Bài viết của phóng viên Minh Huệ ở tỉnh Hắc Long Giang, Trung Quốc

[MINH HUỆ 04-10-2021] Ngày 28 tháng 11 năm 2002, cảnh sát đã đột nhập vào một căn hộ ở thành phố Đại Khánh, tỉnh Hắc Long Giang và bắt giữ sáu học viên Pháp Luân Công. Trước đó họ đã phải thay đổi chỗ ở để tránh bị bức hại vì đức tin của mình. Cô Diệp Liên Bình bị tra tấn đến chết một ngày sau đó. Anh Vương Khắc Dân đã trốn thoát khỏi nơi giam giữ, cũng bị tra tấn đến chết sau khi bị bắt lại vài tháng sau đó. Ông Vương Vĩnh Cường bị kết án 15 năm tù, đã chết vì bị tra tấn khi đang thụ án được 11 năm.

Pháp Luân Công, còn được gọi là Pháp Luân Đại Pháp, là một môn tu luyện đã bị chính quyền cộng sản Trung Quốc đàn áp từ năm 1999.

Cô Diệp Liên Bình, 30 tuổi, cô Đổng Thục Diễm, hơn 30 tuổi và ông Vương Vĩnh Cường, 55 tuổi, đều là cư dân thành phố Mẫu Đơn Giang, buộc phải thay đổi chỗ ở vào năm 2002 để tránh bị bức hại. Ông Vương thuê một căn hộ ở Đại Khánh và họ cùng lưu trú tại Phòng 301, Tòa nhà 1-3, đường Trung Lâm, quận Tát Nhĩ Đồ. Ba học viên khác, anh Văn, 39 tuổi, ở thành phố Hải Luân, anh Vương Khắc Dân, 37 tuổi, ở Đại Khánh, và cô “Tiểu Nữ” (hóa danh), khi đó 21 tuổi, cũng lưu trú tại đó.

Vào ngày 28 tháng 11 năm 2002, nhân viên từ Văn phòng An ninh Nội địa Đại Khánh và Sở Cảnh sát Huyện Tát Nhĩ Đồ đột nhập vào căn hộ và bắt giữ cô Diệp, cô Đổng và cô “Tiểu Nữ”. Khi ông Vương Vĩnh Cường quay lại lấy nệm cho các học viên thì cảnh sát vẫn còn đang lục soát nơi này. Ông Vương nhảy từ tầng ba xuống để tránh bị bắt khiến ông bị gãy lưng và chân. Rồi sau đó ông cũng bị bắt giữ.

Cảnh sát ở lại căn hộ sau vụ đột nhập và đã bắt được anh Văn lúc 1 giờ chiều và anh Vương Khắc Dân lúc 5 giờ chiều khi họ quay trở lại.

Anh Văn bị đưa trở lại thành phố Hải Luân vào buổi tối và thụ án hai năm ở trại lao động cưỡng bức.

Anh Vương Khắc Dân bị bắt đến Đồn Cảnh sát Phú Cường và bị đánh đập. Anh còn ở Đại Khánh và sau đó trốn khỏi bệnh viện cảnh sát. Vài tháng sau anh bị bắt lại và qua đời ngay ngày hôm đó.

Ba học viên nữ bị bắt đến Đồn Cảnh sát Trung Lâm Nhai và bị đánh đập. Cô “Tiểu Nữ” bị ngất đi. Ngày hôm sau ông Vương Vĩnh Cường và ba học viên nữ bị đưa trở lại thành phố Mẫu Đơn Giang bằng xe jeep của cảnh sát. Cảnh sát còng siết chặt cổ tay cô Diệp và cô Đổng và treo họ lên trần xe jeep. Họ không thể đứng hoặc ngồi trong không gian chật hẹp như vậy.

Cô Diệp qua đời vào ngày bị đưa trở lại Mẫu Đơn Giang, trong khi đó ông Vương Vĩnh Cường qua đời sau một thập kỷ ở trong trại giam.

Dưới đây là thông tin chi tiết của từng học viên.

Cô Diệp Liên Bình

Cô Diệp là một nhà thiết kế thời trang chuyên nghiệp. Năm 2001, cô bị bắt đưa đến Trung tâm Cai nghiện dành cho nữ Cáp Nhĩ Tân (còn được gọi là Trại Lao động Cưỡng bức Cáp Nhĩ Tân) và đã ở đó một năm. Lính canh tại trại lao động đã tẩy não và cưỡng bức để ép cô từ bỏ Pháp Luân Công, nhưng cô không hề lay động.

