Bài viết của phóng viên báo Minh Huệ tại tỉnh Hắc Long Giang, Trung Quốc

[MINH HUỆ 06-09-2021] Ngày 22 tháng 4 năm 1996, bà Lý Chúc Hoa 69 tuổi, bắt đầu tu luyện Pháp Luân Công, một môn tu luyện cả tâm lẫn thân còn được gọi là Pháp Luân Đại Pháp. Ngày 20 tháng 7 năm 1999, khi Đảng Cộng sản Trung Quốc phát động chiến dịch trên phạm vi toàn quốc chống lại Pháp Luân Công, bà Lý đã nhiều lần bị bắt và bị tra tấn chỉ vì giữ vững đức tin của mình. Bà bị kết án ba năm tù giam. Con trai bà là anh Trương Sách, cũng là một học viên bị kết án 10 năm tù và bị đuổi khỏi trường đại học.

Cuộc bức hại khiến bà Lý và con trai phải chia cách nhau 10 năm. Em trai bà và gia đình ông ấy cũng sống trong sợ hãi và đau khổ vì cuộc đàn áp.

Những phúc báo từ việc tu luyện Pháp Luân Công

Bà Lý ở thành phố Cáp Nhĩ Tân, tỉnh Hắc Long Giang, được chẩn đoán mắc bệnh ung thư tử cung vào năm 1996. Một ca phẫu thuật sẽ cần ít nhất 7.000 nhân dân tệ, số tiền mà bà không đủ khả năng chi trả.

Vài ngày sau khi được chẩn đoán, bà Lý quyết định tu luyện Pháp Luân Công. Ba tháng sau, bà phát hiện ra rằng bệnh ung thư của mình đã biến mất khi quay trở lại bệnh viện để kiểm tra sức khỏe. Các bệnh khác như thấp khớp, đau thắt lưng, viêm xoang và viêm thận cũng biến mất. Kể từ đó, bà không dùng bất kỳ loại thuốc nào nữa và tận hưởng niềm vui không bệnh tật.

Không chỉ về mặt thể chất, bà Lý còn có những thay đổi lớn về mặt tinh thần. Mỗi ngày bà đều cảm thấy hạnh phúc, cảm thấy cuộc sống của mình thật ý nghĩa và viên mãn. Bà đã từng nhận hối lộ khi làm công việc thu mua nguyên liệu và giao hàng cho một nhà máy dược phẩm. Sống theo tiêu chuẩn Chân – Thiện – Nhẫn của Pháp Luân Công, bà không còn nhận hối lộ nữa mà đưa nó cho nhà máy. Người quản lý rất xúc động, nói rằng nếu mọi người trong nhà máy đều tập Pháp Luân Công thì công việc sẽ rất thuận lợi.

Bà Lý cũng trở nên tốt bụng và chu đáo với mọi người xung quanh. Bà là người duy nhất trong ba cô con dâu chăm sóc bố chồng trong thời gian ông nằm viện trước khi ông qua đời.

Con trai bà là anh Trương Sách cảm thấy được truyền cảm hứng khi thấy mẹ mình có tinh thần tốt như vậy nên anh cũng theo học Pháp Luân Công. Kết quả là anh đã cải thiện được thành tích học tập.

Bị bắt giữ và tra tấn vì giảng rõ sự thật

Cuộc sống bình yên của hai mẹ con bị cướp mất vào tháng 4 năm 1999 khi chính quyền địa phương cố gắng giải tán điểm luyện công công cộng. Sau khi cuộc bức hại bắt đầu vào ngày 20 tháng 7 năm đó, cảnh sát đã đến nhà của các học viên địa phương để buộc họ giao nộp sách Pháp Luân Công và tài liệu liên quan. Họ theo dõi và giám sát mọi hoạt động của học viên.

Vào một ngày tháng 5 năm 2000, bà Lý chia sẻ sự thật về Pháp Luân Công với mọi người tại quê nhà của người dì tại thành phố Thư Lan, tỉnh Cát Lâm và bị cảnh sát bắt giữ. Bà được đưa đến đồn cảnh sát Thiết Thành để thẩm vấn. Bà bị còng tay và treo lên, ngón chân không chạm đất suốt 11 tiếng đồng hồ. Cảnh sát đoạt lấy của bà 300 nhân dân tệ.

Để buộc bà Lý tiết lộ nguồn gốc tài liệu Pháp Luân Công mà bà đã phát, Đỗ Vũ Đức, Phó đồn cảnh sát và 3 người khác đã đánh đập bà. Họ đổ ba chai dầu mù tạt vào miệng, mũi và mắt của bà. Bà gần như bị nghẹt thở, mặt nóng bừng đau đớn khôn xiết.

Khoảng 11 giờ, bà Lý bị đưa đến trại giam Nam Sơn, tỉnh Cát Lâm. Ngay khi bà đến nơi, nhiều tù nhân hoảng sợ khi nhìn thấy khuôn mặt sưng vù, những vết thâm tím trên tay chân của bà.

Hơn ba tuần sau đó, bà lại bị đưa trở lại Cáp Nhĩ Tân và bị giam giữ tại trại giam số 2 Cáp Nhĩ Tân trong 20 ngày. Em trai bà bị buộc phải thanh toán phí đi lại của cảnh sát và một học viên địa phương khác nộp cho cảnh sát 3.000 nhân dân tệ trước khi bà được trả tự do.

Bị giam giữ 3 năm tại nhà tù nữ Hắc Long Giang

Vào ngày 8 tháng 12 năm 2000, bà Lý đi thăm người dì ở thành phố Thương Châu, tỉnh Hà Bắc. Bà ở lại qua đêm tại Bắc Kinh để chuyển xe buýt. Bà bị bắt vào buổi tối [hôm đó] và bị giam giữ tại nhà tù quận Thông Châu cho đến khi bị chuyển đến Phòng 7 thuộc Cục An ninh công cộng Bắc Kinh vào cuối tháng 2 năm 2001.

