Bài viết của một học viên Pháp Luân Đại Pháp tại Đài Loan

[MINH HUỆ 02-09-2021] Tôi rất vui nhận được lời mời hỗ trợ trang web mới của Minh Huệ là “Cửa sổ Minh Huệ”. Trang web Minghui.org luôn là chỗ dựa tinh thần cho tôi suốt 22 năm tu luyện, vì thế từ nhiều năm trước, tôi đã có nguyện vọng được tham gia hạng mục này. Tôi vui vẻ nhận lời và bắt đầu một hành trình tu luyện mới. Tôi làm việc tại bộ phận bình luận nhưng nhanh chóng nhận thấy công việc này đem đến nhiều thử thách. Cửa sổ Minh Huệ có tiêu chuẩn cao, nên yêu cầu của trang web rất khác so với các phương tiện truyền thông khác.

Có lần, nhiệm vụ của tôi là biên soạn lại bài viết của một học viên tại Trung Quốc. Bài viết gốc rất dài với hơn 19.000 từ nhưng khá mạch lạc và trôi chảy. Vì vậy, tôi đã hoàn thành bài viết một cách đầy tự tin.

Sau đó biên tập viên có sửa lại bài viết đó, và cả hai chúng tôi đều cảm thấy đã làm rất tốt công việc này. Chúng tôi gửi bài viết đi và nghĩ nó có thể giúp ích cho việc cứu độ chúng sinh. Nhưng thực tế bài viết lại không được đăng. Chúng tôi rất ngạc nhiên khi nghe được điều này và cảm thấy có hơi chút bực bội. Sau đó, chúng tôi nhận được thông báo là trang web không thể cho đăng bài viết vì một số nội dung có thể được hiểu là làm chính trị và không hoàn toàn từ bi.

Quan tâm đến người khác bằng tâm từ từ bi và thuần tịnh

Lúc đầu, không rõ bài viết tại sao lại mang yếu tố chính trị hay chưa thực sự thuần chính từ bi.

Sư phụ giảng:

“Bình thường chư vị luôn luôn bảo trì trái tim từ bi, [bảo trì] tâm thái hoà ái; [khi] gặp vấn đề thì sẽ xử lý được tốt, bởi vì nó có một khoảng hoà hoãn. Chư vị luôn từ bi, lấy Thiện đãi người, làm việc gì đều luôn luôn cân nhắc đến người khác, mỗi khi gặp vấn đề thì trước hết nghĩ rằng: ‘Việc này đối với người khác có thể chịu được không, đối với người khác có phương hại gì không’; như vậy sẽ không xuất hiện vấn đề gì”. (Bài giảng thứ tư, Chuyển Pháp Luân)

Mỗi khi đọc đoạn Pháp này, tôi đều chú ý đến câu “Bình thường chư vị luôn luôn bảo trì trái tim từ bi, [bảo trì] tâm thái hoà ái”, nhưng lần này, tôi lại quên mất. Khi bài viết bị từ chối, tôi ngộ ra mình đã không thực sự cân nhắc đến người khác.

Tôi thường làm bất cứ điều gì tôi muốn, tâm thái này được phản ánh vào chính bài viết. Tôi không từ bi với độc giả cũng như không quan tâm đến họ. Tôi chỉ viết những gì tôi muốn. ĐCSTQ tẩy não người dân Trung Quốc hết sức nghiêm trọng, vì vậy họ rất nhạy cảm với một số từ ngữ hay ngữ khí của bài viết. Tôi sẽ chỉ đẩy họ ra nếu ngữ khí đó chưa thực sự từ bi.

Tôi rất vui vì nhận ra chấp trước này và hiểu được cách làm thế nào để nâng cao kỹ năng viết bài.

