Bài của phóng viên Minh Huệ tại tỉnh Tứ Xuyên, Trung Quốc

[MINH HUỆ 17-11-2021] Chồng của bà Trình Đông Lan ở thành phố Tây Xương, tỉnh Tứ Xuyên đã chết ở trong tù trong khi bà cũng đang bị giam trong một nhà tù khác vì đức tin của họ đối với Pháp Luân Công, một pháp môn tu luyện đã bị chính quyền cộng sản Trung Quốc bức hại kể từ tháng 7 năm 1999.

Bà Trình nghi ngờ rằng chồng của bà là ông Phương Chinh Bình không phải chết vì bệnh tiểu đường như chính quyền công bố. Một tù nhân bị giam cùng với ông Phương tại Nhà tù Số 1 Tỉnh Vân Nam cho biết trong một bức thư ngỏ rằng lính canh đã cho một hỗn hợp thuốc vào thức ăn của ông Phương. Điều này có thể là nguyên nhân gây ra cái chết của ông.

Ban quản lý nhà tù không hề thông báo cho gia đình về cái chết của ông. Họ chỉ thông báo cho bà Trình dù biết rằng bà đang bị giam tại Nhà tù Nữ Tỉnh Tứ Xuyên.

Bà Trình nhận thấy quy trình xử lý đối với cái chết của ông Phương của chính quyền là không hợp lý.

Ông Phương “được cho là đã chết vào ngày 1 tháng 4 năm 2013“ và chính quyền đã đến gặp bà vào ngày 7 tháng 5 năm đó để báo tin và yêu cầu bà ký vào giấy đồng ý hỏa táng. Bà đã từ chối. Đến cuối tháng 5, bà được thông báo rằng thi thể của chồng bà đã được hỏa táng. Theo báo cáo của nhà tù, thi thể đã được khám nghiệm vào ngày 23 tháng 7 năm 2013, trong khi ngay từ tháng 5, bà đã nhận được thông báo rằng thi thể đã được hỏa táng. Càng tệ hơn nữa, đó là khi con trai bà đến nhà hỏa táng để nhận tro cốt vào ngày 8 tháng 8, anh ấy nhìn thấy một thi thể khác đang được hỏa táng trước mặt mình và được giao tro cốt của thi thể đó. Con trai bà bị buộc phải ký vào giấy đồng ý hỏa táng ngay tại chỗ.

Sau cái chết của ông Phương, bà Trình đã gửi nhiều đơn khiếu nại lên văn phòng giám sát Nhà tù Số 1 Tỉnh Vân Nam, tuy nhiên mọi nỗ lực của bà đều vô vọng. Giờ đây, khi ở tuổi 69, bà vẫn tiếp tục đi tìm công lý cho người chồng quá cố vì nguyên nhân cái chết vẫn còn nhiều uẩn khúc.

Tháng 6 năm 2021, bà đã gửi nhiều đơn khiếu nại đến tòa án, viện kiểm sát, quản lý nhà tù và văn phòng kháng cáo thành phố Côn Minh, tỉnh Vân Nam và tỉnh Tứ Xuyên. Trong đơn, bà Trình đã phơi bày hành vi của Nhà tù Số 1 Tỉnh Vân Nam đã dẫn đến cái chết của chồng bà và yêu cầu một cuộc điều tra chính thức về vụ việc này. Bà cáo buộc nhà tù với tội danh giết người, hành hung, tra tấn và lạm dụng quyền lực.

2020-3-22-mh-fangzhengping--ss.jpg

Ông Phương Chinh Bình

Bối cảnh

Ngày 14 tháng 10 năm 2007, sỹ quan an ninh nội địa thuộc Công an Huyện Tuy Giang, tỉnh Vân Nam đã bắt giữ ông Phương Chinh Bình. Hai tháng sau, một thẩm phán của Tòa án Huyện Tuy Giang đã kết án ông Phương 7 năm tù giam.

