Bài viết của Lý Lị, học viên Pháp Luân Đại Pháp

[MINH HUỆ 08-03-2021] Cô Lý Lị người gốc tỉnh Hắc Long Giang. Cô có một cuộc sống khó khăn, năm 1992 mẹ cô qua đời vì một căn bệnh không rõ nguyên nhân và năm 1994 thì đến lượt anh trai bị u não. Năm 1981, cô kết hôn nhưng không may lại trở thành nạn nhân của nạn bạo hành gia đình trong suốt cuộc hôn nhân của mình. Chồng cô ngoại tình, và cuối cùng đã ly hôn với cô vào năm 1996, không lâu sau anh lại tái hôn với vợ của người anh quá cố của cô.

Bất chấp những khó khăn và đau buồn, cô Lý vẫn chiểu theo nguyên lý Chân-Thiện-Nhẫn, và thậm chí chồng cũ của cô đã bảo vệ cô sau khi Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) phát động cuộc bức hại Pháp Luân Đại Pháp vào năm 1999. Một phóng viên truyền hình, một người bạn của anh ấy, định phỏng vấn anh và muốn anh đổ lỗi cho Pháp Luân Đại Pháp đã làm đổ vỡ cuộc hôn nhân của anh với cô Lý. Nhưng anh đã kiên quyết từ chối lời mời phỏng vấn của bạn mình. Trong khi cô Lý bị giam vì đức tin của mình, anh đã cất giữ các cuốn sách Pháp Luân Đại Pháp của cô ở nơi an toàn. Sau khi cô được trả tự do nhưng buộc phải sống xa nhà để tránh bị bắt giữ lần nữa, anh đã thay cô chăm sóc cho con trai của họ chu đáo.

Sau đó, cô Lý qua đời vì bị bức hại. Dưới đây là loạt 10 bài được biên tập dựa trên lời kể của cô.

Mặc dù trải qua đau khổ và bất hạnh, nhưng tôi vẫn vui vẻ và đối xử tốt với những người đã ngược đãi tôi.

Chương 1: Nỗi khổ nhân sinh

Tôi sinh ra vào ngày 17 tháng 9 năm 1954 ở thị trấn Luân Hà, một thị trấn nhỏ ở huyện Hải Luân, tỉnh Hắc Long Giang. Đó có thể là định mệnh, vì tên nơi tôi sinh ra là có liên quan đến nước, luôn di chuyển từ nơi này đến nơi khác. Và đó là nơi cuộc sống của tôi bắt đầu.

Những tháng đầu sau khi sinh tôi rất khoẻ mạnh, nhưng khi được 8 tháng tuổi, tôi bắt đầu lên cơn co giật và nó xảy ra rất thường xuyên. Tình trạng của tôi ngày càng tồi tệ, mãi cho đến một ngày có một ông lão với bộ râu bạc đến nhà của chúng tôi. Ông đã châm cứu cho tôi. Sau đó, sức khoẻ của tôi được cải thiện. Bố mẹ tôi rất biết ơn ông lão và muốn cảm ơn ông, nhưng họ không thể tìm được ông.

Sau này bố mẹ tôi có thêm ba người con nữa. Sau đó, chúng tôi chuyển từ thị trấn Luân Hà đến huyện Hải Luân. Bố tôi làm công tác tuyên giáo trong quận uỷ. Và không lâu sau đó ông lại được chuyển công tác đến văn phòng hành chính của quận Tuy Hoá, thành phố Cáp Nhĩ Tân. Chúng tôi ở lại với mẹ ở huyện Hải Luân vì mẹ vẫn tiếp tục công tác giảng dạy ở trường tiểu học của huyện.

Giúp đỡ và đảm nhận công việc nhà

Vì bố mẹ tôi sống xa nhau, và do sức khoẻ của mẹ không được tốt, tôi đã giúp bà làm việc nhà, học cách nấu ăn khi lên 8 tuổi, và chăm sóc các em. Cứ nửa đêm, tôi vào chuồng quét cỏ khô còn sót lại và nhặt rơm rơi vãi dưới đất để làm chất đốt.

Dần dần, tôi phải đảm đương rất nhiều công việc nhà. Mẹ tôi khen tôi là người tin cậy, và các em trông cậy vào tôi. Mặc dù khi ấy tôi vẫn chỉ là một đứa trẻ, tôi thường để dành mấy món ăn yêu thích của mình cho các em.

Vào năm 1960 khi xảy ra nạn đói trên toàn quốc, chúng tôi chỉ có khoai tây, bã đậu hũ và ngũ cốc (những thứ còn dư lại từ việc làm đậu hũ và rượu) để ăn. Bố mẹ tôi thường phải bỏ bữa hoặc chỉ ăn một bữa trong ngày để mấy đứa trẻ có thêm thức ăn để ăn.