Sau khi cô Diệp được thả ra, cảnh sát lại cố bắt cô một lần nữa và đưa tên cô vào danh sách truy nã. Từ khi cô rời xa nhà để trốn cảnh sát, Lý Phú, Trưởng phòng An ninh Nội địa Mẫu Đơn Giang đe dọa sẽ đánh chết cô nếu cô bị bắt trở lại.

Ngày 28 tháng 11, sau khi cô bị bắt lại, cảnh sát đã đổ hai chai dầu mù tạc vào mũi cô và trùm túi nhựa lên đầu cô làm cô bị ngạt thở. Cảnh sát thay phiên nhau tát vào mặt cô. Cô bị còng 1 tay kéo ngoặt qua vai chạm vào tay kia bị ngoặt ngược sau lưng. Thân thể cô đầy những vết bầm tím và thương tích. Hôm sau, cô qua đời do tra tấn, để lại đứa con gái bảy tuổi. Kiều Bình và Lý Phu phải chịu trách nhiệm cho cái chết của cô.

Anh Vương Khắc Dân

Kể từ khi bắt đầu cuộc đàn áp vào năm 1999, anh Vương Khắc Dân, cựu giáo viên địa lý trường Trung học Cơ sở Số 65 Thành phố Đại Khánh, đã nhiều lần bị bắt, giam giữ và bị tra tấn.

Tháng 7 năm 1999, lần đầu tiên anh bị bắt vì đã đi đến Bắc Kinh thỉnh nguyện cho Pháp Luân Công. Anh bị giữ tại một lớp tẩy não do nhà trường tổ chức trong 3 ngày.

Tháng 10 năm 1999, anh lại bị giam giữ trong 15 ngày rồi bị đưa đến trung tâm tẩy não.

Ngày 27 tháng 2 năm 2000, anh Vương đi đến Bắc Kinh một lần nữa và bị bắt giam 45 ngày. Lần lượt vào tháng 5 và tháng 7 anh bị đưa đến hai lớp tẩy não do nhà trường tổ chức và bị yêu cầu viết tuyên bố từ bỏ Pháp Luân Công. Vì anh từ chối tuân theo, cảnh sát lại bắt và giam giữ anh trong 45 ngày trong tháng 8. Ngày 27 tháng 9, anh bị kết án 1 năm tại Trại Lao động Cưỡng bức Đại Khánh.

Vào tháng 9 năm 2001, anh Vương bị Vương Thụ Tường, bí thư trường trung học tố giác vì đã trình chiếu video giới thiệu Pháp Luân Công cho đồng nghiệp. Anh đã bỏ trốn nhưng bị bắt vào ngày 15 tháng Giêng năm 2002 khi đang phát tài liệu giảng rõ sự thật về Pháp Luân Công tại một ngôi làng. Anh bị còng tay, cùm chân và ngồi ghế sắt. Để buộc anh cung cấp thông tin về các học viên khác, cảnh sát trùm đầu anh bằng túi nhựa, nhỏ nước cay vào mắt, chặn cổ anh bằng ghế và đá vào còng tay. Anh bị đánh đến vỡ mũi. Anh Vương đã tuyệt thực trong một tháng. Anh đã trốn thoát khi được đưa đến bệnh viện để dưỡng sức.

Trong lần bị bắt kế tiếp, anh bị đưa đến đồn cảnh sát Phú Cường vào ngày 28 tháng 11 năm 2002. Nghi ngờ anh là cư dân Mẫu Đơn Giang, Đồn Cảnh sát Mẫu Đơn Giang yêu cầu chuyển anh về đó nhưng cảnh sát Đại Khánh từ chối vì cho rằng việc bắt được anh Vương là công lao của họ. Hai đồn cảnh sát đấu đá nhau trong nửa tiếng. Cuối cùng họ đi đến thỏa thuận là anh Vương sẽ bị giam tại Đại Khánh.

Tại Trung tâm giam giữ Quận Tát Nhĩ Đồ, anh Vương bị Tùy, là người đứng đầu Phòng An ninh Nội địa Quận Tát Nhĩ Đồ thẩm vấn vào cùng ngày bị bắt. Khi anh từ chối trả lời thẩm vấn, hai cảnh sát đã xô anh ngã xuống đất và đánh anh. Mắt trái của anh chảy máu và cơ thể anh đầy những vết bầm tím.