Tại thời điểm bị đưa tới Nhà tù Số 1 Tỉnh Vân Nam vào ngày 27 tháng 12 năm 2007, ông vẫn khỏe mạnh, nhưng sau đó đã đột ngột qua đời vào ngày 1 tháng 4 năm 2013. Không ai trong gia đình được gặp ông kể từ khi ông lâm bệnh cho đến khi thi thể ông được hỏa táng. Khi ông chết, bà Trình đang ở trong Nhà tù Nữ Tỉnh Tứ Xuyên nên không thể làm được gì. Cha mẹ già của ông đã thuê một luật sư để tìm hiểu về cái chết của ông. Chính quyền nhà tù đã đe dọa luật sư. Trong một video mà nhà tù cho bà Trình xem, chồng bà đang hấp hối trên giường, miệng lẩm bẩm “Đừng đánh tôi, đừng đánh tôi”. Trong một báo cáo của nhà tù, nhà tù đã hai lần khám nghiệm tử thi của ông Phương nhưng không lần nào thông báo cho gia đình. Nhà tù còn cho hỏa táng thi thể của ông mặc dù bà Trình không chấp thuận.

Trong khi ở trong tù, bà Trình đã gửi đơn khiếu nại lên Viện Kiểm sát Tỉnh Vân Nam yêu cầu điều tra về cái chết của chồng bà. Sau đó bà còn gửi đơn khiếu nại lên Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao Tỉnh Vân Nam. Tháng 1 năm 2016, một đại diện của Viện Kiểm sát Thành phố Côn Minh đã đến Nhà tù Nữ tỉnh Tứ Xuyên để nói chuyện với bà. Tháng 8 năm 2020, Nhà tù Số 1 Tỉnh Vân Nam đã trả lời đơn khiếu nại của bà. Ban quản lý nhà tù không có lời giải thích rõ ràng cho nghi vấn của bà về cái chết của chồng mình.

Tháng 7 năm 2021, Viện Kiểm sát Huyện Tuy Giang đã trả lời đơn khiếu nại mới nhất của bà sau khi bà gửi đi được một tháng. Họ cho rằng vụ việc liên quan đến cái chết [của chồng bà] không thuộc thẩm quyền xét xử của họ. Vào tháng 9, Nhà tù Nữ Tỉnh Tứ Xuyên cũng phản hồi rằng cái chết của chồng bà không thuộc thẩm quyền xử lý của họ. Cùng lúc đó, Nhà tù Số 1 Tỉnh Vân Nam phản hồi rằng họ đã tiến hành điều tra và không phát hiện vấn đề gì, và thư phúc đáp này cũng không trả lời bất kỳ câu hỏi nào của bà.

Lời kể của bà Trình về cái chết của chồng bà

Nhà tù Số 1 Tỉnh Vân Nam che giấu thông tin với gia đình và luật sư

Chức trách nhà tù cố tình che giấu, không cho tôi và cha mẹ chồng tôi biết thông tin về tình trạng sức khỏe của chồng tôi kể từ ngày ông ấy vào tù.

Chức trách nhà tù không thông báo cho tôi biết việc họ tống chồng tôi vào Nhà tù Số 1 Tỉnh Vân Nam khi tôi còn là một người tự do. Thay vào đó, họ gửi thông báo cho cha mẹ già của ông ấy, những người đang sống ở thành phố Nghi Tân, tỉnh Tứ Xuyên cách đó hàng ngàn cây số.

Tôi đến thăm ông ấy vào tháng 2 năm 2008 và tháng 9 năm 2009 và đây cũng là lần cuối cùng tôi gặp ông ấy. Lúc đó, tinh thần của ông ấy có vẻ tốt và trông ông ấy khỏe mạnh với cân nặng bình thường. Tôi không nghĩ rằng ông sẽ đổ bệnh và chết ở đó.

Cha mẹ đã không được gặp mặt ông ấy lần nào kể từ khi ông được cho là bệnh cho đến lúc chết và bị hỏa táng. Lãnh đạo nhà tù tránh mặt cha mẹ chồng tôi.

Năm 2012, lính canh tên Dương Thành đã tìm con trai tôi và yêu cầu cậu ấy đưa cha dượng của mình (tức là chồng tôi) về nhà để tại ngoại điều trị bệnh vì bàn chân ông có vấn đề. Vì con trai tôi không thân thiện với cha dượng nên từ chối. Cậu ấy bảo Dương Thành liên lạc với cha mẹ chồng tôi nhưng Dương không làm.

