2022/2/8/438695.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2022/2/16/199215.html

Đăng ngày 28-02-2022; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share