Bài viết của phóng viên báo Minh Huệ tại Pháp

[MINH HUỆ 29-09-2021] Ngày 20 tháng 9, Viện Nghiên cứu Chiến lược của Trường Quân sự Pháp (IRSEM), một tổ chức trực thuộc Bộ Lực lượng Vũ trang Pháp đã công bố một báo cáo với tiêu đề “Các hoạt động nhằm gây ảnh hưởng của Trung Quốc” (Les operations d’influence chinoises).

Báo cáo được đăng tại trang web (https://www.irsem.fr/) của viện, dài 646 trang, trong đó trình bày cụ thể những chiêu bài của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) nhằm tác động và xâm nhập vào chính phủ các nước thông qua Đảng, chính phủ Trung Quốc, quân đội Trung Quốc và các doanh nghiệp nhà nước cũng như các doanh nghiệp tư nhân của nó. Báo cáo này có trích dẫn các bài báo, video và truyền thông xã hội nhằm phơi bày toàn bộ cơ cấu tổ chức “Mặt trận thống nhất” của ĐCSTQ trong việc kiểm soát nước khác thông qua Hoa kiều, truyền thông, ngoại giao, kinh tế, chính trị, giáo dục, cố vấn chiến lược, văn hóa, v.v. Một mặt, ĐCSTQ lôi kéo người ta “dựng lên hình ảnh tích cực về nó trên thế giới để thu hút sự ngưỡng mộ”; mặt khác, “Bắc Kinh đã tăng cường xâm nhập và ép buộc: gia tăng mạnh các hoạt động gây ảnh hưởng của nó trong những năm gần đây” nhằm thúc đẩy kế hoạch của chủ nghĩa cộng sản.

Trong báo cáo này, có 79 chỗ đề cập đến cuộc bức hại Pháp Luân Công của ĐCSTQ, một môn tu luyện thiền định dựa trên nguyên lý Chân-Thiện-Nhẫn. Ngoài ra, phần mở đầu của báo cáo cũng nhấn mạnh rằng nó nhắm vào ĐCSTQ, chứ không phải đất nước Trung Quốc hay người dân Trung Quốc. ĐCSTQ khác với Trung Quốc.

8abe21c74f21b3c5422527f1cfe6f3bc.jpg

Báo cáo do Viện Nghiên cứu Chiến lược của Trường Quân sự Pháp (IRSEM) công bố ngày 20/9.

Báo cáo này cũng đưa ra các ví dụ cụ thể về việc ĐCSTQ mua chuộc các tổ chức truyền thông Trung Quốc ở nước ngoài và các tổ chức của Trung Quốc để lan truyền tin giả nhằm phỉ báng Pháp Luân Công là tà giáo và kích động lòng thù hận. Hơn nữa, ĐCSTQ còn đe dọa và uy hiếp các học viên Pháp Luân Công thông qua Hiệp hội Sinh viên và Học giả Trung Quốc (CSSA, một mạng lưới tổ chức thuộc các đại sứ quán và lãnh sự quán Trung Quốc ở nước ngoài), du học sinh Trung Quốc, và đội quân 50 xu (những được trả thù lao, trước đây là mức 50 xu, cho mỗi bài đăng tôn vinh ĐCSTQ).

Báo cáo này đã thu thập thông tin sâu rộng kèm theo phân tích toàn diện về chính quyền ĐCSTQ, là điều hiếm thấy trong các tài liệu chính thức của chính phủ Pháp. Sau đây, chúng tôi xin trích dẫn một số nội dung liên quan đến cuộc đàn áp Pháp Luân Công.

Phòng 610

Theo báo cáo này, Pháp Luân Công là một môn tu luyện giúp cải thiện cả tinh thần lẫn thể chất, đã phổ biến ở Trung Quốc với hàng chục triệu người tập. Sau đó, lãnh đạo tối cao của ĐCSTQ bấy giờ là Giang Trạch Dân đã coi pháp môn này là mối đe dọa vì ĐCSTQ không chấp nhận sự tồn tại của bất kỳ tổ chức nào nằm ngoài tầm kiểm soát của nó.

Vì thế, Phòng 610 đã ra đời. Với các đặc vụ cả trong và ngoài Trung Quốc, cơ quan ngoài pháp luật này đã thực hiện các hành động trên khắp thế giới hòng tiêu diệt Pháp Luân Công.

