Bài viết của một học viên Pháp Luân Đại Pháp tại Trung Quốc
[MINH HUỆ 17-08-2021] Kể từ ngày 18 tháng 7 năm 2021, tôi luôn cố gắng buông bỏ tâm sợ hãi khi giảng thanh chân tướng cho mọi người về Pháp Luân Đại Pháp và cuộc bức hại. Sư phụ Lý (người sáng lập Pháp Luân Đại Pháp) đã an bài cho tôi cơ hội được phơi bày chấp trước, từ đó có thể kiềm chế và buông bỏ tự ngã. Đồng thời, cho phép chân ngã lấy đặc tính Chân-Thiện-Nhẫn làm chỉ đạo.
Vượt qua nỗi sợ để giảng chân tướng trực tiếp cho nhiều người
Tôi đến thăm mẹ vào ngày 18 tháng 7. Bà kể với tôi, cảnh sát đã bắt giữ nhiều học viên và tịch thu điện thoại di động của họ. Trong điện thoại có lưu số của các học viên khác. Sau sự việc này, học viên Vương đã ngừng sản xuất tài liệu giảng chân tướng suốt gần một tháng. Các học viên khác cũng ít ra ngoài giảng chân tướng hơn.
Trong khi ở nhà mẹ tôi, tôi có một giấc mơ. Tôi thấy bốn phòng học rộng lớn, trong đó có một phòng hoàn toàn trống không và phủ lớp bụi dày. Đầu tiên, tôi lau dọn bên ngoài, rồi vào đến bên trong căn phòng. Tôi đến một lớp học khác. Lớp học này chật kín người ở đó. Tôi nhìn thấy mười hai chiếc túi đựng đồ màu trắng treo trên tường. Khi tôi đề nghị lấy một chiếc thì tỉnh giấc.
Tôi băn khoăn không hiểu có phải Sư phụ điểm hóa điều gì đó cho mình không. Có lẽ “lớp học” tượng trưng cho nhóm học Pháp của chúng tôi. Căn phòng trống phủ đầy bụi có nghĩa “nhóm học Pháp tan rã vì chúng tôi có tâm chấp trước rất mạnh”. Khi tôi lau dọn căn phòng từ ngoài vào trong và đề nghị lấy một chiếc túi có thể mang hàm nghĩa là “Sư phụ muốn tôi chia sẻ với nhóm học Pháp nhận thức dựa trên Pháp để tất cả chúng tôi được tịnh hóa”.
Tôi cho rằng bảo vệ bản thân không phải là điều mà Sư phụ muốn. Chúng tôi không tu khẩu, sau đó lại cố tìm cách để vãn hồi tổn thất. Tôi có ba lần chia sẻ thể ngộ của mình với học viên Vương, người sản xuất tài liệu, và đề nghị anh ấy cấp thêm cho tôi tài liệu nhưng đều bị từ chối.
Tôi biết rất nhanh thôi sẽ có một đợt đại dịch coronavirus khác xuất hiện và tính mạng mọi người đang gặp nguy hiểm, nhưng lại e sợ không dám nói ra vì tôi từng bị cảnh sát bắt giữ khi ra ngoài giảng chân tướng. Thay vào đó, tôi chỉ chú trọng phân phát tờ rơi.
Trong tu luyện, không có chuyện gì là ngẫu nhiên. Tại sao tôi không thể có tờ rơi khi tôi cần chúng nhất? Tôi phải bình tâm và hướng nội xem bản thân có chấp trước vào điều gì không?
Tôi ngộ ra Sư phụ không muốn tôi chỉ chuyên tâm vào việc phát tờ rơi, vì vậy Ngài đẩy tôi bước ra giảng chân tướng trực tiếp cho mọi người. Cuối cùng tôi cũng kiểm soát được nỗi sợ, tiến lên một bước và đi ra ngoài. Khi nói chuyện với mọi người, tôi đã cảm nhận được thế nào là từ bi, lý trí và sáng suốt.
Nhận thức và buông bỏ tự ngã
Trong quãng thời gian đó, tôi rất muốn học viên Vương cung cấp tờ rơi cho tôi nhưng không được chấp thuận. Vì vậy, tôi bắt đầu có suy nghĩ tiêu cực và không muốn tiếp tục liên lạc với anh ấy. Học viên Lâm vẫn thường trò chuyện với anh Vương nên tôi cũng thấy học viên Lâm phiền phức và không muốn gặp bọn họ. Tôi nghĩ họ quá kiêu ngạo, thích dạy bảo người khác và không chịu tiếp thu góp ý. Tôi biết mình không nên có những suy nghĩ như vậy hay những cảm xúc tiêu cực đó vì chúng không phù hợp với Pháp. Tôi cố gắng trừ bỏ những tư tưởng bất hảo này và coi nhẹ chúng đi.
