Bài viết của Cổ Đạo

[MINH HUỆ 17-01-2022] (Tiếp theo Phần 1)

Gặp núi Lư Sơn

Năm 1084, Tô Thức bị giáng đày từ Hoàng Châu đến Nhữ Châu, trên đường đi qua Cửu Giang, thấy cảnh núi kỳ mỹ hùng vĩ, mịt mù biến ảo: núi Lư Sơn nổi danh khắp thiên hạ.

Đề Tây Lâm bích

Hoành khán thành lĩnh trắc thành phong, viễn cận cao đê các bất đồng.

Bất thức Lư Sơn chân diện mục, chỉ duyên thân tại thử sơn trung.

Dịch thơ

Nhìn ngang thành dãy, nghiêng thành đỉnh

Cao thấp gần xa thấy khác nhau

Chẳng rõ Lư Sơn hình dáng thật

Bởi thân đứng tại núi non này. (Bản dịch của Vô danh cư sĩ)

Chỉ vài lời ngắn ngủi của thi nhân nhưng đã nói ra một đạo lý rằng: tầng thứ khác nhau, góc nhìn khác nhau, thì những gì trông thấy cũng sẽ không tương đồng. Mặc dù lúc đó cảm thụ rất chân thực, thì cũng đều không phải là bản lai diện mục của sự tình. Thi nhân viết: “Bất thức Lư Sơn chân diện mục, chỉ duyên thân tại thử sơn trung”. Mỗi người đứng tại vị trí, lập trường của mình thường sẽ không nhìn rõ chân tướng, chỉ có buông bỏ quan niệm thì mới có thể đột phá cục hạn, buông bỏ tự ngã thì mới có thể thấy được chân ngã.

Trong bài văn có tiêu đề là “Siêu nhiên đài ký”, Tô Thức đã từng viết rằng: “Đó là bị cuộc hạn, bên trong sự vật, mà không thể siêu thoát ra bên ngoài của sự vật. Sự vật không có sự phân biệt lớn nhỏ, nếu tiến vào bên trong vật mà quan sát, thì không có vật nào mà không cao lớn. Nó bày trước mắt ta với hình tướng cao lớn, khiến ta hoa mắt nhìn đi nhìn lại mà vẫn không xác định được, giống như trong khe hở mà xem người ta đấu nhau, sao có thể biết được nguyên nhân thắng bại. Vì vậy trong lòng mới đầy sự phân biệt tốt xấu, buồn vui cũng từ đó sinh ra, chẳng phải đáng buồn lắm sao”.

Đại ý nói rằng, bất kỳ sự vật nào cũng chỉ thấy được bên ngoài của nó, mà không thấy được nội tại của nó, tức không thấy được bản nguyên của sự vật. Nếu có thể nhìn thấy vi quan của sự vật, thì mới có thể biết được chân tướng của sự vật. Bình thường vạn vật đều chứa đựng sự tốt đẹp, có có gì đáng lo buồn đây.

Trải qua trăm ngàn khó khăn vất vả ở Hoàng Châu, thế giới tinh thần của Tô Thức đã thăng hoa lên cảnh giới mới, sự tồn tại của vạn sự vạn vật thế gian, bất kể là cao thấp sang hèn, đều đáng trân quý. Trong “Tiền Xích Bích phú”, ông viết: “Phàm ở giữa trời đất, mỗi vật đều có chủ, nếu không phải là sở hữu của ta, thì dẫu một cái lông cũng chớ lấy. Chỉ có gió mát trên sông, trăng sáng trên núi, tai nghe được thành âm thanh, mắt nhìn thấy thành cảnh sắc, thì lấy không bị cấm, dùng mãi không cạn, là kho báu vô tận của Tạo Hóa, mà tôi với ông cùng dựa theo”.

Chính là nói, giữa trời đất, mỗi vật đều có chủ, nếu không thuộc về sở hữu của mình, thì nhỏ như cái lông cũng không thể lấy. Chỉ có gió mát trên sông, và trăng sáng trên núi, âm thanh mà tai nghe thấy, cảnh sắc mà mắt nhìn thấy, thì có thể lấy mà không bị ngăn cấm, dùng mãi không hết, đó là kho báu vô tận của Tạo hóa, là thứ mà chúng ta dựa vào để cảm nhận Đại Đạo của trời đất.

Trong nghệ thuật hội họa Trung Quốc, thường lấy chủ đề sông núi, to lớn cao xa, mà con người thì rất nhỏ bé, đó là thể hiện cái tâm kính úy của người xưa đối với Tạo hóa vũ trụ. Con người không phải là chủ thể của thiên nhiên, chỉ có Tạo hóa làm chủ thiên địa vạn vật, thì mới là nguồn gốc sự kính úy của thế nhân.

Trong “Tô Thức tập”, từ “Tạo hóa” trong thơ, từ, văn, phú xuất hiện ở 59 chỗ. Trong một bài thơ có viết rằng: “Tạo vật tri ngô cửu niệm quy, tự lên suy bệnh bất tương vi” (Tạo hóa biết tôi từ lâu đã mong muốn trở về, dường như thương tôi bệnh tật không chia lìa).

