Bài viết của phóng viên Minh Huệ tại tỉnh Hắc Long Giang, Trung Quốc

[MINH HUỆ 02-11-2021]

Họ tên tiếng Trung: 吴东升 (Ngô Đông Thăng)

Giới tính: Nữ

Tuổi: 57

Thành phố: Song Áp Sơn

Tỉnh: Hắc Long Giang

Nghề nghiệp: Công nhân nông trường

Ngày mất: 21 tháng 10 năm 2021

Ngày bị bắt gần nhất: 21 tháng 3 năm 2014

Nơi bị giam giữ gần đây nhất: Trại giam Đồng Giang

Kể từ khi Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) bắt đầu cuộc đàn áp Pháp Luân Công, một môn tu luyện tinh thần cổ xưa vào năm 1999, bà Ngô Đông Thăng đã bị bắt giam và bị tra tấn nhiều lần vì không từ bỏ đức tin của mình. Bà không được phép sống một cuộc sống bình thường trong hai thập kỷ và bị tước mất thu nhập. Cựu công nhân Nông trường 597 Hồng Hưng Long tại thành phố Song Ấp Sơn, tỉnh Hắc Long Giang đã qua đời ở tuổi 57 vào ngày 21 tháng 10 năm 2021.

Tu luyện Pháp Luân Công

Bà Ngô bắt đầu tu luyện Pháp Luân Công vào tháng 9 năm 1998. Nhiều bệnh của bà, bao gồm cả bệnh tim, viêm khớp dạng thấp và huyết áp thấp đều biến mất. Với trạng thái sức khỏe tốt, bà Ngô không còn cáu kỉnh và trở nên chu đáo hơn rất nhiều. Nhiều người hàng xóm của bà ấy nói rằng bà ấy đã thay đổi thành một con người khác.

Bị tiêm thuốc không rõ nguồn gốc

Bà Ngô bị bắt lần đầu tiên vào ngày 17 tháng Giêng năm 2001 tại nông trường nơi bà làm việc. Cảnh sát lục soát nhà bà và thẩm vấn bà tại đồn. Mặc dù bà đã được thả ra vào tối hôm đó nhưng ba ngày sau cảnh sát lại đưa bà đến đồn để thẩm vấn một lần nữa vào buổi tối. Hai ngày sau cuộc thẩm vấn lần thứ hai, vào đêm Giao thừa, cảnh sát lại bắt bà tại nhà và đưa bà đến Trại giam Hồng Hưng Long và giam giữ bà trong hai tháng.

Bà Ngô tuyệt thực để phản đối cuộc bức hại. Bà bị đưa đến bệnh viện và bị tiêm thuốc không xác định đến 2 lần. Hai học viên Pháp Luân Công khác là bà Lâm Hy Kiệt và bà Doãn Linh cũng bị cưỡng bức tiêm thuốc không rõ nguồn gốc. Khi họ phản đối, cảnh sát kéo lê họ dưới sàn làm cho quần của họ bị tụt ra. Một cảnh sát đã vặn cổ và đập đầu bà Doãn vào ghế. Tại bệnh viện, tài xế xe cảnh sát ngồi lên người bà Lâm và buông lời sỉ nhục bà.

Bị bức thực trong trại lao động

Ngày 7 tháng 9 năm 2001, bà Ngô bị bắt một lần nữa khi đang nói chuyện với mọi người về Pháp Luân Công. Sau 7 ngày tại Trại giam Hồng Hưng Long, bà bị chuyển đến Trại Lao động Cưỡng bức Gia Mộc Tư. Ở đó, bà thường xuyên bị đánh đập vì luyện các bài công pháp của Pháp Luân Công. Khi bà tuyệt thực để phản đối cuộc bức hại, lính canh đã trói bà trên giường, dùng muỗng cạy miệng bà và bức thực bà bằng ống dẫn. Họ còn đập đầu bà vào thành giường. Lính canh không bao giờ rửa ống dẫn thức ăn và dùng để bức thực các học viên tuyệt thực khác.

Lính canh đưa bà Ngô đến bệnh viện tâm thần địa phương và nói với bác sỹ rằng bà bị bệnh tâm thần. Bà Ngô nói với bác sỹ là bà hoàn toàn tỉnh táo và rằng bà đang bị bức hại vì tu luyện Pháp Luân Công.

Khi thấy bà có thể diễn đạt bản thân một cách rõ ràng, bác sỹ đã hỏi lính canh tại sao họ cho rằng bà bị bệnh tâm thần. Lính canh nói bà nói chuyện không hợp lý. Bác sỹ đánh giá tốt trạng thái tinh thần của bà Ngô và từ chối tiếp nhận bà.

Dự kiến bà Ngô sẽ được thả ra vào ngày 22 tháng Giêng năm 2002. Trước đó, Châu Thiệu Khôn, giám đốc Sở cảnh sát đã trực tiếp đưa bà đến trại giam địa phương để tham dự một lớp tẩy não. Trần Kiến Phúc, Bí thư Ủy ban Pháp luật và Chính trị, một cơ quan ngoài tư pháp phụ trách giám sát cuộc bức hại Pháp Luân Công, nói với bà Ngô: “Chúng tôi có thể giam bà vô thời hạn nếu bà luyện tập Pháp Luân Công. Chúng tôi không cần phải theo luật lệ đối với trường hợp của bà và sẽ không có vấn đề gì đối với chúng tôi nếu sự việc đi đến cực điểm.”