Sau khi tham gia học Pháp chung sáng ngày 9 tháng 8, tôi đọc to bài chia sẻ trên Minh Huệ có tựa đề “Thể ngộ của tôi về đợt bùng phát dịch Coronavirus lần thứ hai tại Trung Quốc” và Kinh văn “Lý Tính” cho mọi người cùng nghe. Tôi hy vọng các học viên sẽ chia sẻ thể ngộ của họ nhưng không một ai nói điều gì. Vài phút sau, học viên Vương và Lâm bắt đầu nhiệt tình nói về chủ đề khác. Tôi có hơi bực mình và cảm thấy không được tôn trọng. Đến buổi chiều, tôi đọc lại các bài chia sẻ và Kinh văn Sư phụ giảng về buông bỏ tự ngã để cố kìm nén những cảm xúc tiêu cực lại.
Cảm xúc tiêu cực lại một lần nữa bị khuấy động khi tôi gặp mặt học viên Vương và Lâm ở lớp học Pháp chung ngày hôm sau. Buổi học của chúng tôi kết thúc lúc 11 giờ sáng. Sau đó tôi vào bếp nấu ăn. Tôi nhìn lên đồng hồ thấy nó đã dừng lại và chỉ vào mốc thời gian là hơn 11 giờ (đồng hồ bắt đầu chạy khi tôi điều chỉnh nó về 11 giờ). Trước đây, Sư phụ từng dùng cách này để khai sáng cho tôi, tôi biết Ngài đang lo lắng và muốn tôi chân tu bản thân.
Đến trưa, tôi cùng mẹ phát chính niệm. Khi thấy bàn tay của bà ngả về phía trước, tôi nhắc bà giữ thẳng tay. Bà nóng nảy đáp lại tôi: “Tay mẹ dựng thẳng rồi”. Tôi nói với bà, tôi sẽ không nói thêm bất cứ điều gì nếu còn trông thấy vậy. Một lát sau, mẹ tôi nói: “Con nói về tư thế tay của mẹ. Vậy sao con không nhìn lại tay con đã đúng tư thế liên hoa chưa?”. Tôi không nói gì cả và cảm thấy mình đang bị tâm tự ngã dẫn động.
Sau bữa trưa, tôi bình tâm suy xét lại. Tôi thấy mình nên hướng nội và tìm thiếu sót dựa trên các Pháp lý. Tôi cần buông bỏ tự ngã và không được để nó kiểm soát mình.
Sư phụ giảng:
“ Nơi vũ trụ này, chúng tôi thấy rằng sinh mệnh con người không phải sinh ra tại xã hội người thường. Sự sản sinh ra sinh mệnh chân chính của con người chính là sinh ra trong không gian vũ trụ. Bởi vì trong vũ trụ này có rất nhiều các loại vật chất chế tạo sinh mệnh; với sự vận động tương hỗ, những vật chất ấy có thể sản sinh ra sinh mệnh; nên cũng nói, sinh mệnh tối nguyên sơ của con người đến từ vũ trụ. Bản lai của không gian vũ trụ là lương thiện, là mang đầy đủ chủng đặc tính Chân Thiện Nhẫn; con người sinh ra cùng với vũ trụ là đồng tính. Nhưng sản sinh ra nhiều thể sinh mệnh rồi; thì cũng phát sinh quan hệ xã hội [trong] quần thể. Trong đó có một số người có thể tăng thêm tư tâm; tầng của họ dần dần rất chậm hạ thấp xuống; [khi] không thể ở tại tầng ấy nữa, thì họ phải rớt xuống dưới. Tuy nhiên tại tầng kia [họ] lại biến đổi không còn tốt nữa, họ không thể ở lại, và tiếp tục rớt xuống dưới; cuối cùng rớt xuống đến tầng của nhân loại.” (Bài giảng thứ nhất, Chuyển Pháp Luân)
“Người có tâm tật đố là coi thường người khác…” (Chương III, Pháp Luân Công)
Sau khi đọc Kinh văn Sư phụ giảng, tôi ngộ ra chân ngã của bản thân đã đồng hóa với đặc tính Chân – Thiện – Nhẫn. Biểu hiện của chân ngã là từ bi, hòa ái, khoan dung với sai lầm của người khác. Đó là thấu hiểu và suy xét đến hoàn cảnh của họ. Là tự mình đặt vào vị trí của người khác và nghĩ đến họ trước tiên.