Ngày hôm sau, cảnh sát thành lập một đội đặc nhiệm để xử lý trường hợp của anh. Họ tra tấn và tra khảo anh suốt ngày đêm. Họ lột sạch quần áo và còng tay anh vào một chiếc ghế kim loại. Sau đó họ mở cửa sổ, đổ tuyết và nước lạnh lên người anh. Cảnh sát kéo ngược chiếc khăn tắm vào cằm làm anh suýt gãy cổ. Đôi khi họ đá vào đôi tay bị còng của anh hoặc kéo đôi còng, làm cho anh đau đớn tột độ.

Trong sáu ngày bị tra tấn không ngừng nghỉ, anh Vương chỉ được cho ăn một hoặc hai bữa. Anh bị thương nặng khắp cơ thể và rất yếu. Khi bị đưa đến phòng giam bình thường, chân của anh sưng tấy đến nỗi anh không thể cởi quần ra được. Bắp chân bị thâm đen và xanh. Anh không thể đi lại hoặc sử dụng tay của mình. Thậm chí một tháng sau, cổ tay phải cũng không thể cử động được.

Do môi trường bẩn thỉu và ẩm ướt, anh mắc bệnh ghẻ. Cơ thể, đôi mắt và khuôn mặt của anh trở nên xám xịt. Sau đó cảnh sát đã đưa anh đến Trung tâm giam giữ Long Phong. Do tình trạng sức khỏe của anh, nơi đó đã từ chối nhận anh. Sau khi anh được chẩn đoán mắc bệnh viêm gan mật, cảnh sát quyết định cho anh tại ngoại và thông báo cho trường học và đồn cảnh sát địa phương đến đón anh vào ngày 14 tháng 12 năm 2002.

Cho đến khoảng 7 giờ tối, trường học và đồn cảnh sát địa phương đã không cử người đến đón anh. Tên cảnh sát Trương Trung Hoa đã cố ép anh Vương viết tuyên bố từ bỏ Pháp Luân Công, nhưng anh từ chối tuân theo. Cuối cùng họ đồng ý đưa anh đến Bệnh viện Số 2 Thành phố Đại Khánh để điều trị.

Khi anh Vương đang nằm viện, công tố viên đã hai lần đến thẩm vấn anh. Công tố viên nói rằng chính quyền đã quá khoan dung với anh khi đã hai lần thả anh tại ngoại.

Chính quyền đã nói dối mẹ của anh Vương rằng chỉ cần anh viết tuyên bố từ bỏ Pháp Luân Công, họ sẽ thả anh ra và tìm cho anh một công việc. Trong lúc đó, họ chấp thuận việc bắt giữ anh và lên kế hoạch kết án anh Vương. Một quan chức cấp cao tuyên bố rằng họ sẽ tra tấn anh đến chết nếu anh tuyệt thực. Ông này cũng đe dọa sẽ bắn chết nếu anh trốn khỏi nơi giam giữ. Các nhà chức trách cũng đã đưa anh Vương đến Trại Lao động Cưỡng bức Đại Khánh để tẩy não, nhưng anh đã không chấp nhận.

Anh Vương đã tìm cách trốn khỏi bệnh viện vào giữa tháng 1 năm 2003. Trước đó, tòa án địa phương đã lên lịch xét xử vào ngày 27 tháng 1 năm 2003. Để trả đũa, cảnh sát đã bắt mẹ và dì của anh và giam giữ họ tại đồn cảnh sát trong 48 giờ. Để tìm anh Vương, họ đã tìm kiếm tất cả nhà của các học viên địa phương, cũng như ở quê anh Vương tại quận Khắc Đông. Họ ra lệnh rằng bất cứ ai bắt anh Vương đều có thể giết anh mà không cần xin phép.

Anh Vương bị bắt lại cùng với ba học viên khác vào ngày 7 tháng 5 năm 2003. Anh qua đời vào buổi tối hôm đó. Thi thể của anh được hỏa táng 4 ngày sau đó. Cảnh sát đã kiểm duyệt nghiêm ngặt mọi thông tin về cái chết của anh. Cảnh sát nói với gia đình anh rằng anh đã ngã từ một tòa nhà năm tầng và tử vong. Gia đình anh nghi ngờ rằng anh Vương bị tra tấn đến chết.

Ông Vương Vĩnh Cường

Ông Vương Vĩnh Cường, cư dân thành phố Mẫu Đơn Giang bị bắt tại Đại Khánh vào năm 2000 khi đang sống xa gia đình để tránh bị bức hại. Ông bị kết án một năm tại Trại Lao động Cưỡng bức Đại Khánh. Ông thường xuyên bị lính canh đánh đập và lăng mạ khi từ chối từ bỏ Pháp Luân Công. Tháng 2 năm 2001, vì ông cố ngăn lính canh Vương Tích Xuân phỉ báng Pháp Luân Công mà ông bị kéo dài thời hạn tù. Một tháng sau, ông tuyệt thực để phản đối bức hại. Ông bị trói ở tư thế khắc nghiệt.

