Bài viết của Anh Tử, phóng viên Minh Huệ

[MINH HUỆ 16-01-2022] Từ sau khi Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) bắt đầu bức hại Pháp Luân Công, một môn tu luyện thiền định theo nguyên lý Chân-Thiện-Nhẫn, vào năm 1999, nó đã sinh ra nhiều hình thức bức hại, như bắt giữ hàng loạt, tra tấn dã man, tẩy não, truy tố nạn nhân mà không theo cơ sở pháp lý nào, chế độ liên đới với người nhà nạn nhân, giám sát công dân mọi lúc mọi nơi và đưa vào bệnh viện tâm thần không tự nguyện.

Ví dụ, theo trang web Minghui.org, tính đến ngày 27 tháng 12 năm 2021, có ít nhất 865 học viên Pháp Luân Công trên khắp Trung Quốc bị giam giữ tại các bệnh viện tâm thần trong những năm qua. Cô Trương Thái Hà (张彩霞), một phụ nữ khỏe mạnh ở thành phố Bảo Kê, tỉnh Thiểm Tây, đã bị cảnh sát bắt giữ trên đường đi làm và bị đưa vào bệnh viện tâm thần. Cô bị bắt phải viết hối quá thư từ bỏ đức tin của mình. Khi chồng cô tìm cách giải cứu cho vợ của mình, anh cũng bị đe dọa phải viết lời khai tương tự, nếu không, cũng có thể bị bắt.

Những người không phải học viên ở Trung Quốc cũng ngày càng nhiều trường hợp bị bức hại theo những phương thức tương tự. Ngày 17 tháng 12, cô Lý Điềm Điềm (李甜甜), một giáo viên ngôn ngữ ở huyện Vĩnh Thuận, tỉnh Hồ Nam, đã đăng trên mạng xã hội để bày tỏ sự ủng hộ đối với một giáo viên ở Thượng Hải bị chỉ trích vì nghi ngờ về con số thương vong thực sự trong vụ Thảm sát Nam Kinh. Hai ngày sau, văn phòng giáo dục địa phương và gia đình cô đã đưa cô vào bệnh viện tâm thần.

Cô Lý không phải là nạn nhân duy nhất không phải là học viên. Trong đại dịch, nhiều người dân Trung Quốc phải gánh chịu hậu quả từ các chiến dịch “zero-Covid” hà khắc. Tại Tây An, một thành phố hiện đại với 13 triệu dân và là thủ phủ của tỉnh Thiểm Tây, hai sản phụ đã bị sẩy thai bên ngoài bệnh viện địa phương, sau khi bị từ chối nhập viện vì không có kết quả xét nghiệm COVID-19 hợp lệ.

Ngoài ra, những người Duy Ngô Nhĩ, người theo đạo Cơ Đốc và những người bất đồng chính kiến ​​(bao gồm cả những người Hồng Kông dám đứng lên chống lại ĐCSTQ) cũng bị coi là nạn nhân của chế độ cộng sản.

Các chuyên gia: Bộ máy bức hại là đặc điểm thường trực của bộ máy cai trị Trung Quốc ngày nay

Hai chuyên gia đã có bài tóm tắt thuyết phục về việc mở rộng cuộc bức hại Pháp Luân Công của ĐCSTQ ra công chúng.

Trong bài báo có tiêu đề “Hãy để mắt đến bộ máy bức hại của Trung Quốc: Caylan Ford và David Matas đối với chính sách nội bộ” (Keeping Our Eyes Open to China’s Machinery of Repression: Caylan Ford and David Matas For Inside Policy) trên trang web của Viện Macdonald-Laurier Canada, ông Ford, một nhà làm phim tài liệu, và ông Matas, một luật sư nhân quyền nổi tiếng đã chỉ ra: “bộ máy bức hại được tạo ra để tiêu diệt Pháp Luân Công đã di căn, trở thành một đặc điểm thường trực trong bộ máy cai trị của Đảng Cộng sản. Cuộc bức hại người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ, và ở một mức độ nhẹ hơn với người theo đạo Cơ đốc, do nhiều người trong cùng một nhóm người tiến hành, bằng cùng một bộ những thủ đoạn mà Pháp Luân Công đã phải chịu đựng trong nhiều thập kỷ qua: giam cầm hàng loạt, tra tấn, lao động cưỡng bức, cải đạo và có lẽ cả thu hoạch nội tạng. Những người đã phớt lờ cuộc bức hại tàn bạo đối với Pháp Luân Công nhiều thập kỷ qua thì nay không thể nói rằng họ ngạc nhiên được.”

Hậu quả cho những kẻ hành ác

Bộ máy bức hại Pháp Luân Công của ĐCSTQ bao gồm ba bộ phận chính: Ủy ban Chính trị và Pháp luật (PLAC), Phòng 610, và các hệ thống hành pháp và tư pháp.

