Bài viết của một học viên Pháp Luân Đại Pháp tại New York, Mỹ
[MINH HUỆ 13-08-2021] Tôi là một đệ tử Đại Pháp người Trung Quốc hiện sinh sống tại Mỹ. Tôi rất vinh dự khi được chia sẻ kinh nghiệm tu luyện của bản thân để cùng giao lưu với các đồng tu.
Vào năm 1996, tôi đã mua được cuốn sách quý giá Chuyển Pháp Luân từ một hiệu sách ở thành phố Nam Kinh, Trung Quốc. Đây là khởi đầu cho con đường tu luyện hơn 20 năm của tôi. Nhìn lại, không một ngôn từ nào có thể diễn tả được sự cảm ân của tôi đối với Sư phụ Lý Hồng Chí (nhà sáng lập Pháp Luân Công). Ban đầu, tôi muốn dùng cơ hội này để tổng kết lại quá trình tu luyện hơn 20 năm của mình cũng như những thể ngộ trong tu luyện và nhận thức về các Pháp lý. Tuy nhiên, tôi nhận ra rằng việc chia sẻ những điều kể trên sẽ rất phức tạp cho dù tôi có cố gắng dùng đến hàng vạn từ để diễn đạt. Vì vậy, tôi quyết định chia sẻ về một vấn đề trong tu luyện, đó là việc học Pháp và học thuộc Pháp.
Thiển ngộ về việc học Pháp
Trong quá trình tu luyện hơn 20 năm của bản thân, tôi đã gặp rất nhiều may mắn. Nhưng quan trọng hơn cả là tôi luôn coi trọng việc học Pháp. Tại những giai đoạn khác nhau, đối với tầm quan trọng của việc học Pháp thì tôi lại có những lý giải ở tầng thứ khác nhau.
Chỉ khi học Pháp tốt chúng ta mới có thể tu luyện một cách lý tính
Khi mới tu luyện, tôi nghĩ mình cần phải học Pháp thật tốt thì mới có thể nhận thức về tu luyện một cách lý tính. Từ đó, tôi có thể hiểu được nội hàm các Pháp lý của Đại Pháp. Bởi vậy, tôi đã nghiêm túc học sách Chuyển Pháp Luân và các bài Kinh văn giảng Pháp tại các nơi của Sư phụ trước khi diễn ra cuộc bức hại Pháp Luân Công vào năm 1999. Thông qua thể ngộ về các Pháp lý, tôi đã nhận thức được thế nào là tu luyện, hướng nội ra sao và làm thế nào để buông bỏ các tâm chấp trước khi đối mặt với các loại mâu thuẫn.
Bản thân việc học Pháp chính là đề cao trong tu luyện
Sư phụ giảng:
“Vậy nên tôi bảo mọi người cái Lý này: Nhất định không nên cảm thấy rằng cuốn sách «Chuyển Pháp Luân» này đã xem rồi, động tác cũng đã biết rồi, [vậy] là được rồi, rằng biết là tốt và theo đó mà luyện là xong rồi. Nếu chư vị muốn đề cao, thì toàn dựa vào cuốn sách đó, do đó chư vị phải đọc đi đọc lại. Khi đọc cuốn sách đó thì chư vị chính là đang nhận thức, chính là đang đề cao. Thêm vào đó là biện pháp viên mãn của chúng ta —luyện công— chư vị sẽ không ngừng đề cao tầng thứ của mình”. (Giảng Pháp tại San Francisco, Giảng Pháp tại Pháp hội Mỹ quốc [1997])
Thông qua việc học các bài giảng của Sư phụ đã giúp tôi thể ngộ sâu sắc hơn về việc học Pháp, chính là giúp chúng ta đề cao trạng thái tu luyện của mình. Dĩ nhiên, trong các học viên, ai cũng muốn đề cao càng nhanh càng tốt. Vì vậy, trước năm 1999, mặc dù bận rộn với công việc, nhưng bất cứ lúc nào có thời gian tôi đều tranh thủ học Pháp và đồng hoá với Pháp. Trong những năm này, khi tôi tập trung vào việc tu luyện bản thân, sự đề cao của tôi thực sự tăng nhanh như hỏa tiễn, và tôi có thể cảm nhận mình cải biến hàng ngày. Tâm trí tôi trở nên rộng mở và tường hòa hơn. Tôi ngày càng tăng thêm tín tâm và kiên định học Pháp.