Những sinh mệnh lệch khỏi đặc tính Chân-Thiện-Nhẫn là bởi họ có tâm tật đố, khởi nguồn của chấp trước vào danh, lợi, tình, từ đó tạo nên cái tôi tự ngã. Biểu hiện tự ngã của một người là tự cao tự đại, thích được ngợi khen, và muốn bảo vệ bản thân tránh khỏi tổn hại. Tâm tự ngã khiến người đó cho rằng mình có ngộ tính cao, dù có sai cũng nhất định cho mình là đúng. Nó thích ra lệnh, và không chấp nhận những ý kiến trái chiều. Nó xem nhẹ và coi thường người khác. Về cơ bản nó là thứ vật chất xấu xa, ích kỷ, tật đố và điên loạn. Tự ngã khiến sinh mệnh trở nên mê mờ. Vì vậy, khi xuất hiện giả tướng, có thể chúng ta sẽ nghĩ: “Sao tôi có thể như vậy được, sao tôi không thể đối xử tốt với người khác?”. Tương tự vậy, khi chúng ta nhìn vào người khác, chúng ta sẽ tự hỏi: “Làm thế nào mà người học viên này hay người thường này lại như vậy?”. Thực tế đó không phải chân ngã của chúng ta.
Chúng ta thật may mắn được trở thành đệ tử Đại Pháp. Sư phụ vẫn luôn không ngừng an bài con đường tu luyện, bảo hộ và khai sáng cho chúng ta. Chúng ta đã có Pháp chỉ đạo việc tu luyện và Sư phụ luôn dạy chúng ta hãy hướng nội khi gặp mâu thuẫn. Mọi việc gặp phải là để giúp chúng ta nâng cao nhận thức, nhìn ra và buông bỏ chấp trước. Sư phụ sẽ giúp gỡ bỏ những chấp trước đó đi nếu chúng ta thực sự muốn tu khứ chúng.
Cảm xúc tiêu cực và suy nghĩ coi thường các học viên (một dạng tâm tật đố), trong khi bản thân không nhìn thấy phương diện tu luyện của họ, cùng thái độ chỉ trích và kiêu ngạo đó của tôi đều bắt nguồn từ tâm vị kỷ. Tôi tự mãn khi lo lắng họ không thể nhìn ra những thiếu sót. Sư phụ vẫn luôn chăm sóc và an bài hết thảy mọi việc cho các đệ tử của Ngài. Có lẽ, lý do mà các đồng tu hành xử như vậy là để giúp tôi hướng nội, buông bỏ chấp trước và tu luyện bản thân. Sư phụ thường xuyên điểm hóa nhắc nhở tôi, nhưng tôi vẫn khăng khăng muốn người khác chính lại bản thân họ.
Nếu chân ngã điều khiển hành vi và tư tưởng của tôi, thì điều đầu tiên tôi cần làm khi gặp ai đó hoặc đối diện một vấn đề nào đó là hướng nội tìm (đây là một yêu cầu của Pháp), suy xét xem Sư phụ muốn tôi học được bài học gì?
Khi các học viên bị chi phối bởi các quan niệm người thường, chúng ta có thể đưa ra lời khuyên một cách thiện ý, phát chính niệm hỗ trợ và bình tĩnh quan sát, vì mọi thứ đều đã có Sư phụ quản. Khi chúng ta từ bi và hòa ái, suy nghĩ như đang ở vị trí của người khác, thì tâm phàn nàn và oán hận sẽ không có chỗ để tồn tại, vì chúng ta luôn vị tha và đặt người khác lên trước.
Suy nghĩ về trải nghiệm đã qua của mình, mặc dù phải chịu đau đớn và khổ sở nhưng tôi thực sự vô cùng biết ơn ân cứu độ của Sư phụ. Ngài đã giúp tôi gỡ bỏ nghiệp lực và ban cho tôi cơ hội được đề cao tầng thứ.
Đây là thể ngộ tại tầng thứ hiện tại của tôi. Nếu có điều gì chưa phù hợp, mong các đồng tu từ bi chỉ rõ.
Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên Minghui.org đều thuộc bản quyền của trang Minh Huệ. Khi sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, vui lòng ghi lại tiêu đề gốc và đường link URL, cũng như dẫn nguồn Minghui.org.
Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2021/8/17/429612.html
Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2021/9/3/194908.html
Đăng ngày 08-10-2021; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.