PLAC là trung tâm chỉ huy và hoạch định chính sách cho cuộc bức hại. Nó đặt ra chính sách và giám sát tổng thể cuộc bức hại. Phòng 610 là cơ quan hành pháp. Công an, viện kiểm sát (công tố viên), toà án và các cơ quan tư pháp là đơn vị thực thi.

PLAC có vị trí cao trong bộ máy tổ chức ĐCSTQ. Người đứng đầu PLAC trung ương từng là Ủy viên Ủy ban Thường vụ Bộ Chính trị của ĐCSTQ – đơn vị quyền lực cao nhất trong các cơ cấu ĐCSTQ. Ở cấp địa phương, người đứng đầu PLAC thường đồng thời là người đứng đầu Phòng 610 địa phương, là ủy viên ban thường vụ của Đảng ủy địa phương.

PLAC là cơ quan giám sát lực lượng hành pháp, với hơn 10 triệu nhân viên và ngân sách cao hơn cả mức chi tiêu quân sự – do chính sách “quản lý ổn định” của ĐCSTQ, do vậy PLAC có nguồn lực vô cùng to lớn.

Theo đó, hệ thống PLAC đã phát triển thành “Trung tâm quyền lực thứ hai” khi Chu Vĩnh Khang đứng đầu PLAC trung ương. Chu là một người hết lòng trung thành với chủ tịch ĐCSTQ đã bãi nhiệm là Giang Trạch Dân. Chu không nghe theo chủ tịch đương nhiệm là Hồ Cẩm Đào và thậm chí được cho là đã làm một cuộc đảo chính để lật đổ tân chủ tịch Tập Cận Bình.

Năm 2013, ông Tập bắt đầu thanh trừng các đối thủ chính trị của mình trong PLAC và hệ thống hành pháp liên đới của nó.

Nhiều quan chức hàng đầu bị cách chức vì tội tham nhũng như Chu Vĩnh Khang(周永康), khi đó là người đứng đầu PLAC Trung ương; Mạnh Hoành Vĩ (孟宏伟), nguyên Chủ tịch Interpol, nguyên Ủy viên Đảng ủy, Thứ trưởng Bộ Công an; Phó Chính Hoa (傅政华), cựu Thứ trưởng Bộ Công an; Tôn Lực Quân (孙力军), nguyên Thứ trưởng Bộ Công an; Cung Đạo An (龚道安), cựu Phó Thị trưởng Thượng Hải kiêm Giám đốc Sở Công an Thượng Hải; và Đặng Khôi Lâm (邓恢林), cựu Phó Thị trưởng Trùng Khánh kiêm Giám đốc Sở Công an Trùng Khánh.

Theo trang web của Viện Kiểm sát Tối cao và Tòa án Tối cao, cũng như các báo cáo của Bộ Công an, hệ thống PLAC bắt đầu “tái cơ cấu” từ cuối tháng 2 năm 2021, mở ra một đường dây nóng để công chúng tố giác tội phạm. Tòa án Tối cao công bố “các cáo buộc riêng lẻ đối với các quan chức hành pháp, công tố viên và thẩm phán”; trang web của Viện Kiểm sát Tối cao tuyên bố sẽ “sàng lọc” và “xử lý lại” nếu có trường hợp vi phạm pháp luật trong quá khứ; và vào năm 2021, các nhà chức trách đã công bố “lộ trình truy ngược 20 năm về trước”.

Ngày 1 tháng 9 năm 2021, Ủy ban Thanh tra Kỷ luật Trung ương ĐCSTQ tuyên bố rằng từ tháng 1 đến tháng 7 năm 2021, hơn 100 quan chức PLAC thuộc các cấp phòng và cục trở lên đã bị điều tra và trừng phạt.

Thoạt nhìn, những quan chức này đều bị điều tra về các tội danh tham nhũng. Nhưng xem xét kỹ hơn thì thấy rằng nhiều người trong số họ là bè lũ của Giang, được thăng tiến trong giới chính trị của ĐCSTQ khi tích cực tuân theo chính sách tiêu diệt Pháp Luân Công của Giang.

Mặc dù ông Tập không công khai truy cứu trách nhiệm của các quan chức vì tham gia vào cuộc bức hại Pháp Luân Công, vì như vậy sẽ có nguy cơ triệt bỏ quyền cai trị căn bản của ĐCSTQ ở Trung Quốc, nhưng việc ông Tập thanh trừng những quan chức “tham nhũng” này trên thực tế là thực thi công lý cho Pháp Luân Công ở một mức độ nào đó.

Theo thông tin do Minh Huệ thu thập được, có tin cho hay 68 quan chức PLAC, bao gồm cả các quan chức hàng đầu ở Hà Nam và Hắc Long Giang, đã gặp kết cục tồi tệ vào năm 2021, như bị kết án tù, nhảy/ngã lầu, bị bắt giữ và đang bị điều tra, hoặc có người nhà bị đi tù. Hầu hết những người này đã đích thân tổ chức, chỉ đạo hoặc tham gia bức hại các học viên Pháp Luân Công.

