Bài viết của Ngôn Thực

[MINH HUỆ 25-07-2021] Mẹ đỡ đầu của bố tôi đã từng xuất hiện “chân phong” trong ba năm cuối đời của bà. Bà nội tôi từng kể cho tôi nghe những câu chuyện về bà ấy, và tôi cũng chứng kiến một số việc khác thường bà ấy đã làm. Dưới đây tôi xin chia sẻ về trải nghiệm của bà để chứng tỏ rằng “chân phong” thực sự có tồn tại.

Hoàn trả nghiệp

Mẹ đỡ đầu là người cùng làng với bà nội tôi. Mẹ chồng bà mất sớm, vợ chồng bà sống chung với bố chồng. Bà cho bố chồng ăn mặc đẹp, nhưng lại không chăm sóc cho ông ăn uống đầy đủ. Bố chồng bà cả ngày làm việc ngoài vườn, ông chỉ về nhà ăn cơm sau khi mọi người trong gia đình đã dùng bữa xong. Thời gian dần trôi, ông ấy ngày càng ốm đi.

Một năm nọ, vào dịp Tết Nguyên Đán, mẹ đỡ đầu đột nhiên bắt đầu cư xử khác lạ. Bà chạy đến nhà bếp của từng nhà trong làng, uống ba gáo nước lạnh từ bồn nước của họ, và sau đó, bà cúi lạy người lớn tuổi nhất trong từng nhà, cám ơn họ đã cho bà uống nước. Bà cũng cẩn thận rửa sạch cái gáo nước và đặt nó lại chỗ cũ trước khi đi sang nhà khác.

Uống nước chưa đun sôi không phải là phong tục của người Trung Quốc, đặc biệt là vào mùa đông, cho nên mọi người đều thấy sốc khi nhìn thấy những gì bà đang làm. Bà bảo: “Cám ơn bát nước nhà ông đã tẩy sạch tâm tôi. Tôi đối xử tệ với bố chồng và đã gây ra lỗi lầm lớn. Thần Phật trên trời đang trừng phạt tôi, và tôi phải uống nước lạnh của mỗi nhà trong làng để thanh tẩy cái tâm này. Tôi đã sai rồi. Nếu ông tha thứ cho tôi, thì tôi sẽ đứng lên. Nếu ông không tha thứ cho tôi, thì tôi sẽ quỳ suốt ở đây cho đến khi ông tha thứ mới thôi.”

Bà ấy đi chân trần trên đất, tóc bà vén cao giống như diễn viên trong vở nhạc kịch. Bà chỉ mặc duy nhất chiếc quần dài màu trắng cùng với áo kiểu màu trắng. Vào mùa đông, bà đi từ nhà này sang nhà khác chỉ với một chiếc áo khoác mỏng manh. Bà giải thích rằng mình đang bị Thần Phật trừng phạt và đó là lý do tại sao bà không được mặc quần áo ấm.

Bị điên nhưng không ngốc nghếch

Trong khi đó, bà vẫn đảm đang chuẩn bị bữa cơm cho gia đình. Khi mọi người dùng cơm xong, ngày nào bà cũng húp sạch nước canh thừa sau khi tạ lỗi với bố chồng. Sau đó, bà rửa sạch chén bát, rồi lại chạy ra ngoài. Không ai có thể ngăn cản được bà.

Hằng đêm, bà nằm ngủ trong đống cỏ khô, ngay cả mùa đông cũng như vậy. Ngay khi mặt trời ló dạng, bà trở về nhà và làm tất cả việc vặt trong nhà.

Gia đình muốn đưa bà đến bệnh viện để chữa trị chứng tâm thần; nhưng không một ai trong nhà, ngay cả thanh niên trai tráng, có đủ sức để kéo bà đến bệnh viện, cho nên mọi người đành bỏ mặc bà một mình.

Mùa xuân khi bắt đầu làm việc ở trang trại, bà vác phân bón, cuốc xới ruộng đất, và làm tất cả mọi việc dơ bẩn mà bà không bao giờ làm trước đây. Sau khi hoàn tất những việc cực nhọc ở nhà, bà đi sang giúp đỡ những gia đình khác. Lúc không có việc gì làm, bất kể trời mưa hay trời nắng, bà đều chạy ra ngoài khắp mọi ngõ ngách trong làng không chút lo lắng. Thời tiết càng xấu, bà càng chạy ra ngoài thường xuyên hơn. Bà cũng nhặt sỏi và gạch trên đường đi, rồi dọn dẹp chúng sang một bên. Khi những người ăn mày xin bà bố thí thức ăn, bà đã dẫn họ về nhà và cho họ thức ăn như họ yêu cầu.

Bà đối xử rộng lượng với người khác, nhưng tàn nhẫn với chính mình. Vào mùa đông, chân bà tê cóng vì hiếm khi mang giày ra ngoài. Bà nhặt cục phân lừa đông cứng ngắc như đá ở bên đường và ngấu nghiến ăn nó. Không ai có thể ngăn cản bà. Bà bảo mình đang ăn món “thịt viên thơm ngon”. Bà còn uống cả nước tiểu của động vật. Sau đó, dân làng đã không buộc lừa và ngựa bên ngoài, cho nên mấy con động vật cũng không đại tiểu tiện trên phố nữa.