Sư phụ giảng:
“Tôi đã mở một cánh cửa lớn, tôi làm một việc lớn hơn, chính là tôi đem tất cả những đạo lý tu luyện, nhân tố viên mãn đều giảng xuất lai, hơn nữa còn giảng rất hệ thống. Đây chính là tại sao vị Thần rất cao nói rằng: Ngài đã lưu lại cho con người một chiếc thang lên trời —«Chuyển Pháp Luân»”. (Giảng Pháp tại Pháp hội Sydney [1996])
Các vị Thần nói rằng Sư phụ đã lưu lại cho chúng ta một chiếc thang lên trời. Chiếc “thang” này là gì? Tôi ngộ rằng chỉ cần bạn kiên trì leo lên nó, bạn sẽ tiến lên những tầng thứ cao hơn. Nếu “Chuyển Pháp Luân” là một chiếc thang lên trời, thì chúng ta cần phải đọc sách thường hằng. Quá trình học Pháp chính là quá trình đề cao.
Học Pháp tốt và cứu độ chúng sinh trong thế giới của bản thân
Năm 1999, sau khi bắt đầu thời kỳ tu luyện Chính Pháp, tôi đã có thể ngộ mới về việc học Pháp. Qua bài “Giảng Pháp trong chuyến đi quanh Bắc Mỹ [2002]”, tôi minh bạch được học Pháp tốt không chỉ giúp đề cao trạng thái tu luyện cá nhân, mà nội hàm thâm sâu hơn đó là cứu độ thế giới của bản thân, hay chính là cứu độ chúng sinh trong đại khung thiên thể của chính mình.
Trong giai đoạn tu luyện cá nhân, học Pháp và đề cao trong tu luyện đều vì sự viên mãn của cá nhân. Nhưng khi chúng ta bước vào giai đoạn tu luyện Chính Pháp, nội hàm của “học Pháp” mang ý nghĩa sâu rộng hơn. Tôi đang học Pháp vì sự đắc cứu của chúng sinh trong thế giới của mình. Nếu tôi sao lãng học Pháp, hay học Pháp không tốt, thì các chúng sinh trong thế giới của tôi sẽ chịu nhận tổn thất to lớn. Thiên thể của bản thân tôi hoặc các chúng sinh trong đại khung đó sẽ rất khó được đắc cứu. Đây là điều mà tôi không dám tưởng tượng đến nếu ở trong giai đoạn tu luyện cá nhân. Tôi nhận thức được rằng tu luyện là phi thường nghiêm túc và thù thắng, vì vậy tôi không thể phóng túng việc học Pháp.
Chỉ có học Pháp tốt chúng ta mới có thể phá trừ an bài của cựu thế lực, và làm tốt các hạng mục cứu độ chúng sinh
Sư phụ giảng:
“Đã là học viên, [nếu] chư vị không chiểu theo yêu cầu của Sư phụ mà hành xử, [thì] nhất định không còn là chuyện đơn giản. cựu thế lực đối với tất cả các đệ tử Đại Pháp đều có an bài một bộ những thứ của chúng; nếu đệ tử Đại Pháp không chiểu theo yêu cầu của Sư phụ mà hành xử, thì nhất định đang thực thi chiểu theo an bài của cựu thế lực. Thực ra trong Chính Pháp cựu thế lực vẫn luôn nhắm vào việc các đệ tử Chính Pháp có thể bước vượt ra hay không, mà thường hay đặt kèm theo đó những cửa ải thống khổ và nạn lớn”. (Thanh tỉnh, Tinh tấn yếu chỉ III)
Mỗi học viên Đại Pháp đều phải đối mặt với một vấn đề nghiêm túc – làm thế nào chúng ta có thể phủ định an bài của cựu thế lực, và bước trên con đường mà Sư phụ đã an bài cho chúng ta? Trong quá trình tu luyện, tôi dần lý giải rằng học Pháp tốt chính là bảo chứng căn bản để phá trừ an bài của cựu thế lực.
Thực ra, Sư phụ từ bi đã giải đáp cho chúng ta điều này trong các bài giảng Pháp từ rất lâu về trước rồi. Rất nhiều lần tôi cảm nhận được sự từ bi vô lượng của Sư phụ đối với đệ tử chúng ta. Sư phụ đã giảng ra rõ ràng minh bạch rất nhiều Pháp lý, việc còn lại của chúng ta là làm sao dụng tâm học Pháp cho tốt.
Tôi thể ngộ được rằng trong hai đoạn Pháp ở trên, Sư phụ đã giảng về mối quan hệ giữa học Pháp và làm tốt việc cứu độ chúng sinh. Nếu một học viên không theo kịp yêu cầu trong khi học Pháp, thì cựu thế lực sẽ dễ dàng dùi vào sơ hở, can nhiễu và thậm chí khiến chúng ta đi theo con đường đầy khảo nghiệm và khổ nạn mà chúng đã an bài. Chúng ta sẽ gặp phải rất nhiều phiền phức trong khi làm các việc. Đối với những đệ tử Đại Pháp ở Trung Quốc đại lục đang tham gia các hạng mục cứu người, nếu họ không theo kịp yêu cầu học Pháp thì thường sẽ đối mặt với sự bức hại.