Trả tiền cho các bài báo phỉ báng Pháp Luân Công

Báo cáo chỉ ra rằng ĐCSTQ trả tiền cho các hãng truyền thông ở các quốc gia khác để đăng các bài báo bôi nhọ Pháp Luân Công. Theo đó, nó khiến dư luận lầm tưởng rằng những quan điểm tiêu cực như vậy về Pháp Luân Công đến từ “bên thứ ba” nên “đáng tin” hơn.

Chẳng hạn, tháng 4 năm 2020, một đặc vụ đã trả 20.000 peso (khoảng 200 Euro) cho tổng biên tập của nhiều hãng truyền thông Argentina để đăng một bài báo phỉ báng Pháp Luân Công bằng “tiếng Tây Ban Nha cực tệ”. Các hãng truyền thông được dùng gồm El Cronista Comercial, Diario Popular và nền tảng trực tuyến Infobae. Bài viết này chứa lượng lớn thông tin sai lệch về Pháp Luân Công và nhằm hủy hoại danh tiếng của Pháp Luân Công. Nó cũng bao gồm những câu chuyện mà ĐCSTQ thường sử dụng để bôi nhọ và vu khống cho Pháp Luân Công là tà giáo. Nói cách khác, ĐCSTQ đã lan truyền một thông điệp của nó thông qua các kênh truyền thông ở nước ngoài.

Sự việc này bị phanh phui vì một biên tập viên mà đặc vụ đã tiếp xúc cảm thấy anh ta nên liên lạc với đồng nghiệp, vốn là một học viên Pháp Luân Công, về việc này. Cả Trung tâm Thông tin Pháp Luân Đại Pháp và Epoch Times đều có được bản sao của bài báo này. Đặc vụ này đã thú nhận anh ta làm việc cho “Trung Quốc” về vấn đề này.

Gửi email bằng danh tính giả mạo

Để bôi nhọ Pháp Luân Công, một số “kẻ tấn công” đã mạo danh các học viên Pháp Luân Công gửi email xúc phạm tới các bộ trưởng và quốc hội ở Canada và các quốc gia khác.

Một thành viên của Hiệp hội Pháp Luân Đại Pháp Canada nói rằng có bằng chứng cho thấy đặc vụ của ĐCSTQ gửi những email như vậy “một cách có hệ thống” và “liên tục” tới các quan chức các cấp ở các nước để phá hoại Pháp Luân Công. Địa chỉ IP của một số email này là từ Trung Quốc.

Vai trò của CSSA

Nhiều du học sinh Trung Quốc bị CSSA ép làm gì đó và không được làm gì đó. Ví dụ, một sinh viên tại Đại học Ottawa nhận được một email đe dọa từ CSSA. Email này viết, “Dựa trên lời khai của các sinh viên khác và điều tra của các cán bộ CSSA, mày vẫn đang tu luyện Pháp Luân Công. Cứ cẩn thận.”

Một tình huống tương tự cũng xảy ra ở Đại học Calgary. Một số thành viên CSSA đã nhận được email từ một người tự xưng là đặc vụ của ĐCSTQ. Email này khuyên họ đừng tham gia các buổi chiếu phim do câu lạc bộ Những người bạn của Pháp Luân Công trong trường tổ chức. Email viết, “Nếu không, tên và ảnh của các người sẽ được báo cáo lên chính quyền trung ương (ĐCSTQ).”

Ngôn ngữ mà CSSA sử dụng cho thấy tổ chức này hoạt động như cơ quan ngôn luận của ĐCSTQ. Năm 2004, CSSA của Đại học Toronto đã gây áp lực với thành phố này, yêu cầu rút lại việc công nhận “Ngày Pháp Luân Đại Pháp”. Năm sau đó, CSSA tại Đại học Ottawa đã can thiệp vào đơn đăng ký thành lập đài truyền hình địa phương của NTD. Bức thư của nó dùng từ ngữ giống hệt từ ngữ của các đại sứ của ĐCSTQ ở nước ngoài.

Bốn năm trước, chủ tịch của CSSA tại Đại học Quốc gia Canberra của Úc thấy hiệu thuốc trong trường có các tờ báo miễn phí của Epoch Times và hỏi ai đã cho phép. Vị này một mực sách nhiễu cho đến khi hiệu thuốc bỏ các tờ báo này đi.

Có rất nhiều ví dụ như thế. Một số du học sinh Trung Quốc có thể cảm thấy họ có mọi đặc quyền trong trường. Họ biết các trường phụ thuộc vào họ về mặt tài chính và lấy đó làm đòn bẩy. Các hành vi của họ cũng được chính quyền Trung Quốc ủng hộ và cổ xúy.

