Bài của phóng viên Minh Huệ tại Sơn Tây, Trung Quốc

[MINH HUỆ 20-08-2021] Ngày 30 tháng 8 năm 2019, tám học viên Pháp Luân Công tại Hà Bắc và Sơn Tây (2 tỉnh lân cận) đã bị bắt trong một trận truy quét của cảnh sát. Ba người trong số đó đã bị kết án từ 8 đến 8 năm rưỡi tù giam và một người chờ tuyên án sau hơn hai năm bị giam giữ. Bốn người còn lại được thả ra nhưng một người đã qua đời và một cặp vợ chồng bị buộc phải sống xa nhà để trốn cảnh sát.

Pháp Luân Công còn được gọi là Pháp Luân Đại Pháp, là một tu luyện tinh thần đã bị chính quyền cộng sản Trung Quốc bức hại kể từ năm 1999.

Những trường hợp bị bắt

Bà Lý Thu Diễm, bà Tôn Lập Quân và ông Hàn Tuấn Đức là những người dân ở thành phố Bảo Định, tỉnh Hà Bắc, lần đầu tiên bị bắt tại một căn hộ mà họ thuê để làm đồ điêu khắc trên quả bầu mang thông điệp về Pháp Luân Công. Máy điêu khắc đã bị tịch thu. Cuối ngày hôm đó, cảnh sát cũng lục soát nhà riêng của các học viên và tịch thu sách Pháp Luân Công, máy tính và máy in của họ.

Qua theo dõi điện thoại di động của ông Hàn và những nơi mà ông đến, cảnh sát cũng bắt được bà Thái Kim Xuyên và bà Tào Quế Hoa người huyện Úy, tỉnh Hà Bắc. Ông Quách Nguyên Vinh, chồng bà Thái, đang làm việc tại huyện Quảng Linh, tỉnh Sơn Tây lân cận cũng bị bắt cùng với hai cư dân Quảng Linh là bà Cao Tố Lan và bà Điền Kim Nga.

Nhân viên thuộc Phòng Cảnh sát Thành phố Đại Đồng và Phòng An ninh Nội địa Huyện Quảng Linh tỉnh Sơn Tây đã tịch thu của bà Tào gồm sách Pháp Luân Công, 4 điện thoại di động, 1 laptop, máy điêu khắc, đĩa DVD và 164 quả bầu điêu khắc thông điệp “Pháp Luân Đại Pháp hảo“.

Bà Tào còn bị tịch thu 5.000 quả bầu điêu khắc và bị giam 15 ngày tại Nhà giam Trương Gia Khẩu, tỉnh Hồ Bắc.

Thông tin bổ sung về việc bắt giữ bà Thái Kim Xuyên

Khi con gái, con trai và con dâu của bà Thái đang ăn trưa tại nhà thì hơn 30 cảnh sát bất ngờ đột nhập vào và chụp ảnh họ.

Lý Tuấn Bình, Giám đốc Phòng Cảnh sát huyện Úy đã ra lệnh cho 5 cảnh sát đứng trước cửa và chặn lại không cho họ rời khỏi nhà. Họ còn giật lấy điện thoại của các con bà Thái. Khi con trai bà Thái hỏi cảnh sát tại sao lại lấy điện thoại của họ, Lý Tuấn Bình trả lời: “Câm miệng! Các người không được phép nói!”

Lý Tuấn Bình ra lệnh cho cảnh sát còng tay con trai bà Thái và đe dọa sẽ bắt anh ấy nếu anh còn nói nữa. Khi cả vợ anh ấy và bà Thái phản đối hành động lạm dụng này, Lý Tuấn Bình dịu lại và mở còng tay cho anh. Cảnh sát đã lục soát nhà bà Thái trong 3 giờ. Họ tịch thu của bà 3 máy tính, đầu ghi DVD, một máy khắc, một số quả bầu đã được khắc, một số đồ thủ công và giấy cắt trên tường.

Cặp vợ chồng trốn chạy

Trong khi bị giam tại trại giam nữ Trương Gia Khẩu, bà Thái Kim Xuyên đã tuyệt thực để phản đối bức hại. Bà trở nên rất yếu và được tại ngoại.