Cuối tháng 5 năm 2001, bà Lý bị đưa trở lại Cáp Nhĩ Tân và bị kết án ba năm tù giam tại nhà tù nữ Hắc Long Giang. Vì không chịu từ bỏ Pháp Luân Công, bà đã bị còng chặt ở phía sau, bị buộc phải ngồi từ sáng đến tối và bị trói vào giường khi ngủ vào ban đêm. Sự tra tấn này kéo dài trong một tháng.

Bà Lý bị chỉ định vào Đội số 9. Khi bà và các học viên khác phản đối cuộc bức hại bằng cách từ chối lao động cưỡng bức, họ bị buộc phải ngồi trên nền xi măng lạnh cóng cả ngày. Đôi khi lính canh bắt họ ngồi trên những chiếc ghế đẩu nhỏ mà không được cử động. Đồ ăn được cấp cho họ rất tệ. Họ bị cấm mua các nhu yếu phẩm hàng ngày và bị từ chối thăm nuôi. Các tù nhân thường được các cai ngục xúi giục đánh đập và chửi mắng họ.

Nhà tù sử dụng nhiều cách khác nhau để tra tấn các học viên. Xuyên suốt mùa đông năm 2002, các học viên trong Đội số 9 được lệnh phải đi bộ cả ngày quanh sân nhà tù. Tất cả đều vô cùng mệt mỏi. Trong một lần, bà Vương Mặc Trân ngất đi vì đuối sức nhưng bà phải tiếp tục sau khi chỉ được nghỉ ngơi một lát.

Vào ngày 7 tháng 12 năm 2003, bà Lý cuối cùng cũng được trả tự do. Bà được hàng xóm cho biết nhà bà đã bị hai cảnh sát mặc thường phục đột nhập và lục soát sau khi bà bị bắt. Họ cũng cài đặt phần mềm giám sát trên điện thoại của bà.

Con trai bị kết án mười năm tù

Khi bà Lý trở về nhà sau khi thụ án ba năm, thì con trai bà đã bị bắt vào năm 2002 vì đến Bắc Kinh để thỉnh nguyện cho Pháp Luân Công. Anh bị đuổi khỏi trường đại học và bị kết án 10 năm tù.

Chính quyền nhà tù Hô Lan từ chối không cho bà đến thăm hoặc bảo lãnh cho anh Trương. Vào một ngày mùa hè năm 2006, bà Lý nhận được cuộc gọi từ một cai ngục tên Lý Cương, anh ta trách mắng anh Trương do không từ bỏ tu luyện Pháp Luân Công. Khi họ đang nói chuyện, bà Lý nghe thấy anh Trương hét lên rằng anh bị một nhóm lính canh đánh đập. Bà Lý kháng nghị với lính canh nhưng vô ích.

Cuối cùng, hai mẹ con bà mới được đoàn tụ sau 10 năm, nhưng phải đối mặt với khó khăn tài chính nặng nề do hậu quả của cuộc bức hại. Cả hai người đều phải làm những công việc lặt vặt với mức lương ít ỏi.

Gia cảnh khốn khổ của em trai

Em trai của bà Lý và gia đình ông ấy từng tu luyện Pháp Luân Công. Lý Hách, cháu trai của bà đang học trung học khi cuộc bức hại bắt đầu vào năm 1999. Một ngày nọ, một giáo viên đã vu khống Pháp Luân Công trong lớp học. Lý Hách phản bác, “Pháp Luân Công không phải là tà giáo. Đây là một môn tu luyện và không có gì xấu. Mỗi học viên Pháp Luân Công đều là một người tốt ”.

Giáo viên và tất cả các bạn cùng lớp đều sững sờ trước phát biểu của cậu. Sau đó, giáo viên đã rất tức giận và đưa cậu lên phòng hiệu trưởng. Cha cậu đang ở nơi làm việc cũng bị gọi đến trường.

Giáo viên nói với cha cậu bé: “Ông cũng tu luyện Pháp Luân Công phải không? Tại sao ông lại dạy con trai mình chống lại nhà nước?”

Nhìn thấy con trai mình căng thẳng và bị tổn thương, em trai của bà Lý rất buồn. Ông đã miễn cưỡng xin lỗi giáo viên và hiệu trưởng. Ông nói rằng ông và con trai sẽ không tập Pháp Luân Công vì nhà nước không cho phép.

Kể từ hôm đó, Lý Hách trở nên sợ sệt khi nhìn thấy các giáo viên của mình vì vậy cậu đã quyết định không trở lại trường học. Cậu bé trở nên thu mình và thiếu tinh thần. Về sau cậu bị trầm cảm và rối loạn tâm thần nhẹ.

Sau đó, vì sợ bị bức hại, cha mẹ của Lý Hách cũng ngừng tu luyện Pháp Luân Công. Họ luôn lo lắng cho con trai và một số vấn đề sức khỏe của họ lại tái phát. Mẹ của Lý Hách qua đời vì bệnh ung thư máu vào tháng 11 năm 2014 ở tuổi 55. Bước sang tuổi 32 vào năm 2015, Lý Hách không thể làm việc như một người bình thường và vẫn phải phụ thuộc nhiều vào sự chăm sóc của cha mình.

Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung đăng trên Minghui.org đều thuộc bản quyền của trang Minh Huệ. Khi sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, vui lòng ghi lại tiêu đề gốc và đường link URL, cũng như dẫn nguồn Minghui.org.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2021/9/6/430473.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2021/9/25/195899.html

Đăng ngày 21-10-2021; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share