Cuộc đàn áp xuyên quốc gia lớn nhất

Báo cáo cho biết mục tiêu đầu tiên của ĐCSTQ là bịt miệng người Hoa ở nước ngoài, gồm cả những người bất đồng chính kiến có quan điểm khác và những người lớn lên trong thế giới tự do. Mục tiêu chính là các nhóm người thiểu số và một số nhóm tín ngưỡng như Tây Tạng, Duy Ngô Nhĩ, Nội Mông và Pháp Luân Công. Những đối tượng khác là người bất đồng chính kiến ở Đài Loan và những người ủng hộ dân chủ (như cư dân Hồng Kông kể từ năm 2019), người bảo vệ nhân quyền, nhà báo nhân quyền và các cựu quan chức bị ĐCSTQ truy nã vì tội “tham nhũng”. Chiến dịch lớn này của ĐCSTQ bị các tổ chức nhân quyền gọi là cuộc đàn áp toàn cầu tinh vi nhất, lớn nhất và toàn diện nhất.

Để đạt được mục tiêu, ĐCSTQ giám sát các tổ chức và cá nhân này cho dù quốc tịch của họ là gì, miễn là có gốc gác Trung Quốc. Nó dùng những chiêu như thu thập thông tin, xâm nhập, đàn áp, đe dọa, bắt nạt, quấy nhiễu, thậm chí là bạo lực. Đôi khi, nó ép buộc chính phủ các nước bắt giữ và dẫn độ các cá nhân; những trường hợp như vậy đã xảy ra ở Ấn Độ, Thái Lan, Serbia, Malaysia, Ai Cập, Kazakhstan, UAE, Thổ Nhĩ Kỳ, Nepal và các quốc gia khác.

Kiểm duyệt và kiểm soát truyền thông Trung Quốc ở nước ngoài

Rất nhiều người đã biết Bắc Kinh kiểm soát truyền thông Trung Quốc trên toàn cầu kể cả ở Bắc Mỹ. Thật ra, gần như mọi kênh truyền thông Trung Quốc ở Canada đều do ĐCSTQ kiểm soát. Hai tổ chức truyền thông độc lập nổi tiếng ngoại lệ duy nhất là Epoch Timesvà Đài Truyền hình NTD. Năm 2005, khi các phóng viên của hai kênh này định đến Trung Quốc để đưa tin về chuyến công du của Ngoại trưởng Canada, ban đầu, họ đã được cấp thị thực, nhưng sau lại bị thu hồi.

Ngoài các nhà chức trách Trung Quốc, ngay cả các quan chức Canada đôi khi cũng hạn chế hai kênh truyền thông này để tránh bị Bắc Kinh trả đũa. Ví dụ, khi cựu chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào đến thăm Ottawa vào năm 2005, hai tổ chức truyền thông này không thể nhận được giấy phép để đưa tin về các sự kiện liên quan. Điều tương tự cũng xảy ra khi ông Hồ một lần nữa đến thăm Ottawa vào năm 2010.

Để khống chế truyền thông Trung Quốc ở nước ngoài, ĐCSTQ dùng hai công cụ chính là củ cà rốt (khuyến khích sự tự kiểm duyệt của các hãng thông tấn bằng những món lợi tài chính) và cây gậy (đe dọa và quấy nhiễu người nhà ở Trung Quốc của các phóng viên). Ngoài ra, ĐCSTQ còn muốn chỉnh đốn và đào tạo những phóng viên này theo giọng điệu của ĐCSTQ. Ví dụ, dưới dàn xếp của Mặt trận Thống nhất của ĐCSTQ địa phương, năm 2014, Tổ chức Hợp tác Truyền thông Tân Quốc tế được thành lập tại Vancouver nhằm liên kết tất cả các tổ chức truyền thông Trung Quốc ủng hộ ĐCSTQ ở Bắc Mỹ.

Thâm nhập thông qua Viện Khổng Tử

Một đòn bẩy tài chính khác của ĐCSTQ là Viện Khổng Tử. Salvatore Babones, Phó Giáo sư của Đại học Sydney, cho biết ảnh hưởng của Viện Khổng Tử không chỉ giới hạn ở việc tuyên truyền, mà còn tác động cả đến công tác quản lý trường đại học. Cụ thể là, Bắc Kinh có chìa khóa mở cửa – đó là kinh phí, giáo viên, tiền lương và trang thiết bị. Thậm chí, nó có thể tặng một tòa nhà hoặc một trung tâm ngôn ngữ cho một trường đại học đang trong tình trạng căng thẳng về tài chính. Nhiều trường đại học khó lòng mà từ chối những đề nghị như vậy. Đổi lại, họ trở nên phụ thuộc vào Bắc Kinh, để rồi trở thành kẻ phục tùng nó.