Sau khi ông Quách Nguyên Vinh bị đưa đến Trại giam huyện Hunyuan tỉnh Sơn Tây, ông bị cao huyết áp, tăng đường huyết và rối loạn nhịp tim. Ông được tại ngoại sau 30 ngày bị giam giữ.

Tháng 10 năm 2019, cảnh sát và nhân viên viện kiểm sát đã nhiều lần triệu tập cặp vợ chồng và cố gắng buộc họ nhận tội sản xuất tài liệu giới thiệu Pháp Luân Công.

Một nhân viên viện kiểm sát đe dọa sẽ kết án tù nặng nề đối với bà Thái nếu bà không nhận tội. Ông ta còn nói rằng quyết định này đến từ viên chức cấp thành phố và họ phải tuân lệnh cấp trên.

Để tránh bị bức hại, cặp vợ chồng đã bỏ trốn.

Vào ngày 7 tháng 10 năm 2020, để truy tìm họ, Tống Chí Cường, người của Sở Cảnh sát Huyện Cao Dương đã tìm đến nơi ở mới của con trai ông Quách. Họ đạp cửa nhà anh làm vợ và đứa con mới sinh giật mình thức giấc và hoảng sợ.

Kể từ đó, Tống Chí Cường liên tục gọi điện thoại và sách nhiễu con trai ông Quách để truy tìm nơi ở của vợ chồng ông.

Ba người bị kết án

Cuối năm 2019, bà Lý Thu Diễm, bà Tôn Lập Quân và ông Hàn Tuấn Đức bị Tòa án Huyện Cao Dương, tỉnh Hà Bắc xét xử. Ngày 26 tháng 2 năm 2020, gia đình bà Lý và bà Tôn nhận được thông báo rằng cả hai bà bị kết án 8 năm tù cùng với khoản tiền phạt 8.000 Nhân dân tệ, ông Hàn bị kết án 8 năm rưỡi tù giam cùng khoản tiền phạt 10.000 Nhân dân tệ.

Tháng 6 năm 2020, ông Hàn bị đưa đến Nhà tù Ký Đông, thành phố Đường Sơn. Ông được phép gọi điện thoại về nhà được vài phút trong vài tháng. Sau đó, gia đình không còn liên lạc được với ông nữa. Vợ ông, cũng khoảng 70 tuổi, vì lo lắng cho sự an toàn của ông nên đã vượt gần 300 cây số từ Bảo Định đến Đường Sơn để thăm ông. Nhưng cuộc thăm viếng của bà đã bị bác bỏ.

Một người qua đời

Trong khi bị giam giữ tại Nhà giam Đại Đồng, tỉnh Sơn Tây, bà Điền Kim Nga bị trói vào giường và bị cưỡng bức uống thuốc huyết áp. Mười ngày sau, bà được thả ra. Kể từ đó, bà chịu áp lực khủng khiếp vì nỗi sợ bị bức hại. Tháng 5 năm 2020, bà đột ngột qua đời ở tuổi 57.

Trước khi bị bắt lần cuối, bà Điền bị kết án 1 năm lao động cưỡng bức vì đã phân phát tài liệu thông tin về Pháp Luân Công vào năm 2006.

Một người chờ bị tuyên án

Bà Cao Tố Lan bị bắt giam tại Trại giam Nữ Đại Đồng, tỉnh Sơn Tây kể từ khi bị bắt. Bà tuyệt thực để phản đối bức hại và nhiều lần bị ngất vì bị bức thực. Lính canh không cho gia đình thăm bà, viện cớ do đại dịch. Cô con gái tuổi thiếu niên đang sống với người dì, rất mong chờ bà trở về.

Thông tin kẻ tham gia bức hại

Lý Tuấn Bình (李俊平), Trưởng Đồn Cảnh sát Từ Thủy

Trương Thành Phú (张成富), giám đốc phòng An ninh Nội địa Huyện Úy +86-13831309591

Vương Lập Quân (王立军), nhân viên Phòng An ninh Nội địa Huyện Úy +86-13663309550

(Thông tin của những kẻ tham gia bức hại khác có trong phiên bản tiếng Hán)

Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung đăng trên Minghui.org đều thuộc bản quyền của trang Minh Huệ. Khi sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, vui lòng ghi lại tiêu đề gốc và đường link URL, cũng như dẫn nguồn Minghui.org.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2021/8/20/429786.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2021/10/12/196139.html

Đăng ngày 03-11-2021; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share