Hồi tưởng lại những cảm giác trước đây

Kể từ khi tôi có thể nhớ được, tôi nhớ mình thường bị trầm cảm. Mỗi khi ở một mình, tôi thích tựa vào khung cửa sổ, nhìn lên bầu trời xanh, và khóc. Đôi khi, tôi ngồi bên bờ sông và buồn khi thấy những gợn sóng bị gió thổi bay. Tôi tưởng tượng mình đang ra khơi trên một con thuyền, nhấp nhô trên biển. Niềm khao khát về một cuộc sống tốt đẹp thường đưa tôi đến dòng sông nơi tôi có thể đắm chìm trong thế giới tưởng tượng mà chỉ dành riêng cho mình. Chỉ khi đó tôi mới có thể cảm nhận được khoảnh khắc hạnh phúc.

Nhưng thực tế là tôi luôn bị vô số bệnh, chẳng hạn như bệnh tim bẩm sinh, dính màng phổi, ban xuất huyết dị ứng, viêm gan cấp tính và thiếu máu, v.v. Tôi thường bị ho, sốt, và đau họng. Tôi gầy và nhỏ. Bố tôi đã đưa tôi đến nhiều bệnh viện ở Cáp Nhĩ Tân để khám chữa bệnh. Tất cả giáo viên trong trường đều biết tình trạng sức khoẻ của tôi. Ngoài ra giáo viên chủ nhiệm của tôi còn đặc biệt chăm sóc cho tôi và không để tôi tham gia vào các hoạt động trong trường. Nhưng tôi nhất quyết tham gia vì tôi không muốn bỏ lỡ bất cứ điều gì mà tôi có thể tham dự.

Khi tôi được 12 tuổi, gia đình tôi chuyển đến sống cùng nhau. Tuy nhiên, khi cuộc sống của chúng tôi vừa mới cải thiện, thì mẹ tôi đổ bệnh, bà bị bệnh viêm khí quản và khí phế thũng. Vì tình trạng bệnh tật bà phải nghỉ hưu sớm. Bà ho cả ngày và cả đêm không ngủ được.

Đảm nhận vai trò người mẹ

Tôi phải chăm sóc cho mẹ vì bố phải đi làm xa để kiếm tiền nuôi gia đình. Tôi thường thức dậy vào lúc nửa đêm để xoa bóp lưng cho mẹ và cho bà uống nước. Tôi mua thuốc cho bà và đưa bà đến bệnh viện. Tôi cũng là người chăm sóc cho bà khi bà nhập viện. Từ khi tôi mới 12 tuổi, năm nào mẹ tôi cũng phải nhập viện mãi cho đến 20 năm sau đó thì bà qua đời.

Kể từ khi mẹ bị bệnh, tôi cũng đảm nhận luôn vai trò của bà trong gia đình. Mỗi ngày trước khi đến trường, tôi dậy sớm vào buổi sáng và nấu ăn cho mọi người. Vì nhà chúng tôi không có nước sinh hoạt, nên sáng nào tôi cũng ra giếng lấy nước.

Tôn trọng

Tôi sống nội tâm và không thích nói chuyện. Tôi thích nghĩ và làm việc một mình. Tôi thường khóc khi ở một mình, không phải vì chán sống hay đau đớn về tinh thần mà vì cuộc đời cay đắng. Tôi cảm thấy bối rối về ý nghĩa của cuộc sống.

Từ lúc học cấp hai, tôi bắt đầu nhận ra tôi không giống những đứa trẻ khác. Các bạn cùng lớp với tôi rất giỏi thể hiện bản thân và giao tiếp với nhau, và họ trông có vẻ rất hiểu biết, nhưng tôi thì không biết gì cả. Tôi đã cố gắng làm giống như họ nhưng cảm thấy ngượng nghịu. Bố tôi nói tôi không hòa đồng, nên tôi đã quyết định thay đổi. Tôi cố gắng hoà nhập với mọi người nhưng tôi biết đó không phải là con người thực của tôi.

Tuy nhiên, những khó khăn vất vả trong cuộc sống không làm thay đổi được bản tính lương thiện của tôi đối với mọi người. Một số bạn cùng lớp đã bắt nạt tôi, trộm bữa trưa của tôi, thức ăn mà bố mẹ tôi đã chuẩn bị cho tôi. Khi tôi bị ốm ở nhà, một số bạn cùng lớp đã cười nhạo tôi và thậm chí còn gọi tên tôi khi họ đi ngang qua nhà. Mặc dù tôi chưa bao giờ đánh trả, nhưng tôi cũng không thể hiểu được tại sao người ta lại có thể xấu tính hoặc làm điều xấu với người khác. Tôi đối xử tử tế với tất cả mọi người, kể cả những người đã bắt nạt tôi.

(xem Phần 2)

[Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên Minghui.org đều thuộc bản quyền của trang Minh Huệ. Khi sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, vui lòng ghi lại tiêu đề gốc và đường link URL, cũng như dẫn nguồn Minghui.org]


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2021/3/8/421620.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2021/10/26/196324.html

Đăng ngày 10-11-2021; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share