Bị giam giữ hai năm tại trung tâm tẩy não

Sau khi được thả ra, bà Ngô đã nộp bản tường trình về cuộc bức hại mà bà đã trải qua cho trang web Minh Huệ tiếng Trung và bài báo của bà đã được đăng vào ngày 9 tháng 9 năm 2002. Sau khi cảnh sát đọc được bài báo, họ đã bắt bà vào ngày 19 tháng 9 và giam giữ bà đến ngày 25 tháng 9. Bà bị buộc phải xem những video và đọc những bài báo bôi nhọ Pháp Luân Công. Một học viên khoảng 60 tuổi bị đánh đập vì chống lại việc tẩy não phải nằm liệt giường trong suốt một tháng. Bà Ngô bị cảnh sát trưởng Lưu Trung Sơn tát vào mặt. Mặt bà sưng phù và bị mất 4 cái răng. Trong một lần tra tấn khác, bà bị túm tóc kéo từ giường tầng trên xuống đất và bị đánh đập.

Sau hai năm bị tẩy não, bà Ngô vẫn không từ bỏ Pháp Luân Công. Bà đã bị đưa đến Trại giam Nông trường Cần Đắc Lợi để tiếp tục chịu bức hại. Bà bị giam trong phòng biệt giam không có cửa sổ. Lỗ thông hơi nhỏ xíu duy nhất trong phòng bị bịt kín, khiến phòng giam nồng nặc mùi hắc. Bà Ngô ngủ trên phiến bê tông được kê lên cao, không có giường, chuột chạy khắp nơi. Ba tuần sau, bà bị chuyển đến Trại giam Nông trường Tiền Kim.

Ba năm tại trại lao động cưỡng bức

Bà Ngô bị bắt lần nữa vào năm 2006 và bị đưa đến Trại Lao động Cưỡng bức Giai Mộc Tư vào ngày 26 tháng 8. Lúc đầu bác sỹ tại trại lao động từ chối tiếp nhận bà bởi vì bà rất yếu từ khi tuyệt thực kéo dài một tháng rưỡi tại Trại giam Bảo Thanh trước khi bị đưa đến đây. Cảnh sát đã thết đãi vị bác sỹ một bữa và sau đó ông ấy đã đồng ý tiếp nhận bà.

Vào ngày bà được tiếp nhận, lính canh ra lệnh cho bà ký vào văn bản soạn sẵn tuyên bố từ bỏ Pháp Luân Công. Khi bà từ chối, một nhóm lính canh bao vây quanh bà. Họ ấn đầu bà xuống bàn và kéo ngoặt tay bà ra sau. Trưởng nhóm Châu Giai Tuệ chụp lấy tay bà và cưỡng bức bà ký tên vào bản tuyên bố.

Khi bà Ngô chống lại việc tẩy não sau đó, lính canh đã buộc bà ngồi trên ghế đẩu nhỏ suốt nhiều giờ mỗi ngày trong một tuần. Sau đó họ trói cổ tay rồi treo bà lên trong phòng tra tấn khi bà từ chối mặc đồng phục tù nhân. Bà không được phép tắm rửa hay sử dụng phòng vệ sinh. Cuộc tra tấn kéo dài 7 ngày. Mặc cho bà Ngô gần như suy sụp tinh thần, lính canh vẫn tiếp tục tra tấn bà và cùm bà trên giường.

Trong vòng thứ 3 của cuộc tra tấn kéo dài 7 ngày, lính canh đặt một bức ảnh của nhà sáng lập Pháp Luân Công dưới sàn và cố buộc bà Ngô ngồi lên. Khi bà kêu lên “Pháp Luân Đại Pháp hảo“ để phản đối, lính canh đã dán miệng bà lại, tát vào mặt, và đá vào bụng dưới của bà.

Bà Ngô bắt đầu đi phân có máu và phát hiện mắc u xương tử cung một năm sau đó. Khi chồng bà đến thăm bà tại trại lao động, ông rất đau khổ vì thấy bà quá yếu ớt và tiều tụy. Ông đã qua đời hai tuần sau đó.

Tiếp tục bị sách nhiễu

Vì bà Ngô nộp đơn khiếu nại những người tham gia bức hại của trung tâm tẩy não và những người tại nơi làm việc đã bắt bà nên bà lại bị bắt vào ngày 21 tháng 3 năm 2014. Tám ngày sau đó, bà bắt đầu ói mửa, tăng huyết áp và sốt. Lo sợ bà có thể chết trong nhà tù, cảnh sát đã thả bà ra.

Đầu năm 2020 cảnh sát lại bắt đầu sách nhiễu bà và ra lệnh cho bà ký vào tuyên bố từ bỏ Pháp Luân Công. Hai lần sách nhiễu gần nhất là vào 21 và 26 tháng 5 năm 2021. Khi bà không mở cửa, cảnh sát đã gõ cửa nhà hàng xóm để tra hỏi về bà.

Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung đăng trên Minghui.org đều thuộc bản quyền của trang Minh Huệ. Khi sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, vui lòng ghi lại tiêu đề gốc và đường link URL, cũng như dẫn nguồn Minghui.org.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2021/11/2/433126.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2021/11/5/196468.html

Đăng ngày 22-11-2021; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share