Theo một số báo cáo từ Nhà tù Số 1 Tỉnh Vân Nam, chồng tôi lâm bệnh nặng vào ngày 22 tháng 3 năm 2012 và được đưa đến nhiều bệnh viện để điều trị. Trong khoảng thời gian từ khi ông ấy bắt đầu lâm bệnh và đến khi chết vào ngày 1 tháng 4, nhà tù đã nhiều lần thông báo cho cha mẹ ông và con trai tôi đến gặp ông lần cuối nhưng họ không đi. Sau khi ông ấy qua đời, lãnh đạo nhà tù đã tránh gặp cha mẹ ông và đợi đến hơn một tháng sau mới tìm đến tôi vốn đang bị cầm tù vì kiên định đức tin của mình và yêu cầu tôi xử lý vấn đề thủ tục pháp lý cho ông ấy.

Khi cha mẹ hay tin về cái chết của ông, họ đã thuê hai luật sư để tìm hiểu và yêu cầu lãnh đạo nhà tù có thông báo chính thức.

Lần lượt vào ngày 30 tháng 8 và 15 tháng 10 năm 2012, hai luật sư đến nhà tù và yêu cầu 12 đầu tài liệu liên quan đến cái chết của chồng tôi, bao gồm kết quả khám sức khỏe vào ngày đầu ông vào tù, báo cáo khám nghiệm tử thi, bảng ghi âm và ghi hình ông ấy và bảng ghi âm cuộc nói chuyện giữa nhà tù và gia đình. Cả hai lần nhà tù đều từ chối hợp tác và cung cấp thông tin.

Ngày 14 tháng 10 năm 2013, luật sư nộp hồ sơ yêu cầu chế độ bồi thường tử tuất của chồng tôi. Cục Quản lý Nhà tù Vân Nam đã cử người đến văn phòng pháp lý địa phương của hai luật sư và ra lệnh họ đe dọa các luật sư phải hủy bỏ vụ án của chồng tôi. Nếu không, họ sẽ không được gia hạn giấy phép hành nghề.

Không chịu khuất phục trước áp lực, ngày 19 tháng 1, hai luật sư đã khiếu nại lên Tòa án Trung cấp Thành phố Côn Minh và đòi chế độ bồi thường tử tuất. Tuy nhiên, tòa án không hề mời họ quay lại.

Phản ứng của Ban quản lý làm dấy lên nhiều hoài nghi

Tôi nghi ngờ chồng tôi chết không phải do nguyên nhân tự nhiên, đặc biệt sau khi lính canh đến gặp tôi tại Nhà tù Nữ Tỉnh Tứ Xuyên và tôi đã xem hình ảnh từ video mà họ mở cho tôi xem. Các báo cáo của nhà tù về thời gian khám nghiệm tử thi và hỏa táng đã dấy lên nhiều nghi vấn. Công tố viên thuộc Viện Kiểm sát Côn Minh cố bẻ những gì chồng tôi đã nói trên giường bệnh theo một cách khác. Điều này không có ý nghĩa gì với tôi. Sau đây là những nghi vấn của tôi.

1. Thi thể được hỏa táng không có sự chấp thuận của gia đình

Trước khi chồng tôi qua đời, tôi đã yêu cầu lãnh đạo Nhà tù Nữ Tứ Xuyên cho tôi được gặp ông ấy lần cuối, nhưng bị từ chối. Ngày 7 tháng 3 năm 2012, ba lính canh tù của Nhà tù Số 1 Tỉnh Vân Nam đến gặp tôi, báo cho tôi biết chồng tôi đã qua đời và rằng tôi cần phải ký giấy đồng ý cho ông ấy được hỏa táng.

Trong một video mà họ cho tôi xem, chồng tôi nằm mê man trên giường, liên tục lẩm nhẩm “Đừng đánh tôi!” cho đến khi trút hơi thở cuối cùng. Tôi không ký vào giấy đồng ý hỏa táng bởi vì tôi có quá nhiều hoài nghi. Thay vì vậy, tôi đã viết: “Con trai tôi không có quyền tham gia hay lo liệu chuyện tang lễ của ông Phương.” Lính canh dọa tôi rằng họ sẽ cho hỏa táng thi thể của chồng tôi bằng bất cứ giá nào.