Đại ý rằng, Tạo hóa biết được tâm ý tu luyện trở về của tôi, những khốn khổ mà tôi gặp phải, và bệnh tật thống khổ, đều là sự an bài của thiên ý, không nên cho rằng đó là nỗi thống khổ khó chịu đựng.

Cuối đời lại bị giáng đày

Sau khi hết thời gian lưu đày lần thứ nhất, Tô Thức lại trở về triều đình. Khi ông 57 tuổi được thăng làm quan nhị phẩm, nhậm chức Thượng thư Bộ Lễ, đây là chức quan cao nhất mà Tô Thức đảm nhiệm. Nhung chỉ sau 2 năm, dưới sự đố kỵ và bài xích của đồng liêu, ông lại bị giáng đày đi xa, đến Huệ Châu (Huệ Dương, Quảng Đông ngày nay), bắt đầu cuộc sống lưu đày lần thứ hai trong đời.

Nhưng càng tàn khốc hơn là, khi Tô Thức ở tuổi 63, ông lại lần nữa bị giáng đày đến Đam Châu đảo Hải Nam, là lần lưu đày thứ 3 trong cuộc đời ông. Lần lưu đày này còn có một lệnh đặc biệt: Không cho phép Tô Thức cư trú ở khu cư trú của quan viên trên đảo Hải Nam. Thế là Tô Thức đảnh phải thuê nhà dân làm nơi cư trú. “Ăn không có thịt, bệnh không có thuốc, ở không có nhà, ra ngoài không có bạn, mùa đông không có than sưởi, mùa hè không có suối mát” (Trích “Dữ Trình Tú tài thư”). Nhưng Tô Thức lại nói: “Còn có thân này phó thác cho Tạo hóa, lắng nghe sự lưu lạc vận chuyển nổi chìm, không gì là không thể, thế nên con người biết điều đó thì sẽ không thấy dằn vặt thống khổ”.

Đại ý là, hết thảy mọi thứ trong thế gian đều là sự an bài của Tạo hóa, còn đối với một cá nhân mà nói, bất kể là lưu chuyển bôn ba, gặp phải trắc trở khốn khó, đều là sự trải nghiệm tất nhiên, người biết đạo lý này rồi thì còn có gì đáng lo lắng ưu sầu nữa?

Ông viết sách trong nhà tranh, giảng sách dạy người, khiến Hải Nam xuất hiện vị tiến sĩ đầu tiên trong lịch sử. Để giải trừ bệnh tật thống khổ của dân chúng, Tô Thức đích thân dẫn dân làng đào một cái giếng, lấy nước sử dụng, giảm thiểu bệnh tật. Từ đó, người dân xa gần tấp nập học theo Tô Thức đào giếng lấy nước, trở thành phong trào đào giếng một thời, đã thay đổi tập quán sử dụng nước ao của người dân địa phương. Sau này, mọi người kỷ niệm công lao của ông, đã đặt tên giếng đó là “Giếng Đông Pha”.

Ông còn kết giao với những người bạn bình dân, nhàn rỗi liền đến nhà họ chơi, uống rượu chuyện trò với người gia thôn dã. Ông còn thường xuyên khám bệnh kê đơn cho người dân xóm làng.

Trong cuộc sống lưu đày 7 năm sau khi ở Huệ Châu, gia đình Tô Thức đã chết 9 người. Cuộc sống tàn nhẫn với ông như thế, những năm cuối đời, ông vẫn lạc quan, thản nhiên đối đãi.

Trong văn hóa truyền thống, Nho gia giảng “quân tử an bần, đạt nhân tri mệnh” (người quân tử yên vui với cảnh nghèo, tu dưỡng thành người hiểu biết thông đạt, biết mệnh trời), cuối cùng đạt đến cảnh giới đạo đức chí cao. Theo Phật gia nhìn nhận, ai ai cũng có Phật tính, nhưng do con người trên thế gian đã mê mất bản tính mà không tự biết, thông qua tu luyện, không ngừng thăng hoa, có thể tu thành Giác giả: Cảnh giới của Phật. Theo Đạo gia nhìn nhận, ngộ Đạo tu chân, phản bổn quy chân, cuối cùng tu thành Chân nhân.

Từ xưa đến nay, trong nền văn minh Đông – Tây, nhân gian được cho là một nơi đặc thù, là không gian vật chất mê, đều cho rằng, con người rơi rớt xuống đây đều do tội hoặc nghiệp. Nho – Phật – Đạo là trí huệ mà lịch sử lưu lại đến ngày nay, khôi phục văn hóa truyền thống, tìm về tinh túy của văn minh Hoa Hạ, kính Trời biết mệnh, thăng hoa đạo đức, mới là con đường dẫn đến kỷ nguyên mới tương lai.

Tài liệu tham khảo:

  • Tô Thức tập
  • Tống từ giám thưởng từ điển
  • Cổ văn quan chỉ
  • Tô Đông Pha truyện
  • Tống sử

(Hết)

Bài viết chỉ thể hiện quan điểm hoặc nhận thức của tác giả. Mọi nội dung đăng trên trang web này thuộc bản quyền của Minghui.org. Minh Huệ sẽ biên soạn các nội dung trên trang web và xuất bản theo định kỳ hoặc vào những dịp đặc biệt.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2022/1/17/436642.html

Đăng ngày 21-02-2022; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share