Đột phá những khó khăn: Học thuộc Pháp
Tôi đã bị bắt và bị đưa đến trung tâm tẩy não và trại lao động nhiều lần từ năm 2001 đến năm 2004. Sau khi trải qua cuộc bức hại, tôi đã tĩnh hạ tâm xuống và hướng nội. Tôi phát hiện nguyên nhân căn bản là do chấp trước của mình vào thời gian. Tôi cho rằng việc tu luyện trong thời kỳ Chính Pháp sẽ sớm kết thúc, vì vậy tôi đã sao nhãng học Pháp. Tôi không thể giữ được trạng thái cân bằng, do đó đủ loại tâm chấp trước nổi lên, khiến tôi bị bắt và bị bức hại nhiều lần. Sau khi học được bài học thống khổ đó, thì từ năm 2004 tôi bắt đầu học Pháp nhiều hơn, đồng thời kiên trì phát chính niệm thường hằng. Sau đó, tôi cảm nhận được tà ác ngày càng ly khai xa khỏi tôi. Tôi không còn cảm giác bị tà ác theo dõi mỗi ngày. Hơn nữa, trong những ngày nhạy cảm, cảnh sát tà ác cũng không còn đến tìm tôi nữa. Họ chỉ hỏi gia đình tôi xem tôi có khỏe không? Gia đình tôi sẽ luôn trả lời rằng tôi vẫn sống tốt.
Vào tháng 1 năm 2014, sau khi ra nước ngoài, tôi đã tham gia các hạng mục truyền thông. Tôi nhận thấy trong các hạng mục truyền thông, mọi người đều chìm đắm vào các công việc thực tế. Nếu chúng ta không thực sự đặt việc học Pháp là ưu tiên hàng đầu, thì chúng ta rất dễ bị can nhiễu – chúng ta không có thời gian, hoặc thậm chí không thể nhớ đến việc học Pháp.
Để duy trì việc học Pháp của mình, tôi đã lên một kế hoạch: Đầu tiên, mỗi ngày tôi dành thời gian học hai bài giảng của cuốn Chuyển Pháp Luân. Thứ hai, tôi cũng thiết lập một chế độ học Pháp và thời gian học Pháp cố định. Tôi quyết định tham gia một nhóm học Pháp vào buổi sáng và đọc một bài giảng Chuyển Pháp Luân trước khi đi làm. Sau 9h30 tối, tôi tự đọc thêm một bài giảng nữa. Vào cuối tuần, ngoài việc học Chuyển Pháp Luân, tôi cũng đọc thêm Kinh văn Giảng Pháp tại các nơi của Sư phụ. Khi tôi đã lên kế hoạch, tôi sẽ không sắp xếp bất cứ việc gì khác xen vào thời gian này. Trong khi phát chính niệm, tôi cũng gia cường chính niệm đối với khung giờ cố định trên để có thể duy trì thời gian và chế độ học Pháp của mình. Mặc dù đã hơn sáu năm kể từ khi tôi chuyển ra nước ngoài sinh sống, ngoại trừ những tình huống đặc thù ra thì tôi vẫn kiên trì học hai bài giảng Chuyển Pháp Luân mỗi ngày.
Lên lịch học Pháp cố định cho phép tôi tập trung vào công việc trong các hạng mục truyền thông mà không cần phải bận tâm về việc học Pháp nữa. Khi làm hạng mục, tôi thường phải đảm nhận nhiều công việc. Khi tôi tham gia vào hạng mục Đài truyền hình Tân Đường Nhân với vai trò là một nhà sản xuất chịu trách nhiệm cho một chương trình. Tuy nhiên, tôi được giao phụ trách ba chương trình, và tôi cũng phải chịu trách nhiệm hỗ trợ sáng tạo các chương trình quảng cáo, tin tức truyền thông, biên đạo truyền hình, cũng như đào tạo các nhà quản lý truyền thông.