Cuối tháng 5, một lính canh của Nhà tù Nữ Tứ Xuyên chuyển cho tôi tin nhắn cho tôi rằng thi thể chồng tôi đã được “hỏa táng theo quy trình đã được thỏa thuận”. Một lính canh khác gợi ý rằng tôi hãy để ông ấy được chôn cất để ông kết thúc cuộc đời trong yên bình. Tôi viết thư bảo con trai tôi hãy nhận tro cốt của ông ấy về.

Ngày 8 tháng 8, con trai tôi đi đến Nhà tang lễ Bào Mã Sơn Tỉnh Vân Nam để nhận tro cốt của chồng tôi, lúc đó đã có sẵn cho con trai tôi nhận lấy. Khi con tôi vừa đến nơi, một nhân viên yêu cầu cậu ấy ký vào một văn bản “đồng ý cho hỏa táng và không phản đối về sau”. Một thi thể được cho là của chồng tôi đã được hỏa táng trước mặt con tôi và sau đó được đem về nhà.

Tôi đã xem video cảnh hỏa táng và thi thể đó không phải của chồng tôi.

Trong thư khiếu nại, tôi yêu cầu giải thích tại sao thi thể chồng tôi được hỏa táng hai lần. Ban quản lý Nhà tù Số 1 Tỉnh Vân Nam đã né tránh câu hỏi của tôi. Thư phản hồi nói rằng quy trình hỏa táng là hợp pháp bởi vì con trai tôi đã ký vào thỏa thuận và nhân viên Nhà tù Số 1 Tỉnh Vân Nam đã làm chứng rõ ràng. Trong một văn bản tôi đã ký lại khi hai lính canh đến gặp tôi vào ngày 7 tháng 5, tôi đã từ chối để thi thể chồng tôi được hỏa táng và rằng con trai tôi không được phép giải quyết vấn đề này. Tôi chỉ bảo con trai tôi nhận lấy tro cốt sau khi tôi biết thi thể đã được hỏa táng. Không ai trong gia đình ủy quyền cho ai để lo liệu việc hỏa táng.

Tại sao Nhà tù Số 1 Tỉnh Vân Nam đã cho hỏa táng thi thể chồng tôi mà không được sự chấp thuận của tôi? Và việc gì phải vội vàng? Tôi sẽ không bao giờ đồng ý cho hỏa táng thi thể của ông ấy. Đơn giản là có quá nhiều nghi vấn liên quan đến cái chết của ông ấy.

2. Hai lần khám nghiệm tử thi cách nhau ba tháng và thi thể được hỏa táng trước khám nghiệm tử thi lần hai

Trung tâm pháp y của thành phố Côn Minh đã hai lần khám nghiệm thi thể chồng tôi dựa trên các báo cáo từ Nhà tù Số 1 Tỉnh Vân Nam. Ngày 8 tháng 4 năm 2013, nhân viên kiểm tra bên ngoài cơ thể và không tìm thấy bất kỳ chấn thương nào gây chết người. Ngày 23 tháng 7 năm 2013, khám nghiệm lần hai và báo cáo kết luận ông ấy chết vì bệnh tiểu đường.

Điều kỳ lạ là vào cuối tháng 5 năm 2013, nhà tù thông báo cho tôi rằng thi thể của chồng tôi đã “hỏa táng theo các thủ tục được thỏa thuận”. Các nhà chức trách đã đánh mất hết uy tín vì có quá nhiều điều không minh bạch.

Làm thế nào họ khám nghiệm tử thi hai tháng sau khi thi thể đã được hỏa táng? Tại sao hai cuộc khám nghiệm lại cách nhau ba tháng? Khi họ hỏi tôi vào ngày 7 tháng 5 năm 2013 có chấp nhận hỏa táng không, tại sao họ không nói với tôi là đã có một cuộc khám nghiệm tử thi và sẽ có một cuộc khám nghiệm khác? Họ đang che dấu điều gì?