Sau đó, Bắc Kinh sẽ tác động đến việc ra quyết định của các trường đại học này, thậm chí đến cả một số dự án nghiên cứu (như cấm các nghiên cứu về Tây Tạng, Đài Loan, hay chiến lược chấm dứt ảnh hưởng của ĐCSTQ), hạn chế quyền tự do ngôn luận và tín ngưỡng (đặc biệt là Pháp Luân Công) của nhân viên, diễn giả khách mời, và quan điểm của trường đại học đối với ĐCSTQ. Tất cả sẽ dẫn đến việc các trường phải tự kiểm duyệt ngôn luận của mình.

Đóng cửa Viện Khổng Tử ở Lyon

Báo cáo này cho biết, ở Pháp vẫn còn 18 Viện Khổng Tử, nhưng một số đã bị đóng cửa. Một ví dụ là Viện Khổng Tử tại Đại học Jean Moulin Lyon 3, được thành lập vào năm 2009 theo đề nghị của Đại học Tôn Trung Sơn ở tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc.

Nhưng sau khi một tân giám đốc của Viện Khổng Tử này được bổ nhiệm vào năm 2012, mối quan hệ giữa hai bên trở nên xấu đi. Ông Gregory Lee, giáo sư của trường cho biết vị tân giám đốc này đã chất vấn về chương trình giảng dạy và một mực đòi đưa Viện Khổng Tử tham gia sâu hơn vào việc giảng dạy của trường đại học này, thậm chí đòi cho Viện Khổng Tử cấp văn bằng. Ông Lee cho rằng điều này sẽ làm xói mòn nền tự do học thuật, cũng như tinh thần và chính sách giáo dục đại học ở Pháp.

Cuối cùng, Hán Ban (Trụ sở chính của Viện Khổng Tử) đã cắt các khoản quyên góp hàng năm mà không thông báo cho ông. Sau khi thương lượng thất bại, ông Lee quyết định đóng cửa cơ sở này vào tháng 9 năm 2013.

Vụ việc tại Đại học Libre de Bruxelles ở Bỉ

Jonathan Manthorpe, nhà bình luận người Canada, cũng là chuyên gia về Trung Quốc, coi Viện Khổng Tử chủ yếu là công cụ cho các hoạt động tuyên truyền và gián điệp của ĐCSTQ, mặc dù chúng thường được ngụy trang dưới danh nghĩa chương trình trao đổi văn hóa. Lý Trường Xuân, ủy viên thường ủy của Bộ Chính trị ĐCSTQ cũng thừa nhận Viện Khổng Tử là một bộ phận quan trọng trong hoạt động tuyên truyền của ĐCSTQ ở nước ngoài. Trên thực tế, chúng hoạt động như trung tâm gián điệp cho các đại sứ quán và lãnh sự quán Trung Quốc nhằm kiểm soát sinh viên, thu thập thông tin của những người được gọi là “kẻ thù” và đe dọa những người có quan điểm khác.

Một ví dụ điển hình là Tống Tân Ninh (宋新宁), Giám đốc Viện Khổng Tử tại Đại học Libre de Bruxelles ở Bỉ. Năm 2019, tình báo Bỉ buộc tội Tống tham gia vào các hoạt động gián điệp trong tám năm. Khi đang dạy tiếng Trung tại viện này, Tống đã lợi dụng chức danh của mình làm vỏ bọc để tuyển mộ nhân viên tình báo Trung Quốc.

Vì thế, Tống bị trục xuất và cấm nhập cảnh vào Khối Schengen (liên minh kiểm soát biên giới do 26 quốc gia châu Âu thành lập) trong tám năm. Ngoài ra, Viện Khổng Tử này cũng đã bị đóng cửa.

Gia hạn thị thực ngoại giao bị từ chối vì bức hại Pháp Luân Công

Năm 2006, chính phủ Canada đã từ chối đơn xin gia hạn thị thực của Vương Bằng Phi (王鹏飞), bí thư thứ hai phụ trách Văn phòng Giáo dục của Đại sứ quán Trung Quốc tại Ottawa. Vương cũng bị yêu cầu rời khỏi Canada.

Nguyên nhân là vì công việc của Vương tại Văn phòng Giáo dục liên quan đến việc thu thập thông tin của các học viên Pháp Luân Công ở Canada và can thiệp vào các quyền hợp pháp của họ.