Ông Vương trở về Mẫu Đơn Giang sau khi được thả ra. Đầu năm 2002, cảnh sát lại cố gắng bắt ông. Để tránh bị bức hại, ông đã chuyển đến Đại Khánh thuê một căn hộ để ở. Ông sống bằng nghề lái taxi.

Tháng 10 năm 2002, cảnh sát xác định được nơi ở của ông sau khi thẩm vấn một học viên ở Mẫu Đơn Giang. Họ đã cố đánh lừa để ông trở về Mẫu Đơn Giang bằng cái cớ là ông thiếu nợ chủ nhà. Ông Vương không bị mắc bẫy của họ vì ông không có thuê bất kỳ tài sản nào ở Mẫu Đơn Giang.

Sau lần bị bắt cuối cùng vào ngày 28 tháng 11 năm 2002, hồ sơ của ông đã được Lý Học Quân thuộc Phòng An ninh Nội địa Mẫu Đơn Giang chuyển lên viện kiểm sát. Ông Vương bị kết án 15 năm tù giam và bị đưa đến Nhà tù Tiêm Sơn Tử tại Mẫu Đơn Giang vào năm 2003. Để buộc ông từ bỏ Pháp Luân Công, lính canh tước bỏ hết mọi quyền lợi của ông và liên tục đánh đập ông. Khi ông từ chối tuân theo, họ không cho ông ngủ, bức thực ông bằng nước muối và trói ông lại. Vào mùa đông họ cởi hết quần áo của ông, dội nước lạnh lên người ông hoặc mở cửa khi nhiệt độ xuống rất thấp.

Tháng 6 năm 2012, ông Vương bị đột quỵ và qua đời ở tuổi 60.

Cô Đổng Thục Diễm và “Tiểu Nữ“

Cô Đổng và “Tiểu Nữ” cũng bị đánh đập và thẩm vấn sau khi bị bắt trở lại Mẫu Đơn Giang vào ngày 28 tháng 11 năm 2002. “Tiểu Nữ“ chỉ cao hơn một mét rưỡi, bị đánh ngã xuống đất và không thể đứng dậy nổi.

Vào đêm 29 tháng 11, không lâu sau khi cô Diệp Liên Bình bị đánh đến chết, “Tiểu Nữ” đã bị đưa đến Trại giam Số 1 Mẫu Đơn Giang. Cô đã tuyệt thực và bị bức thực. Lính canh bắt cô ngồi trên bê tông và đá cô. Họ cùm chân cô vào cái vòng gắn cố định trên sàn. Cô bị ngất đi sau nhiều lần tra tấn. Sau 8 ngày ở trại giam, cô được chuyển đến bệnh viện trong 13 ngày. Cô còn bị cảnh sát lấy đi 1.000 Nhân dân tệ.

Kiều Bình đã đánh cô Đổng bằng chổi làm mặt cô bị co giật và dần dần mất cảm giác. Cơ thể cô đầy thương tích. Sau khi bị đưa đến Trại giam Đường sắt, cô tuyệt thực để phản đối bức hại và bị cảnh sát đánh đập.

Đầu tháng 12 năm 2002, cô Đổng bị đưa đến Trại giam Số 2 Thành phố Mẫu Đơn Giang. Cô tiếp tục tuyệt thực. Lính canh bức thực cô bằng sữa pha muối đậm đặc. Cô bị cùm, bị thẩm vấn và sỉ nhục mỗi ngày.

Trong một lần thẩm vấn, Vương Vĩ đến từ Đồn Cảnh sát Tây An đã đánh đập cô tàn bạo. Khi cô ngất đi, ông ta đã cởi cúc áo cô và sờ mó người cô. Hôm sau, ông ta trở lại thẩm vấn cô.

Bởi vì hàng ngày gia đình cô đến đồn cảnh sát yêu cầu thả cô nên cô đã được thả ra vào giữa tháng 12 năm 2002.

Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung đăng trên Minghui.org đều thuộc bản quyền của trang Minh Huệ. Khi sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, vui lòng ghi lại tiêu đề gốc và đường link URL, cũng như dẫn nguồn Minghui.org.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2021/10/4/432162.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2021/10/5/196040.html

Đăng ngày 04-11-2021; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share