3. Cơ quan quản lý nhà tù không thực hiện được trách nhiệm của mình

Chồng tôi đã không bị bệnh nhiều năm trước khi bị giam. Nhà tù Số 1 Tỉnh Vân Nam sẽ không nhận ông ấy nếu như bị bệnh và không qua được cuộc kiểm tra sức khỏe. Lần cuối gặp ông ấy vào năm 2009, tôi không thấy ông ấy có vấn đề gì về sức khỏe. Làm thế nào mà ông ấy bị bệnh nặng trong ba năm? Tại sao họ không báo cho gia đình ông ấy khi ông bị bệnh hiểm nghèo?

Theo các cán bộ nhà tù, ông ấy bị bệnh tiểu đường tuýp II. Nếu vậy, nó có thể được kiểm soát bằng cách tiêm insulin hoặc các loại thuốc khác. Trong gần sáu năm rưỡi ở trong tù, các nhà chức trách không làm gì để điều trị bệnh cho ông ấy. Ngược lại, họ còn ngăn cản không cho cha mẹ và luật sư biết tình trạng của ông.

4. Gia đình không cảm thấy thuyết phục trước những báo cáo từ nhà tù

Ngày 7 tháng 5 năm 2013, sau khi ngược từ Nhà tù Số 1 Tỉnh Vân Nam đến Nhà tù Nữ Tỉnh Tứ Xuyên, tôi thắc mắc về việc chồng mình chết như thế nào sau khi tôi đã thấy video cảnh ông ấy lẩm bẩm lặp đi lặp lại “đừng đánh tôi” ngay trên giường bệnh. Tôi đã viết một lá thư cho Viện Kiểm sát Tỉnh Vân Nam để nói lên những lo lắng của mình.

Ngày 5 tháng 1 năm 2016, các cán bộ từ Viện Kiểm sát Thành phố Côn Minh đến Nhà tù Nữ Tỉnh Tứ Xuyên để cho tôi xem các giấy tờ ghi lại nguyên nhân cái chết của chồng tôi và việc xử lý vấn đề của nhà tù. Tôi không ký tên vào các giấy tờ trên vì không có đủ thời gian đọc chúng và cũng chưa xác minh được sự thật. Sau khi tôi bày tỏ sự lo ngại của mình, họ vẫn muốn tôi ký và nói rằng tôi luôn có thể kháng cáo.

5. Các nhà chức trách không thừa nhận sự tàn bạo của nhà tù làm dấy lên nhiều nghi vấn

Nhà tù lập luận rằng chồng tôi có ý không muốn tiêm khi ông ấy nói “đừng đánh tôi”. Lời giải thích này quá khập khiễng. Công tố viên Viện Kiểm sát Côn Minh thì nói do nhân viên đã giữ tay ông ấy xuống. Không một người bình thường nào nói “đừng đánh tôi” khi ai đó ghìm tay họ xuống. Đó là phản xạ của một người từng bị tra tấn.

Trong biên bản nhà tù có dẫn lời một tù nhân biết chồng tôi nói rằng chồng tôi đã không bị tra tấn trước khi chết. Tôi không tin rằng một tù nhân đang thụ án sẽ nói sự thật về những gì xảy ra trong tù.

Để chứng minh họ không tra tấn chồng tôi, các cán bộ có thể ghi hình lại cơ thể ông ấy. Nhưng họ nói không thể quay được vì thời điểm ấy ông ấy đang khỏa thân. Vậy đầu tiên, nếu ông ấy khỏa thân thì có phải dễ dàng hơn cho việc ghi hình chứng minh không có dấu hiệu bị tra tấn? Thứ hai, tại sao ông ấy lại khỏa thân?

Một người bị nhốt cùng chồng tôi ở Nhà tù Số 1 Tỉnh Vân Nam từng nói với tôi rằng chồng tôi bị giam ở Nhà tù Khúc Tịnh trước khi bị chuyển đến Nhà tù Số 1 Tỉnh Vân Nam. Chồng tôi nói với anh ấy rằng ở Nhà tù Khúc Tịnh, ba lính canh đã đánh ông ấy một cách dã man vì không trả lời kịp thời trong lúc họ điểm danh. Khi ông cố gượng dậy thì các lính canh giậm mạnh vào đầu và người ông. Mỗi khi ông cố gắng đứng dậy thì lính canh lại đá ông xuống đất. Sau khi bị chuyển đến Nhà tù Số 1 Tỉnh Vân Nam, ông không thể đứng dậy và đi lại trong một tháng rưỡi.

