Bài viết của phóng viên báo Minh Huệ ở tỉnh Sơn Tây, Trung Quốc

[MINH HUỆ 27-10-2021]

Tên : Ký Đức Liên (冀德莲)
Giới tính: Nữ
Tuổi: 79
Thành phố: Thái Nguyên
Tỉnh: Sơn Tây
Nghề nghiệp: Không
Ngày mất: Giữa tháng 10 năm 2021
Ngày bị bắt gần đây nhất: 22-06-2017
Nơi bị giam giữ gần đây nhất: Nhà tù nữ Du Thứ

Bà Ký Đức Liên, 79 tuổi, một người dân ở thành phố Thái Nguyên, tỉnh Sơn Tây qua đời vào giữa tháng 10 năm 2021 sau một năm mãn hạn tù với mức án ba năm vì tu luyện Pháp Luân Công.

Pháp Luân Công còn gọi là Pháp Luân Đại Pháp, là một môn tu luyện cả tâm lẫn thân đã bị Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) bức hại từ năm 1999 đến nay.

Ngày 21 tháng 5 năm 2014, bà Ký bị bắt khi đang phân phát tài liệu thông tin về Pháp Luân Công. Mặc dù đã sớm được tại ngoại nhưng đến ngày 18 tháng 5 năm 2015, bà bị bắt trở lại vì đã tham dự một phiên tòa xét xử một học viên khác ở địa phương. Cảnh sát thả bà ra vào lúc giữa đêm và đến ngày hôm sau thì bà bị quản thúc tại gia.

Ngày 10 tháng 9 năm 2015, cảnh sát sách nhiễu bà Ký và gia đình sau khi bà nộp đơn kiện Giang Trạch Dân, kẻ đã ra lệnh bức hại Pháp Luân Công.

Ngày 13 tháng 11 năm 2015, bà Ký bị xét xử tại Tòa án Vạn Bách Lâm. Thẩm phán Lý Chí Cường đã nói với con gái bà một ngày trước đó rằng: “Hãy nói với mẹ cô hợp tác với chúng tôi. Đừng nghĩ bà ấy sẽ không bị kết án vì đã ngoài 70 tuổi. Hiện giờ giới hạn tuổi đã được tăng lên 75 rồi!”

Tại Tòa, bà Ký chia sẻ về việc căn bệnh ung thư tử cung của mình đã biến mất như thế nào chỉ sau ba tháng tu luyện Pháp Luân Công cách đây hơn 20 năm và môn tu luyện còn giúp bà trở thành một người tốt như thế nào.

Bà Ký bào chữa cho mình: “Pháp Luân Công dạy chúng tôi làm người tốt và luôn suy nghĩ vì người khác trước. Tôi bị xe tải đâm vào năm 2012 và tài xế đã đưa tôi đến bệnh viện. Hông của tôi bị trật khớp, xương chậu bị vỡ ở ba chỗ, cánh tay bị khâu hơn 20 mũi và cả vết rách trên mí mắt trái của tôi. Mặt tôi bị sưng tấy và tổn thương nghiêm trọng.

Bà nói với Tòa rằng trong thâm tâm bà tin rằng mình sẽ ổn. Bốn ngày sau, tất cả những chỗ sưng, viêm đều biến mất và bà được xuất viện vào ngày thứ sáu.

“Sau khi về đến nhà, tôi liên hệ với người tài xế và trả lại 8.000 nhân dân tệ mà anh ấy đã để lại để thanh toán hóa đơn thuốc của tôi. Tôi sẽ không thể làm việc đó nếu tôi không tu luyện Pháp Luân Công”.

Thẩm phán ngăn bà trình bày thêm và hoãn phiên xét xử. Sau phiên tòa bà được phép về nhà.

Bà Ký bị kết án ba năm tù nhưng được phép quản thúc tại gia sau khi trại giam địa phương từ chối tiếp nhận vì tình trạng thể chất kém của bà.

Bà Ký kháng án lên Tòa án Trung cấp Thái Nguyên. Ngày 18 tháng 5 năm 2016 Tòa án ra phán quyết vẫn giữ nguyên mức án ban đầu. Ở tuổi 73, bà Ký phải sống xa nhà để tránh bị vào tù.

Bà Ký trở về nhà một năm sau đó, đến ngày 22 tháng 6 năm 2017 bà bị bắt khi đến đồn công an Tây Minh để làm thẻ căn cước mới. Lúc đầu bà bị giam ở Trại giam Oách Liêu, sau đó bị đưa đến nhà tù nữ Du Thứ.

Trong suốt thời gian ba năm, các con bà mỗi tháng đều gửi 1.000 nhân dân tệ và thường xuyên gửi đồ ăn cho bà. Thỉnh thoảng các tù nhân nói với họ rằng bà Ký muốn ăn thịt bò và họ sẽ gửi ngay. Sau khi bà Ký được thả ra, gia đình bà rất ngạc nhiên khi biết rằng bà chưa bao giờ nhận được bất cứ đồ ăn nào mà họ gửi.

Năm 2019 bà Ký bị mất khả năng lao động vì bị tra tấn. Mặc dù vậy, hai tù nhân được giao theo dõi bà vẫn tiếp tục đánh và mắng chửi bà.

Năm 2020, khi được thả ra, bà chỉ nặng hơn 31kg. Bụng bị hóp vào và thâm tím. Bởi vì bà yếu đến nỗi không thể nhớ lại những gì đã xảy ra trong nhà tù nên gia đình không biết bà đã chịu đựng tra tấn như thế nào. Sau một năm chống chọi với tình trạng sức khỏe yếu kém, bà đã qua đời vào tháng 10 năm 2021.

Trước thời hạn tù gần đây nhất, bà Ký bị bắt vào năm 1999 khi đi đến Bắc Kinh thỉnh nguyện cho Pháp Luân Công. Cảnh sát trưởng liên tục tát vào mặt bà và đá bà. Bà được thả ra sau khi gia đình bị cảnh sát tống tiền với số tiền 800 nhân dân tệ.

Bà Ký bị giam tại một trung tâm tẩy não trong làng và còn thụ án một năm tại trại cưỡng bức lao động vào tháng 12 năm 2000 cũng vì tu luyện Pháp Luân Công.

Bị khủng hoảng bởi sự bức hại mà bà phải chịu đựng, người con dâu của bà, cô Châu Lạp Hương vốn cũng tu luyện Pháp Luân Công đã từ bỏ tu luyện. Sau đó, cô bị đột quỵ và mất khả năng vận động.

Năm 2011, cô Châu bắt đầu tu luyện lại và thấy sức khỏe được cải biến. Mặc dù vậy, đến năm 2015 cảnh sát lại sách nhiễu cô, khiến cho tình trạng của cô xấu đi. Cô qua đời vào ngày 15 tháng 10 năm 2015 ở tuổi 54.

Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên Minghui.org đều thuộc bản quyền của trang Minh Huệ. Khi sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, vui lòng ghi lại tiêu đề gốc và đường link URL, cũng như dẫn nguồn Minghui.org


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2021/10/27/432928.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2021/10/28/196363.html

Đăng ngày 20-11-2021; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share