Tôi cũng chia sẻ vấn đề này với các học viên và ngộ ra vai trò quan trọng nhất của Cửa sổ Minh Huệ là giảng chân tướng về Pháp Luân Đại Pháp. Cựu thế lực đã an bài rất nhiều sự kiện hỗn loạn trên thế giới để đánh lạc hướng sự chú ý của mọi người khỏi cuộc bức hại Pháp Luân Đại Pháp. Tuy nhiên, là những học viên, chúng ta không nên bị những thứ này dẫn động.

Sát cánh cùng các học viên bị bức hại

Một lần, tôi rơi nước mắt vì xúc động trong quá trình soạn lại bài viết kể về một học viên bị bức hại nghiêm trọng. Tuy nhiên, câu chuyện không chỉ dài và khó đọc, mà còn mô tả nhiều chi tiết vụn vặt. Nhưng nhờ có Sư phụ gia trì và sự giúp đỡ của các học viên, tôi đã tìm thấy một bài chia sẻ khác với thông tin tôi cần. Cuối cùng tôi cũng hoàn thành bài viết một cách suôn sẻ.

Khi tôi viết lại câu chuyện của một số học viên thì trong số họ, có người đã bị bức hại đến chết. Tuy vậy, trong quá trình biên soạn đó, dù các học viên còn sống hay đã chết, tôi vẫn cảm nhận được rằng họ luôn đồng hành cùng tôi để cứu độ chúng sinh.

Buông bỏ tư tưởng phụ diện về các học viên khác

Tôi không quen biết các thành viên khác trong nhóm, nhưng nhận ra tên của một số người mình từng làm chung trong các hạng mục khác. Trước đây, tôi từng có vài suy nghĩ thiếu tích cực về họ, nên mới phản ứng khó chịu khi thấy tên của họ.

Tôi hướng nội và nhận ra mình có tâm tật đố. Tôi đánh giá các học viên dựa trên tiêu chuẩn của bản thân, vì vậy đã nảy sinh tâm lý coi thường họ một cách vô thức.

Sư phụ giảng:

“Vì con người có ‘tình’, nóng giận là ‘tình’, ưng ý là ‘tình’, yêu là ‘tình’, hận cũng là ‘tình’; vui thích làm điều [nào đó] là ‘tình’, không thích làm điều [nào đó] cũng là cái ‘tình’ ấy; thấy người này hay người kia dở, yêu thích làm gì đó hoặc chẳng yêu thích làm gì đó, hết thảy đều là ‘tình’; người thường chính là vì cái ‘tình’ ấy mà sống”. (Bài giảng thứ sáu, Chuyển Pháp Luân)

Tôi nhận thấy mình đang đánh giá các học viên khác dựa trên quan niệm về tình, đó là vị tư. Là học viên, chúng ta nên nghĩ cho người khác trước và đối đãi từ bi với họ.

Tôi có thể từ bi giảng chân tướng Đại Pháp cho mọi người thì tại sao lại không thể đối đãi với các học viên theo cách như vậy? Các học viên giúp đỡ nhau vô điều kiện chẳng phải là việc nên làm đó hay sao? Đây là tiêu chuẩn đặt ra đối với các học viên Pháp Luân Đại Pháp thời kỳ Chính Pháp.

Lời kết

Khi viết bài chia sẻ này, tôi có thể cảm nhận được trạng thái từ bi là thế nào. Tôi nhận ra sau khi buông bỏ được tâm vị tư, cả thân thể tôi được bao bọc trong trường năng lượng từ bi của Đại Pháp. Con xin cảm tạ Sư tôn đã khích lệ con viết bài chia sẻ này. Rất mong bài viết sẽ giúp ích cho các bạn học viên bước đi thật tốt trên đoạn đường tu luyện cuối cùng này.

Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên Minghui.org đều thuộc bản quyền của trang Minh Huệ. Khi sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, vui lòng ghi lại tiêu đề gốc và đường link URL, cũng như dẫn nguồn Minghui.org.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2021/9/2/430321.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2021/9/5/194944.html

Đăng ngày 14-10-2021; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share