Bài viết của phóng viên báo Minh Huệ ở tỉnh Giang Tô, Trung Quốc
[MINH HUỆ 31-08-2021] Ngày 6 tháng 5 năm 2014, bốn người dân ở tỉnh Ninh Hạ đã bị bắt ở thành phố Liên Vân Cảng vì tu luyện Pháp Luân Công. Hồ sơ của họ đã được chuyển về Ninh Hạ. Năm 2016 cảnh sát ở đó đã ngừng điều tra họ sau khi công tố viên nhiều lần trả hồ sơ về vì thiếu bằng chứng.
Cảnh sát phải mất thêm năm năm nữa để hoàn trả đầy đủ số tiền bảo lãnh tại ngoại một năm của các học viên tổng cộng 94.000 Nhân dân tệ mà đáng ra họ phải hoàn lại vào năm 2015. Cuộc bức hại đã ảnh hưởng đến sức khoẻ của một học viên. Ông đã ngã bệnh và qua đời vào năm 2015 ở tuổi 72.
Pháp Luân Công, còn gọi là Pháp Luân Đại Pháp, là một môn tu luyện tinh thần đã bị chính quyền Cộng sản Trung Quốc bức hại từ năm 1999.
Bắt giữ
Ngày 6 tháng 5 năm 2014, Khổng Kiệt ở Đội An ninh Nội địa Quận Tân Phổ và lực lượng cảnh sát địa phương đã bắt giữ hai vợ chồng ông Trần Bảo Tông và bà Lý Lan Phượng, cùng với ông Mã Diên Sinh và bà Trương Ngân Hà tại ngôi nhà thuê của họ ở Liên Vân Cảng. Nhà họ đã bị lục soát và nhiều tài sản có giá trị bị tịch thu.
Bốn học viên đã bị giam một tuần trong một trung tâm tẩy não và mỗi người bị 14 người chia làm bốn ca giám sát.
Trong khi ông Mã và bà Lý bị đưa đến Trại tạm giam Thành phố Liên Vân Cảng vào ngày 12 tháng 5, ông Trần và bà Trương đã được bảo lãnh tại ngoại với số tiền lần lượt là 90.000 Nhân dân tệ và 2.000 Nhân dân tệ. Chủ nhân của ông Trần bị lệnh khấu trừ tiền bảo lãnh vào tiền lương của ông, trong khi bà Trương trả tiền mặt.
Giữa tháng 6 năm 2014, cảnh sát Liên Vân Cảng đã chuyển hồ sơ của họ đến Đồn Công an Đại Vũ Khẩu tại quê nhà của các học viên ở thành phố Thạch Chuỷ Sơn, tỉnh Ninh Hạ. Cả ông Mã và bà Lý đã được thả theo diện bảo lãnh sau khi cảnh sát Liên Vân Cảng lệnh cho mỗi người trả 1.000 Nhân dân tệ bảo lãnh. Tuy nhiên, không có tiền bảo lãnh nào của họ được chuyển đến Ninh Hạ.
Ông Mã Diên Sinh qua đời
Ông Mã, cựu Giám đốc Sở Tài chính Cung ứng và Tiếp thị ở Thạch Chuỷ Sơn, bắt đầu tu luyện Pháp Luân Công vào năm 1996. Ông từng bị kết án ba năm trong Trại Lao động Cưỡng bức Bạch Thổ Cương Tử vào năm 2000 vì đến Bắc Kinh để thỉnh nguyện cho quyền tu luyện Pháp Luân Công.
Sau khi về hưu, ông đã chuyển đến tỉnh Sơn Đông và sau đó là Liên Vân Cảng ở tỉnh Giang Tô vào năm 2013, và bị bắt một năm sau đó.
Sau khi hồ sơ của ông được chuyển đến Ninh Hạ và ông được bảo lãnh vào tháng 6 năm 2014, ông đã quay lại Liên Vân Cảng để chăm sóc cho người con gái tàn tật đang trong tình trạng hiểm nghèo. Vài tuần sau, ông và vợ đã chuyển đến thành phố Yên Đài, tỉnh Sơn Đông để tránh cảnh sát.
