Bài viết của Cao Tư Vũ, phóng viên Minh Huệ

[MINH HUỆ 11-12-2021] Ngày 10 tháng 12, Hiệp hội các Bác sỹ Chống Cưỡng bức Thu hoạch Nội tạng (DAFOH) đã tổ chức hội thảo trực tuyến nhân Ngày Nhân quyền. Chủ đề là “Nhân loại ở đứng trước ngã tư đường: Nhân quyền phổ quát hay thu hoạch nội tạng cưỡng bức từ người sống vì mục đích thương mại”. Nó vạch trần hoạt động thu hoạch nội tạng sống kinh hoàng của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ).

Các quan chức đắc cử và chuyên gia của các tổ chức nhân quyền của Hoa Kỳ, Canada, Bỉ, Vương quốc Anh, Ấn Độ và Romania đã phát biểu tại sự kiện trực tuyến này. Họ đề xuất các biện pháp bảo vệ các nhân quyền cơ bản của các học viên Pháp Luân Công, đặc biệt là quyền tự do tín ngưỡng và tự do ngôn luận, thông qua luật pháp và mở rộng sức ảnh hưởng của các phương tiện truyền thông. Các học viên Pháp Luân Công bị bức hại tàn bạo ở Trung Quốc, và vô số người đã bị giết vì mục đích thu hoạch nội tạng sống bất hợp pháp.

Nhiều diễn giả đã đề cập đến Tuyên ngôn Nhân quyền ra đời tại Paris vào ngày 10 tháng 12 năm 1948. Cùng năm này, người ta đã thề rằng những hành động tàn bạo mà Đức Quốc xã đã gây ra sẽ không bao giờ xảy ra nữa.

Song, 73 năm sau, dưới sự cai trị của ĐCSTQ, các học viên Pháp Luân Công và những người khác vẫn không thể thực hiện quyền cơ bản nhất, đó là tự do tín ngưỡng. Tệ hơn nữa, nhiều người thậm chí còn bị giết vì niềm tin của họ. ĐCSTQ tiếp tục phạm tội ác chống lại loài người và diệt chủng, tội ác này phải chấm dứt.

Hạ nghị sỹ Hoa Kỳ: Đã đến lúc cần có “Đạo luật Bảo vệ Pháp Luân Công”

7b7bde8a961551dbfef7e941270b4105.jpg
Dân biểu Scott Perry

Dân biểu Hoa Kỳ Scott Perry nói, “Đất nước chúng tôi tiếp tục chứng kiến ngày càng nhiều trường hợp đau lòng về sự tha hóa của Trung Cộng và thấy rõ rằng họ đã chỉ đạo một chiến dịch thu hoạch nội tạng của các học viên Pháp Luân Công. Đây là mổ lấy nội tạng của những người đang sống. Theo đó, có lẽ đã có khoảng một triệu rưỡi học viên mất mạng.”

Ông chỉ ra rằng tội ác của ĐCSTQ đối với Pháp Luân Công có thể trở thành một trong những tội ác kinh hoàng nhất trong thời hiện đại. Ông tuyên bố rằng cần phải có một đạo luật cụ thể để ứng xử với cuộc bức hại Pháp Luân Công ở Trung Quốc; rằng đã đến lúc đưa ra “Đạo luật Bảo vệ Pháp Luân Công”.

Ông nói rằng việc thông qua dự luật này sẽ cho phép Tổng thống Hoa Kỳ trừng phạt bất kỳ ai trực tiếp hoặc gián tiếp góp phần vào nạn thu hoạch nội tạng ở Trung Quốc, đồng thời cho phép Ngoại trưởng xác định liệu cuộc bức hại Pháp Luân Công của ĐCSTQ có cấu thành tội ác diệt chủng, một tội ác chống lại loài người hay không, theo định nghĩa của nó.

Dự luật cũng sẽ củng cố các nguyên tắc cơ bản được quốc tế công nhận về quyền con người, nghĩa là quyền sống, quyền tự do và an ninh cá nhân. Không ai nên bị bắt làm nô lệ hay đầy tớ.

Ông nói, “Cuộc bức hại Pháp Luân Công của Trung Quốc, dù là dưới hình thức cưỡng bức thu hoạch nội tạng hay cầm tù bất công, hoặc cưỡng bức lao động, đều là sự tha hóa và độc ác, và Quốc hội phải cam kết nhằm đảm bảo rằng hàng triệu học viên Pháp Luân Công không bị từ chối quyền tự do thực hành tín ngưỡng của họ.”

Ông cho biết ông mong được làm việc với mọi người để dự luật này được trình lên Quốc hội.