Vào năm 2016, sau khi rời khỏi hạng mục Tân Đường Nhân, tôi đã nhanh chóng sản xuất hai bộ phim giảng chân tướng. Vào tháng 11 năm 2017, trong khi vẫn đang làm việc cho trung tâm tin tức và sản xuất các phân đoạn video trên YouTube, tôi tiếp tục tham gia vào Đài Phát thanh Hi vọng, và đã sản xuất một bộ phim tài liệu khác phơi bày ‘vụ tự thiêu giả trên quảng trường Thiên An Môn’. Những bộ phim này hiện đang được mọi người chia sẻ rộng rãi ở cả Trung Quốc và hải ngoại. Một số bộ phim thậm chí đạt được vài triệu lượt xem trên trang web nước ngoài.
Việc duy trì học Pháp là bảo chứng lớn nhất để tôi có thể bình ổn thúc đẩy các hạng mục này. Mỗi khi tâm thái tôi trở nên bất ổn, hoặc chịu nhiều can nhiễu, tôi sẽ bắt đầu tăng cường lượng học Pháp và thời gian phát chính niệm. Mỗi khi khổ nạn biến thành hảo sự, sự kiên định vào Pháp càng ngày càng bén rễ sâu hơn trong tâm tôi.
Mặc dù tôi rất chú trọng vào việc học Pháp, nhưng tôi cảm thấy rằng khi tiến trình Chính Pháp tiến về phía trước, thì yêu cầu đối với học viên cũng ngày càng cao hơn. Đồng thời, tôi cũng phải đối mặt với một vấn đề nghiêm trọng, đó là những can nhiễu đến việc học Pháp của tôi ngày càng gia tăng.
Đặc biệt là từ sau năm 2019, tôi nhận thấy rõ hai vấn đề đang can nhiễu nghiêm trọng đến việc học Pháp của tôi. Đầu tiên là tôi không thể tập trung khi học Pháp. Để xử lý tình huống này, tôi đã thử nhiều phương pháp, bao gồm việc làm bản thân tĩnh lại trước khi học Pháp và giảm tốc độ học Pháp của mình lại.
Tuy nhiên, những phương pháp này không thể giải quyết việc mất tập trung khi học Pháp. Vấn đề thứ hai là tôi không thể học Pháp nhập tâm. Khi tôi học Pháp, thường là sau khi đọc một đoạn, mặc dù tôi không mất tập trung, nhưng tôi không biết mình vừa đọc cái gì. Đôi khi, tôi phải đọc đi đọc lại nhiều lần đoạn Pháp đó.
Trạng thái học Pháp không tốt đã gây ra một số can nhiễu cho tôi vào năm 2019. Cơ thể tôi xuất hiện ‘các triệu chứng nghiệp bệnh’ như toàn thân vô lực, cảm thấy đau tức và khó thở. Thông qua việc học Pháp lượng lớn và liên tục phát chính niệm luân phiên trong vài giờ, các ‘triệu chứng’ này đã biến mất. Tuy nhiên, trạng thái tu luyện của tôi về cơ bản là không có gì thay đổi.
Vì vậy, tôi bắt đầu phản tỉnh và hướng nội. Đầu tiên tôi lĩnh ngộ được một số điều: đó là tôi đã tu luyện đến phần bề mặt nhất của mình. Càng ra đến bề mặt thì càng khó tĩnh tâm học Pháp, cũng như càng khó học Pháp nhập tâm. Mặt khác, phần mà tôi tu được tốt đã hoàn toàn bị cách khai ra. Nhưng tôi không dám chắc liệu đây có phải là hiện tượng xảy ra khi một người tu luyện tới tầng bề mặt hay không.
Tôi tự hỏi liệu mình có nên học thuộc Pháp không. Học thuộc Pháp sẽ không xuất hiện vấn đề mất tập trung, cũng như học Pháp không nhập tâm nữa. Trước đây tôi đã thử học thuộc Pháp nhưng thường cảm thấy rất khó để kiên trì. Đồng thời, tôi luôn có tư tưởng bất chính rằng bản thân mình đang rất bận rộn với các hạng mục truyền thông, trong khi việc học thuộc Pháp đòi hỏi rất nhiều thời gian, bởi vậy tôi không có nhiều thời gian để học thuộc Pháp. Hơn nữa, việc ghi nhớ được toàn bộ cuốn sách là rất khó. Tôi thấy rằng tất cả những suy nghĩ này thực sự là chướng ngại đối với việc học thuộc Pháp mà tôi tự đặt ra cho bản thân mình. Sau đó, tôi đã tham dự một buổi giao lưu tâm đắc thể hội tu luyện, trong đó có một học viên đã chia sẻ về quá trình ba năm trong một nhóm học thuộc Pháp của anh ấy, khiến tôi vô cùng xúc động. Vì vậy, tôi đã hạ quyết tâm tham gia nhóm học thuộc Pháp của họ.