Ví dụ, Vương đã hợp tác với CSSA tại hơn 20 trường đại học ở Canada để bôi nhọ Pháp Luân Công. Tạp chí Thần Châu Học Nhân (神州学人), một tạp chí của chính quyền Trung Quốc đã đăng một bài viết vào năm 2004 nhằm ca ngợi thành tích “xuất sắc” của chủ tịch CSSA tại chi nhánh của Đại học Bắc Kinh ở Montreal, đặc biệt là chiến thuật và “dũng khí” của ông ta trong công tác chống Pháp Luân Công.

Huy động sinh viên

Theo báo cáo của IRSEM, để chuẩn bị cho chuyến thăm của ông Hồ vào năm 2010, khoảng 50 sinh viên Trung Quốc ở Canada nhận học bổng của chính phủ Trung Quốc đã được gọi đến đại sứ quán Trung Quốc tại Ottawa. Lưu Thiếu Hoa (刘少华), Bí thư thứ nhất của Văn phòng Giáo dục, đã có bài phát biểu về kế hoạch tiếp đón ông Hồ. Ngoài Ontario, đại sứ quán cũng đã huy động khoảng 3.000 người từ Quebec và đài thọ toàn bộ chi phí cho họ, từ khách sạn, ăn uống, đi lại cho đến cả trang phục. Các nhân chứng cho biết mỗi người tham dự được bồi dưỡng 50 đô la Canada.

Trong cuộc họp tại Văn phòng Giáo dục, Lưu gọi đây là “trận chiến” để bảo vệ “danh tiếng tổ quốc”. Ông ta yêu cầu các sinh viên chiến thắng các học viên Pháp Luân Công, người “ly khai” Tây Tạng và “người ly khai” Duy Ngô Nhĩ đã “chiếm đóng” Đồi Capitol.

Lưu nhắc nhở họ rằng mọi chi phí đều do đại sứ quán đài thọ, kể cả với những sinh viên không thuộc diện nhận học bổng của chính phủ Trung Quốc. Ông ta cũng yêu cầu các sinh viên giữ “bí mật” về cuộc trò chuyện này. Khi Hồ sang thăm Ottawa vào năm 2005, các quan chức ĐCSTQ đã tức giận vì “kẻ thù đã chiếm đóng” mất các địa điểm chính. Vì vậy, lần này, Lưu muốn những người ủng hộ ĐCSTQ làm nên màn nghênh đón hoành tráng. Nếu sinh viên được hỏi tại sao họ lại “tình nguyện” đến đây, họ cần phải trả lời rằng “Chúng tôi ở đây để chào đón ông Hồ. Tình hữu nghị Trung Quốc-Canada muôn năm!”

Cùng ngày hôm đó, Trương Bảo Quân (张宝军) của Văn phòng Giáo dục của Lãnh sự quán Trung Quốc tại Toronto cũng gửi một email với thông điệp tương tự cho các sinh viên. Ông ta nhắc nhở các sinh viên phải “phối hợp với nhau và hành động theo kế hoạch”. Đối với những người đã nhận học bổng từ chính phủ Trung Quốc, bất cứ ai không tham gia được đều phải nêu lý do vắng mặt.

Đánh đồng người nhập cư Trung Quốc với Hoa kiều

Báo cáo cũng cho biết thêm rằng ĐCSTQ có ý đồ làm lu mờ sự khác biệt giữa Hoa kiều và công dân Trung Quốc sống ở nước ngoài. ĐCSTQ làm như vậy để thu hút nhiều người hơn làm việc cho nó thông qua chiến lược Mặt trận Thống nhất.

Trên thực tế, nhiều người trong số này đã chạy trốn khỏi Trung Quốc sau vụ thảm sát trên Quảng trường Thiên An Môn vào năm 1989, cư dân Hồng Kông hoặc Đài Loan, hoặc người thuộc các thế hệ trước đã di cư ra nước ngoài. Một số người trong số đó có thể có còn không thạo tiếng Trung hay văn hóa Trung Quốc.

Tuy vậy, ĐCSTQ đã cố gắng thiết lập một cộng đồng hay một mạng lưới “người Hoa” khổng lồ cư trú ở nước ngoài nhưng để phục vụ chế độ này.

Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên Minghui.org đều thuộc bản quyền của trang Minh Huệ. Khi sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, vui lòng ghi lại tiêu đề gốc và đường link URL, cũng như dẫn nguồn Minghui.org.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2021/9/29/432004.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2021/9/30/195972.html

Đăng ngày 08-10-2021; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share