Nghị sỹ Quốc hội Bỉ: Đưa cuộc bức hại Pháp Luân Công vào chương trình nghị sự chính trị

4368c09c399a0bf26718c670e7a06326.jpg
Bà Annick Ponthier, Nghị sỹ Quốc hội Bỉ

Nghị sỹ Annick Ponthier của Bỉ cho biết nạn cưỡng bức thu hoạch nội tạng nên nhận được sự quan tâm nhiều hơn từ cả giới truyền thông lẫn các nhà hoạch định chính sách vì nó cấu thành tội ác chống lại loài người không thể phủ nhận.

Bà cho biết bà đã tìm hiểu với vấn đề này khi xem phán quyết của Tòa án Luận tội Trung Quốc (“China Tribunal”, một tòa án nhân dân độc lập để điều tra về nạn cưỡng bức thu hoạch nội tạng từ các tù nhân lương tâm ở Trung Quốc) vào mùa Xuân năm 2020. Sau đó, bà đã tự nghiên cứu. Bà đã tham dự Hội nghị Thượng đỉnh Thế giới về Phòng chống và Chấm dứt Nạn Thu hoạch Nội tạng Sống vào tháng 9 năm 2021 để nâng cao kiến thức vấn đề này.

Bà tin rằng ĐCSTQ bức hại Pháp Luân Công vì các nguyên lý của Pháp Luân Công khác với hệ tư tưởng mà ĐCSTQ áp đặt lên người dân nước này. Điều đó thúc đẩy ĐCSTQ tiến hành tẩy não, giam giữ bất hợp pháp và tra tấn các học viên Pháp Luân Công cả về tinh thần lẫn thể chất. ĐCSTQ cũng sử dụng các phương tiện truyền thông để tung tin vu khống nhằm khiến dư luận quay lưng lại với Pháp Luân Công. Bà nói bà không thể hiểu vì sao một quốc gia đã ký Tuyên ngôn Nhân quyền Thế giới lại có thể hành động tàn nhẫn đến vậy trong thế giới ngày nay.

Bà cho rằng mọi người nên chú ý đến Pháp Luân Công, bởi vì các học viên của Pháp Luân Công là nhóm nạn nhân lớn nhất trong tội ác thu hoạch nội tạng sống của ĐCSTQ. Cả bà và đảng của bà đều hy vọng sẽ thông qua nghị quyết của họ và đưa vào chương trình nghị sự để chấm dứt cuộc bức hại Pháp Luân Công của ĐCSTQ.

Nghị sỹ Canada: Thu hoạch nội tạng của ĐCSTQ là vấn đề cấp bách về nhân quyền

94ebc29ad2cf350d444f68ecbc169fb0.jpg
Nghị sỹ Canada Garnett Genuis

Nghị sỹ Canada Garnett Genuis là một trong hai người khởi xướng Dự luật S204 chấm dứt nạn thu hoạch nội tạng sống. Trong bài phát biểu của mình, ông nói rằng nếu dự luật này được thông qua, mọi hoạt động mổ lấy nội tạng ở Trung Quốc sẽ là tội hình sự. Mục đích của dự luật này là để chấm dứt tội ác thu hoạch nội tạng sống.

Ông chỉ ra rằng tất cả các bên nên hành động để chấm dứt hoạt động thu hoạch nội tạng sống của ĐCSTQ vì đây là vấn đề cấp bách về nhân quyền. Ông đặc biệt đề cập đến “Tuyên bố chung về Đấu tranh và Phòng chống Cưỡng bức Thu hoạch Nội tạng” được công bố tại Hội nghị Thượng đỉnh Thế giới hồi tháng 9.

Ông nói, “Tuyên bố này là một lộ trình quốc tế về các bước mà các quốc gia trên thế giới, trong đó có Canada, có thể thực hiện để đứng lên và bảo vệ các quyền cơ bản của tất cả các nạn nhân của nạn cưỡng bức thu hoạch và buôn bán nội tạng.”

Ông đồng ý rằng khi đối mặt với cuộc bức hại đang diễn ra, người ta phải lựa chọn. “Giữ im lặng là tiếp tay cho kẻ ác. Do đó, phải có nhiều quốc gia hơn nữa hành động để cùng nhau ngăn chặn cuộc đàn áp Pháp Luân Công của ĐCSTQ.”

Chung tay chấm dứt nạn thu hoạch nội tạng sống và bức hại ĐCSTQ đối với Pháp Luân Công

230774b3fe0c356719cf9e3104630fab.jpg
Ông Lord Hunt, cựu Bộ trưởng Bộ Y tế và Nghị sỹ Quốc hội Vương quốc Anh

Ông Lord Hunt, cựu Bộ trưởng Bộ Y tế và Nghị sỹ Quốc hội Vương quốc Anh, cho biết ông đã sốc khi nghe về nạn thu hoạch nội tạng sống của ĐCSTQ. Ông chỉ ra rằng cần phải hoàn thiện luật pháp để cấm các trường hợp ra nước ngoài nhận nội tạng từ nguồn không tự nguyện, đặc biệt là khi bên thứ ba sẽ thu được lợi nhuận lớn.