Điều gì đang xảy ra trong cộng đồng quốc tế?

Nhiều quan chức ĐCSTQ từng nghĩ rằng các nước phương Tây là nơi trú ẩn an toàn của họ nếu bản thân trở thành nạn nhân của các cuộc đấu tranh chính trị ở Trung Quốc. Do đó, nhiều người đã chuyển “tiền tiết kiệm” và đưa người nhà ra nước ngoài. Còn có những người đã có quốc tịch nước ngoài.

Nhưng như dân gian có câu: “Gieo gió gặt bão.” Khi ngày càng có nhiều hành vi vi phạm nhân quyền bị phơi bày trên khắp thế giới, cộng đồng quốc tế cũng bắt đầu truy tố trách nhiệm của các thủ phạm này.

Ngày 10 tháng 12 năm 2020, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã xác nhận Hoàng Viên Huynh (黃猿兄), Trưởng Đồn Cảnh sát Ngũ Thốn (五吋), Sở Công an Hạ Môn, tỉnh Phúc Kiến, là đối tượng bị xử phạt. Nguyên nhân là vì ông này đã tham gia vào “vụ vi phạm nghiêm trọng quyền tự do tôn giáo của các học viên Pháp Luân Công, cụ thể là tham gia vào việc giam giữ và thẩm vấn các học viên Pháp Luân Công vì việc thực hành đức tin của họ.”

Ngày 12 tháng 5 năm 2021, chính phủ Hoa Kỳ đã trừng phạt Dư Huy (与会), cựu Giám đốc Phòng 610 thành phố Thành Đô, tỉnh Tứ Xuyên.

Sau khi bị trừng phạt, tài sản của các quan chức này ở Hoa Kỳ sẽ bị đóng băng và họ cùng các thành viên gia đình của họ sẽ bị cấm nhập cảnh vào Hoa Kỳ.

Vào khoảng ngày 10 tháng 12 năm 2021, Ngày Quốc tế Nhân quyền, các học viên Pháp Luân Công tại 36 quốc gia dân chủ, bao gồm Hoa Kỳ, Vương quốc Anh, Úc và Canada, đã gửi danh sách các thủ phạm cho cơ quan chính quyền của họ, để kêu gọi các biện pháp trừng phạt đối với những thủ phạm này theo Đạo luật Magnitsky.

Ông Jeppe Kofod, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Đan Mạch, cho biết chính phủ Đan Mạch rất quan ngại về việc các học viên Pháp Luân Công ở Trung Quốc bị ĐCSTQ bắt giữ và ngược đãi. Ông nói rằng chính phủ Đan Mạch sẽ phối hợp với các quốc gia khác trong những cuộc đối thoại quan trọng với ĐCSTQ liên quan đến việc cải thiện điều kiện nhân quyền của các nhóm tôn giáo và dân tộc thiểu số ở Trung Quốc, bao gồm cả học viên Pháp Luân Đại Pháp.

Hiện tại, Hoa Kỳ, Canada, Vương quốc Anh, Úc và Liên minh Châu Âu (27 quốc gia) đã thông qua Đạo luật Trách nhiệm Giải trình Nhân quyền Magnitsky. Đạo luật cho phép chính phủ xử phạt các thủ phạm vi phạm nhân quyền, quan chức tham nhũng và phần tử độc hại trên mạng bằng cách đóng băng tài sản của các quan chức, tổ chức hoặc nhóm liên quan ở quốc gia đó, và cấm những người có liên quan nhập cảnh vào các quốc gia này.

Ngoài ra, các nước phương Tây như Liên minh Ngũ Nhãn (Five Eyes) đã chia sẻ thông tin về những kẻ bức hại nhân quyền với nhau. Hoa Kỳ, Canada và Vương quốc Anh đã hợp tác chặt chẽ với nhau trong lĩnh vực này.

Báo cáo liên quan:

Danh sách thủ phạm bức hại Pháp Luân Công mới được đệ trình lên 36 quốc gia nhân Ngày Nhân quyền

Khi những giáo viên khỏe mạnh bị điều trị tâm thần không tự nguyện

Phản ứng của chính phủ Đan Mạch trước những vi phạm nhân quyền đối với các học viên Pháp Luân Đại Pháp ở Trung Quốc

Forced Abortion and Miscarriage Under the Chinese Communist Party

Bài viết chỉ thể hiện quan điểm hoặc nhận thức của tác giả. Mọi nội dung đăng trên trang web này thuộc bản quyền của Minghui.org. Minh Huệ sẽ biên soạn các nội dung trên trang web và xuất bản theo định kỳ hoặc vào những dịp đặc biệt.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2022/1/14/436787.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2022/1/25/198284.html

Đăng ngày 06-02-2022; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share