Gia đình nhốt bà lại trong phòng, không cho bà chạy ra ngoài. Nhưng bà có thể mở banh khóa ngay tức khắc. Dây thừng không thể trói được bà, ngay cả dây xích sắt cũng vô dụng. Vào dịp lễ Tết, bà thường san sẻ mấy món ngon ngày lễ cho lũ chó.

Mặc dù trông bà ấy như người mất trí, nhưng bà không hề ngốc nghếch chút nào. Mấy người con trai cúi lạy bà vào dịp Tết Nguyên Đán, bà luôn nhắc nhở họ phải biết hiếu thảo với người lớn và không được giống như bà đối xử với bố chồng trước đây.

Công năng đặc dị

Ba năm sau, vào đúng ngày bà bị điên, bà không còn chạy ra ngoài sau khi rửa chén bát xong nữa. Bà bèn đun một ấm nước, tắm rửa gội đầu sạch sẽ, thay ra bộ quần áo bình thường, mang giày mang vớ vào. Sau đó, bà tỉa tóc và chải chuốt gọn gàng như bà đã từng làm ba năm về trước.

Khi bố tôi chỉ mới tròn một tháng tuổi, ông ấy từng bị ốm nặng. Bác sỹ cũng bó tay hết cách. Vào lúc không còn hy vọng, ông tôi đã dẫn bố tôi sang nhà bà cố. Sau đó, mẹ đỡ đầu đến thăm nhà, bà bảo mọi người nếu đồng ý để bà làm mẹ đỡ đầu cho bố tôi, thì bà ấy sẽ chữa khỏi bệnh cho ông. Bà thổi vào đầu bố tôi ba lần. Bố tôi khóc ré lên và bệnh đã khỏi.

Hình như mẹ đỡ đầu cũng có công năng thấu thị. Giữa cao trào Cách mạng Văn hóa, bố tôi từng đến nhà bà cố để lánh nạn trong thành phố. Một đêm nọ, mẹ đỡ đầu đến nhà bà cố, nói chuyện với bố tôi: “Có người sẽ đến đập phá chùa miếu trong vòng ba ngày tới, nên con đừng đi đến đó!” Ba ngày sau, quả nhiên chùa miếu đã bị phá dỡ.

Kí ức tuổi thơ về mẹ đỡ đầu

Tôi gặp bà lần đầu tiên khi tôi còn rất bé. Theo phong tục truyền thống, mẹ đỡ đầu của bố chính là bà nội đỡ đầu của tôi. Bố mẹ bế tôi đến nhà thăm bà. Bà đã cho tôi một quả đào rất ngọt và bảo mẹ tôi: “Đứa bé này thật may mắn …”

Bà đã ăn một bát sủi cảo vào trưa hôm đó, nhưng bà đã không ăn gì nữa kể từ đó trở đi. Bà chỉ uống một chén nước nhỏ vào mỗi bữa ăn. Bố mẹ tôi và bà nội cảm thấy lo lắng, nên đã bế tôi sang nhà thăm bà. Tôi nhớ lúc đó bà đang ngồi dưới giàn nho trong vườn. Khi bà nhìn thấy chúng tôi, bà đã đứng dậy và chào chúng tôi. Bà vẫn bước đi và nói chuyện y như lần trước tôi gặp bà, dường như bà không ốm đi chút nào. Khi bữa tối nấu xong, bà nói: “Ta không thể ở cùng mọi người nữa.” Sau đó, bà đi vào trong phòng. Đó cũng là lần cuối cùng tôi gặp bà.

Vào dịp tết Trung Thu, cháu nội bà về nhà mừng lễ cùng với vợ và mấy đứa nhỏ. Đêm ngày 15 tháng 8, mẹ đỡ đầu ngồi trong vườn cùng mọi người và nhìn cả nhà ăn dưa hấu. Trước khi đi ngủ, bà đã ôm từng đứa cháu. Sáng hôm sau, gia đình bà mới phát hiện bà đã qua đời.

Lúc còn học đại học, tôi đã từng tìm kiếm lời giải thích cho việc mẹ đỡ đầu bị điên, sau đó trở lại như bình thường mà không cần chữa trị. Nhưng không có một cuốn sách nào trong thư viện trường có thể giải đáp thắc mắc của tôi. Cho đến khi tôi đọc cuốn sách Chuyển Pháp Luân của Sư phụ Lý Hồng Chí (Nhà sáng lập Pháp Luân Công), tôi mới hiểu ra có lẽ mẹ đỡ đầu rơi vào trường hợp “chân phong”. Bây giờ tôi đã minh bạch những điều mẹ đỡ đầu từng trải qua, và cảm thấy biết ơn những bài giảng của Pháp Luân Công.

Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên Minghui.org đều thuộc bản quyền của trang Minh Huệ. Khi sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, vui lòng ghi lại tiêu đề gốc và đường link URL, cũng như dẫn nguồn Minghui.org.


Bản tiếng Hán: https://big5.minghui.org/mh/articles/2021/7/25/故鄉見聞-「真瘋」-423319.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2021/8/21/194723.html

Đăng ngày 18-09-2021; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share