Chồng tôi từ chối viết đơn từ bỏ Pháp Luân Công và phải bị biệt giam. Tôi tin rằng những cuộc tra tấn mà ông ấy đã gánh chịu là nguyên nhân dẫn đến nhiều căn bệnh của ông. Một lý do khác là các lính canh đã đầu độc ông.

Bành Bình Quốc đến từ thành phố Khúc Tịnh, một tù nhân ở chung với chồng tôi đã viết một lá thư tố cáo lên trên mạng về việc các lính canh đã ép một người khỏe mạnh như anh phải uống thuốc và cách mà họ đã đầu độc anh. Trong thư, anh ấy có đề cập đến chồng tôi là người cũng phải chịu sự tra tấn như vậy.

Anh ấy còn cho biết rằng anh ấy được nhận vào Nhà tù Số 1 Tỉnh Vân Nam vào ngày 13 tháng 12 năm 2010 và ban quản lý nhà tù xác nhận anh bị cao huyết áp sau khi khám sức khỏe. Anh ấy tin rằng mình khỏe mạnh nhưng lính canh buộc anh phải uống thuốc hạ huyết áp mỗi ngày ba lần. Anh ấy liệt kê tên các loại thuốc mà anh đã uống gồm Betaloc, Beijing Hypertensive No. 0, Enalapril và Nitrendipine.

Bành Bình Quốc viết trong thư: “Đầu tôi như sắp nổ tung sau khi uống thuốc. Sau đó tôi bị choáng váng, đau đầu và chân sưng phù. Lính canh dọa tôi và sẽ không bỏ đi nếu họ chưa thấy tôi nuốt những viên thuốc đó xuống. Tôi nghe nói một tù nhân nữa tên Phương Chinh Bình đến từ thành phố Tây Xương, tỉnh Tứ Xuyên cũng phải uống những loại thuốc này. Bác sỹ nhà tù và lính canh cho thuốc vào sữa và thức ăn của ông ấy.

Sau khi tôi được thả ra, tôi đã kiểm tra toa thuốc và hỏi ý kiến bác sỹ. Điều tôi phát hiện ra khiến tôi lạnh xương sống. Những loại thuốc này là những loại thuốc pha trộn hỗn hợp nhằm điều trị cho bệnh nhân bị cao huyết áp từ nhẹ đến nặng và gây ra nhiều tác dụng phụ nghiêm trọng.

Bác sỹ tư vấn rằng những loại thuốc này không nên được dùng chung và phải được kê toa tùy theo bệnh trạng của bệnh nhân và liều dùng nên vừa phải. Vị bác sỹ này đã sốc sau khi biết được rằng tôi, một người khỏe mạnh đã bị cưỡng bức uống thuốc hạ huyết áp ba lần một ngày trong ba năm qua. Sau khi định thần lại, bác sỹ nói với tôi rằng: “Thuốc hạ huyết áp làm giảm huyết áp bằng cách làm giãn tĩnh mạch. Nếu một người khỏe mạnh uống thuốc này trong thời gian dài, trước hết, hệ tuần hoàn máu sẽ gặp trục trặc. Sau đó, người đó sẽ cảm thấy chóng mặt và mệt mỏi, theo sau đó là rối loạn chức năng cơ quan toàn thân. Thận, dạ dày, gan và lá lách sẽ bị hỏng kèm theo rối loạn nhịp tim, mất ngủ, đánh trống ngực và tức ngực. Những triệu chứng này cũng tương tự như bị cao huyết áp. Cuối cùng, bệnh nhân sẽ bị hôn mê và chết. Đây là quá trình tự sát một cách từ từ.”

Những triệu chứng này tương tự như bị cao huyết áp. Đây là lý do tại sao lãnh đạo nhà tù tuyên bố chồng tôi chết vì bị cao huyết áp.