Việc tham gia nhóm học thuộc Pháp này mỗi ngày giúp tôi thu hoạch được những lợi ích rất lớn. Đầu tiên, hai vấn đề lớn là mất tập trung và không thể học Pháp nhập tâm đã được giải quyết. Tôi sẽ không thể học thuộc Pháp nếu tôi mất tập trung. Vì vậy, khi tôi đọc Pháp, từng câu từng câu đều đả nhập vào đầu não tôi và tôi cảm thấy mình đang liên tục được đồng hóa với Pháp. Đó là một cảm giác rất mĩ hảo. Mặt khác, khi mức độ quen thuộc với đoạn Pháp đạt đến một trình độ nhất định, thì nội hàm bên trong của Pháp tự nhiên triển hiện xuất lai trước mắt tôi. Tất nhiên, tôi không mang theo tâm hữu cầu trong khi học thuộc Pháp. Tôi chỉ đơn giản là học thuộc Pháp và nhiều tầng nội hàm thâm sâu hơn sẽ triển hiện ra. Đây là điều mà tôi chưa bao giờ nghĩ rằng sẽ xảy ra.
Trước đây, tôi có một quan niệm rằng thông qua việc đọc các bài giảng Pháp tại các nơi của Sư phụ có thể giúp tôi minh bạch thêm nhiều Pháp lý. Nhưng hiện tại, sau khi trải qua việc học thuộc Pháp hơn một năm, tôi không còn suy nghĩ như vậy nữa. Tôi phát hiện rằng nội hàm của Chuyển Pháp Luân quả thực phi thường thâm sâu.
Sư phụ giảng:
“Tầng càng cao, thì nhìn thấy được vi quan càng lớn hơn”. (Bài giảng thứ tám, Chuyển Pháp Luân)
Có một lần khi tôi học thuộc Pháp, tôi đột nhiên lý giải được tầng nội hàm khác của câu này. Tôi chợt minh bạch về trạng thái mà các vị Thần nhìn vào vũ trụ này, nó vô cùng huyền diệu. Trước đây, tôi cho rằng bài giảng thứ hai của cuốn Chuyển Pháp Luân chủ yếu là nói về các công năng đặc dị của con người. Nhưng bây giờ, tôi phát hiện ra bài giảng thứ hai giảng rất nhiều về vũ trụ, không gian và thời gian, với nội dung vô cùng phong phú. Bằng cách này, thể ngộ của tôi về Pháp ngày càng sâu rộng hơn.
Tôi cũng kiến nghị các học viên có chủ ý thức không mạnh nên học thuộc nhiều lần phần “Chủ ý thức phải mạnh” trong cuốn Chuyển Pháp Luân vì điều này sẽ gia cường chủ ý thức của bạn và bài trừ các can nhiễu ngoại lai. Đôi khi, tôi cảm thấy tự ngã của bản thân bắt đầu bành trướng và tôi không nghĩ đến cảm thụ của người khác, lúc đó tôi sẽ liên tục ghi nhớ một câu trong phần “Đề cao tâm tính” trong cuốn Chuyển Pháp Luân.
Sư phụ giảng:
“Bình thường chư vị luôn luôn bảo trì trái tim từ bi, [bảo trì] tâm thái hoà ái; [khi] gặp vấn đề thì sẽ xử lý được tốt, bởi vì nó có một khoảng hoà hoãn. Chư vị luôn từ bi, lấy Thiện đãi người, làm việc gì đều luôn luôn cân nhắc đến người khác, mỗi khi gặp vấn đề thì trước hết nghĩ rằng: ‘Việc này đối với người khác có thể chịu được không, đối với người khác có phương hại gì không’; như vậy sẽ không xuất hiện vấn đề gì. Do đó chư vị luyện công cần theo tiêu chuẩn cao, tiêu chuẩn cao hơn nữa mà yêu cầu bản thân”. (Bài giảng thứ tư, Chuyển Pháp Luân)
Sau khi ghi nhớ nhiều lần đoạn Pháp này, tôi phát hiện ra đối với các sự tình, bản thân tôi liền có thể cân nhắc vì người khác trước.
Trên đây là một vài thể ngộ của tôi về việc học Pháp và học thuộc Pháp. Do tầng thứ tu luyện cũng như thể ngộ về Pháp còn hữu hạn, nếu có chỗ nào thiếu sót, mong các đồng tu từ bi chỉ rõ.
Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên Minghui.org đều thuộc bản quyền của trang Minh Huệ. Khi sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, vui lòng ghi lại tiêu đề gốc và đường link URL, cũng như dẫn nguồn Minghui.org
Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2021/8/13/429286.html
Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2021/9/3/194902.html
Đăng ngày 08-10-2021; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.