Tháng 5 năm 2015, cảnh sát Ninh Hạ đã đưa vợ ông là bà Trương vào danh sách truy nã ngay khi phát hiện bà không còn sống tại nhà ở Liên Vân Cảng.
Ngày 15 tháng 6 năm 2015, cảnh sát địa phương đã bắt giữ bà Trương tại thành phố Yên Đài và cảnh sát Ninh Hạ đưa bà đến trại tạm giam Thành phố Thạch Chuỷ Sơn. Khi đó, ông Mã đã rơi vào tình trạng nguy kịch và ở tại nhà con trai ông (không rõ địa điểm).
Không thể chịu nổi áp lực từ cuộc bức hại, ông Mã đã qua đời vào ngày 29 tháng 9 năm 2015.
Ngừng điều tra
Sau khi Đồn Công an Đại Vũ Khẩu nhận hồ sơ của hai vợ chồng từ cảnh sát Liên Vân Cảng, họ đã chuyển hồ sơ đến Viện Kiểm sát Đại Vũ Khẩu vào tháng 8 năm 2014. Sau đó công tố viên đã nhiều lần trả lại hồ sơ với lý do không đủ bằng chứng. Ông ấy cũng đề nghị cảnh sát ngưng lại vụ án của hai vợ chồng.
Trong khi các hồ sơ được chuyển qua lại giữa cảnh sát và viện kiểm sát, bà Lý, chồng bà là ông Trần, cùng hai luật sư của họ vẫn kiên trì nói với các cơ quan liên quan rằng không có luật nào ở Trung Quốc cấm Pháp Luân Công và không có cơ sở pháp lý cho việc bắt giữ và sau đó là truy tố các công dân vì thực hành đức tin của họ.
Các luật sư chỉ ra rằng cảnh sát cũng đã vi phạm các quy trình pháp luật. Cảnh sát Liên Vân Cảng đã không đưa giấy khám xét trước khi lục soát nơi ở thân chủ của họ, và danh sách đồ vật bị tịch thu mà họ cung cấp không khớp với những thứ họ lấy từ nhà hai vợ chồng. Các luật sư cũng đề nghị cảnh sát bác bỏ vụ án chống lại thân chủ của họ.
Sau khi hạn bảo lãnh của ông Trần và bà Lý kết thúc vào tháng 8 năm 2015, họ yêu cầu cảnh sát trả lại tiền bảo lãnh. Ban đầu cảnh sát đã không trả lời.
Khi cảnh sát Đại Vũ Khẩu quyết định dừng điều tra vụ án của hai vợ chồng vào tháng 9 năm 2016, họ đã trả lại chiếc xe hơi và hơn 200.000 Nhân dân tệ bị tịch thu của ông Trần và bà Lý. Tháng 12 năm 2000, cảnh sát Liên Vân Cảng cũng trả lại 91.000 Nhân dân tệ tiền bảo lãnh cho họ (90.000 Nhân dân tệ của ông Trần và 1.000 Nhân dân tệ của bà Lý.)
Sau đó vào tháng 6 năm 2001, cảnh sát Liên Vân Cảng cũng trả lại 3.000 Nhân dân tệ cho ông Mã và bà Trương (1.000 Nhân dân tệ của ông Mã và 2.000 Nhân dân tệ của bà Trương).
Bài liên quan:
Tin tức muộn: Cảnh sát ngừng điều tra cặp một vợ chồng tu luyện Pháp Luân Công ở Ninh Hạ
Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên Minghui.org đều thuộc bản quyền của trang Minh Huệ. Khi sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, vui lòng ghi lại tiêu đề gốc và đường link URL, cũng như dẫn nguồn Minghui.org.
Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2021/8/31/430261.html
Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2021/10/12/196129.html
Đăng ngày 04-11-2021; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.