6. Báo cáo điều tra thiên lệch của Viện Kiểm sát Côn Minh

Báo cáo điều tra của Viện Kiểm sát Côn Minh cho rằng nhà tù không thông báo cho người nhà của chồng tôi bởi vì lúc đó họ đã thông báo cho tôi. Nhà tù chọn cách thông báo cho người vợ đang bị cầm tù của ông ấy sau khi ông chết được 36 ngày thay vì báo cho cha mẹ ông ngay lập tức. Tuy nhiên, người nhà bên chồng tôi vẫn chưa nhận được thông báo về cái chết của ông ấy. Ban quản lý nói rằng họ không hề biết địa chỉ nhà của cha mẹ ông mặc dù họ đã gửi thư thông báo sau khi ông bị tống giam vào năm 2007. Tất cả dấu hiệu này cho thấy rằng Nhà tù Số 1 Tỉnh Vân Nam đã cố tình che giấu sự thật về cái chết của chồng tôi.

Công tố viên xác nhận rằng lần hỏa táng đầu tiên được thực hiện vào tháng 5 năm 2013 là không có. Nếu đúng như vậy thì tại sao Nhà tù Số 1 Tỉnh Vân Nam lại thông qua Nhà tù Nữ Tỉnh Tứ Xuyên báo cho tôi biết rằng thi thể của ông ấy đã “được hỏa táng theo quy trình đã thỏa thuận” vào cuối tháng 5 năm 2013?

Tất cả điều này cho thấy rằng họ không quan tâm đến cái chết của chồng tôi ngoài việc muốn che đậy tội ác của họ. Tôi không thể sống với sự thật rằng tro cốt mà tôi đang giữ lại không phải là của chồng tôi và rằng tôi đã không được gặp ông ấy trước khi ông chết. Điều này thật đau đớn. Và tôi cần biết sự thật.

Danh sách những kẻ tham gia bức hại được đề cập trong đơn tố cáo của bà Trình Đông Lan

Bà Trình Đông Lan đã đệ trình đơn tố cáo những cá nhân sau:

Dương Quốc Đống (杨国栋), nam, cựu quản giáo Nhà tù Số 1 Tỉnh Vân Nam, +86-13987795189, +86-15987195189 (Điện thoại di dộng)
Dương Thự Vĩ (杨曙伟), nam, cựu quản giáo Nhà tù Số 1 Tỉnh Vân Nam
Trương Dịch Quý (张奕贵) nam, cựu quản giáo Nhà tù Số 1 Tỉnh Vân Nam
Hồ Quân (胡军), nam, cựu phó quản giáo Nhà tù Số 1 Tỉnh Vân Nam +86-13308802217 (số di động)
Lưu Tư Nguyên (刘思源), nam, cựu Phó Bí thư Ủy ban ĐCSTQ Nhà tù Số 1 Tỉnh Vân Nam
Chu Chiếu Anh (周诏英), phó quản giáo Nhà tù Số 1 Tỉnh Vân Nam
Phổ Minh Huy (普明辉), nam, phó chủ nhiệm Văn phòng Nhà tù Số 1 Tỉnh Vân Nam
Kham Ba (谌波), nam, cựu phó chủ nhiệm Văn phòng điều tra Nhà tù Số 1 Tỉnh Vân Nam kiêm phó Phòng 610 của Nhà tù Số 1 Tỉnh Vân Nam
Dương Thành (杨成), nam, Đội trưởng (phụ trách nhóm lính canh tù) khu số 10, Nhà tù Số 1 Tỉnh Vân Nam
Tăng Cương (曾刚), nam, phó đội trưởng khu số 10, Nhà tù Số 1 Tỉnh Vân Nam
Mã Lâm (马林), nam, cục trưởng Cục quản lý Nhà tù Tỉnh Vân Nam
Mặc Dũng (穆勇), nam, chủ nhiệm phòng chính trị thuộc Cục Quản lý Nhà tù Tỉnh Vân Nam
Lính canh Nhà tù Khúc Tịnh, tỉnh Vân Nam
Tưởng Hưng (蒋兴), nam, cảnh sát Đội An ninh Nội địa thuộc Công an Huyện Tuy Giang, tỉnh Vân Nam
Tôn Kính Minh (孙敬明), nam, cựu chánh án Tòa án Huyện Tuy Giang

Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung đăng trên Minghui.org đều thuộc bản quyền của trang Minh Huệ. Khi sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, vui lòng ghi lại tiêu đề gốc và đường link URL, cũng như dẫn nguồn Minghui.org.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2021/10/19/432680.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2021/11/17/196611.html

Đăng ngày 10-12-2021; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share