Ông cũng đề cập cụ thể về nguồn gốc của các thi thể nhựa hóa được sử dụng trong các cuộc triển lãm cơ thể người cũng không rõ nguồn gốc, và cần có luật pháp yêu cầu cung cấp toàn bộ thông tin nhằm chấm dứt tội ác ghê rợn của ĐCSTQ.

829bca2ded494f8650803eb29495fcf8.jpg
Tiến sỹ Abraham Mathai, Người sáng lập Quỹ Harmony, Ấn Độ

Tiến sỹ Abraham Mathai cho biết, hơn 20 năm qua, các học viên Pháp Luân Công đã bị cưỡng bức thu hoạch nội tạng sống: “Nếu chúng ta làm ngơ trước một tội ác tày trời như vậy thì lương tâm của chúng ta ở đâu? Tuyên bố chung về Đấu tranh và Phòng chống Cưỡng bức Thu hoạch Nội tạng là phần bổ sung cho Tuyên ngôn Thế giới về Quyền Con người được ban hành cách đây 73 năm. Chúng ta nên ngăn chặn hoạt động thu hoạch nội tạng sống của ĐCSTQ ”.

928d6519ad32e4b6a9ccda5947c01913.jpg
Lucica Humeniuc, Chủ tịch Hiệp hội Nhân quyền Độc lập Romania

Chủ tịch Lucica Humeniuc của Hiệp hội Nhân quyền Độc lập Romania cho rằng Tuyên bố chung về Đấu tranh và Phòng chống Cưỡng bức Thu hoạch Nội tạng gần đây đã đánh dấu một bước ngoặt và cần có một cơ chế báo cáo và giám sát quốc tế độc lập về tình hình nhân quyền ở Trung Quốc.

Bà nói, “Trong thế kỷ 21, nạn cưỡng bức thu hoạch nội tạng từ người sống không phải chỉ là vấn đề của một quốc gia, mà còn là một vấn đề của nhân loại. Tuyên bố này kêu gọi tất cả các tổ chức và cá nhân trên toàn thế giới cùng ký, là một công cụ để chấm dứt sự tàn bạo của ĐCSTQ.”

22dcad846074479f834aad6f61ba5314.jpg
Người phát ngôn Erping Zhang của Trung tâm Thông tin Pháp Luân Đại Pháp.

Ông Erping Zhang, người phát ngôn của Trung tâm Thông tin Pháp Luân Đại Pháp, đã nói về Pháp Luân Công và cuộc bức hại của ĐCSTQ đối với các học viên suốt 22 năm qua. Ông chỉ ra rằng các học viên Pháp Luân Công đã kiên định với đức tin của họ và tận sức khiến nhiều người hơn nữa nhận ra bản chất tà ác của ĐCSTQ.

Bối cảnh: Pháp Luân Đại Pháp là gì?

Pháp Luân Đại Pháp (còn được gọi là Pháp Luân Công) lần đầu tiên được giới thiệu với công chúng bởi ông Lý Hồng Chí ở Trường Xuân, Trung Quốc, vào năm 1992. Môn tu luyện này hiện được thực hành tại hơn 100 quốc gia và khu vực trên toàn thế giới. Hàng triệu người, sau khi học các bài giảng của Pháp Luân Đại Pháp –– dựa trên nguyên lý Chân-Thiện-Nhẫn –– và học năm bài công pháp, đã có những chuyển biến tích cực về sức khỏe thể chất và tinh thần.

Giang Trạch Dân, cựu lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), nhận thấy sự phổ biến ngày càng lớn của môn tu luyện này là mối đe dọa đối với hệ tư tưởng vô thần của ĐCSTQ, do vậy vào ngày 20 tháng 7 năm 1999, đã ban hành lệnh cấm pháp môn này.

Dưới sự chỉ đạo cá nhân của Giang, ĐCSTQ đã thành lập Phòng 610, một tổ chức an ninh vượt trên pháp luật, có quyền kiểm soát hệ thống cảnh sát và tư pháp và có chức năng duy nhất là thực thi cuộc bức hại Pháp Luân Đại Pháp.

Minghui.org đã xác nhận cái chết của hàng nghìn học viên vì bị bức hại trong 22 năm qua. Con số tử vong thực tế được cho là cao hơn nhiều. Số người bị cầm tù và tra tấn còn cao hơn nữa.

Có bằng chứng cụ thể cho thấy ĐCSTQ hậu thuẫn cho việc giết hạn và thu hoạch nội tạng từ các học viên bị giam cầm để cung cấp cho ngành công nghiệp cấy ghép nội tạng.

Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên Minghui.org đều thuộc bản quyền của trang Minh Huệ. Khi sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, vui lòng ghi lại tiêu đề gốc và đường link URL, cũng như dẫn nguồn Minghui.org.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2021/12/11/434661.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2021/12/13/196971.html

Đăng ngày 16-12-2021; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share