Bài viết của một học viên Pháp Luân Đại Pháp tỉnh Hà Bắc, Trung Quốc

[MINH HUỆ 19-07-2021] Tôi bắt đầu tu luyện Pháp Luân Đại Pháp vào tháng 2 năm 1998. Tôi là giáo viên cấp hai. Một đồng nghiệp đã kể cho tôi nghe một câu chuyện mà thực sự đã có tác động đến tôi. Đó là câu chuyện về một giáo viên cùng văn phòng tôi.

Giáo viên này đã la mắng một số học sinh vì anh cho rằng những học sinh đó đã lăng mạ mình trước. Những học sinh này không thừa nhận đã lăng mạ giáo viên và rất tức giận. Chúng khiếu nại với giáo viên chủ nhiệm và hiệu trưởng, và muốn đưa chuyện này lên Phòng Giáo dục Huyện. Cuối cùng, một đồng nghiệp tốt bụng đã đứng ra khuyên giải và thuyết phục mọi người giải quyết tranh chấp.

Lúc đó tôi giật mình tự hỏi tại sao sự việc lại xảy ra với người mà tôi biết. Tôi hướng nội để xem liệu mình có đối xử không đúng với học sinh của mình hay không, và liệu lời nói cùng hành xử của tôi có dựa trên tiêu chuẩn của người tu luyện hay không.

Tôi thực sự rất hổ thẹn khi đã tìm ra rất nhiều thiếu sót! Tôi nhận ra mình đã không hoàn toàn chiểu theo tiêu chuẩn Chân-Thiện-Nhẫn của Pháp Luân Đại Pháp và không thiện với học sinh của mình. Thí dụ, tôi cảm thấy khó chịu khi những học sinh có thành tích tốt không chú ý đến bài giảng của tôi. Tại sao tôi lại khó chịu? Tôi sợ “mất mặt” khi học sinh bị điểm kém. Và khi học sinh đạt điểm tốt, điều đó đồng nghĩa rằng tôi là một giáo viên có năng lực, một giáo viên tốt hơn so với các đồng nghiệp. Tôi muốn học sinh đạt điểm tốt vì những lý do ích kỷ; nếu không thì tôi đã không khó chịu. Việc này đã phơi bày những chấp trước vào danh và lợi của tôi.

Tôi nhận ra rằng thành tích học tập của học sinh không hoàn toàn dựa vào khả năng của giáo viên. Thành quả của học sinh cũng là kết quả của sự nỗ lực và học tập chăm chỉ của các em. Nếu chỉ dựa vào khả năng của giáo viên, vậy tại sao tất cả học sinh của tôi không đạt điểm tốt?

Tôi đã không chút khách khí gì mà chỉ trích học sinh khi các em nói chuyện hoặc biểu hiện những hành xử không phù hợp trong lớp. Đôi khi tôi muốn đuổi các em ra khỏi lớp học. Mặc dù có vẻ như tôi muốn duy trì trật tự trong lớp học, nhưng thực ra đó là để duy trì hình ảnh và tâm hư vinh của tôi.

Sư phụ đã giảng cho chúng ta:

“Là người tu luyện, ‘tìm bên trong’ là một Pháp bảo.” (Giảng Pháp tại Pháp hội quốc tế Washington DC năm 2009)

“sự biến hóa của tư tưởng chư vị là có thể khiến hoàn cảnh chung quanh chư vị phát sinh biến hóa.” (Giảng Pháp tại Pháp hội quốc tế New York năm 2009)

Tôi từng không ưa một học sinh nữ. Cô bé là lớp trưởng, tính tình hống hách và kiêu ngạo. Cô bé cư xử rất tốt trước mặt giáo viên chủ nhiệm, nhưng một khi vượt ra khỏi tầm mắt của giáo viên chủ nhiệm, hành vi của cô bé lại còn tệ hơn cả những học sinh khác. Cô bé dường như không thích tôi chứ đừng nói đến tôn trọng và điều này đã diễn ra trong một thời gian.

Một ngày nọ tôi nghĩ: “Có gì đó không ổn. Tại sao mình lại coi thường cô bé học sinh đó?” (Chính Sư phụ đã điểm hóa cho tôi). Tôi hướng nội và nhận ra cô bé chính là tấm gương phản chiếu hành vi của tôi, và tôi có hầu hết những khuyết điểm như cô bé đó. Tôi có chút ngạc nhiên.

Tôi đã xem mình như một bông hoa, đầy những phẩm chất tốt đẹp. Thế nhưng, tôi hầu như không thể tìm thấy điều gì tốt ở người khác. Đôi khi tôi cảm thấy bất an và ngấm ngầm cạnh tranh với đồng nghiệp và cấp trên. Tôi cho rằng họ đầy những thiếu sót, trong khi tôi là người có năng lực nhất và làm việc chăm chỉ nhất.

Tôi cảm thấy đau khổ và xấu hổ vì sau bao nhiêu năm tu luyện tôi vẫn bị chấp trước vào “cái tôi”. Sư phụ giảng:

“Tôi còn muốn bảo chư vị, bản tính thực chất từ trước của chư vị được kiến lập trên cơ sở vị ngã vị tư, từ nay trở đi chư vị làm các việc thì trước hết phải nghĩ đến người khác, tu thành bậc Chính Giác vô tư vô ngã, tiên tha hậu ngã, thế nên từ nay trở đi chư vị làm gì nói gì đều phải vì người khác, và nghĩ đến cả vì người đời sau nữa!…” (Phật tính vô lậu, Tinh Tấn Yếu Chỉ)

“Làm việc thì nghĩ đến người khác, gặp mâu thuẫn thì nghĩ đến bản thân mình; lời này có thể mọi người đều biết nói, cũng đều minh bạch, nhưng vào lúc then chốt thì không nghĩ ra.” (Giảng Pháp tại Pháp hội quốc tế Washington DC năm 2009)

Khi tôi thay đổi cách nghĩ về nữ học sinh đó, thái độ của cô bé cũng thay đổi, như thể cô bé là một con người khác. Một vài lần, cô bé đã mời tôi ăn kem khi tôi đi ngang qua lớp của cô bé. Điều đó thực sự khích lệ tôi! Tôi nghĩ cô bé thật dễ thương và trong sáng! Cô bé coi tôi như một giáo viên yêu thích và đáng tin cậy nhất, và muốn chia sẻ món ăn vặt yêu thích với tôi. Thậm chí cô bé còn không lo rằng tôi sẽ báo cáo cô bé vì ăn vặt.

Hướng nội đúng là một Pháp bảo tuyệt vời và tu luyện thực sự kỳ diệu!

Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên Minghui.org đều thuộc bản quyền của trang Minh Huệ. Khi sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, vui lòng ghi lại tiêu đề gốc và đường link URL, cũng như dẫn nguồn Minghui.org.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2021/7/19/427553.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2021/8/14/194620.html

Đăng ngày 02-10-2021; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share